Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Nghe và thấy

Nghe và thấy
Con người sinh ra có hai cái tai và hai con mắt. Mắt và tai đều kết hợp với nhau theo từng cặp đôi. Mắt mệnh danh là Cửa sổ tâm hồn, còn tai bất động, lặng thinh, nhưng đây chính là lối dẫn vào tâm hồn.
Thế giới tâm hồn vốn là một vùng mênh mông, bí hiểm, đầy bất trắc. Nó liên kết với bên ngoài thông qua các giác quan. Nói cách khác, giác quan là những cánh cổng đi vào nội giới. Trong đó, tai và mắt đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chúng là hai cơ quan tiếp sóng phát thanh và truyền hình thuộc kênh nghe - nhìn tổng hợp. Tai tiếp nhận dữ liệu bằng âm thanh, từ ngôn ngữ thiên nhiên, như tiếng gió, tiếng mưa, tiếng sóng, tiếng rì rào của lá… đến ngôn ngữ loài vật và những âm thanh thuộc nền văn minh loài người. Việc tiếp xúc thường xuyên với loại âm thanh nào có khả năng cung cấp thông tin liên quan đến trường sinh thái bên trong tâm hồn. Nhà trị liệu học âm nhạc Nhật Bản Naozumi Yamamoto trong tác phẩm “Thuốc âm nhạc kỳ diệu” từng nhắc đến phương pháp “chuyển hóa xúc cảm” và nhấn mạnh: “nếu có thể biết lúc nào nghe nhạc gì thì cuộc đời sẽ vui gấp 10 lần”.
Vào thời Phong kiến, âm nhạc xếp vị trí thứ 2 trong cơ cấu 6 môn học, gọi chung là Lục nghệ, gồm: lễ, nhạc, xạ (bắn cung), ngự (cưỡi ngựa), thư (văn học, lịch sử), số (toán). Trên cơ sở bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức liên quan tới nghệ thuật âm nhạc nhằm nâng cao khả năng tiếp nhận của cơ quan thính giác. Theo quan niệm Nho giáo, cùng với lễ, nhạc cũng là một biện pháp tu thân. Còn theo quan niệm Phật giáo, việc học khởi đầu bằng cách lắng nghe: “Văn”. Đặt trong mối quan hệ hữu cơ với Tư (suy tư) và Tu (tu hành). “Văn” chính là bước chập chững đầu tiên, một nấc thang cần phải đi qua để tiến lên tòa thành Giác ngộ trong quá trình tu tập. Học lắng nghe một cách chuyên cần, đúng phương pháp góp phần nâng cao khả năng nhận biết của thính giác, từ đó vươn tới trình độ “Văn huệ”, nghe một cách có trí tuệ.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nói “nghe thấy”, cũng giống như “nhìn thấy” vậy. Đối tượng của nghe và nhìn có thể giống nhau, nhưng thành quả “thấy” được của việc nghe và nhìn lại rất khác nhau. Trên cơ sở kế thừa thành quả của “nghe thấy” (Văn huệ), sự suy tư có điều kiện vận hành hiệu quả, có khả năng đạt tới “Tư huệ”, trí tuệ trong việc suy tư. Sau cùng là Tu, tìm kiếm chân lý, chứng đắc những điều nghe thấy, nghĩ ra (Văn huệ, Tư huệ) bằng phương pháp nghiệm sinh, lấy mình ra làm thí nghiệm nhằm đạt tới cảnh giới giác ngộ.
Xét dưới nhiều góc độ, đôi tai chính là vị “phán quan” phê duyệt thông tin, dữ liệu âm thanh. Nó như cánh cổng kiểm soát, bảo vệ nội giới. Nếu một người thường ngày phải nghe tiếng ồn, nói nhảm, âm nhạc thảm họa… chắc chắn tâm hồn sẽ bị ảnh hưởng, hoen ố, ô nhiễm, thậm chí tổn thương, gây xáo trộn tâm lý. Ngược lại, môi trường bên ngoài là văn hóa, xã hội tập trung, bủa vây bởi tiếng ồn, tệ nạn… cũng tác động, ảnh hưởng âm thầm tới cơ quan thính giác cùng thế giới nội tâm.
Trên thực tế, tất cả giác quan đều cần được học tập, rèn luyện, không chỉ dừng lại ở trí tuệ. Một người có trí tuệ về thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác… không những giúp thỏa mãn nhu cầu hấp thu, mà còn hướng đến sự lựa chọn minh triết, cao hơn là năng lực phân biệt tinh tế và sáng tạo. Một đất nước mà công dân có trí tuệ về giác quan, trình độ thẩm mỹ tốt, cái xấu không có nhiều cơ hội tồn tại, âm nhạc thảm họa không còn nhiều dư địa phác tác. Bởi, tất cả thứ đó đều nương nhờ giác quan. Nâng cao trình độ thẩm mỹ của đôi tai sẽ tạo tiền đề cho những âm thanh có giá trị đi qua và đọng lại.
Xét về độ nhạy, độ thính, giác quan con người không hơn gì con vật. Điểm khác biệt của chúng ta nằm ở tính định hướng mang ý nghĩa, biểu trưng văn hóa. Chẳng hạn, mắt người tuy kém tinh tường hơn mắt đại bàng, diều hâu… nhưng lại biết thưởng thức hội họa, phim ảnh, cái đẹp trong thế giới hình sắc; tai người không thính hơn tai chó, tai dơi, nhưng có khả năng nắm bắt cái hay, cái đẹp của nghệ thuật âm thanh. Xét ở khía cạnh này, cơ quan thính giác con người luôn mang thuộc tính văn hóa. Nó liên quan mật thiết với các giác quan khác và chịu sự chi phối bởi hệ điều hành chung là bộ não, thông qua luật giá trị để điều tiết toàn hệ thống. Bởi vậy, rèn luyện mắt tinh, tai thính… luôn song hành với nâng cao nhận thức, trình độ thẩm mỹ, tu dưỡng đạo đức. Từ bản chất, thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác, vị giác… đều liên quan mật thiết với tình cảm, trí tuệ, đạo đức, văn hóa, thẩm mỹ. Phẩm chất của các giác quan không thể đo lường bằng máy móc cơ giới. Vì, chúng vận hành theo sự mách bảo của trái tim và khối óc. Ngoài ra, giữa các giác quan còn có rất nhiều lớp cửa đóng mở vô cùng phức tạp. Như chúng ta biết, nhạc sĩ thiên tài người Đức Lutvich Van Beethoven, người Tiệp Bedrich Smetana bị điếc. Song, họ vẫn sáng tạo nên những tuyệt phẩm bất hủ ở lĩnh vực nghệ thuật thuộc về thính giác. Bởi, bộ phận thính giác bị hỏng nằm ở “lớp cửa” tiếp nhận âm thanh, còn khu vực tàng trữ, phân định, phán xét và sản xuất âm thanh vẫn hoạt động tốt.
Đôi tai tốt không chỉ biết rung động trước cái đẹp, mà còn biết loại trừ cái xấu, đồng cảm với cái bi, thấu hiểu những gì nghe được và nghe thấy. Trong tín ngưỡng dân gian, Quan Thế Âm Bồ Tát thị hiện bằng hình ảnh người Phụ nữ (Mẹ hiền) có nghìn mắt nghìn tay. Sở dĩ Quan Thế Âm có nhiều mắt, nhiều tay như vậy là vì ngài rất bận rộn.
Xuất phát từ hai kênh tiếp nhận thông tin nghe - nhìn (quan sát những âm thanh nơi thế gian) của Bồ Tát vô cùng nhạy bén, nên để thực thi chức năng, nhiệm vụ “Từ bi”, Bồ Tát cần huy động đến nhiều mắt và tay. Vị hải thần Thiên Hậu Thánh Mẫu trong tín ngưỡng người Hoa cũng có hai tùy tùng là Thuận Phong Nhĩ và Thiên Lý Nhãn chuyên về chức năng tiếp nhận thông tin nghe, nhìn, từ đó Thiên Hậu mới có thể ra tay cứu giúp người đi biển một cách nhanh chóng, kịp thời.  
Nâng cao phẩm chất cơ quan thính giác vừa giúp con người nắm bắt, xử lý thông tin bằng âm thanh hiệu quả, vừa hướng tới mục tiêu đẩy lùi cái xấu khỏi môi trường văn hóa. Nói chung, cái xấu không hoàn toàn biến mất, nhưng sẽ tự sinh tự diệt trong điều kiện khả năng phòng vệ của giác quan được nâng cao. Công việc này khởi đầu từ giáo dục và kết thúc trong văn hóa. Con người ở xã hội văn minh, tiến bộ không chỉ nhìn thấy những công trình nguy nga, tráng lệ, mà còn phải biết lắng nghe cả những tiếng thì thầm bên tai.
Lê Hải Đăng 
Nguồn: www.hoinhacsi.vn
Theo http://www.hoiamnhachanoi.org/



1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...