Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Nhạc sĩ Văn Dung - Một chặng đường âm nhạc

Nhạc sĩ Văn Dung - Một chặng đường âm nhạc
Nền âm nhạc Việt Nam, từ thời tân nhạc (khoảng năm 1938) cho đến nay, đã có diện mạo khá đầy đủ về cả những gương mặt nhạc sĩ với những tác phẩm khí nhạc và thanh nhạc. Đối với phần thanh nhạc thì những ca khúc viết về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc của quân và dân ta, làm nên chiến thắng vẻ vang,  giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Có một điều đặc biệt là phần lớn các nhạc sĩ nổi tiếng có nhiều ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng lại đồng thời là những phóng viên, biên tập viên đã từng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Công chúng yêu nhạc đã biết tới tên tuổi của các nhạc sĩ như: Phạm Tuyên, Lưu Cầu, Lê Lôi, Hồ Bắc, Trần Chung, Vũ Thanh, Phan Nhân, Thế Song, Cát Vận, Văn Dung…Trong bài viết này xin giới thiệu một trong số những nhạc sĩ nổi tiếng đó, chính là nhạc sĩ Văn Dung.
Chân dung nhạc sĩ Văn Dung 
Nguồn: Nguyễn Thị Minh Châu
Nhạc sĩ Văn Dung sinh ngày 15 tháng 1 năm 1936, quê ở Hà Nội. Ông nguyên là Trưởng phòng Ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam và hiện nay là Chủ tịch danh dự của Hội Âm nhạc Hà Nội. Nhạc sĩ Văn Dung đã tốt nghiệp trường Báo chí Trung ương (Phân hiệu II của Trường Nguyễn Ái Quốc). Cuối năm 1960, ông về công tác tại Ban Công nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam. Một thời gian sau, nhạc sĩ Cầm Phong đề nghị nhạc sĩ Văn Dung tham gia làm Biên tập âm nhạc. Đây là công việc đòi hỏi sự năng động, cần có chuyên môn sâu về âm nhạc, phông văn hóa rộng để chuyển tải những thông tin, kiến thức âm nhạc và phản ánh thực trạng đời sống nghệ thuật, kết hợp với nghiệp vụ về phát thanh để có được những chương trình sinh động hấp dẫn các thính giả trên cả nước. Vì vậy, nhạc sĩ Văn Dung đã không ngừng học hỏi, trau dồi những kiến thức âm nhạc từ các nhạc sĩ đồng nghiệp đi trước như nhạc sĩ Hoàng Vân, Ca Lê Thuần, Nguyên Xinh và các đồng nghiệp trong Ban biên tập Âm nhạc Đài tiếng nói Việt Nam… Trong bối cảnh thời đó đang còn nhiều khó khăn, đất nước ta tiếp tục giải phóng miền Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhưng đây chính là môi trường thuận lợi để nhạc sĩ Văn Dung có nhiều chuyến đi thực tế tới các công trường xây dựng trên những tuyến lửa ở miền Trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị...
Trong những năm từ 1965 đến 1971, nhạc sĩ Văn Dung đã có dịp đi thực tế sáng tác ở Thanh Hóa, Khe Sanh (Quảng Trị), đường Trường Sơn, Đường 9 Nam Lào. Từ đó, nhạc sĩ Văn Dung đã viết: Giải phóng quân ta ra đi (1965), Tiến về Khe Sanh (1968), Đường Trường Sơn xe anh qua, Bài ca Đường 9 chiến thắng (1971)... Tiếp theo, nhiều ca khúc viết về các ngành nghề khác nhau, về những vùng miền khác nhau đã ra đời. Về công nghiệp có: Vinh quang công nhân Việt Nam, Trở về Bỉm Sơn…; về nông nghiệp có: Hương lúa chiêm xuân, Nông trường ta yêu…; về khai thác than có: Tình ca đất mỏ; về môi trường có: Vì một hành tinh xanh, Em với rừng Hoàng Liên; về biển đảo có: Chiều xa thành phố cảng… Bên cạnh đó nhạc sĩ Văn Dung còn có những ca khúc dành cho lứa tuổi thiếu nhi và được các cháu yêu thích như: Em đố mẹ em (1965), Chim chích bông (1980).
Nguồn: internet
Ngược lại dòng thời gian, trở lại với những năm tháng làm công tác Biên tập âm nhạc tại Đài TNVN, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã có đôi điều cảm nhận về nhạc sĩ Văn Dung như sau: “Trước khi về công tác tại Đài TNVN thì nhạc sĩ Văn Dung là một nhà báo. Nhưng môi trường đó đã tạo cho nhạc sĩ Văn Dung và nhiều nhạc sĩ khác có điều kiện đi thực tế và có những cảm xúc để sáng tác. Với góc nhìn của một nhà báo luôn bám sát những sự kiện thực tế của đất nước để chuyển tải vào bài hát là một trong những bản sắc riêng của nhạc sĩ Văn Dung. Sau mỗi chuyến đi, nhạc sĩ Văn Dung đều để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với anh em và đối với đồng bào, để từ đó nhiều bài hát mới lại ra đời, phản ánh đời sống của Nhân dân lúc bấy giờ. Nhạc sĩ Văn Dung có một trí nhớ rất đặc biệt, từ những kỷ niệm với các đồng nghiệp và với đồng bào ông đều ghi nhớ. Đối với nghệ sĩ nói chung thì nhạc sĩ Văn Dung có mối quan hệ rộng rãi, thân thiết và gần gũi…”.
Trong những năm tháng chiến tranh, nhiều chiến sĩ đồng thời cũng là những nhạc sĩ, nghệ sĩ đã trải dài những bước chân anh dũng vượt qua các tuyến lửa trên đường Trường Sơn -con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, trong đó có nhạc sĩ Văn Dung. Dường như nhạc sĩ đã mang trong mình một sứ mệnh thiêng liêng, cao cả, nhưng cũng hết sức giản dị để phác họa lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, những tấm gương anh dũng hy sinh, những cô gái thanh niên xung phong đã sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân của mình vì độc lập dân tộc. Đó là những hình ảnh có thật được ghi lại bằng những cung bậc âm thanh, chuyển hóa thành hình tượng âm nhạc mang tính lịch sử để trở thành những bài ca có sức sống vượt không gian, thời gian, đi cùng năm tháng.
Mỗi lần chia sẻ trải nghiệm của mình với thế hệ trẻ, nhạc sĩ Văn Dung thường nói: “Để có một ngày chúng ta được sống trong thanh bình là phải đổi bằng xương máu của bao thế hệ tuổi trẻ Việt Nam. Thời của những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh ấy đối với tôi còn nhiều hơn cả cái gọi là kỷ niệm, nó trở thành một phần đời với nỗi ám ảnh khôn nguôi về sự hy sinh mất mát. Tôi đã thể hiện trong từng cung bậc của các bài hát, giai điệu và hôm nay khán giả còn nhớ được những bài hát ấy thì với tôi là sự hy sinh của biết bao thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trên những con ra trận, con đường Trường Sơn”.
Nguồn: internet
Dường như những ca khúc của nhạc sĩ Văn Dung là những trang nhật ký sống động, ghi lại những câu chuyện và hình ảnh trong đời sống mà ông đã từng trải nghiệm để chuyển hóa thành hình tượng âm nhạc, lời ca. Một bài hát nữa không thể không nhắc tới, đó là: “Hành khúc thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh”. Đây là một khúc tráng ca về thế hệ thanh niên đầy hào hùng, căng tràn sức sống của tuổi trẻ, nhưng giai điệu, tiết tấu vẫn mang đậm âm hưởng trữ tình. Bài hát này được hoàn thành vào năm 1970, lúc đó Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam đã phát động phong trào sáng tác ca khúc cho thanh niên, nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thành lập Đoàn (26/3/1931-26/3/1971). Vào thời điểm đó cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, vì vậy các loại hình nghệ thuật, trong đó có âm nhạc đã tập trung phản ánh đề tài này. Khi đó, thế hệ thanh niên đang náo nức lên đường ra trận và xây dựng đất nước, vì vậy, chỉ trong ba giờ đồng hồ, nhạc sĩ Văn Dung đã hoàn thành bài hát này. Sau đó tác phẩm đã được dàn dựng và trình bày bởi hơn 1.000 học sinh, sinh viên trong lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đoàn được tổ chức vào ngày 26/3/1971 tại sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội.
Một ca khúc nổi tiếng nữa của nhạc sĩ Văn Dung đã trở nên gần gũi, quen thuộc với công chúng yêu nhạc, đó là: “Những bông hoa trong vườn Bác”. Với âm hưởng, lời ca thật sâu lắng, trong đó là những tình cảm thật giản dị, chân thành của nhạc sĩ về Bác Hồ kính yêu. Riêng về phần giai điệu của bài hát này, nhạc sĩ Văn Dung rất tâm đắc và coi đó như một khúc romance - một bản tình ca nhẹ nhàng, sâu lắng.
Đối với nhạc sĩ Văn Dung, trong sáng tác âm nhạc ông luôn quan niệm rằng: “Không có gì là cảm xúc cụ thể, đo đếm ở cung bậc mà chỉ còn lại những điều người ta cảm nhận trước cuộc sống hiện hữu và không hiện hữu.” Nhạc sĩ Tân Huyền - người bạn thân thiết với nhạc sĩ Văn Dung đã nói: “Anh là người lữ hành không mệt mỏi, đi tìm cái hay, cái đẹp, tìm về chính mình trong cõi sâu thẳm của tâm thức thanh âm. Với anh, âm nhạc không đo đếm ở cung bậc, anh chỉ là người ghi chép cuộc sống hiện thực và không hiện thực bằng những âm thanh không biết từ đâu ùa vào, tràn ngập mạnh mẽ và dịu dàng, để còn lại và chẳng còn lại những gì mà anh cứ miệt mài suốt một chặng đường đời.”
Trong kháng chiến, nhạc sĩ là người ghi chép lại hiện thực sống giàu cảm xúc hình ảnh của cuộc kháng chiến đầy gian khó và hy sinh của quân và dân ta trong cả nước trong sự nghiệp kháng chiến giữ nước. Trong hòa bình dựng xây thì đi vào đời sống để tìm cái hay cái đẹp của cuộc sống.
Có thể nói, những cung bậc tình cảm trong ca khúc của nhạc sĩ Văn Dung thật đa sắc màu, được tiếp cận ở những góc nhìn về các đề tài khác nhau. Đó là những thanh âm trong tâm thức của người nghệ sĩ tài hoa, có chiều sâu về văn hóa dân tộc, mang nhiều trải nghiệm thực tế với sự hồn nhiên trong tình yêu chân thành để trải lòng với cuộc đời này. Có điều đặc biệt, từ trước đến nay nhạc sĩ Văn Dung chỉ nhận mình là một nhà báo, trong khi đó những ca khúc của ông đã có sức sống vượt không gian và thời gian, trở thành những bài ca đi cùng năm tháng, được đông đảo công chúng yêu âm nhạc đón nhận. Đồng thời những ca khúc của ông còn là kho tư liệu quý giá trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Khi nhắc tới nhạc sĩ Văn Dung, nhạc sĩ Cát Vận đã nói: “Nhạc sĩ Văn Dung rất có năng khiếu về mặt âm nhạc. Chính sự nhanh nhạy của một nhà báo đọc nhiều, đi nhiều, hiểu nhiều, có mối quan hệ rộng rãi, đã cho nhạc sĩ một lượng thông tin và cảm xúc nhất định để viết báo và sáng tác âm nhạc”. Nhạc sĩ Huy Du cũng đã từng nói: “Nhạc sĩ Văn Dung “chơi” với cả thiên hạ. Làm công tác văn hóa nghệ thuật luôn phản ánh những điều tốt đẹp của quá khứ và hôm nay đã cho thêm năng lực sáng tạo. Những bài báo và ca khúc của nhạc sĩ Văn Dung có tác dụng rất lớn với đời sống thực. Ông thuộc nhiều thể loại văn học nghệ thuật và trong tác phẩm của ông đầy hình tượng cuộc sống, đầy hình tượng thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước. Trong giai điệu có gì đó rất riêng biệt và đa dạng…”.
Nguồn: internet
Nhạc sĩ Văn Dung hiện đang là Chủ tịch danh dự của Hội Âm nhạc Hà Nội. Trong thời gian còn giữ vai trò là Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, ông đã lên ý tưởng tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi hội tụ nhiều nhạc sĩ lớn tuổi tham gia. Đó là các chương trình “Giới thiệu tác phẩm mới” hoặc trao đổi về con đường âm nhạc của các nhạc sĩ là hội viên, trao đổi những thông tin âm nhạc, tham gia các trại sáng tác hay đi thực tế sáng tác cho nhiều ngành nghề khác nhau. Đây là khối lượng công việc lớn và nhiều áp lực so với những nhạc sĩ đã nhiều tuổi. Tuy nhiên, lòng yêu nghề, tính cách trẻ trung, vui vẻ hòa nhã và đầy trí tuệ đã giúp nhạc sĩ Văn Dung tổ chức thành công các hoạt động đó. Đối với các nhạc sĩ trẻ, ông luôn có sự quan tâm và nhiệt tình, trong việc trao đổi những kinh nghiệm và cách tiếp cận những vấn đề văn hóa nghệ thuật trong cuộc sống để đưa vào sáng tác ca khúc. Với những đóng góp cho đời sống xã hội, cho quần chúng nhân dân qua nhiều ca khúc nổi tiếng, nhạc sĩ Văn Dung đã ghi danh tên tuổi của mình một cách xứng đáng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Ông đã được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I năm 2001.
Nguồn: internet
Những ai đã từng được gặp gỡ với nhạc sĩ Văn Dung đều có những ấn tượng tốt đẹp. Mỗi lần gặp ông đều có những điều thú vị để cùng chia sẻ. Có thể là một bài hát mới sáng tác, một bài báo hay một tứ thơ mới để đọc, một tác phẩm âm nhạc kinh điển hay để cùng bàn luận hoặc thậm chí là về một người bạn mà ông mới gặp lại... Đã bước qua tuổi 80 nhưng lúc nào ông cũng bận rộn với nhiều công việc và không bao giờ ngừng lại. Dường như âm nhạc luôn là nguồn sống của ông. Những chiêm nghiệm, những suy tư tình cảm của ông đối với mỗi con người, với thiên nhiên, với vạn vật trong đời sống luôn là những mạch nguồn cho giai điệu âm nhạc, lời ca được hình thành như mầm xanh của cuộc sống vươn lên kỳ diệu.
Nguyễn Tiến Mạnh
Theo http://www.hoiamnhachanoi.org/

1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...