Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Hoa cỏ may

Hoa cỏ may
Thủa ấy, lưng đồi bên lớp học ngoài những gốc sim, bụi mua là rừng cỏ may nhiều vô kể. Nhớ lại thời đó, mỗi khi tan học sớm tôi lại cùng lũ bạn rủ nhau lên đồi hái sim, bứt hoa. Và cứ mỗi lần như thế đứa nào đứa nấy lại bị hoa cỏ may găm đầy vào tay áo, vạt áo và đôi ống quần. Những quả cỏ may nhỏ xíu xiên qua lớp vải, châm vào da thịt sao mà vừa đau vừa rặm. Tháng năm dần trôi, bạn bè mỗi người một ngả, bây giờ chẳng biết có ai còn nhớ về cái rừng cỏ may trên lưng đồi khi ấy. Với tôi, cho đến một ngày, khi hiểu được những vần thơ: “Hồn anh như hoa cỏ may/ một chiều gió cả bám đầy áo em” (Nguyễn Bính), “Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may/ Áo em sơ ý cỏ găm đầy” (Xuân Quỳnh), “Trăng vàng đêm ấy bờ đê/ Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may” (Phạm Công Trứ), “Một hôm em bỏ chuỗi cười/ Ra đi để lại khoảng trời pha lê/ Lòng tôi hôm ấy buồn ghê/ Đâu còn em gỡ tóc thề cỏ may” và “Lạnh nghe cơn gió bấc lùa/ Cỏ bông may dệt tím mùa nhớ thương” (Lưu Vĩnh Hạ) thì mới ngộ ra rằng loài hoa cỏ ấy đã trở thành duyên nợ, giống như một miền cổ tích nguyên sơ chẳng thể nào phôi pha trong kí ức thủa học trò.
Cỏ may sinh ra vốn chẳng được cưng chiều trong chốn hoa viên, không được các đấng mày râu hay cánh quần hồng áo tía chiều chuộng, vuốt ve, chăm sóc vun trồng. Cỏ may chẳng có ai trồng; chẳng có ai cắt cành, tỉa lá, bới sâu... Hoa cỏ ấy cứ đến mùa quả chín chỉ cần một làn gió thoảng là những hạt may tách vỏ bay đi khắp muôn nơi để nảy mầm, ra lộc vươn lên thành cây, từng chùm, từng đám ở bất kể nơi nào, từ đất đá khô cằn bên đường đến những nơi bờ bãi, gò đống, đất hoang. Cứ thế, cỏ may bám chặt mặt đất lan ra mọi nơi, hít thở khí trời và cam chịu sự dẫm đạp của thế nhân cùng bao lời oán trách. Cỏ may nhẫn nại, chịu đựng không một lời ca thán. Cỏ vẫn cứ lặng lẽ, khiêm nhường vươn lên bất chấp giông gió hay bão bùng dữ dội để phủ xanh đất sỏi khô cằn, che đậy cho những khiếm khuyết của đất mẹ yêu thương và tô điểm cho đời bằng cái sắc tím nhàn nhạt của bông hoa phất phơ trong gió nơi đầu bãi, bờ đê, ruộng hoang, đồi trọc... Thế đấy, so với các loài hoa cỏ khác có lẽ hoa cỏ may phải chịu duyên phận thiệt thòi. Phải chăng vì sống hoang dã lại kém sắc ít hương nên loài hoa cỏ ấy đã bị người đời ghét bỏ, xa lánh. Âu đó cũng là số kiếp mà tạo hóa đã bất công bày đặt. 
Tạo hóa sinh ra vốn đã vậy nên cỏ may cứ phải nhẫn nại để sinh tồn. Hình như, vẻ hồn nhiên và không bao giờ biết tự ti ấy đã giúp cho cỏ may vượt lên tất cả. Trong cái tiết trời lành lạnh của mùa gió heo may cuối thu, đầu đông lưng đồi cỏ may thi nhau trổ hoa kết quả. Những quả cỏ may thô ráp nhưng mẩy căng, tràn trề nhựa sống lả lướt, rung rinh trước chàng gió phong tình vừa gợi lên một vẻ đẹp hoang sơ vừa làm cho cảnh vật trở nên sinh động hữu tình. Mỗi khi như thế bất cứ ai ngang qua vùng hoa cỏ may hẳn là những ống quần hay vạt áo sẽ bị hoa cỏ găm đầy.
Và tất nhiên lúc đó người ta cũng dễ phát sinh một cảm giác bực bội, khó chịu không nhỏ với những vị khách không mời mà cứ quấn vào, cứ xà vào; bám chặt trên tay áo ống quần. Có lẽ, tức thời bực dọc thì vậy thôi còn thì trong sâu thẳm loài người cũng rất thấu hiểu và cảm thông với phận hẩm duyên nghèo của những bông cỏ may. Dường như cảm thông bao nhiêu người ta lại thương cỏ may bấy nhiêu. Bởi thế, người ta mới chiêu tuyết cho cái hành động đeo bám của cỏ may bằng một sự tích vô cùng cảm động và cũng rất dễ thương. Đó là một câu chuyện tình buồn đầy ngang trái của một đôi vợ chồng nghèo. Cứ theo sự tích ấy thì cây cỏ may chính là hiện thân của một nàng tiểu thư xinh đẹp con của một nhà giàu có. Cô gặp trắc trở trong tình duyên do gia đình ngăn cấm nên đã phải đi khắp nơi, hỏi hết muôn người mong tìm người chồng thương yêu nhung nhớ của mình. Bước chân cô đã đi qua bao nẻo đường, đi cho đến khi không thể cất bước lên được nữa, cho đến khi phải nằm lại giữa đường mà lòng vẫn không khỏi khắc khoải chờ mong. Cảm kích trước tình yêu sắt son chung thủy ấy Ngọc Hoàng đã biến nàng thành cây cỏ may và người đời đã gọi hoa của cỏ ấy là hoa tình yêu, một cái tên rất đẹp chứa đựng bao yêu thương luyến ái. Có phải chăng khi gọi hoa cỏ may là hoa tình yêu là người đời cũng đã thấu hiểu, sẻ chia với nỗi bất hạnh của người thiếu phụ nhớ chồng trong những chuỗi ngày gian nan tìm kiếm vất vả. Và cái tên gọi ấy phải chăng cũng là cách để loài người ca ngợi một tình yêu nồng nàn chung thủy của người thiếu phụ. Tình yêu đến chết vẫn không hề nguôi nhớ, vẫn không khỏi mong mỏi, kiếm tìm người thương của loài hoa thô ráp. Thượng đế dường như cũng đã cảm thương với duyên phận của cô gái, với số phận của đôi lứa nên đã hóa thân cho nàng thành loài cỏ may; để bất kể ngày hay đêm có cơ hội là có thể đeo bám, găm đầy vào ống quần hay vạt áo của những ai đi qua với hi vọng được theo đi muôn nơi nhằm tiếp tục hành trình dò hỏi kiếm tìm người chồng thân yêu của mình trong khắp cõi mênh mông của trời đất. 
Cái thân hình mảnh khảnh gầy guộc vươn cao khắc khổ của cỏ may tựa như một thiếu phụ thân xác tàn phai, héo hon, xơ xác. Cánh hoa tim tím, quả may sắc nhọn giống những như muôn vạn mũi kim châm, cứa vào da thịt người qua dễ gây đau đớn, khó chịu gợi lên nỗi đau buốt của một tình yêu sắt son trong xa cách đang gửi vào gió cuốn mây ngàn của người thiếu phụ. Những thân cỏ may giống ấy, sống hết mình yêu thương, thủy chung; chết, hóa thân trong tình yêu bất tử để tiếp tục hành trình che chở cho nhau, nương tựa và nâng đỡ bên nhau. Hoa cỏ may giản dị, mong manh, khiêm nhường trước hương sắc của muôn loài cỏ cây hoa lá. Cứ thế, giữa mênh mông trời đất, cỏ may như cố gom lại chút ít duyên thầm của thanh sắc cùng mùi hương dìu dịu để điểm trang cho những buổi chiều hôm, gọi về những dáng nét hoang sơ nhưng không kém phần lung linh huyền ảo lãng mạn như một khung trời cổ tích.
Cỏ may là thế. Vui buồn ai hay?.  
Đào Thị Thu Hiền
Theo http://phamngochien.com/





1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...