Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Khắc chế lòng tham và dục vọng

Khắc chế lòng tham và dục vọng
Trong “Chính yếu luận” cuốn 47 của “Quần thư trị yếu” có viết: “Tu thân trị quốc dã, yếu mạc đại vu tiết dục. Truyền viết: ‘Dục bất khả tung.’ Lịch quan hữu gia hữu quốc, kỳ đắc chi dã, mạc bất giai vu kiệm ước; kỳ thất chi dã, mạc bất do vu xa xỉ. Kiệm giải tiết dục, xỉ giả phóng tình. Phóng tình giả nguy, tiết dục giả an.”
Đại ý của đoạn này là, trong việc tu thân và trị quốc, điều quan trọng nhất là tiết chế dục vọng bản thân. Trong “Lễ ký” có viết: “Dục vọng bất khả phóng túng.” (Dục vọng không thể phóng túng) Từ cổ chí kim, người lãnh đạo một quốc gia để đạt được thành công thì không thể không cần kiệm; kẻ mất nước thì không một ai không xa xỉ phóng túng. Người cần kiệm biết tiết chế dục vọng, người xa xỉ thì phóng túng dục vọng. Người phóng túng dục vọng sẽ gặp nguy hiểm còn người biết tiết chế dục vọng thì an toàn.
Khắc chế lòng tham và dục vọng là một mỹ đức rất quan trọng đối với việc tu thân, tề gia, trị quốc. Đối với một người mà nói, cần kiệm không chỉ là tu dưỡng bản thân mà còn là cách để giữ cho gia đình yên ấm. Đối với việc quốc gia mà nói, sinh tồn và phát triển đều phải tiết kiệm, đây mới là đạo giúp đất nước thịnh vượng và bền vững. “Lịch lãm tiền hiền quốc dữ gia, thành do cần kiệm bại do xa,” (Nhìn lại những tấm gương của người xưa, thành công là nhờ cần kiệm, thất bại là do xa xỉ). Dưới đây xin chia sẻ với độc giả ba tấm gương của người xưa về việc tiết kiệm.
Hán Văn Đế cần kiệm yêu dân, dùng đức thu phục lòng dân
Hán Văn Đế từ nước Đại chuyển về kinh đô, trị vì hai mươi hai năm nhưng không hề xây thêm cung thất, ngự uyển và sắm sửa thêm trang phục, đồ dùng, có chỗ nào không tốt cho người dân ông đều tiến hành cải cách. Khi dự định tu sửa cung điện, dự toán chi phí là một trăm cân vàng. Hán Văn Đế nói: “Một trăm cân vàng tương đương với sản nghiệp của mười hộ dân, ta đã thừa kế cung điện của tiên đế thì cần gì phải tu sửa cung điện nữa!” Hán Văn Đế thường mặc quần áo vải thô, ngay cả Thận phu nhân mà vua sủng ái cũng không được mặc y phục sát đất, mành rèm không được thêu hoa văn, để thể hiện sự đôn hậu chất phác, làm tấm gương cho thiên hạ. Tu sửa lăng tẩm dùng toàn bộ là đồ gốm sứ, không dùng vàng, bạc, đồng, kim loại làm trang sức, không xây tháp cao để tiết kiệm và đỡ phiền đến bách tính.
Hán Văn Đế rất thương dân, ông hạ chiếu cứu giúp người nghèo khó. Văn Đế còn hạ lệnh: “Người già trên 80 tuổi, mỗi tháng được cấp cho gạo, thịt, rượu; người già trên 90 tuổi, được cấp thêm cho vải bông và gấm. Những người được cấp gạo thì huyện lệnh phải đích thân đi kiểm tra,huyện phó hoặc huyện úy gửi gạo đến nhà; những người già dưới 90 tuổi thì sắc phu, lệnh sử sẽ đi cấp đồ; các quận phải cử ra đô sử thay phiên giám sát các huyện trực thuộc, phát hiện sai trái cần kịp thời xử lý.
Hán Văn Đế trân trọng sức lao động của người dân, làm một vị đế vương thì một trăm cân vàng không phải là con số lớn, nhưng vì nghĩ cho dân nên ông đã bỏ đi suy nghĩ tu sửa cung điện. Ngược lại, Hán Văn Đế có thể thấu hiểu nỗi khổ người dân, chỗ nào cần chi thì điều chỉnh hợp lý, để người dân được hưởng lợi. Tư Mã Thiên đã ca ngợi Hán Văn Đế là “chuyên vụ dĩ đức hóa dân, thị dĩ hải nội ân phú, hưng vu lễ nghĩa.” (Đại ý là hoàng đế nhất tâm nhất ý dùng đạo đức để giáo hóa người dân, nhờ vậy đất nước yên ấm thịnh vượng, mở ra phong trào coi trọng lễ nghĩa.) Thời kỳ “Văn Cảnh chi trị” của Hán Văn Đế và Hán Cảnh Đế đã trở thành một thời kỳ thịnh thế được công nhận trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, Hán Văn Đế được coi là hình mẫu của bậc đế vương hiền minh.
Gia Cát Lượng khuyên con “tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức”
Gia Cát Lượng đã từng nói với Thục hậu chủ tâm nguyện của mình rằng: “Thần tại Thành Đô đã có hàng trăm gốc cây, mười lăm thửa ruộng, cuộc sống con cháu đều dư dả. Thần nhậm chức ở phương xa, không có chi tiêu bên ngoài, y phục và lương thực đã có triều đình cung cấp, nên không cần đến sản nghiệp khác để tích lũy cho gia đình. Đến khi ra đi Thần sẽ không để gia đình có nhiều của cải dư thừa, để không phụ sự ân sủng và tín nhiệm của điện hạ.” Đến khi ông mất quả đúng như lời nói này. Di ngôn của Gia Cát Lượng mệnh lệnh thuộc hạ chôn cất ở núi Định Quân tại Hán Trung, xây mộ dựa theo thế núi, mộ huyệt chỉ vừa đủ quan tài, mặc trang phục bình thường, không chôn cất theo bất cứ vật gì.
Năm xưa Gia Cát Lượng đã từng dạy con trai 8 tuổi là Gia Cát Chiêm thông qua một bức thư viết là: “Phu quân tử chi hành, tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức. Phi đạm bạc vô dĩ minh trí, phi ninh tĩnh vô dĩ chí viễn (Đại ý là: hành vi của người quân tử là liêm chính, cần phải trầm tĩnh để đề cao tu dưỡng bản thân, không loại bỏ can nhiễu ngoại lai thì không thể đạt được mục tiêu cao xa.) Bức thư này chính là “Thư dạy con” nổi tiếng của Gia Cát Lượng. Câu nói “Tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức” của Gia Cát Lượng đã trở thành lời khuyên răn cho hậu thế.
Tư Mã Quang coi trọng tiết kiệm
Tư Mã Quang là người không ham của cải vật chất. Ở Lạc Dương ông có ba thửa ruộng, khi vợ mất, ông đã bán hết ruộng để lo tang sự cho vợ và sống giản dị cho đến cuối đời. Theo “Tống sử”, tổ tiên để lại cho ông của cải trị giá hơn 100 vạn, ông liền dâng tấu chương để đóng góp cho triều đình nhưng không được chấp thuận. Thế là ông liền đem ngọc ngà châu báu làm tiền công cho giám viện, vàng bạc thì tặng cho dân nghèo, ý là không cất giữ tiền tài trong nhà.
Trong bản gia huấn dạy con là Tư Mã Khang, Tư Mã Quang đã viết: “Người có đức hạnh đều bắt đầu từ việc tiết kiệm.
Vì nếu tiết kiệm thì sẽ giảm tham lam, người có địa vị nếu không tham lam thì sẽ không bị cám dỗ bởi vật ngoài thân, có thể đi con đường chính trực. Người không có địa vị nếu không tham làm thì sẽ biết ước chế bản thân, tiết giảm chi phí, tránh phạm tội, giúp cho gia thất êm ấm, sung túc, vậy nên mới nói: ‘Tiết kiệm là đặc điểm cần có ở tất cả các phẩm chất tốt đẹp.’ Nếu xa xỉ thì sẽ tham lam, người có địa vị nếu tham lam sẽ tham luyến phú quý, không đi con đường chính trực và dẫn đến tai họa, người không có địa vị tham lam thì sẽ nghĩ đủ mọi cách, hành động tùy tiện, bại hoại gia phong, tổn hại đến sinh mệnh, bởi vậy người làm quan nếu xa xỉ tất sẽ tham ô hủ bại, dân thường bách tính nếu xa xỉ tất sẽ sinh trộm cắp tiền tài của người khác. Thế nên: ‘Xa xỉ là tội ác lớn nhất.’”
Tư Mã Quang tôn trọng mọi người, tính tình tiết kiệm, chính trực, đối với con cái ông giáo dục rất nghiêm, ông lo lắng những trào lưu không tốt trong xã hội ảnh hưởng đến đời sau nên đã viết ra bản gia huấn này, hy vọng rằng con cháu phát huy truyền thống tiết kiệm, không được xa xỉ lãng phí. Bản gia huấn này chính là “Huấn kiểm thị Khang” được hậu thế biết đến, và thường được mọi người dùng để khuyên răn.
Lời kết
Người có đức hạnh sẽ cố gắng thực hiện cần kiệm, đó là một phẩm hạnh tốt đẹp, được các bậc thánh hiền tôn sùng; xa xỉ lãng phí vô độ sẽ dẫn đến tổn đức. Đó là bởi “Xa giả lang tịch kiệm giả an, nhất hung nhất cát tại nhãn tiền.”
Người xưa tin rằng, tài phú của một đời người đã được trời định sẵn, Người giàu có mà lãng phí thì sẽ khiến người ta oán hận, tất có ngày khuynh gia bại sản; có của cải và đức hạnh tốt thì tài phú mới được lâu bền. Người nghèo khó nếu nỗ lực tiết kiệm, khắc chế lòng tham, làm nhiều việc tốt thì cuộc sống dần dần sẽ khá lên và có được tương lai tốt đẹp. Đó là bởi “Khắc kiệm tiết dụng, thực hoằng đạo chi nguyên; sùng xỉ thư tình, nãi bại đức chi bản.” (Tiết kiệm là cái gốc của đạo, xa xỉ phóng túng là nguyên nhân của sự thất bại).
Thái Sơn
Theo http://vn.minghui.org/



1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...