Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Hạc bay về trời

Hạc bay về trời 
Tôi hồi hộp bước lên từng bậc cầu thang… Căn phòng D6/76 khu tập thể Giảng Võ đây rồi. Gõ cửa. Một người đàn ông nhỏ nhắn tóc bạc xuất hiện… Chào thầy! A… cậu Cư, mới ra hả? Vào nhà đi, sao không báo trước? Dạ, em muốn bí mật kiểm tra xem có cô Tấm thảo hiền nào xuất hiện ở đây không? Cậu lại đùa rồi, một ông lão hom hem như mình thì có mà… Tôi ngồi xuống chiếc ghế mây cũ kĩ quen thuộc ngày xưa, chiếc ghế già nua mệt mỏi khẽ kêu lên ken két. Trên bàn, một lọ hoa loa kèn trắng muốt tỏa ra một mùi hương tinh khiết nhè nhẹ. Trong khi thầy pha trà, tôi lặng lẽ quan sát… Căn phòng vẫn y như mười năm về trước lúc tôi ở cùng thầy, không có đồ đạc gì mới, chỉ có khác là bây giờ mọi thứ đều phủ bụi thời gian. Bốn bức tường vôi phai màu loang vết ố vàng, nền gạch hoa bong tróc, những giá sách oằn mình xuống vì đã quá sức chịu đựng và chủ nhân của nó dường nghe như đã… Thầy vẫn ở một mình tít trên tầng năm của một khu chung cư được xây theo kiểu lắp ghép bán phân phối cho cán bộ và ngày ngày vẫn phải tự lo lấy mọi việc từ bếp núc trở đi. Có lần tôi hỏi sao thầy không chọn tầng dưới để đi lại cho dễ dàng, thầy bảo: tiền nó chọn chứ mình có chọn đâu, nhưng ở đây được cái là đỡ ồn ào, thoáng đãng ít bụi bặm và chắc là  sẽ sống thọ vì… gần trời xa đất!
Vậy mà căn phòng nhỏ khoảng ba mươi mét vuông ấy không mấy khi vắng khách: lúc thì mấy cô sinh viên đến giúp quét dọn nhà cửa, mua thức ăn cất vào chiếc tủ lạnh mi ni để thầy ăn dần, lúc thì bạn bè đồng nghiệp, học trò đến chơi trà đạo thơ phú… Thường thì những cuộc vui như vậy kéo dài từ chiều đến hơn mười giờ đêm mới kết thúc, được cái là trước khi ra về thì mọi người đã ý tứ dọn dẹp gọn gàng đâu vào đấy. Đặc biệt nhất, nơi đây cứ hàng tháng lại trở thành địa điểm họp chi bộ của Tổ văn học nước ngoài mà thầy là bí thư. Nói là họp chi bộ nhưng bí thư Lưu Đức Trung kiêm chủ nhà chỉ nói qua về tình hình trong nước và thế giới, tóm tắt một vài Chỉ thị, Nghị quyết mới rồi dành nhiều thời gian bàn chuyên môn. Đến lúc này thì các thầy sôi nổi hẳn lên, tôi ngồi bên trong nghe lõm và học được rất nhiều thứ từ những cuộc họp như thế này hơn là những giờ giảng trên lớp. Những chuyện mà bây giờ người ta mới đề cập đến trong giảng dạy và nghiên cứu văn học như: văn học so sánh, thi pháp học, phương pháp dạy học tích cực, đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới chương trình đào tạo đại học… thì đã được các thầy nói đến từ những năm tám mươi! 
Ở tầng cao khổ nhất là vào mùa hè thường thiếu nước, phải xuống tầng một xách từng xô lên mà thầy thì cũng đã gần sáu mươi rồi. Lúc tôi đến ở thì thầy không còn phải làm việc này. Có lần tôi xách nước, chẳng may bị vấp ngã nước đổ lênh láng cả cầu thang may mà người không việc gì, vậy mà thầy cứ áy náy mãi. Chính vì nước nôi khó khăn nên khi dùng phải rất tiết kiệm, cần biết tận dụng tối đa chút nước có được. Này nhé: nước vo gạo xong là dùng rửa rau, rửa rau xong là dồn vào để rửa chén, rửa chén xong là đổ vào xô đựng nước dội cầu… Còn tắm thì có quy trình hằn hoi, công đoạn một: dùng khăn ướt lau qua một lượt khắp người, công đoạn hai: kì cọ, công đoạn ba: múc từng ca nước dội nhẹ nhàng từ trên xuống dưới theo kiểu cuốn chiếu và lau lại bằng khăn khô. Thế là xong một quy trình tắm tiết kiệm nước tối ưu và phương pháp tắm độc đáo này đã trở thành công thức bắt buộc! Có người còn đứng hẳn vào chậu để tắm và tận dụng nước đó để tưới cây! Mà không nói đến chuyện lấy nước, chỉ riêng cái chuyện dắt xe lên xuống hàng ngày ở các khu chung cư cũng đã mệt bở hơi tai. Vì vậy mỗi khi hạ thổ là phải tính toán một công đôi việc cho đỡ đi lại. Về sau, sức khỏe không cho phép, thầy “hợp đồng” hẳn một anh tài xế xe ôm chở đi lại hàng ngày. Chiếc xe đạp Thống Nhất cà tàng treo lủng lẳng các loại ổ khóa chống trộm, tài sản có giá trị của chủ nhân, được yên nghỉ nơi góc phòng sau khi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Cũng xin nói thêm, ở phía bên trái căn hộ này như một cửa hàng mi ni chữa xe đạp: nào xăm hỏng, lốp cũ, nan hoa, ốc vít, dụng cụ chữa xe đạp... được xếp gọn gàng vì diện tích rất đỗi khiêm tốn dành cho nó. Qua khỏi “cửa hàng” chữa xe đạp là đến gian bếp chỉ vừa vặn một người đứng nấu, tiếp đến là nhà tắm chung với nhà vệ sinh cũng có diện tích tương tự. Một bức tường chạy dài suốt căn phòng ngăn giữa các công trình này với hai phòng bên trong (phía tay phải): gồm một phòng ngủ và một phòng khách. Có hai cửa ăn thông giữa hai khu mà tôi thường đùa là khu sinh hoạt vật chất và khu sinh hoạt tinh thần! Ngày đó các thầy ở nhà lá lụp xụp trong khu tập thể của trường, ăn ngủ thì ở trong nhà mà phải ý tứ, rón rén (dĩ nhiên) còn các sinh hoạt khác đều là công cộng mà khổ nhất là chuyện đi vệ sinh, mỗi lúc đi phải cầm theo tờ báo vì hố xí công cộng nhiều ngăn không có cửa và bên dưới luôn túc trực người chờ hốt phân… Bây giờ ra chung cư mọi thứ được khép kín thế này là thấy như một bước tiến thẳng lên thiên đường mà có nằm mơ cũng không tưởng tượng ra được. Chả thế mà giáo sư BVB từ khu chung cư Thành Công nửa đêm gọi điện thoại bàn cho ông bạn thân chỉ để đọc mấy câu thơ ca ngợi cái “Vi-La” mi ni của mình: … Đây chỗ nấu ăn, kia tắm, xí/ Hai con nếp tẻ với một bà!. Phu nhân giáo sư B nghe đâu là một người phụ nữ rất đảm đang, quán xuyến toàn bộ việc nhà trong thời bao cấp đầy khó khăn để giáo sư yên tâm nghiên cứu khoa học. Vì vậy, giáo sư thường khoe với đồng nghiệp và học trò rằng ông chỉ lo phần thượng tầng kiến trúc còn hạ tầng cơ sở đã có thiên hạ đệ nhất vợ lo rồi.
Giáo sư Lức Đức Trung thì không được viên mãn như thế. Căn hộ này trước đây cũng đã từng là tổ ấm của một gia đình, đã từng có tiếng bi bô con trẻ, giờ thì đã là dĩ vãng… Lúc đầu đến ở, tôi cũng nghe loáng thoáng câu chuyện về gia đình thầy nhưng không dám hỏi vì rất sợ chạm vào nỗi đau thầm kín mà thầy đã cố quên bao năm. Nhiều lần tôi bắt gặp thầy đứng nhìn chăm chăm vào bức tường phòng khách rồi lặng lẽ gỡ kính lấy khăn tay lau những giọt nước mắt… Tò mò, đợi lúc thầy đi vắng tôi lại gần nhìn kĩ thì phát hiện ra trên bức tường có những vạch ngắn kẻ bằng bút chì theo thứ tự từ thấp đến cao dần. Về sau tôi mới biết đấy là những vạch đo chiều cao của hai cô con gái từ nhỏ cho đến lúc các cô theo mẹ vào miền Nam sinh sống. Trước khi thầy cô chia tay, tòa cũng có gọi lên hòa giải, nhưng thầy bảo: Tôi chừng này tuổi, trên đầu đã hai thứ tóc nếu hòa giải được thì chúng tôi đã giải quyết ở nhà rồi chứ không đợi ra tòa như thế này xấu hổ vô cùng. Xin quý tòa cứ chấp thuận cho chúng tôi li dị, một khi đã không còn yêu thương nhau nữa mà cố gượng sống với nhau thì chỉ là một sự tra tấn mệt mỏi dai dẳng. Tốt nhất hãy giải thoát cho nhau! Vậy là chia tay, kẻ Bắc, người Nam, con cái theo mẹ. Cuộc chia tay nào cũng buồn và càng buồn hơn khi cả hai vẫn ở vậy cho đến ngày rời bỏ cõi tạm?! Vợ thầy thì còn có hai đứa con gái để tâm tình thủ thỉ lúc buồn, lúc vui riêng thầy thì vẫn thui thủi một mình khuya sớm đi về trong căn phòng nhỏ và chỉ biết lấy việc nghiên cứu, giảng dạy làm niềm vui mỗi ngày. Thời gian sau thì thầy cũng nguôi ngoai và dần trở lại trạng thái cân bằng để tiếp tục hòa nhập với đời vì lúc bấy giờ chuyện “cơm áo không đùa với… giáo sư!”. Thầy ăn uống đạm bạc và rất tiết kiệm, một mẩu bánh mì ăn không hết vẫn cất vào tủ lạnh để hôm sau ăn tiếp. Tuy nhiên hoa, trà, bánh kẹo để tiếp khách thì không thể thiếu, lúc nào trên bàn làm việc cũng có một lọ hoa tươi được cắm rất nghệ thuật và có khi tiền mua những thứ này không kém gì tiền đi chợ. Thầy thường làm việc rất khuya, sau đó lại lên giường mở đài gần như suốt đêm, tôi thắc mắc, thầy bảo cần có tiếng người cho bớt cô quạnh. […] Và hình như khi phải sống trong sự cô đơn triền miên, con người cũng quen dần rồi thích nghi với nó và không muốn cuộc sống thường ngày bị đảo lộn nhất là đối với những người đã có tuổi, việc phải làm lại mọi thứ từ đầu là vô cùng khó khăn.
Thầy thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn vì tìm thấy ở đó sự đồng cảm về nỗi đau của phận người mong manh sương khói. Một hạt bụi mệt nhoài cuồng quay giữa mênh mông đất trời rồi dạt về nơi thăm thẳm tuyệt mù nào ai hay, ai biết ?! Dẫu rằng cát bụi lại trở về cát bụi, nhưng hãy là hạt bụi long lanh trước khi tan biến vào hư không vĩnh viễn… Và thầy đã làm việc cật lực để chống chọi với nỗi cô đơn và sự ám ảnh về cái chết tất yếu mà không ai tránh khỏi. Thầy thường bảo đừng nên mất thời gian suy nghĩ về cái chết mà hãy dành thời gian suy nghĩ về sự sống và đối xử với nhau cho tử tế. Sự sống là quý hơn tất cả vì trần gian dẫu là cõi tạm nhưng có thực. Dù có đau khổ, nghèo túng, nợ nần thì cũng phải cố sống vì ngoài “cõi người ta” này thì chỉ là bóng tối vĩnh viễn, mịt mùng… Chúng ta chỉ sống có một lần thôi, nên phải quý đến từng phút, từng giây khi ta còn trên mặt đất này và cố gắng làm những việc có ích để khi thần chết đến gõ cửa còn có tặng vật lưu lại cho đời… Trong thời gian đau khổ tột cùng này, thầy vẫn lặng lẽ nghiên cứu và cho ra đời nhiều công trình có giá trị về văn học Ấn Độ (dù thầy được đào tạo ở nước ngoài, chuyên giảng dạy văn học Trung Quốc): Giáo trình văn học Ấn Độ, Giáo trình văn học Ấn Độ - Lào- Cam - Pu - Chia (viết chung), Lịch sử văn học Trung Quốc (viết chung), chuyên đề về sử thi Mahabharatha, Ramayana, Kịch cổ điển Shakuntala của Kalidasa, đặc biệt là chuyên luận về thơ Tagore (nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kich, nhạc sĩ… người đã đoạt giải Nobel văn chương năm 1913 với tập thơ Dâng nổi tiếng). Thầy Nguyễn Duy Hới (giảng viên trường đại học sư phạm Huế) đã làm bài thơ “Người hành hương và những câu thơ Tagore” tặng thầy với sự đồng cảm sâu sắc và đã đọc bài thơ này cho mọi người cùng nghe tại căn phòng nhỏ nhân một cuộc họp mặt:
Anh cầm những câu thơ Tagore
Đi về phía các vị Phúc thần
Đã nhiều năm,
nhiều mùa,
nhiều tháng.
Anh gieo tình yêu, hy vọng
Lên những sa mạc - tâm hồn
Anh người hành hương
Lẻ loi và đơn độc.
Khổ đau nhiều hơn hạnh phúc
Anh âm thầm không mệt mỏi
Đi về miền tâm linh
Anh gạt sang một bên những hư vinh
quyền lực và giàu có
xỏ xiên và thô lỗ
chỉ có hoa đến ở phòng anh

và đốt những câu thơ Tagore sưởi ấm lòng mình.
Anh nhỏ bé vóc hình
Nhưng lớn lao trong thuần phác
Sông Hằng hãy còn xa mà tóc anh đã bạc…
Biết là ngày về không còn bao lâu nữa và vì quá đỗi yêu trần gian này, nên thầy đã tận hiến, làm việc gần như chạy đua với thời gian… Năm 2004 thấy sức khỏe thầy ngày càng yếu đi, các cô con gái đã đón thầy về Nam ở cùng để tiện chăm sóc. Vậy là thầy phải giã từ căn phòng nhỏ, giã từ những con đường quen thuộc ven hồ Giảng Võ mỗi ngày dăm lần qua lại, giã từ Hà Nội nơi đã gắn bó gần như suốt cả cuộc đời… buồn lắm nhưng biết làm sao được, tuổi già như ngọn đèn trước gió mà thầy thì đã ngoài bảy mươi rồi… Vậy mà vào nơi ở mới dù luôn phải chống chọi với bệnh tật tuổi già, thầy vẫn tiếp tục nghiên cứu về văn học Nhật Bản, về nhà văn hiện đại Yasunari Kawataba (giải thưởng Nobel văn học năm 1968 với tác phẩm tiêu biểu: Xứ Tuyết, Cố đô và Ngàn cánh hạc…), về thơ Haikư (một thể thơ ngắn truyền thống của Nhật Bản) và đã xuất bản năm tập thơ Haikư - Việt (Tươi mãi với thời gian (1,2), Bốn Mùa hoa, Hoa Bìm Bìm, Khúc ca mùa thu), sáng lập và làm chủ nhiệm câu lạc bộ thơ Haikư của thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2007, làm hợp tuyển về nhà thơ Tagore gồm hai tập với cả nghìn trang. Đặc biệt là hồi ký “Kỷ niệm ấm lòng” đọng lại một tấm chân tình của thầy với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò. Quả là một sức làm việc bền bỉ phi thường! Những khi sức khỏe cho phép, thầy lại trở về thăm Hà Nội, thăm quê nhà: Làng Cao Lao Hạ (Hạ Trạch, Bố Trạch Quảng Bình), bồi hồi trong tâm thức thời thơ ấu được sống cùng gia đình bên dòng sông Gianh êm đềm… Thầy còn dự định đi thăm học trò, anh em bạn bè ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, tiếp tục chỉnh sửa nốt một số công trình nghiên cứu… nhưng rồi mọi thứ đành dang dở...
Vào một buổi chiều muộn ngày 2/5/2017(7/4 Âm lịch) khi thành phố lên đèn, mọi người hối hả trở về tổ ấm của mình sau một ngày ngược xuôi vất vả mưu sinh thì trong căn phòng nhỏ, “ông già Haikư” hiền từ lặng lẽ leo lên chuyến xe cuối cùng của đời người đi về nơi cuối trời gió bụi…
“Cõi đời ơi, khi tôi đã chết rồi
Thì trong cõi vắng lặng của ngươi
Chỉ một lời này còn lại:
Tôi đã từng yêu!”.
Nguyễn Tịnh Giang 
Theo http://phamngochien.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...