Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Người viết sử nước mình lên mặt đất

Người viết sử nước mình lên mặt đất 
Cuộc đời nhà thơ Trần Quang Long khá ngắn ngủi song đã có cuộc hành trình nam tiến thật hào hùng. Nguyên quán ở làng Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội; anh lớn lên, tham gia các phong trào đấu tranh chống chính quyền Diệm ở Huế và sau đó in đậm bước chân cách mạng ở Quy Nhơn - Cần Thơ - Sài Gòn - Tây Ninh, song hành cùng Thơ trên nẻo đường tranh đấu.
Sự dấn thân trọn vẹn
Trong đêm thơ kỷ niệm 65 năm cách mạng tháng Tám và quốc khánh 2/9 có lời dẫn: “Trần Quang Long từng là Trưởng ban Báo chí của Tổng Hội sinh viên Huế. Trong từng giai đoạn, ông tổ chức đấu tranh chống lại chế độ Sài Gòn. Ông còn là Chủ tịch Hội sinh viên sáng tác thuộc Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn, tuyển chọn thơ sinh viên “Tiếng hát những người đi tới” để cổ vũ đấu tranh. Thơ Trần Quang Long thường hay nói về trái tim. Đối với ông, thơ và trái tim là một - trong thơ không thể thiếu trái tim và trong tim không thể thiếu thơ. Nhưng, cũng vẫn trái tim rất thơ ấy, bỗng bốc cháy những tình cảm trỗi dậy chưa từng có: “Con đang nghe trái tim. Nổ tung thành mảnh vụn. Máu từng dòng im lìm. Máu từng dòng phẫn nộ”.
Phong trào đấu tranh trong học sinh sinh viên trong lòng đô thị được hình thành rất sớm. Từ năm 1950 (ở Sài Gòn) đã có những cuộc biểu tình lớn. Tiêu biểu là ngày 9/1, dẫn đầu đoàn, một người trong Ban lãnh đạo là Trần Văn Ơn đã trúng đạn, hy sinh - một dấu mốc lịch sử sáng ngời được ghi. Dữ dội và quyết liệt, lực lượng cách mạng này đã gây rối, làm rạn nứt tổ chức của địch bằng nhiều hình thức như biểu tình, tuyên truyền, “hát cho đồng bào tôi nghe”, kết hợp với vũ trang khi cần thiết… hình thành nên những đợt sóng vỗ vào tinh thần dân tộc.   
Viết sử nước mình lên mặt đất - Thơ, trước hết là một người bạn bí ẩn trong con người Trần Quang Long, thôi thúc anh, cùng anh nâng bước nhau vững tiến về phía Mặt trời chân lý. Lúc đang là một sinh viên đại học Sư phạm Huế, người thơ Trần Quang Long đã bị chính quyền Sài Gòn tuyên án về tội làm thơ phản kháng. Rất nhiều lần anh thoát khỏi vòng vây, điển hình lần vượt cầu Bạch Hổ chạy thẳng lên chùa Thiên Mụ (Huế); năm 1968 là đỉnh cao của phong trào đấu tranh đô thị miền Nam, lực lượng bị tấn công, thật may mắn anh không rơi vào tay giặc, nhưng bọn chúng lại bắt được vợ, đưa vào ngục tù…
Cũng như nhiều anh em bè bạn ở Huế như Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Hữu Ngô, Lê Văn Ngăn, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Văn Dũng, Trần Vàng Sao, Nguyễn Đắc Xuân v.v, Trần Quang Long sáng tác thơ (các tập Thưa mẹ trái tim, Vực thẳm và hy vọng, Thơ Trần Quang Long, Sao rừng), kịch thơ (Tiếng gọi Lam Sơn), viết truyện (tập Bông cúc vàng), làm báo (tham gia biên tập và cộng tác với một số tờ báo như Đất Mới, Dân, Huế, Tin Văn, Đất Nước với nhiều bút danh khác nhau), mục đích duy nhất và cuối cùng là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tranh đấu trong quần chúng cùng thời chống chính quyền tay sai, giải phóng vận mệnh đất nước. 25 tuổi, bài thơ Nhận diện anh viết ngày 1/3/66 là cái nhìn quá đỗi nhân văn về chiến tranh. Hình ảnh đối lập rực sắc màu: Khi anh bắn trái hỏa châu lên trời(...) Dưới cánh đồng xanh loang dòng máu đỏ”; đưa đến một niềm đau chung: “Anh tự bắn mình khi ngắm đối phương”.
Cách mạng hồi đó, là “biểu tình như rừng, biểu tình như núi; biểu tình như sóng ngàn, biểu tình như nước lũ; biểu tình khi trời nắng, biểu tình khi trời mưa”. Cũng như cảm nghiệm của Tố Hữu, cách mạng, dấn thân vô là phải chịu tù đày. Xuất phát từ sự kiện Trần Quang Long công bố bài thơ Hồi kết cuộc trên báo Dân (Những tử thi ngổn ngang. Không còn nhìn ra mặt. Cũng không có áo quần. Nằm chung một dải đất. Nghèo đói và lầm than); “tội” “làm thơ tuyên truyền cho cộng sản” này khiến anh lãnh 6 tháng tối tăm đầu đời (cơm buổi tối cúi đầu đau thân phận. Từng hạt tủi hờn gắng gượng cười khan). Người em gái Trần Thị Kiên Trinh (có chồng là người bạn thân của anh - họa sĩ Nguyễn Hữu Ngô) tâm sự: “Để đổi lấy tự do cho anh, cha mẹ tôi phải bán căn nhà 61 Huỳnh Thúc Kháng rồi chuyển vào Sài Gòn sinh sống”; “Không còn tiếng trẻ nô đùa sau những cánh cửa mở rộng... Không còn hàng dừa xanh rủ bóng bên đường. Cũng không còn những bè tre tấp nập san sát mặt sông. Có lẽ sự gắn bó rồi chia tay với căn nhà ấy đã gắn liền với cuộc đời của anh tôi”. Lần thứ 2 tại Pleiku. Ngồi tù trong điều kiện bị thương nặng ở chân và với cảnh sống hết sức bi đát, Trần Quang Long vẫn “cười trong tiếng nấc”, ung dung “sờ râu nhẩm tính đời ngang dọc. Bốn vách tường đen - ngày tháng qua”; anh vẫn cùng bạn tù đề thơ lên “áo rách nhàu” như một minh chứng cho niềm lạc quan tin yêu cách mạng của những anh hùng thời đại “viết lịch sử oai linh”.
“Những con đường mở ra từ ngàn xưa hoang vu lịch sử”. Rời Huế vào Quy Nhơn, Trần Quang Long nhanh chóng được bầu làm Chủ tịch lực lượng bảo vệ dân tộc Bình Định, “chống pháo kích bừa bãi, chống chế độ độc tài, tiến hành bầu cử dân chủ”... Sự phản kháng quyết liệt của người đi đầu của hơn một trăm học sinh sinh viên khiến bọn chúng đánh gãy chân anh, bắt. Ra tù. Vào miền Nam, Trần Quan Long cũng là một “tên tuổi lớn” khuấy động phong trào chống chính quyền áp bức với tư cách là Chủ tịch Hội sinh viên sáng tác thuộc Tổng hội sinh viên Sài Gòn.
Thơ tình, người vợ và đứa con trong tù
Nỗi giằng xé lớn trong con người Trần Quang Long là lúc rời xa người yêu để dấn thân vì lý tưởng. Một người bạn cùng thời trong phong trào học sinh sinh viên ở Huế, Lê Hiếu Đằng hiểu rõ tâm trạng của anh khi viết: “Tôi cứ đinh ninh rằng với hoàn cảnh gia đình của anh, anh khó có thể dứt bỏ tất cả đi vào chiến khu theo cách mạng. Còn hoàn cảnh Trần Quang Long càng thương tâm hơn ở khía cạnh khác. Anh ra đi trong lúc vợ anh - chị Quỳnh Như đang mang thai cháu Xuân Thắng. Đêm đầu tiên nằm kề nhau trên cánh võng, Long đã nói cho tôi nghe những đấu tranh, dằn vặt, đau đớn của anh khi phải rời xa người vợ yêu thương đang mang thai đứa con đầu lòng để ra đi mà không biết bao giờ trở về (…)”.
Anh dành khối tình riêng đó nén vào thơ, đắm đuối và say nồng như “thi sĩ của tình yêu”: “Anh lắng nghe từng hơi thở em. Uống từng ánh mắt đắm say men. Cuồng si anh chết trong hư ảo”… Từ lãng mạn: “Anh đếm ngàn sao trong mắt em” câu thơ chợt đẹp lộng lẫy: “Những tơ trời loãng giữa sương đêm”.
Thơ tình của Trần Quang Long, người ta thường nhắc tới bài Nghiêng nón, mà theo cách nói của Nguyễn Hữu Châu Phan, “các bạn trẻ bấy giờ không chép thơ anh bằng mực tím nữa mà chép bằng máu đỏ trong mỗi trái tim”.
Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón
Chiều mùa thu mây che có nắng đâu
Nắng sẽ làm phai mái tóc xanh mầu
Sẽ làm khô làn môi em dịu ướt
Cái hay đó dung dị. Bài thơ tình hay nhất của Trần Quang Long phải là Lời gọi, câu mở đầu đã đầy đủ tầm vóc một bản triết luận sâu sắc, ám gợi, vang xa:
Em như tiếng tù và bộ lạc thân yêu gọi linh hồn anh du tử.
Anh vẫn là loài dã tràng mê mải
Cung điện ta chưa kịp khánh thành
Những lớp sóng cuồng ghen muôn đời hủy hoại
Em gọi anh trở về
Như một lần gặp gỡ
Như mây chiều nay trên thung lũng xanh
Và cặp thơ: “Tôi trở về nằm im trên ghềnh đá/ Nghi thời gian ăn ruỗng trái tim thừa” trong bài Tình yêu đi qua; động từ “nghi” được chọn và đặt đúng không gian đã khiến hai câu thơ xuất thần duy nhất trong đời thơ anh. Vẻ đẹp được hồi sinh từ mục ruỗng sầu bi: “Rồi hai người sẽ ngửa lòng bàn tay để ru buồn vì từng ánh hoàng hôn chảy xuôi như bọt nước trên ghềnh đá (...) Rồi chàng sẽ ra đi lúc nàng đang âm thầm gục đầu lên hai bàn tay đầy cỏ non mà người yêu đã từng bứt lúc nào không hay và chuyền qua tay nàng như một lời nhắn nhủ. Từ đó tiếng sóng và hoàng hôn buồn như chiếc thuyền bâng khuâng trong đôi mắt màu rêu của người yêu chưa bao giờ dám gọi đến tên thực của linh hồn” (Ngoài đề).
“Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau” (Nguyễn Mỹ). Ngày 11/10/1968, một quả bom đã rơi trúng hầm trú ngụ có mặt ủy viên Mặt trận liên minh dân tộc dân chủ sài Gòn lúc mới 27 tuổi cùng nhiều đồng chí của anh tại căn cứ Ban tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam thuộc biên giới Tây Ninh - Campuchia. Trần Quang Long đã hiểu về hy sinh trước đó. Hiểu về cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Cái chết ở đây là cống hiến cho sự bình an của quê hương trong đó có người thân của anh. Bài thơ Thưa mẹ trái tim ra đời lúc anh mới 25 tuổi, lúc anh đã linh cảm, đã mơ hồ nghe được “tiếng kêu la của bà mẹ đi tìm. Quờ quạng xác con trong căn nhà gạch vụn. Oanh tạc vùng tình nghi. Con nghe tiếng quay cuồng của vũ điệu về khuya. Từng tràng cười ré lên như địa ngục”… Vậy nhưng từ thời điểm đó đến 2 năm sau, là chặng đường mà nhiệt huyết cách mạng trong con tim anh dâng trào, sôi sục và sung mãn nhất. Để khẳng định lại điều: Trần Quang Long hiểu về cái chết như một sự cống hiến.
Cái chết của anh, giữa thời điểm cô vợ đang mang thai trong tù. Quỳnh Như là con gái của giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ - một trí thức Nho học lẫn Tây học uyên thâm. Ông giữ chức vụ thư ký Hội Trí thức Cứu quốc Thừa Thiên - Huế; (đất nước thống nhất, ông còn là Ủy viên thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Cũng từng dạy học tại trường Quốc Học Huế ngày nay, tư tưởng và hành động tranh đấu trên mặt trận văn hóa của giáo sư ảnh hưởng mạnh trong tầng lớp đấu tranh đô thị lan rộng khắp trong thành phố Huế như Đông Ba, Gia Hội, Đại Nội, bên dòng sông Hương… Dưới chính quyền của Diệm, ông cũng hai lần bị bắt, ở tù nhưng chúng hoàn toàn không khuất phục được; phong trào đấu tranh đô thị ở Huế trở nên quyết liệt và rộng khắp. Con gái ông, người phụ nữ đáng thương Quỳnh Như “có mặt” trong bài Hương Xưa của Cung Tiến: “...vẫn yêu muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó”, mỗi lúc buồn Trần Quang Long lại hát.
“Ta đi không kịp ẵm con thơ/ Không kịp về thăm người vợ chờ... 
Tình yêu, chính anh từng an ủi qua thư, rằng “nếu đem so sánh với sự hy sinh anh dũng của bao nhiêu người khác thật chưa đáng vào đâu”. Dòng suy tư đầy trách nhiệm đó như một mệnh lệnh sống dành cho con trai Trần Xuân Thắng chào đời trong ngục tù, và cũng là sức mạnh để người mẹ Quỳnh Như gượng đứng lên tiếp tục những gì còn dang dở khi chồng vĩnh viễn không còn bên mình nữa. 
Vĩ thanh từ ngõ Huế xưa
Ngồi ở quán cà phê Tổng hội Sinh viên một chiều mưa xứ Huế với nhà thơ Hải Trung, miên man đến phong thái làm việc nhiệt huyết của Trần Quang Long trong ngôi nhà 22 Trương Định “với giàn hoa giấy xinh xinh màu lửa” (Nguyễn Duy Hiền) vốn là tòa soạn của nhiều tờ báo như “Tiếng gọi Sinh viên”, “Tiếng gọi Học sinh”, “Tiếng gọi Việt Nam”; gợi đến buổi nào đó, Trần Quang Long cùng với người bạn chí thân Lê Hiếu Đằng ngồi với nhau thường sáng “bên tách café nóng hổi ở quán Dung trong thành nội bàn chuyện văn chương”. Chính Trần Quang Long là người đã đứng trước cổng nhà tù để đón Lê Hiếu Đằng trong vui sướng tột cùng như chính anh được trả tự do. Anh là người “chí tình với bè bạn, say sưa với phong trào đấu tranh, không chịu khuất phục, luôn luôn lạc quan tiến về phía trước”. Trong cách nhìn của một nhà thơ tôi quen cũng thật đáng suy ngẫm: “Phản kháng sự hiện diện của ngoại xâm ngự trị lên con người (theo nghĩa rộng), Trần Quang Long đã dấn thân trọn vẹn cho lý tưởng của chính mình lựa chọn”. Cũng dạy học như Ngô Kha, con đường đi của hai con người này có nhiều điểm tương đồng: nhà thơ - thầy giáo - nhà đấu tranh đô thị - hai liệt sĩ không còn xác thân (Ngô Kha bị giặc thủ tiêu ở đâu chẳng rõ vào ngày 28 Tết âm lịch năm 1972, còn Trần Quang Long thì tan vào bụi cát).
Vẫn nghĩ, tầng lớp thanh niên trí thức một thời hào hùng đã qua luôn là sức vóc tạo nên phần tất yếu của thắng lợi. Theo dòng lịch sử đấu tranh (nhà tù không thể giam cầm ý thức, bạo tàn không thể bóp chết con tim), Trần Quang Long vẫn tự nhận mình là “một nhân chứng tầm thường” của cách mạng. Anh còn là một nhân vật đam mê tranh đấu cho sự bình an của Thơ. 
 NHỤY NGUYÊN
Theo http://vanvn.net/

  


1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...