Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Triết lý nhân quả trong truyện cổ tích Tấm Cám

Triết lý nhân quả trong 
truyện cổ tích Tấm Cám 
I. Mở đầu
Trong nhiều quy luật đời sống, quy luật nhân quả bao trùm tất cả mọi quy luật. Từ triết học cổ đại như Bà la môn giáo, Phật giáo, Đạo giáo đến triết học Mac Lê nin đều thừa nhận quy luật nhân quả. Quy luật này chi phối mọi hoạt động đời sống, có nhân ắt có quả. Ngay trong lĩnh vực tự nhiên cũng tuân theo quy luật này. Lomonosov trong định luật bảo toàn năng lượng đã phát biểu: Năng lượng không tự sinh ra cũng không tự mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác hay chuyển từ vật này sang vật khác. Trong văn học, ở thể loại truyện cổ tích, triết lý nhân quả là bộ xương sống xuyên suốt, chi phối kết cấu, nội dung, nghệ thuật, ý nghĩa của truyện. Mỗi câu chuyện trong truyện cổ tích là một bài học đầy ý nghĩa, mang đậm tính triết lý nhân sinh. Truyện cổ tích Tấm Cám là một trong những tác phẩm tiêu biểu của truyện cổ tích, mang triết lý nhân quả sâu sắc.
II. Giới thuyết thuật ngữ
Để đi vào vấn đề nghiên cứu, trước hết cần làm rõ một số thuật ngữ trong đề tài này.
Triết lý là một thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hy lạp cổ là philosophia, nghĩa là con đường, hướng đi. Martin Heidegger, nhà triết học Đức định nghĩa triết lý là suy lý, suy tưởng. Còn theo Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê, Từ điển bách khoa, 2010), triết lý có nghĩa là lý luận. Triết lý, theo nghĩa rộng là quan điểm, phương hướng tư duy của con người về một đối tượng, vấn đề nào đó.
Nhân quả, theo nghĩa chiết tự, nhân là hạt (hột), quả là trái. Nghĩa khái quát, nhân quả là cặp phạm trù chỉ mối quan hệ sản sinh của các sự vật hiện tượng, hiện tượng trong hiện thực khách quan, chỉ mối liên hệ tất yếu, phổ biến giữa các sự vật, hiện tượng. Trong đó, cái sản sinh là nguyên nhân, cái được sản sinh là kết quả.
Truyện cổ tích:một thể loại của văn học dân gian, phản ảnh mâu thuẫn trong xã hội có có cấp, thông qua xung đột giữa cái thiện và cái ác. Qua đó, phản ánh khát vọng dân chủ, công bằng, hạnh phúc của nhân dân lao động.
Tấm Cám là một truyện cổ tích thần kỳ, tiêu biểu cho thể loại cổ tích*, mang đậm đặc trưng của thể loại cổ tích. Nét đặc biệt ở Tấm Cám là triết lý nhân quả biểu hiện rất sâu sắc, vừa mang nét chung của truyện cổ tích, vừa có nét độc đáo, sáng tạo riêng.
III. Thực trạng vấn đề triết lý nhân quả trong truyện cổ tích
Truyện cổ tích gắn bó máu thịt với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, được lưu truyền qua bao thế hệ. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử với bao biến đổi thăng trầm, truyện cổ tích được sàng lọc qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian. Những giá trị của truyện cổ tích được lưu truyền đến ngày nay đã khẳng định sức sống lâu bền của nó trong dòng lịch sử dân tộc. Vậy điều gì đã tạo nên sức sống bất diệt của truyện cổ tích ? Phải chăng đó là giá trị nhận thức, giá trị giáo dục và giá trị thẩm mỹ của nó. Những giá trị đó lồng giá trị văn hóa, ẩn trong tiềm thức, thấm trong máu thịt của con người trong đối nhân xử thế nhau hằng ngày. Tất cả các truyện cổ tích đều cùng một bản chất, chung một quy luật, đó là nhân quả. Đọc truyện cổ tích mà không thấy được bài học nhân quả, đó là điều thật đáng tiếc. Do sống trong thời bão mạng, thiếu niên ngày nay ít đọc sách, truyện cổ tích càng ít đọc. Trong chương trình Văn học ở trường phổ thông, một số truyện cổ tích được chọn lọc để đưa vào giảng dạy, tuy nhiên cách tiếp cận của giáo viên đâu đó còn hời hợt, chưa khái quát được đặc điểm quy luật của truyện cổ tích qua các tác phẩm. Trong khi đó, học sinh chỉ tiếp nhận những đơn vị kiến thức rời rạc, thiếu hệ thống, không rút ra được bài học ứng xử cần thiết của mình trong cuộc sống, đó là quy luật nhân quả. Nhiều người nghĩ nhân quả là duy tâm, thực ra nó hoàn toàn khoa học. Trộm cắp, bạo lực, giết hại, lừa gạt, giả dối, tàn phá môi trường ... đều do mơ hồ, vô minh về nhân quả mà gây ra. Đừng nói xưa như cổ tích. Bài học nhân quả trong truyện cổ tích nói chung, truyện cổ tích Tấm Cám nói riêng, ngày nay cần thiết được nhận thức hơn bao giờ hết.
IV. Triết lý nhân quả trong truyện cổ tích nói chung
Triết lý nhân quả chi phối toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của truyện cổ tích về nhiều mặt : đề tài, chủ đề, xây dựng cốt truyện, nhân vật ... Nếu thiếu nó thì truyện cổ tích thần kỳ không đứng vững hoặc không còn là nó nữa.
Theo quan niệm dân gian, triết lý nhân quả chính là triết lý Ở hiền gặp lành, Ở ác gặp dữ, đây là niềm tin và mơ ước của nhân dân về lẽ công bình. Đối với các nhân vật chính diện như Sọ Dừa, Thạch Sanh, người em trong truyện Cây khế tác giả dân gian không chỉ dừng lại ở sự phản ánh và cảm thông với với nỗi đau khổ, đắng cay, oan ức của họ mà còn đặc biệt quan tâm, tìm cách để tìm đường giải thoát cho họ, để họ được đền bù xứng đáng. Nhờ vậy mà nhân vật chính diện trong truyện cổ tích được đổi đời, làm cho người kể lẫn người nghe đều hả hê, sung sướng (Sọ Dừa thi đỗ trạng nguyên và lấy được con gái phú ông, Thạch Sanh lấy công chúa và lên làm vua...).
Đối với các nhân vật phản diện (Lý Thông, người anh tham lam trong truyện Cây khế ...) thì tác giả dân gian không chỉ phản ánh, tố cáo, lên án sự tham lam, ích kỷ, độc ác, dã man của chúng mà còn tìm cách loại trừ, tiêu diệt chúng để cho người lương thiện được sống yên vui. Vì thế hầu hết các nhân vật phản diện trong truyện cổ tích đều dẫn đến kết cục bi thảm và bị trừng phạt đích đáng.
Mức độ thưởng, phạt (quả) đối với các nhân vật được thực hiện có phân biệt, tương ứng với tài đức, tội trạng (nhân) của từng nhân vật. Thạch sanh có tài năng, đức độ, có nhiều công tích được lấy công chúa và làm vua, Sọ Dừa thì đỗ trạng. Người em (trong truyện Cây khế) là người nghèo khổ, hiền lành, thật thà nhưng không có tài năng, công tích gì đặc biệt nên chỉ được chim thần cho vàng (vừa đầy túi ba gang) để trở thành giàu có mà thôi. Đối với các nhân vật phản diện, sự trừng phạt cũng có sự phân biệt rõ rệt, Lý Thông tham của, tham sắc, tham danh vọng, địa vị, vong ân bội nghĩa, lợi dụng, lừa gạt, cướp công và hãm hại Thạch Sanh thì bị trời đánh hóa thành kiếp bọ hung, đời đời chui rúc nơi hôi hám. Người anh trong truyện cây khế ích kỷ tham lam thì chim thần cũng chiều theo tham vọng của hắn để cho hắn phải tự chuốc lấy cái chết nhục nhã.
Vậy, sự thưởng phạt trong truyện cổ tích đối với các nhân vật tuân theo triết lý nhân quả : nhân nào quả ấy. Triết lý nhân quả có mục đích giáo dục đạo lý làm người, khẳng định niềm tin và ước mơ của nhân dân vào công lý, chính nghĩa. Về phương diện nghệ thuật, triết lý nhân quả có vai trò tạo nên mạch logic để xây dựng cốt truyện, cũng như có tác dụng liên kết các tình tiết, sự việc trong truyện cổ tích.
V. Triết lý nhân quả trong truyện cổ tích Tấm Cám
Truyện cổ tích Tấm Cám có sự kết hợp, hòa trộn giữa niềm tin và triết lý truyền thống Ở hiền gặp lành của nhân dân và thuyết luân hồi quả báo (thiện giả thiện báo, ác giả ác báo) của đạo Phật. Vì vậy triết lý nhân quả trong truyện cổ tích Tấm Cám có sự đặc biệt hơn với nhiều truyện cổ tích khác.
1/ Quan hệ nhân quả trong truyện cổ tích Tấm Cám
1.1/ Tấm hiền lành, lương thiện nên được Bụt giúp đỡ đắc lực:
Bản chất của Tấm là hiền lành, thật thà, chăm chỉ, chịu thương chịu khó, hiếu thảo. Đây là cái nhân tốt để Tấm nhận quả lành. Điều này thật rõ ràng và dễ dàng nhận thấy qua việc Tấm luôn nhận được sự giúp đỡ của Bụt trong những hoàn cảnh khó khăn, đau khổ, bế tắc. Tại sao Bụt giúp Tấm? Vì Tấm hiền lành, lương thiện nhưng bị mẹ con dì ghẻ chèn ép, đày đọa. Bụt đứng về cái thiện, bênh vực, ủng hộ cái thiện nên Bụt giúp đỡ Tấm trong bất kỳ tình huống khó khăn, đau khổ, bế tắc nào. Bụt xuất hiện rất nhanh, bất ngờ, đúng lúc và giúp đỡ Tấm một cách hoàn toàn vô tư, sẵn lòng - điều mà Tấm không ngờ tới, không nghĩ đến chuyện cầu cứu ở Bụt. Tấm bị Cám lừa trút mất giỏ tôm tép, Bụt cho Tấm con cá bống (và thần chú) để Tấm có người bạn an ủi. Mẹ con Cám giết bống ăn thịt, Bụt bày cho Tấm cách chôn xương bống, chứa đựng phép màu mà Tấm không ngờ tới. Mụ dì ghẻ bày việc trộn chung một đấu gạo và một đấu thóc rồi bắt Tấm nhặt để không cho Tấm đi xem hội, Bụt sai chim sẻ giúp Tấm.
1.2/ Tấm biết vực dậy đấu tranh đến cùng để chống lại cái ác, cái xấu nên Tấm mới có được hạnh phúc đích thực và bền vững:
Trong truyện cổ tích, nhân vật thần kỳ có vai trò mở nút cho sự bế tắc của nhân vật chính. Nếu không có nhân vật thần kỳ, nhân vật chính - người hiền lành, lương thiện mà yếu đuối, thân cô thế cô - sẽ hoàn toàn bế tắc, không có lối thoát. Nếu thế, câu chuyện sẽ không được tiếp tục phát triển, đi đến kết thúc nhanh chóng, không có kịch tính, thiếu hấp dẫn và mối quan hệ nhân quả sẽ không xảy ra.
Truyện Tấm Cám vừa tuân theo đặc điểm thi pháp này, vừa có sự dị biệt so với những truyện cổ tích khác (Thạch Sanh, Sọ Dừa, Cây khế...) ở chỗ nhân vật thần kỳ chỉ có vai trò hỗ trợ chứ không có vai trò quyết định. Không thể phủ nhận vai trò rất quan trọng của Bụt trong truyện Tấm Cám, nhưng ở truyện này Bụt không quyết định được sự đổi thay cuộc đời, số phận, hạnh phúc của Tấm.
Trong thời kỳ sống chung với mẹ con Cám, Tấm hiền lành tới mức yếu đuối, cam chịu và hoàn toàn thụ động - Tấm chỉ biết khóc, khóc và khóc trước sự đối xử bất công, tàn nhẫn của mẹ con Cám. Bị Cám lừa trút hết giỏ tôm tép, Tấm ngồi khóc. Khi biết mẹ con Cám giết bống ăn thịt, Tấm ôm mặt khóc rưng rức. Bị mụ dì ghẻ tìm cớ không cho đi xem hội, Tấm lại khóc. Quần áo rách rưới, không thể đi xem hội, Tấm cũng chỉ biết khóc.
Khi trở thành hoàng hậu, Tấm vẫn thể hiện bản chất của mình. Tấm không quên ngày giỗ cha. Khi dì ghẻ bảo Tấm trèo hái cau để cúng cha, Tấm vâng lời ngay. Mụ dì ghẻ chặt gốc cau để hại Tấm, Tấm hỏi, mụ bảo đập kiến để khỏi cắn Tấm, Tấm cũng tin, không một chút mảy may nghi ngờ hành động của dì ghẻ.
Nhưng từ khi bị mẹ con Cám giết hại (chặt gốc cau để Tấm ngã xuống ao chết), từ một cô Tấm yếu đuối, cam chịu, thụ động, Tấm đã biết vực dậy để đấu tranh cho chính mình. Khi là chim vàng anh, Tấm cảnh báo với Cám sự có mặt của mình với lời lẽ cứng cỏi: Phơi áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao. Khi biến thành khung cửi, Tấm nguyền rủa và đe dọa Cám : Cót ca cót két, lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra. Khi Tấm trở lại kiếp người, Cám thấy Tấm trở về trẻ đẹp như xưa, Cám hỏi Tấm làm thế nào mà đẹp thế?, nhân cơ hội này Tấm đã trả thù Cám. Cái chết của Cám kéo theo cái chết của mụ dì ghẻ độc ác đã kết thúc quá trình đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng của Tấm đối kẻ thù để giành lấy hạnh phúc chính đáng của bản thân.
Như vậy, để đòi lại công bằng, giành lại hạnh phúc, Tấm phải tự mình đấu tranh với mẹ con Cám. Ở chặng này, Bụt không xuất hiện nữa, còn việc Tấm hóa từ kiếp này sang kiếp khác chẳng qua là sự hiện thân của Tấm, tức là sự hiện thân của cái thiện - không bao giờ bị tiêu diệt, không bao giờ chịu đầu hàng trước cái ác, cái xấu.
1.3/ Mẹ con Cám độc ác, tàn nhẫn nên cuối cùng chịu kết cục thê thảm
Trước hết là hành động Cám lừa trút hết giỏ tôm tép của Tấm :
Từ chỗ lười biếng, ỷ lại được mẹ cưng chiều, Cám lừa trút hết giỏ tôm tép của Tấm. Hành động này của Cám là hành động cướp công, cướp sức lao động của người khác. Mụ dì ghẻ không nhúng tay vào việc này, nhưng mụ đã tiếp tay cho Cám, tạo nên sự bất công giữa con đẻ và con chồng.
Hành động lừa Tấm đi chăn trâu đồng xa để ở nhà giết bống ăn thịt của mẹ con Cám là hành động tàn nhẫn. Họ đã cướp đi người bạn của Tấm, lấy đi niềm vui, niềm an ủi tinh thần duy nhất của Tấm.
Nếu hai hành động trên mang tính lừa lọc, che đậy thì hành động trộn chung một đấu gạo và một đấu thóc rồi bắt Tấm nhặt của mụ dì ghẻ là hành động trắng trợn, hành hạ, dày dọa Tấm. Hành động này vừa độc ác vừa tàn nhẫn.
Khi Tấm trở thành hoàng hậu, mẹ con mụ dì ghẻ càng ganh ghét, đó kỵ với Tấm. Cùng với đó là lòng tham, muốn Cám, con đẻ của mình trở thành hoàng hậu, nên mụ dì ghẻ đã dã tâm giết Tấm trong ngày giỗ cha Tấm. Thậm chí khi biết Tấm chết, hóa thân thành kiếp những khác nhau, rất nhỏ bé, yếu đuối và vô hại như chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, Cám cũng không chịu buông tha cho Tấm. Tất cả vì lòng ganh ghét, đố kỵ và độc ác của Cám.
Điều này giải thích vì sao Tấm trả thù Cám một cách quyết liệt, mạnh mẽ đến như vậy (Tấm sai quân hầu đào một hố sâu, Tấm lừa Cám xuống đó, rồi sai quân hầu dội nước sôi vào hố cho Cám chết). Sở dĩ Tấm phải hành động mạnh mẽ như vậy vì mẹ con dì ghẻ quá tàn nhẫn và độc ác, họ không từ bỏ một dã tâm nào để hãm hại Tấm, quyết hãm hại Tấm đến cùng. Ngày nào họ còn tồn tại thì ngày đó họ còn hãm hại Tấm, họ dồn Tấm vào đường cùng. Chính vì thế Tấm không có sự lựa chọn nào khác. Có ý kiến cho rằng, hành động trả thù của Tấm là khác lạ với bản chất hiền lành của cô, nhưng đa số ý kiến cho rằng Tấm hành động như vậy là hợp lý và cũng là cách duy nhất để bảo vệ mình.
Cách kết thúc của truyện Tấm Cám khác với cách kết thúc trong những truyện cổ tích khác. Thông thường trong truyện cổ tích, nhân vật chính diện không trực tiếp trả thù nhân vật phản diện. Thạch Sanh hoàn toàn tha bổng cho mẹ con Lý Thông; người em trong truyện Cây khế không hề phàn nàn, oán trách người anh tham lam; Sọ Dừa và vợ chàng không hề đả động gì đến tội trạng của hai người chị gái (con phú ông)... Việc trừng phạt các nhân vật phản diện trong cổ tích phần lớn do các nhân vật thần kỳ (trời, Phật, thần linh...) thực hiện, hoặc do bản thân các nhân vật phản diện tự chuốc lấy. Trái lại, ở truyện cổ tích Tấm Cám, tác giả dân gian để cho Tấm trả thù và trả thù một cách quyết liệt, dữ dội. Truyện Tấm Cám dù kết thúc không có hậu, nhưng nó vẫn tuân theo đúng quan niệm dân gian trong các thành ngữ  Tức nước vỡ bờ, Con giun xéo lắm cũng quằn. Còn về mối quan hệ nhân - quả, tất nhiên là quá rõ ràng,  nhân nào quả ấy, gieo gió gặt bão, ác giả ác báo, kết cục thê thảm của mẹ con Cám tương xứng với tội ác của mẹ con mụ hành xử với Cám.
2. Ý nghĩa của triết lý nhân quả trong truyện cổ tích Tấm Cám
2.1/ Thể hiện niềm tin, ước mơ công lý của nhân dân vào lẽ công bằng, vào cuộc đấu tranh và chiến thắng của cái thiện đối với cái xấu, cái ác
Cũng như truyện cổ tích nói chung, truyện Tấm Cám phản ánh sự xung đột giữa cái thiện và cái ác. Đó là cuộc đấu tranh gay gắt, quyết liệt, nói theo ngôn ngữ triết học là không thể điều hòa mâu thuẫn. Cái thiện và cái ác là hai đối cực. Cái ác không có lý do để tồn tại vì tính phi nhân đạo, phản nhân văn của nó, vì thế, muốn tồn tại nó phải tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để triệt tiêu cái thiện. Truyện Tấm Cám thể hiện rất rõ điều này qua hành vi độc ác, tàn nhẫn của mẹ con Cám. Sự tấn công của cái ác vào cái thiện bao giờ cũng chủ động, lấn lướt, trấn áp, nhất là đối với cái thiện (nhân vật lương thiện) bị thân cô, thế cô, bất hạnh (người mồ côi, người em út, người nghèo khổ, người có ngoại hình xấu xí...). Trong hoàn cảnh ấy, cái thiện yếu đuối vô cùng, vì vậy truyện cổ tích mới có nhân vật thần kỳ (tiên Bụt, thần, thánh...) hoặc vật thần kỳ (chim thần, sách ước, đàn thần...) để bảo vệ, bênh vực cho cái thiện. Ở truyện Tấm Cám, nhân vật Bụt nhiều lần xuất hiện để giúp đỡ Tấm vượt qua những bế tắc, đó chính là ước mơ cái thiện được bảo vệ, được ủng hộ của nhân dân ta xưa, vì mỗi khi xã hội còn bất công, người hiền không dễ gì sống yên ổn với điều lành, thậm chí có nơi có lúc cái thiện, cái đúng, cái lẽ phải bị cô lập, bơ vơ trước phường giá áo túi cơm cơ hội, thực dụng, xu thời hoặc trước hạng người an phận thủ thường, ích kỷ, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh.
Sự chiến thắng của Tấm đối với mẹ con Cám thể hiện niềm tin vào công lý, vào lẽ công bằng của nhân dân ta. Một cô Tấm hiền lành, chịu thương chịu khó, đẹp người, đẹp nết hoàn toàn xứng đáng trở thành hoàng hậu, sống hạnh phúc. Hai mẹ con mụ dì ghẻ vô lương, tàn độc, ích kỷ hại nhân nên cuối cùng đi đến kết cục bi thảm. Nhân dân ta gửi gắm niềm tin vào cuộc đấu tranh và chiến thắng của cái thiện đối với cái xấu, cái ác rất sâu sắc qua truyện cổ tích Tấm Cám.
2.2/ Khẳng định triết lý nhân quả Ở hiền gặp lành, Gieo gió gặt bão của nhân dân ta
Triết lý nhân quả trong truyện cổ tích Tấm Cám không chỉ thể hiện niềm tin, ước mơ của nhân dân vào công lý, mà còn khẳng định triết lý nhân - quả như một quy luật trong cuộc đời. Người ở hiền sẽ gặp lành, kẻ gieo gió ắt gặt bão - nhân dân ta luôn khẳng định điều đó như một lẽ tất yếu. Đấy không phải là tư tưởng duy tâm, siêu hình mà là quy luật thực sự. Từ triết học Bà-la-môn giáo, Phật giáo, Khổng giáo đến triết học Mác-Lênin đều khẳng định quan hệ nhân - quả mang tính quy luật.
Bằng hình tượng nhân vật chính diện và phản diện sinh động, tác giả dân gian truyện cổ tích Tấm Cám đã khẳng định chân lý nhân - quả đó. Nhân vật Tấm biết bao nhiêu lần bị mẹ con Cám hãm hại, biết bao nhiêu lần Tấm đau khổ, bế tắc nhưng cuối cùng Tấm đã giành chiến thắng. Mẹ con mụ dì ghẻ không từ bỏ một dã tâm nào để bóc lột, đày đọa, hành hạ, tiêu diệt Tấm nhưng cuối cùng kẻ thất bại thê thảm chính là họ. Vậy thất bại của cái thiện chỉ là cái nhất thời, thất bại của cái ác mới là tất yếu. Do đó, có thể nói, Ở hiền gặp lành, Gieo gió gặt bão là sự khẳng định của nhân dân ta về triết lý nhân quả.
2.3/ Triết lý nhân quả trong truyện cổ tích Tấm Cám có ý nghĩa giáo dục đạo đức con người vô cùng sâu sắc
Phật giáo khẳng định rằng: nhân - quả là chân lý, sớm muộn gì cũng xảy ra. Đừng vì lý do mau chậm của quả mà vội vàng hấp tấp, mà cho rằng cái luật nhân quả không hoàn toàn đúng, khi thấy có những cái nhân chưa phát sinh ra quả. Luật nhân quả chi phối tất cả vũ trụ vạn vật, không có một vật gì, sự gì thoát ra ngoài luật nhân quả được.
Triết lý dân gian Việt Nam chắc chắn chịu ảnh hưởng của thuyết luân hồi, quả báo (thiện giả thiện báo, ác giả ác báo) của Phật giáo, nhưng nó không cao siêu, lý luận trừu tượng mà rất cụ thể, sinh động. Ông cha ta xưa sáng tạo nên những câu chuyện cổ tích với triết lý nhân quả Ở hiền gặp lành như truyện Tấm Cám để giáo dục đạo đức, đạo lý làm người một cách tự nhiên, nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc. Những câu chuyện cổ tích hồn nhiên, hấp dẫn, đẹp nên thơ như cô Tấm bước ra từ quả thị thơm tho sẽ in đậm dấu ấn khó phai mờ trong tâm hồn trẻ thơ. Để rồi từ đó cùng với nền nếp gia phong, luân lý xã hội, giáo dục của nhà trường, các em lớn lên trở thành những công dân tốt, những con người hiền lành lương thiện, biết tin vào cái thiện và điều nhân nghĩa.
2.4/ Triết lý nhân quả trong truyện cổ tích Tấm Cám là bài học đấu tranh để bảo vệ cái thiện, cái chính nghĩa
Nét độc đáo, sáng tạo trong truyện cổ tích Tấm Cám, là bài học đấu tranh. Nhân vật chính diện phải đấu tranh trực diện, không khoan nhượng với kẻ thù để tự bảo vệ hạnh phúc của chính mình. Nhân vật thần kỳ chỉ xuất hiện ở nửa đầu truyện với vai trò phụ trợ. Nửa sau tác phẩm (từ khi Tấm trở thành hoàng hậu), nhân vật Bụt không xuất hiện nữa, dù tồn tại dưới nhiều hình thức biến hóa nhưng Tấm luôn chủ động đấu tranh với Cám để giành lấy hạnh phúc. Vậy, ý nghĩa của triết lý nhân quả trong đấu tranh là: trong cuộc đấu tranh với cái ác, cái thiện không thể cam chịu, thụ động ngồi chờ sự trợ giúp nào bên ngoài mà phải tự mình đứng lên đấu tranh. Có ý chí đấu tranh (tư tưởng), hành động đấu tranh và phương pháp đấu tranh (nhân) thì mới có thắng lợi (quả). Ngược lại, chỉ tin rằng thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà mà không đấu tranh (cam chịu hoặc thỏa hiệp) thì thắng lợi chỉ là ảo tưởng, khi đó triết lý nhân - quả chỉ là duy tâm, siêu hình. Cuộc đấu tranh với cái ác, cái xấu có tính mất còn nên cái thiện, cái tốt phải kiên trì, quyết liệt đấu tranh đến cùng. Vì sao? Vì cái ác, cái xấu có bao giờ chịu nhường bước, nhượng bộ cái thiện, cái tốt đâu ! Hành động xấu xa, độc ác của mẹ con Cám đối với Tấm là minh chứng cụ thể và sinh động cho điều đó.
VI. Kết luận      
Maxim Gorki từng nói Văn học là nhân học. Văn học góp phần phát triển nhân cách con người. Văn học xuất phát từ con người, dù nó sâu xa, thăng hoa đến đâu cũng hướng đến con người. Trách nhiệm của người giáo viên dạy văn là qua những bài giảng phải làm cho học sinh thấy được ý nghĩa, lợi ích, giá trị đích thực của việc học văn. Theo tôi, một trong những hướng đi đó là qua mỗi bài học học sinh phải rút ra được ý nghĩa tác phẩm và biết liên hệ bài học đối với bản thân. Nói cách khác, học sinh phải rèn luyện được kỹ năng tự nhận thức. Học văn cũng là một hình thức học sống.
Tài liệu Giáo dục kỹ năng sống trong môn Ngữ Văn ở trường trung học phổ thông đã định hướng những kỹ năng sống cơ bản mà học sinh rèn luyện qua bài Tấm Cám là : Tự nhận thức, xác định giá trị của cái tốt, cái thiện và có ý thức đấu tranh bảo vệ cái tốt, cái thiện, chống cái, cái xấu trong cuộc sống ...
Vận dụng đề tài nghiên cứu trên vào bài dạy sẽ giúp học sinh nhận thức được rằng Ở hiền gặp lành, Gieo gió gặt bão, Ác giả ác báo không phải là chuyện chỉ có trong cổ tích hay xưa như cổ tích (ngoài đời làm gì có; ai cũng biết, không có gì để nói). Triết học Phật giáo cũng như triết học Mác - Lê-nin đều khẳng định mối quan hệ nhân - quả là quy luật có tính tất yếu, tức nó là chân lý của cuộc sống. Không có nhân nào không sinh ra quả, và không có quả nào không do nhân nào đó tạo thành. Nhân - quả mang tính biện chứng. Không tin vào nhân -  quả là tư tưởng hết sức chủ quan, phi logic, phi khoa học. Đề cập đến triết lý nhân quả trong trường hợp này sẽ giúp học sinh củng cố niềm tin (tức kỹ năng thể hiện sự tự tin) thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà khi mà ngoài đời các em thấy cái thiện, sự chính nghĩa có lúc thua thiệt, bị cái ác, cái phi nghĩa lấn lướt. Khi hiểu được tính nhân - quả, các em sẽ thấy điều đó chỉ là nhất thời, không đánh mất niềm tin trước giá trị của cái tốt, cái thiện.
Mặt khác, như đã phân tích ở trên Tấm Cám là bài học đấu tranh để bảo vệ cái thiện, cái chính nghĩa. Bảo vệ cái tốt, cái thiện là phải đấu tranh chống cái ác, cái xấu, chứ không phải thụ động ngồi chờ, không phải chỉ tin là được. Nếu chỉ dừng lại ở nhận thức và niềm tin mà không hành động thì nhân - quả dễ rơi  vào duy tâm, siêu hình, không mang tính tích cực.
Từ bài học lớn đối với học sinh là kỹ năng tự nhận thức và kỹ năng tự điều chỉnh hành vi. Không chỉ trong cuộc đấu tranh giữa cái thiện- cái ác mới có quan hệ nhân - quả, mà quan hệ nhân - quả có mặt khắp trong cuộc sống chúng ta. Mỗi khi suy nghĩ, hành động nếu nghĩ đến mối quan hệ nhân - quả, ta sẽ điều chỉnh, kiểm soát được hành vi của mình, tránh được lối nghĩ bừa, làm ẩu - nguyên nhân của kết cục xấu. Vậy, với nhận thức về mối quan hệ nhân quả (qua truyện cổ tích Tấm Cám), học sinh sẽ biết hành động theo hướng tạo nhân tốt, tích cực để có quả tốt đẹp; tránh gieo nhân xấu, tiêu cực để khỏi rơi vào kết cục xấu, thất bại. Bài học này đơn giản mà sâu sắc, là hành trang đầy ý nghĩa theo suốt cuộc đời các em, nếu các em biết ý thức về nó.
* Truyện cổ tích được các nhà nghiên cứu chia thành 3 loại: truyện cổ tích về loài vật, truyện cổ tích sinh hoạt, truyện cổ tích thần kỳ.
Lê Xuân Chiến
Theo http://tapchivan.com/



1 nhận xét:

  Chiều sân ga 25 Tháng Mười Một, 2023 Chiều sân ga, tiếng còi tàu vang lên là lòng tôi sắt lại. Nó như thúc giục tôi mau chóng lên đườn...