Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Ơi những bài hát tuổi thơ

Ơi những bài hát tuổi thơ...
Từ xa xưa âm nhạc đã là bạn đồng hành trọn một vòng đời. Con người sinh ra có hát ru, lớn chút hát đồng dao, rồi hát giao duyên, hò- lý - ví - lượn… trong lao động, đến lúc nhắm mắt xuôi tay lại được kèn trống tiễn đưa về nơi cuối trời. Chính nhạc cổ truyền, đặc biệt là tiếng hát ru của mẹ đã góp vốn không nhỏ trong bản sắc Việt cho các nhạc sĩ thế hệ đầu đàn - những người thành danh chủ yếu từ trường đời, cũng là những người đã đặt những lát gạch đầu tiên trong mảng ca khúc thiếu nhi.
Thế hệ tôi đã không còn trọn vẹn những cánh cò bay lả bay la trong giấc ngủ. Những bài đồng dao dần dần được thay thế hoàn toàn bằng bài ca mới. Và chúng tôi đã lớn lên cùng những bài hát được gọi chung là ca khúc thiếu niên nhi đồng.
Trẻ thơ như tờ giấy trắng. Những gì đã ngấm vào kí ức thời ấu thơ rất khó phai mờ. In đậm trong tuổi thơ tôi là Đếm sao (Văn Chung), Năm ngón tay ngoan (Trần Văn Thụ), Một con vịt (Kim Duyên), Đội kèn tí hon (Phan Huỳnh Điểu) mà tụi nhóc chúng tôi vẫn quen gọi Te tò te… Bình dị và dễ thương làm sao!
Song để có bài ca bình dị như thế, thực sự gần gũi với trẻ con như thế hóa ra chẳng dễ. Nhìn vào tỉ lệ thấy rõ phần nhiều thuộc về những bài hát ngợi ca với lời lẽ truyên truyền mà bọn nhóc chúng tôi thời đó cứ líu lo hát như vẹt chứ thực tình không hiểu mấy. Xin mượn lời của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong bài báo từ năm 1960 làm thí dụ:
“Trong bài Em là mầm non của Đảng viết cho đối tượng nhi đồng có câu “em lớn lên trong mùa cách mạng”. Tôi đã đưa câu hỏi một cháu chín tuổi, nó đứng suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Mùa cách mạng cũng như mùa cam mùa quýt phải không ạ?”. Cũng có thể là thằng cháu đó dốt thật (?) nhưng kể ra với tuổi nhi đồng mà hiểu được từ “mùa cách mạng” thì chắc cũng không nhiều lắm!” [1].
Từ biệt với tuổi thơ, nhưng tôi không hoàn toàn chia tay với ca khúc thiếu nhi. Sau này lại cùng hát với các con, và thấy mừng là bài hát tuổi thơ của các con khấm khá hơn thời của mình. Vốn liếng tích cóp vài chục năm đã có thêm Chú ếch con (Phan Nhân), Chim vành khuyên (Hoàng Vân), Con chim non (Lý Trọng), Đêm trung thu (Phùng Như Thạch), Mẹ yêu không nào (Lê Xuân Thọ), Cháu yêu bà (Xuân Giao), Cả nhà thương nhau (Phan Văn Minh), Cháu lên ba (Phạm Minh Tuấn)… Không thể đưa hết danh sách cần kể nên tôi chỉ điểm tên vài bài các con thích hơn cả.
Cháu lên ba được các bé hát ngày ngày, dù con trẻ thời đô thị hóa không biết “ông bà vui cấy cày” là gì.
Bài Ếch ộp do dấu giọng biến từ “cổ” thành “cố vươn cô lên” - “cô” thì có liên quan gì đến chuyện ếch kêu ồm ộp nhỉ? Thắc mắc thế thôi, chứ bé vẫn hát. Bởi bài hát của bé ở nhà trẻ đâu có nhiều nhặn gì.
Thú thật, không chỉ hát cùng con, mà tôi còn liều lĩnh viết cho con hát. Con tôi cũng như nhiều đứa trẻ khác rất sợ đi nhà trẻ mẫu giáo. Thế là mẹ è cổ ra hành nghề tay trái, để con bớt khóc lóc và có thể vui với những chuyện cỏn con thường ngày ở lớp: chơi đu, cưỡi ngựa, vẽ vời, tập chải răng... Rồi trường con mang tiết mục đi thi và được giải, được thu truyền hình, từ đó con có lỡ khóc nhè, khó ăn, khó ngủ, đi học muộn thì các cô cũng cố chiều. Phải nói là bài hát thiếu nhi đã cứu con, cứu mẹ bàn thua trông thấy.
Đó là những gì tuổi thơ được thừa hưởng từ quá khứ: dân gian cổ truyền không còn, ca khúc từ các thập niên trước để lại không nhiều, bài hát phù hợp càng ít. Sáng tác hiện nay thì sao? Các nhạc sĩ đều từng có con nhỏ, cháu nhỏ, mỗi người viết cho con, cho cháu nội ngoại chỉ dăm ba bài thôi, nhân với số nhạc sĩ hiện nhiều chưa từng thấy, thì số lượng bài hát thiếu nhi chắc phải tới hàng ngàn. Thực tế không thế.
Bao năm nay cứ nói “nhạc trẻ lên ngôi”, nhưng nhạc cho thiếu niên nhi đồng là lực lượng trẻ trong nay mai lại vẫn thiếu ơi là thiếu. Thiếu hơn cả là bài hát cho tuổi nhà trẻ và tuổi ương ương mới lớn nhưng chưa thực sự trưởng thành. Đang tuổi ca hát, trẻ con buộc phải lớn ép, nhà trẻ hát bài mẫu giáo, mẫu giáo mượn bài nhi đồng, mới tuổi “choai choai” đã xài chung bài của người lớn, cũng “anh anh - em em”, cũng “nói dối, lừa dối, gian dối” như ai.
Số tác giả chuyên viết cho thiếu nhi đang rơi rụng dần. Tác phẩm bớt đi về số lượng và yếu hơn về chất lượng. Đã ít lại ế, vì cái tuổi vừa học vừa chơi chả buồn hát những bài ca khô cứng, sáo mòn, thiếu hấp dẫn. Teenager tự chế sản phẩm cho mình theo ý thích. Các công dân thời công nghệ điện tử và tin học không mấy khó khăn trong việc tự phối khí thu âm, tự quảng bá bài hát trên mạng. Thế là nảy sinh những sản phẩm “ngoài luồng” như nhạc nhái, nhạc chế, nhạc teen, nhạc té ghế, nhạc thảm họa…
Không được khích lệ, hỗ trợ, phong trào tự biên tự diễn tuổi teen cứ tự do biến thái, tạo cơ hội cho nhạc bẩn tấn công tuổi teen. Giai điệu nhạt nhẽo, không cá tính; lời ca nhảm nhí, gây “sốc”; giọng hát phô chênh, đuối hơi; trang phục nhố nhăng, điệu bộ bắt chước y chang người lớn… Phải làm gì khi những yếu tố đó đang làm méo mó tiếng Việt, làm hỏng thị hiếu âm nhạc của công chúng tương lai? Cấm tiệt ư? Chê trách bọn trẻ ư?
Trách ai khi con trẻ không được hưởng môi trường âm nhạc lành mạnh? Trách ai khi trẻ con trong chương trình ca nhạc thiếu nhi không còn là trẻ con? Trách ai khi nhạc không lời cho thiếu niên nhi đồng vẫn chỉ là con số 0?
Còn việc cấm đoán, có muốn cũng chẳng được. Chỉ có giải pháp duy nhất thôi: xin các ông, các bác, các cô chú nhạc sĩ loại trừ cái dở cái tồi bằng cách sớm làm ra cho con cháu nhiều cái thật đẹp thật hay để thay thế.
[1] Phan Huỳnh Điểu: Cần viết bài hát cho các em tốt hơn nữa. Văn nghệ, số 12, 1960. (Hợp tuyển, tập 5a, tr.340-341).
Nguyễn Thị Minh Châu
Nguồn: www.hoinhacsi.vn
Theo http://www.hoiamnhachanoi.org/


1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...