Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Vầng trăng trong thi ca

Vầng trăng trong thi ca 
1. Không biết tự bao giờ, ánh trăng đã là nguồn cảm hứng bất tận muôn đời của các thi sĩ văn nhân. Có thể gọi đấy là mối lương duyên suốt đời mà ông tơ bà nguyệt đã dành cho họ. Trong cảm quan của người nghệ sĩ, trăng không đơn thuần là nguồn sáng trong đêm mà đã trở thành một hình tượng nghệ thuật độc đáo. Ở đó, nó đã trở thành một âm hưởng đa thanh xoáy sâu vào tâm hồn có sức ám ảnh, khơi gợi cho người đọc nhiều xúc cảm về chiến tranh và hòa bình, hạnh phúc và khổ đau, quê hương và gia đình, tình yêu và thân phận con người...
2. Theo quan niệm của người xưa trong văn học trung đại, con người là một "tiểu vũ trụ" trong lòng "đại vũ trụ", con người và đất trời có thể hòa hợp với nhau trong mối tương cảm, tương thông (thiên - nhân tương dữ, thiên - nhân tương cảm). Theo đó, trăng trong văn học trung đại không huyền bí xa lạ như trong truyện cổ dân gian (nữ thần Mặt trăng), cũng không bất biến như trong ca dao dân ca (trăng bao nhiêu tuổi trăng già, núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non) của văn học dân gian mà gần gũi, thân thiết với con người. Mặt khác, trăng - với lí tính khách quan của nó - là mang đến ánh sáng mát mẻ huyền diệu cho con người và cuộc đời trong đêm đen, khi bước vào địa hạt thơ ca đã trở thành một hình tượng nghệ thuật thực sự, được miêu tả khá độc đáo và sắc nét. Ở đây, nó đã được các nhà thơ vận dụng trong trường liên tưởng một cách tinh tế, sáng tạo. Có thể đấy là tuổi xuân, hạnh phúc, là vẻ đẹp, niềm vui, là nỗi buồn cô đơn tuyệt vọng, đôi khi là một người bạn, người tình yêu dấu...
2.1. Đọc thơ các nhà thơ trung đại, ta thường chứng kiến cảnh những người chinh phụ, cung nữ, thục nữ hay ngồi một mình vọng trăng, thưởng nguyệt trong đêm dài. Trăng ở đây không phải là "trăng viên mãn" tròn đầy, "trăng vàng trăng ngọc" mà là "trăng tàn", "trăng khuyết", "trăng xẻ làm đôi"... Trăng ở đây cũng chính là cuộc đời nhiều dở dang bất hạnh của họ. Đó là cảnh nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong đêm khuya thanh vắng, một mình uống rượu mong giải buồn nhưng say rồi lại tỉnh, tỉnh ra lại càng buồn hơn. "Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn" (Tự tình II) cứ như nhắc nhớ thi nhân rằng tuổi trẻ, tình yêu đang trôi qua mà nhân duyên chưa trọn vẹn. Đó là cảnh nàng Kiều khắc khoải cô đơn trong đêm trường lạnh giá khi chia tay với Thúc Sinh - cũng là vĩnh viễn chia li với hạnh phúc "chỉ ấm trôn kim" mà nàng vừa có được : "Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường" (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Đó cũng là cảnh những người cung nữ, chinh phụ trong những đêm dài xa vắng người thương, nhìn trăng hoa giao hòa quấn quýt : "Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm/ Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông/ Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng" (Chinh phụ ngâm khúc - Đoàn Thị Điểm dịch) mà thức dậy những khát khao mãnh liệt về hạnh phúc ái ân chồng vợ - khát vọng đầy tính nhân bản, nhân văn.
Có thể nói, trăng hiện lên qua cái nhìn của những người phụ nữ đa tài, đa tình và cũng lắm đa truân này không có cái lãng mạn, thơ thới, ấm áp giao hòa mà lúc nào cũng vàng rười rượi, cũng "lạnh lẽo buốt xương da", cũng u ám hắt hiu và lắng đượm vẻ buồn - bởi ngoại cảnh đã là tâm cảnh. Trăng gợi nhớ hạnh phúc, niềm vui ở họ dẫu có cũng chỉ thảng hoặc thoáng qua trong giây lát, không làm vơi đi vết thương lòng mà càng khắc sâu thêm nỗi tủi hổ bẽ bàng của phận hẩm duyên ôi. Nó như hơi cháo hành của Thị Nở thoang thoảng hiện ra trong lúc Chí Phèo rơi vào cơn tuyệt vọng cùng cực của tấn bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Nó như chiếc lá Diêu bông của Hoàng Cầm hiển hiện đấy mà xa vời đấy. Nó hiện ra như để trêu ngươi họ, chọc tức họ, đẩy họ vào nỗi đau đớn tột cùng. Nhìn "nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng" quấn quýt mà lòng ngổn ngang những khát vọng, bộn bề những nỗi đau. Ngẫm lại thấy mình "loay hoay trong cảnh cô độc giữa đất trời vô tình" mà cảm thương cho thân phận mình": "Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng/ Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau" (Chinh phụ ngâm khúc - Đoàn Thị Điểm dịch). Ánh trăng. Khát vọng và tuyệt vọng. Cái chập chờn không biên giới giữa thực và mộng, giữa hạnh phúc và khổ đau, niềm vui và nỗi buồn, đoàn viên và li biệt. Càng kiếm tìm càng lẩn trốn. Càng đến gần càng lùi xa để cho nỗi lòng khát khao hạnh phúc, tình yêu của những người phụ nữ đa tài, đa tình, đa truân này lâm vào vĩnh viễn đau thương.
Có thể thấy, trong các tác phẩm văn học thời kì này, ánh trăng có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc thể hiện tâm trạng của các nhân vật trữ tình. Nó đã trở thành một thứ không gian nghệ thuật "gắn liền với ý niệm về sự cảm nhận về giá trị của con người ..., là một hiện tượng tâm linh nội cảm chứ không còn là hiện tượng địa lí, vật lý..." (1). Nó đã được nội tâm hóa rõ rệt, mang đậm màu sắc tâm trạng và thấm đượm tình cảm con người.
2.2. "Có những ngày tuyệt vọng cùng cực", các thi nhân - Nho sĩ, chí sĩ yêu nước - trở về làng quê với nỗi lòng giông bão mang theo tấn bi kịch của thời đại in dấu trong từng sáng tác của mình. Ta thường bắt gặp cảnh các thi nhân hay ngồi một mình trong cô tịch của đêm dài. Ẩn tình của những ẩn sĩ bất đắc dĩ. Một tấc lòng ưu ái với dân, tận trung với nước đã không còn hợp thời thế. "Đời loạn đi về như hạc độc, tuổi già hình bóng tựa mây côi" (Nguyễn Khuyến). Tuổi già, sợ cô độc, trốn tránh cô độc, càng cô độc. Duy chỉ có vầng trăng kia như người bạn cố tri đã không dửng dưng trước sự cô quạnh đơn chiếc của thi nhân trong lúc lao lung này. Trăng đã chủ động đến với thi nhân để làm dịu đi cái tối tăm trong "năm gian nhà cỏ", "ngõ tối đêm sâu" để tô điểm cho nét thu thêm huyền ảo: "Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt/ Làn ao lóng lánh bóng trăng loe" (Thu ẩm- Nguyễn Khuyến) và cũng là để xoa dịu nỗi cô đơn trầm mặc của một nỗi lòng lắm những ưu tư thời thế: "Nước biếc trông như từng khói phủ/ Song thưa để mặc bóng trăng vào" (Thu vịnh-Nguyễn Khuyến). Cũng như vậy, thi nhân đến với trăng để tìm một sự lãng quên, nhưng nào có quên được. Lòng thi nhân còn quá bận rộn với sự đời. Càng nhìn trăng càng xót xa đau đớn mà chạnh nỗi ai hoài cố quốc: "Năm canh máu chảy đêm hè vắng/ Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ/ Có phải tiếc xuân mà đứng gọi/ Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ" (Cuốc kêu cảm hứng - Nguyễn Khuyến) lại càng tủi nhục cho phận kẻ làm trai không cứu được nước, giúp được dân: "Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng/ Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng/ Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót" (Bài ca chúc Tết thanh niên - Phan Bội Châu). Điều đó đã cho ta thấy ánh trăng trong văn học trung đại không chỉ đơn thuần là ánh trăng của vũ trụ thiên nhiên mà còn chính là tấm gương phản chiếu đời sống nội tâm phong phú, phức tạp của các nhân vật trữ tình. Nó đã trở thành "vầng trăng nghệ thuật... làm say mê lòng người không chỉ vì cái ánh sáng huyền diệu và vẻ đẹp lung linh mà chính là ở cái tình bao la của nó đưa người đọc trở về giao hòa với thiên nhiên vũ trụ và trở về với quan niệm thẩm mỹ mang nét đẹp nhân văn của người phương Đông (thiên nhân tương dữ) đã có tự ngàn xưa" (2).
3. Từ những năm đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi lớn lao. Sự gặp gỡ, giao lưu văn hóa phương Tây đã mang lại những biến đổi sâu sắc trong ý thức và tâm lý của con người. Đúng như Hoài Thanh nói: "Tình chúng ta đã đổi mới, thơ chúng ta cũng phải đổi mới" (3). Sự thức tỉnh của ý thức cá nhân, của khát vọng "cởi trói" đã mang lại một diện mạo mới cho văn học thời kì này. Ánh trăng đến đây không còn được miêu tả theo lối ước lệ tượng trưng như thời kì trước mà đã được các tác giả thổi hồn vào làm cho nó thực sự trở thành một chủ thể mang một sức sống mới, một màu sắc cá thể hóa rõ rệt, cao độ. Trăng cũng như người, biết chờ đợi, hẹn hò, có tâm trạng vui, buồn, cô đơn khi xa cách... Trăng ở đây đã là em, là nàng, là biểu tượng của cái đẹp, là nguồn cảm hứng khơi gợi sáng tạo bất tận của các thi nhân. Dễ thấy trong thơ Xuân Diệu bàng bạc một thế giới ánh trăng lung linh huyền ảo với đủ mọi hình hài dáng vẻ và trạng thái cảm xúc. Đó là trăng ngà, trăng ngần, trăng sáng, trăng xa, trăng mộng, trăng vú mộng, trăng tàn, trăng lạnh... Trăng cơ hồ đã trở thành hóa thân của nhà thơ - một tâm hồn cô đơn muốn tìm chỗ ẩn tựa nương mình: "Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh/ Trăng thương trăng nhớ hỡi trăng ngần" (Nguyệt cầm), nhưng nào có thoát được, "càng lên cao càng thấy lạnh", càng trốn chạy lại càng buồn mà sinh ra những giọt trăng, giọt đàn nước mắt: "Đàn buồn đàn lạnh ôi đàn chậm/ Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân" (Nguyệt cầm) để càng cô đơn và càng nhớ người thương: "Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người". Không biết có phải vì trở thành hóa thân của nhà thơ hay không mà trăng trong thơ Xuân Diệu rất nhạy cảm với bước đi của thời gian, nhất là trong những thời khắc chuyển mùa. Thu đến, thu đi là lẽ đương nhiên của trời đất, vậy mà trăng - như người con gái đẹp - buồn nỗi buồn u uẩn, se xót, lạnh lẽo, xa xôi: "Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ/ Non xa khởi sự nhạt sương mờ/ Đã nghe rét mướt luồn trong gió/ Đã vắng người sang những chuyến đò" (Đây mùa thu tới).
Trong số các nhà thơ Mới, có lẽ không ai viết về trăng nhiều và hay như Hàn Mặc Tử. Đọc thơ Hàn Mặc Tử, quả đúng như nhận xét: "Trăng, toàn trăng, một ánh trăng gắt gao... linh động lòng người. Trăng ở đây cũng ghen, cũng giận, cũng cay nghiệt, cũng trơ tráo và cũng nao nức dục tình..." (4). Trong thơ Hàn Mặc Tử, trăng không những được thi vị hóa, nhân cách hóa như nhiều nhà thơ khác mà còn được hiện thực hóa ngay trong cái không khí thi vị ấy. Trăng giăng mắc khắp cả không gian, thời gian của sự sống (Không gian dày đặc toàn trăng cả/ Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng - Huyền ảo). Trăng là áo quần để mặc (Áo ta rách rưới trời không vá/ Suốt bốn mùa trăng mặc vải trăng - Lang thang), là rượu để uống (Bóng Hằng trong chén ngả nghiêng)...
Quan trọng hơn, trăng đã là nàng - người con gái xuân thì lơi lả (Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi - Bẽn lẽn; Mới lớn lên trăng đã thẹn thò/ Thơm như tình ái của ni cô - Huyền ảo). Có thể nói trăng trong thơ Hàn Mặc Tử đâu còn là một khách thể mà đã trở thành một bản ngã ở trong thơ. "Nó đã hòa quyện vào từng tế bào nơi cơ thể và độ sâu thẳm của tâm linh. Nó có khả năng vỗ về, yêu đương, đối thoại như một hiện hữu người" (5). Và hơn thế, nó như một cứu cánh, một biểu tượng tuyệt mỹ mà thi nhân khát khao có được. Chẳng thế mà khi bị đày vào "lãnh cung của sự chia lìa", cái hố sâu ngăn cách của một tấm tình yêu đơn phương vô vọng, của một thân phận mặc cảm đang bị giày vò bởi thân xác đớn đau, nhà thơ ước ao trăng về như một cứu tinh, cứu chuộc, một điểm tựa duy nhất để hóa giải trạng huống đau thương  "Gió theo lối gió, mây đường mây/ Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay/ Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay ?" (Đây thôn Vĩ Dạ). Đúng như ai đó đã nói, trăng trong thơ Hàn Mặc Tử "được kết tinh như hạt muối, vừa có vị mặn của muối, vừa có vị mặn của đời" (6).
4. "Văn học là nỗi buồn về cái đẹp" (Lê Ngọc Trà). Có phải vì thế mà ánh trăng trong những tác phẩm trên dù được miêu tả rất đẹp nhưng hiếm thấy để diễn tả dẫu chỉ một niềm vui, trái lại váng vất bao nỗi buồn biệt ly muôn thuở. Điều này có vẻ đã thay đổi ở những tác phẩm văn học từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 trở đi. Nói như Chế Lan Viên, văn học Việt Nam đã đi "từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui". Ánh trăng từ chỗ chứng nhân cho bao nỗi buồn và nước mắt biệt ly thuở nào, do vậy, đã không còn hợp thời thế mà đã mang một ý nghĩa xã hội và tư tưởng nhân sinh sâu sắc. Nếu trong thơ cổ, các nhân vật trữ tình đến với trăng khi đã chán chường thế cuộc, xem nó như là đối tượng để thở than, là liều thuốc lãng quên để vơi đi nỗi buồn cô đơn tuyệt vọng sau bao mệt mỏi, thăng trầm thì đến đây, trăng dù ở cảnh ngộ nào cũng là nguồn cảm hứng khơi dậy những xúc cảm lành mạnh, trong sáng. Trăng trong các tác phẩm thời kì này nằm trong cảm hứng bao trùm của tình yêu quê hương đất nước, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm xúc cá nhân - cái riêng - với thế giới con người đang lao động, đấu tranh, với chủ nghĩa anh hùng cách mạng - cái chung. Cho nên dù thân thiết quá đỗi nhưng khi nhiệm vụ chưa hoàn thành thi nhân cũng không thể hoàn toàn thư thái đến với trăng: Trăng vào cửa sổ đòi thơ/ Việc quân đang bận xin chờ hôm sau (Tin thắng trận - Hồ Chí Minh) mà phải chờ xong công việc mới thanh thản đón nhận nó: "Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền".
Có một điều thú vị, trong các tác phẩm văn học thời kì này, trăng dù nhiều khi không viên mãn, tràn đầy (trăng tàn, trăng khuyết) nhưng bao giờ cũng đẹp, cũng gợi lên niềm vui sống lạc quan, lí tưởng. Đó không phải là chuyện ngẫu nhiên mà do thế giới quan cách mạng của nhà thơ chi phối. Giờ đây, trăng là biểu tượng của cuộc sống thanh bình yên vui, của đất nước giàu truyền thống văn hóa dân tộc được kết tinh trong vẻ mặt của người mẹ Kinh Bắc (Lửa đèn leo lét soi tình mẹ/ Khuôn mặt bừng lên như dựng trăng - Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm), trong cuộc sống yên vui hòa hợp ấm áp nghĩa tình của tình quân dân cá nước (Rừng thu trăng rọi hòa bình/ Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung - Việt Bắc - Tố Hữu).
Nhiều khi trăng là môi trường thử thách người lính trong những giờ phút cam go, khắc nghiệt và đồng thời cũng là đồng chí, đồng đội sát cánh bên nhau: Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo (Đồng chí-Chính Hữu). Trăng ở đây không chỉ là một vật thể thiên nhiên vừa gợi yếu tố thời gian, vừa chỉ một không gian nghệ thuật trữ tình lãng mạn, đầy thi vị mà còn tượng trưng cho sự thanh bình của đất nước quê hương đồng thời còn cho thấy mục đích lí tưởng của cuộc kháng chiến: chiến đấu cho ánh trăng mãi nghiêng cười trên đỉnh núi. Qua đó cho thấy tư thế, phẩm chất của nhân vật trữ tình - người chiến sĩ - thi sĩ trong bài thơ: bình tĩnh, ung dung, lạc quan, dũng cảm, lãng mạn ngay trong cả khó khăn gian khổ.
5. Qua việc khảo sát hình tượng trăng, ta thấy được tài năng độc đáo của các nhà thơ. Mỗi vầng trăng như mỗi chiếc đinh để treo lên đó những bức tranh tâm trạng, số phận, mảnh đời của nhân vật trữ tình. Càng về sau, ánh trăng càng có thêm nhiều nét nghĩa mới. Dù không mới mẻ (chỉ có một) nhưng qua trái tim và khối óc của các nhà thơ - những bậc thầy về ngôn từ -  trăng đã thoát ra khỏi ý nghĩa cũ càng để tạo nên những bình diện nghĩa mới mang lại hiệu quả thẩm mỹ ngoài mong muốn, tạo nên sức cảm thụ mạnh mẽ, cứ khắc khoải nơi đáy lòng của người đọc, của những người đã từng yêu dấu, từng kì vọng khát khao: "Chỉ có trăng sao là bất diệt/ Cái gì khác nữa thảy đi qua" (Hàn Mặc Tử).
Với một tinh thần hết sức dè dặt, vẫn có thể nói qua việc khảo sát hình tượng trăng trong các tác phẩm văn học trong nhà trường đã cho thấy thấp thoáng sự phát triển tư duy nghệ thuật của nền văn học nước nhà. Từ chỗ xem trăng như là một hình tượng nghệ thuật có tính lưỡng trị
(vừa là một một hình tượng độc lập và hoàn chỉnh để miêu tả khung cảnh thiên nhiên về đêm nhưng cũng vừa là để miêu tả thế giới nội tâm con người) trong văn học viết trung đại đến quan niệm trăng như một hình tượng nghệ thuật có tính đơn trị (hoặc được chủ quan hóa cao độ, tức được tác giả phổ vào đó những nét cảm xúc chủ quan của con người: có thể thấy qua trăng trong thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử: nằm sóng soãi, tự ngẩn ngơ, thẹn thò...; hoặc được miêu tả một cách khách quan cao độ: trong thơ Tố Hữu, Chính Hữu...) (7) trong văn học hiện đại để qua đó trở thành những biểu tượng được tác giả gửi gắm giãi bày những nỗi niềm tâm tư khắc khoải về con người, cuộc đời, để nhớ và để quên, để suy tư và chiêm nghiệm trong lẽ đời dâu bể, được mất, đa đoan.... 
Xét đến cùng, lịch sử văn học của một dân tộc chính là lịch sử văn hóa, tâm hồn của dân tộc ấy. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, qua hình tượng trăng, ta thấy được bước tiến dài của văn hóa Việt, tâm hồn Việt từ "thần bản" của thuở nguyên sơ đến "nhân bản" của ngày hôm nay.
Tài liệu tham khảo:
(1) Trần Đình Sử: Thi pháp Truyện Kiều, NXB Giáo dục, 2003, tr143.
(2) Hồ Thúy Ngọc: "Trăng Đường thi", Ngôn ngữ và đời sống, số 4 - 2002, tr. 23
(3)(4) Hoài Thanh - Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 1998, tr.17, 198
(5)(6) Lê Bảo: Thế Lữ - Hàn Mặc Tử - Tế Hanh, NXB Giáo dục, 1999, tr.59, 60
(7) Xem thêm: Trần Nho Thìn: Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, NXB Giáo dục, 2003, tr.371 - 386.
Lê Tấn Thích
Theo http://phamngochien.com/



1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...