Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Phong trào tân nhạc và những bài ca những thập kỷ đầu thế kỷ XX

Phong trào tân nhạc và những bài ca 
những thập kỷ đầu thế kỷ XX
Trong suốt những năm bị thực dân đô hộ, người Việt lúc nào cũng nung nấu ý chí kháng Pháp, giành độc lập cho dân tộc. Giai đoạn 1930-1945, bên cạnh những cuộc khởi nghĩa, đấu tranh vũ trang, mặt trận văn hóa, tư tưởng cũng sôi nổi với nhiều phong trào như Thơ mới trong văn chương, Tân nhạc trong âm nhạc... Cuốn Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI không chỉ đem đến cho người đọc diện mạo của nền âm nhạc Thủ đô suốt một thế kỷ mà còn đưa ra cái nhìn tổng quan và những ca khúc tiêu biểu trong giai đoạn Tân nhạc, giai đoạn mở đầu cho bước phát triển vượt bậc của nền âm nhạc Việt Nam.
 Âm nhạc của châu Âu theo chân những người Pháp vào Việt Nam từ rất sớm. Đầu tiên chính là những bài thánh ca trong các nhà thờ Công giáo. Tiếp đó người dân được làm quen với “nhạc nhà binh” qua các đội kèn đồng. Tầng lớp giàu có ở thành thị được tiếp xúc với nhạc khiêu vũ, nhạc cổ điển phương Tây. Và âm nhạc phương Tây - chủ yếu là Pháp - với lối ghi nhạc trên khuông năm dòng đã ồ ạt xâm nhập vào Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Để từ đó phong trào Tân nhạc, một tiếng nói “chống đối chế độ thực dân bằng tiếng thở dài” (Trường Chinh), ra đời và phát triển với nhiều trường phái và đề tài phong phú.
 Dòng ca khúc lãng mạn Tân nhạc Hà Nội xuất hiện sau trường phái lãng mạn phương Tây hàng thế kỷ, nhưng cũng mang trong mình nó một số diện mạo, dung dáng chung của trường phái này, và sự đa dạng trong mỗi tác giả cũng như giữa các tác giả với nhau trong văn thơ lãng mạn Việt Nam giai đoạn này cũng là hình ảnh của âm nhạc lãng mạn Hà Nội 1930 - 1945: “Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong tình trường của Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu, nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ, ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận. Cả trời mộng trời thực vẫn nao nao theo ta, thật chưa bao giờ thơ Việt Nam buồn và xôn xao như thế” (Thi nhân Việt Nam - Hoài Thanh, Hoài Chân). Hoàn cảnh lịch sử của đất nước lúc này đã tạo ra sự không thuần nhất về thế giới quan và quan điểm thẩm mỹ của nghệ thuật lãng mạn nói chung và các nhạc sĩ lãng mạn nói riêng. Sự không thuần nhất diễn ra không chỉ ở trong đội ngũ sáng tác mà cả trong từng cá thể mỗi con người nhạc sĩ và điều này thể hiện rất rõ trong các ca khúc thuộc các dòng khác nhau trong Tân nhạc: những ca khúc có tính chất suy tư sâu lắng, buồn bã cô đơn, mang nặng màu sắc bi quan (élégie), rồi những ca khúc thiên về tình cảm thiên nhiên, quê hương thôn dã, về tình yêu đôi lứa, về sự thoát tục, mộng ảo hư vô…
Ca khúc thời Tân nhạc với tâm trạng bi ai, thương cảm trước cuộc sống ngột ngạt, bức bối, tù túng của xã hội thực dân đen tối, người nghệ sĩ muốn xa lánh nó, tìm nguồn an ủi trong cái tôi cô đơn, trong thiên nhiên, trong mộng ảo xa vời. Và mùa thu, mùa tàn úa đã gieo nỗi buồn cho những tâm hồn thơ mộng, lãng mạn. Mùa thu đã ám ảnh nhạc sĩ tài danh Tân nhạc Đặng Thế Phong. Sớm rời Nam Đinh, Đặng Thế Phong lên Hà Nội và học dự thính tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Mất năm 1942, khi mới 23 tuổi và dù Đặng Thế Phong chỉ sáng tác ba nhạc phẩm Đêm thu, Con thuyền không bến, Giọt mưa thu thì tên tuổi của ông đã trở thành bất tử cùng nền Tân nhạc Việt. Qua ca khúc Con thuyền không bến, dường như Đặng Thế Phong đã nói lên được tâm trạng của thanh niên nam nữ đương đại. Họ sống dưới thời cai trị của thực dân và họ bơ vơ lạc lõng như những con thuyền không bến. Nhưng con thuyền này phải là con thuyền trôi trên một dòng sông dân tộc, dòng sông Thương nước chảy đôi dòng. Còn bài Giọt mưa thu, được xếp vào những ca khúc hay nhất của Tân nhạc Việt Nam, chính là khởi đầu cho dòng “nhạc thu” Việt Nam sẽ được Văn Cao và Đoàn Chuẩn tiếp nối.  Văn Cao cũng là một nhạc sĩ tài hoa, tiêu biểu của dòng Tân nhạc bị thôi miên bởi thiên nhiên, con người mùa thu. Từ năm 16 tuổi ông đã có ca khúc đầu tay là Buồn tàn thu rất được ưa chuộng. Năm 1941, Văn Cao lên Hà Nội. Thời kỳ này, ông đã viết những ca khúc vượt thời gian như Thu cô liêu…
Dòng âm nhạc lãng mạn của Tân nhạc còn xuất hiện mảng đề tài mang phong vị thôn dã như Cô láng giềng, Chiều quê, Chùa Hương (Hoàng Quý), Nhớ quê hương (Phạm Ngữ). Đề tài về quá khứ xa xưa, về huyền thoại dân gian như Trầu Cau (Phan Huỳnh Điểu), Huyền Trân (Hoàng Giác), Hòn Vọng Phu (Lê Thương). Đề tài về tình yêu ly biệt, tan vỡ, lỗi hẹn như Cô lái đò (Nguyễn Đình Phúc), Biệt ly (Doãn Mẫn)… Đề tài về sự mơ mộng, thoát ly thực tại như Suối mơ, Thiên Thai (Văn Cao), Mơ hoa (Hoàng Giác), Cô gái hái mơ (Phạm Duy)…
Cùng với dòng ca khúc lãng mạn, một khuynh hướng khác trong Tân nhạc cũng xuất hiện, đó là dòng ca khúc lịch sử, yêu nước tiến bộ với những bài ca đã tiếp nhận và tiếp biến thể loại hành khúc Âu châu như Cùng nhau đi Hồng binh (Đinh Nhu), Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi), Du kích ca (Đỗ Nhuận)...
Quá trình tích hợp và tiếp biến âm nhạc châu Âu ở Hà Nội thể hiện sự giao thoa văn hóa, đồng thời cũng xuất phát từ yếu tố nội sinh. Trải qua biết bao biến thiên, chìm nổi, cho đến nay những ca khúc thuở Tân nhạc đã vượt qua thử thách khắc nghiệt của năm tháng để đến với mỗi người trong những niềm xúc cảm tươi rói như khi chúng vừa mới ra đời và chắc rằng chúng sẽ vẫn tiếp tục sống trong mai sau như những kiệt tác Đông Tây kim cổ khác.
Nguyễn Dung
Theo http://nxbhanoi.com.vn/

1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...