Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Ngôn ngữ của rác

Ngôn ngữ của rác 
Hạt mưa rơi lộp bộp trên mái nhà tôn càng lúc càng nhiều. Tiếng quạt gió cứ lạch cạch quay đều tạo ra làn gió mát lướt qua vầng trán chiều. Mưa như khẽ lay động lòng tôi, rồi những tâm tư kéo nhau về và ùa như ong vỡ tổ trong suy nghĩ. Hình ảnh một người thầy giáo trẻ làm cho tôi bồi hồi và thán phục mãi.
Đâu đó trong tâm tưởng của tôi không phải là bóng dáng một người thầy bên bục giảng đang say sưa truyền đạt kiến thức. Đâu đó lại là âm thanh bàn tán của những học trò - những trang giấy trắng đang thấm dần từng nét mực. Các em đang trưởng thành dần, có ý thức và biết thắc mắc. Đám học trò đang bàn về dự án mang tên “Ngôn ngữ của rác” - một ý tưởng của thầy Trần Văn Đạt.
Tò mò… Tôi lân la hỏi chuyện thì hiểu ra là học trò trao đổi với nhau về điều gọi là “rác” biết lên tiếng. Có vẻ lạ lùng nhỉ! Rác vô tri vô giác thế, chỉ có thể làm tổn hại đến môi trường thì làm sao có thể cất lên tiếng nói nào được, nếu được thì nói điều gì hay? Họa chăng đó chỉ là một phép nhân hóa, một câu chuyện mang màu sắc thần kì mà ai đó tạo nên.
“Ngôn ngữ của rác” là dự án của thầy Trần Văn Đạt thuộc Trường trung học cơ sở Lê Lai thực hiện. Thầy Đạt – cái tên mà không học trò nào ở Lê Lai mà không biết – một người thầy dạy Địa lý không chỉ vừa hay mà còn vừa vui. Thầy còn được biết đến với những ý tưởng vô cùng xuất sắc trong việc đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Lâu nay, chúng ta quan niệm rằng, “rác” là những thứ bỏ đi, con người không cần tới nữa và vứt bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào mình muốn. Oái ăm thay, rác không như nước mưa, rơi – thấm, mà trái lại phải trải qua nhiều năm thì mới dần bị phân hủy. Hãy thử tưởng tượng một ngày có một “núi” rác được thải ra từ sinh hoạt của con người thì chúng ta sẽ giải quyết làm sao? Với sự đa dạng của các loại rác có thể đè bẹp cuộc sống và cướp đi thế giới của mỗi chúng ta. Dự án của thầy Đạt đã giãi bày cho chúng ta khúc mắt ấy.
Qua dự án “Ngôn ngữ của rác”, các em học sinh biết phân loại các loại rác và hiểu được tác hại của rác đối với môi trường, cũng như sức khỏe của con người. Bên cạnh đó, các em lại được tích hợp kiến thức các môn học như Sinh học, Vật lí, Ngữ văn, Tin học… Thầy Đạt đã tạo được mối liên hệ giữa kiến thức và hành động thực tiễn trong phương pháp giảng dạy của mình. Học sinh còn được rèn luyện những kĩ năng mềm như làm việc nhóm, vạch định kế hoạch, xử lí thông tin, phân tích, tổng hợp và đánh giá kết quả. Từ đó, học sinh có thái độ tích cực, tự nguyện vui vẻ, không gò bó và gượng ép khi tham gia. Có thể nói, học sinh được giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của mình.
Dấu ấn của dự án “Ngôn ngữ của rác” được thể hiện qua sự hoạch định kế hoạch rất rõ ràng. Dự án mang tính tập thể cao với số lượng 136 học sinh tham gia (gồm 4 lớp, mỗi lớp gồm 4 nhóm). Nhóm Khảo sát (8 học sinh), nhóm Thiết kế (8 học sinh), nhóm Hành động (8 học sinh), nhóm Biên tập (10 học sinh). Mỗi nhóm đều có nhiệm vụ riêng của mình. Quá trình thực hiện của dự án cũng khá công phu, kéo dài hai tháng ròng rã với biết bao công sức của thầy và trò bỏ ra. Ý nghĩa hơn hết là các em được tham gia vào hoạt động thực tiễn, hoàn thiện bài học của mình dưới sự quan tâm, hướng dẫn tận tình của thầy Đạt, giáo viên dạy các môn Mỹ thuật, Công nghệ, Sinh học, Vật lý, Tin học… Và các em còn được phát triển các kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin vào trong học tập như phần mềm Movie Maker để làm phim, sử dụng Facebook hợp lí khi dùng để tuyên truyền, dùng Powerpoint để thiết kế Poster, kỹ năng dùng Word để đánh máy và lưu văn bản, dùng Excel để tổng hợp số liệu… Sản phẩm tạo ra của dự án là những Video, Poster, Slogan và những tranh cổ động, đặc biệt là những sản phẩm tái chế từ các loại rác thải. Từ đó, mọi người sẽ thấy được việc mình cần làm trong việc xử lý rác sao cho hợp lí, văn minh, hiệu quả.
Không cần nhiều chỉ cần việc nhỏ như ý nghĩa lại vô cùng to lớn. Qua dự án, tôi nhận ra được cái tâm của một người thầy dạy Địa lý. Chúng ta lại thấy được hiệu quả tích cực, thiết thực và khả dụng trong việc bảo vệ môi trường. Trong khi vấn đề xử lý rác lại là một vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay. Tôi mong rằng, bài viết này tuy không phải là một điều gì lớn lao nhưng lại được mọi người biết đến một người thầy, một dự án, một cống hiến thực tế.
Nguyễn Tuấn Anh
Theo http://phamngochien.com/



1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...