Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

Bàn thêm về câu thơ “Ba sao giữa trời” trong Truyện Kiều

Bàn thêm về câu thơ “Ba sao giữa trời” 
trong Truyện Kiều 
Tạp chí Xưa & Nay, số 378, tháng 4-2011, có đăng bài: Một câu thơ trong Truyện Kiều: Ba sao giữa trời của tác giả Huỳnh U Mai (tức Phan Văn Hùm (1902-1946)) viết cho báo Văn Lang số 27 ngày 23-2-1940. Xin chép câu thơ đó như sau:
Đêm thu gió lọt song đào (in nhầm là Đêm khuya)
Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời
Truyện Kiều, câu 1637-1638
Đây là hai câu thơ rất hay, Nguyễn Du tả không gian và thời gian đêm nàng Kiều ở nhà một mình, đến trước Phật đài cầu nguyện cho Thúc Sinh “ninh gia” được bình an vô sự thì bị bọn Khuyển Ưng “đầy sân gươm tuốt sáng lòa”, xông vào nhà bắt, bỏ thuốc mê, đem nàng xuống thuyền đưa về huyện Tích theo mưu Hoạn Thư…
Tác giả Huỳnh U Mai đã tham khảo các loại sách của Trung Quốc như: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, thì thấy các sách đó cho là sao Tâm, còn gọi là Đại Hỏa, “vì theo chú thích của Châu Hy Hỏa là sao Đại Hỏa, tức sao Tâm vậy”; nhưng có sách thì bảo đó là sao Thương hoặc sao Sâm. Sau đó, tác giả còn tham khảo các chú thích Truyện Kiều của các ông Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Hồ Đắc Hàm, Nguyễn Văn Ngọc thì thấy họ nhầm sao Sâm Thương là sao Hôm và sao Mai. Thấy các vị trên “ngẩn ngơ”, “bối rối” không thống nhất nên tác giả tìm thêm nguồn khác. Ông giở sách Từ nguyên thì thấy nói về sao Tam tinh có hai thuyết, một thuyết chỉ sao Thương, thuyết khách lại chỉ sao Sâm. Tác giả cho rằng “sao Sâm đi trước sao Thương gần 11 giờ đồng hồ”; Kinh thi nói: “Thất nguyệt lưu Hỏa”, theo lịch nhà Hạ tức tháng đầu thu. Thế thì trong tháng Bảy đầu thu ấy, nếu chiều lại sao Đại Hỏa đã xế về tây rồi, thì sao Sâm cũng sắp mọc lên. Vậy đến nửa đêm khi thấy được nửa vành trăng khuyết thì sao Đại Hỏa đã lặn từ lâu, còn sao Sâm thì đã mọc lên cao lâu rồi. Tới đây tác giả viết: “Hãy tạm nhận “ba sao” của Nguyễn Du là sao Sâm, ba ngôi sao ấy chính là 3 ngôi: Delta, Epselonn và Dgéta của tòa sao Orion” (tức sao Sâm, hay sao Cày).
Sau khi tác giả đã tạm xác định “ba sao giữa trời”, đó là sao Sâm, ông lại đi tìm hiểu cụm từ “nửa vành trăng khuyết”.  Theo ông Huỳnh U Mai “nửa vành trăng” đó có mọc chăng là mọc khi mặt trời lặn đã 6 giờ đồng hồ, nghĩa là khoảng nửa đêm. Trăng ấy tức là trăng đêm 21của Âm lịch. Vì từ tiết trọng hạ, đầu hôm sao Đại Hỏa đã lên cực điểm rồi, thì về nửa đêm nó đã lặn mất. Từ lập luận có tính chất thiên văn học, tác giả kết luận: “Thúy Kiều bị bắt lúc nửa đêm ngày 21 Âm lịch vào một đêm đầu thu”.
Đọc bài báo của ông Huỳnh U Mai viết cách đây hơn 70 năm, làm tôi nhớ lại các ý kiến của hai học giả Hoàng Xuân Hãn và Đào Duy Anh và hai giáo sư Nguyễn Đình Noãn, Nguyễn Thạch Giang cũng nói về vấn đề “ba sao giữa trời”.
Theo hiểu biết của tôi, các cụ Bùi Kỷ, Hồ Đắc Hàm, Nguyễn Văn Ngọc… không hề có sự nhầm lẫn giữa sao Sâm – Thương và sao Hôm – Mai như tác giả đã viết. Tên quốc tế gọi sao Sâm là sao Alpha của chòm sao Orion; ngôi sao sáng nhất của chòm này có tên là Betelgeuse. Sao Sâm có xích kinh là 5giờ 55 phút, xích vĩ là 7024’ (Bắc thiên cầu). Sao Thương là sao sáng nhất trong chòm sao Scorpion, chòm này ở Việt Nam phân làm hai nhóm: Thần Nông và Con vịt. Sao Thương nằm trong nhóm Thần Nông, tên quốc tế là Antares, có xích kinh là 16 giờ 29 phút, xích vĩ là 260 26’ (Nam thiên cầu). Hai sao Sâm – Thương nằm tương đối gần xích đạo trời, nên thời gian mọc (ở trên đường chân trời) xấp xỉ gần bằng thời gian lặn, chúng có xích kinh khác nhau 11 giờ, như vậy sao này lặn thì sao kia sắp mọc. Vì vậy người ta không bao giờ thấy cả hai sao cùng ở trên bầu trời… Tính độc lập của người Việt Nam trong quan sát các hiện tượng thiên văn học thấy, cứ mờ sáng có một ngôi sao xuất hiện phía đông, đến chiều tối lúc hoàng hôn lại thấy một ngôi sao sáng mọc lên phía tây, bèn đặt tên cho chúng là sao Hôm – sao Mai. Hai sao đó chính là sao Sâm, sao Thương theo cách gọi của Trung Quốc. Ngay cả lịch Việt Nam cũng khác với Trung Quốc. Nước Việt Nam tính lịch theo múi giờ thứ 7, lịch Trung Quốc tính múi giờ thứ 8 (múi giờ Bắc Kinh). Vì vậy, Tết Nguyên Đán khác nhau. Thuyết Vũ trụ nhật tâm của nhà khoa học Nicolai Copernic (1473 -1543) người Ba Lan, mãi đến đầu thế kỷ XX mới được phổ biến ở Việt Nam “thì làm sao cụ Nguyễn Du (1765-1820) biết được sao Hôm, sao Mai chỉ là hai pha của Kim tinh (Vénus) trong một chu kỳ quay quanh mặt trời”.
Cho nên cụ Nguyễn Du chỉ biết Sâm Thương là hai sao không bao giờ gặp nhau như người Trung Quốc, hay hai pha của Kim tinh thì cũng chẳng sao “vì không làm thay đổi ý nghĩa của hiện tượng xã hội”. Từ đó thi hào Nguyễn Du viết nên câu thơ: “Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng” (câu 2329) để nói lên sự xa cách khó gặp nhau giữa Kiều và Thúc Sinh… (Trích bài báo Trao đổi về từ Sâm – Thương của GS. Nguyễn Đình Noãn – Đại học Vinh).
Bài báo của tác giả Huỳnh U Mai ra đời 1940, sau đó 2 năm, học giả Hoàng Xuân Hãn cũng có một bài báo đăng ở tờ Khoa học số 10 năm 1942, kể chuyện ông dùng bản đồ thiên văn học để đoán ngày giờ, tháng cô Kiều bị bắt. Đó là ngày mồng 4, tháng 9 Âm lịch, giờ Tuất, phòng ở của Kiều có cửa sổ quay về hướng tây nam. Theo học giả họ Hoàng “ba ngôi sao giữa trời” đó là chòm sao Tâm. Vì trăng ở gần sao Tâm nên mặt trời phải ở cách đó 450 về phương Tây”…
Năm 1973, GS. Nguyễn Thạch Giang đã chú thích Truyện Kiều do ông khảo đính như sau: “Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời” (câu 1638):
Kinh Thi: Tam tinh tại thiên = ba sao giữa trời, là chòm sao Tâm. Đoạn này nói Kiều nhớ Thúc Sinh và có ý chỉ ngay tên Thúc sinh là Thúc Kỳ Tâm” ba sao ví như 3 chấm, “nửa vành trăng khuyết” ví như nét cong chữ “Tâm” cả câu chiết tự ra cũng là chữ Tâm() (Truyện Kiều, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1973, tr.434).
Sang năm 1974, học giả Đào Duy Anh giải thích cụm từ “ba sao” trong Từ điển Truyện Kiều như sau: “Ba sao”: Chữ Hán là tam tinh, tức sao Tâm, ba ngôi sao sáng ở cổ chòm sao Thần Nông. Đêm thu mà Thần Nông ở giữa trời là vào lúc nửa đêm. Các bản chú thích không nhất trí, ít bản nói “ba sao” là sao Tâm, là 3 sao sáng ở cổ chòm sao Thần Nông, là sao mùa hạ và mùa thu.
Chúng tôi chỉ là người sưu tầm xem từ trước đến nay có bao nhiêu người cất công nghiên cứu như tác giả Huỳnh U Mai. Đọc bài báo của ông, tôi cho rằng đây là một bài khảo cứu về thiên văn trên nền một câu thơ tuyệt tác của Truyện Kiều. Quả thật là hay, có thể xếp vào loại “chuyện vui văn nghệ” được chăng!
Mời bạn đọc cùng tham gia, xem “ba sao” đó là sao gì? Vầng trăng ấy là trăng thượng huyền hay hạ huyền? Kiều bị bắt lúc nữa đêm hay đầu hôm vào giờ Tuất (19g - 21g). Ngày mồng 4 hay ngày 21 Âm lịch? Tháng đầu thu hay cuối thu?…
Nguyễn Thúc Chuyên
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm 
Theo https://vanhaiphong.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...