Chúng tôi ra đi mang theo cả linh hồn Hà Nội, từ mùa thu
1954. Và Hà Nội trong tôi, đã hơn 10 năm cách biệt vẫn còn giữ nguyên bóng dáng
một tình nhân cua tuổi 20. Tại sao lại tuổi 20? Nếu kể từ ngày Hà Nội bắt đầu
có tên Hà Nội (hình như vào năm 1831) thì ít nhất Hà Nội cũng đã hơn 100 tuổi.
Nếu lại kể từ khi «ở đây nhà Lý đông đô…» nghĩa là từ khi cái tên Đại La Thành
được cải hiệu là Thăng Long, để rồi từ đó Thăng Long được coi là «miền linh địa
kết tụ anh hoa tú khí của non sông, đất cố đô của tiên vương có đủ tay Long,
tay Hổ…» thì Hà Nội văn vật, Hà Nội lịch sử của chúng ta đã có cả gần một ngàn
năm tuổi. Đối với tất cả những người dân Hà Nội hiện còn sống dưới ánh sáng mặt
trời, dĩ nhiên Hà Nội là một cố nhân chẳng còn thơ trẻ, và gương mặt Hà Nội một
phần lớn thuộc về dĩ vãng với rất nhiều di tích lịch sử, tôi vẫn cứ thấy Hà Nội
là của cái tuồi 20, và đáng thương, đáng nhờ, đáng yêu nhất vẫn là khuôn mặt Hà
Nội 20 tuổi.
Có lẽ tại vì tuổi trẻ của chúng tôi đã tham dự vào tất cả những
biến cố lịch sử đáng kê nhất của tiền bán thế kỷ 20: Chúng tôi đã sinh trưởng,
lớn lên, và khởi sự «nhập cuộc» - khởi sự bước chân vào cái thế giới thần thoại
của Yêu Đương, Mộng Ảo, và Văn Nghệ – từ trong lòng một Hà Nội thanh bình, một
Hà Nội đang hồi cực thịnh của trào lưu Lãng Mạn tiền chiến (1935 - 1940). Để rồi,
tuổi thanh xuân của chúng tôi đang độ nở hoa bồng bột nhất, liền bị giao động đến
tột cùng bởi những sóng gió cuồng loạn khởi đầu cho Cơn Mê Hoảng Dài của Thời Đại
Chiến Tranh Nguyên Tử. Đã ba lần tuổi trẻ của chúng tôi phải xa lìa Hà Nội: một
lần sau đảo chính Nhật (1945), khi mà phi cơ Đồng Minh hàng ngày đe dọa oanh tạc
các căn cứ quân sự của binh đội Phù Tang. Cả Hà Nội hàng ngày đã phải rời bỏ 36
phố phường quen thuộc để tạm tản cư về những vùng quê ngoài 5 cửa ô Hà Nội - tạm
tản cư từ sáng sớm đến chiều tối, để rồi khi thành phố lên đèn, tất cả lại từ 5
cửa ô kéo về, tựa những con thiêu thân lao mình vào cái ánh sàng phù hoa của một
kinh thành vẫn còn rạt rào sinh khí, chỉ cốt sống được tràn đầy, dù chỉ một
đêm.
Ba lần xa lìa Hà Nội, tuổi trẻ của chúng tôi đã khóc cười, hờn
giận, đau xót, căm hờn, thù hận, oán thương cùng với một Hà Nội ba lần biến diện: 9-3-1945, Đảo Chính Nhật là lần thứ nhất. Lần thứ nhì: Chiến Tranh toàn quốc
1946 (tảu cư, kháng chiến rồi lại hồi cư). Và lần thứ ba: mùa thu 1954 (Hiệp Ước
Genève, chia đôi đất nước, di cư vào Nam!). Ba cuộc chia ly, giữa thời kỳ hoa
niên giàu nhiệt tình nhất, tất cả kỷ niệm nào đối với tôi cũng sâu đậm khó
quên. Càng khó quên hơn nữa là gương mặt thủ đô trước cơn bão loạn. Gương mặt
người tình trước thời khắc ly tan, chỉ cần một nét chau mày, cũng đủ mang ý
nghĩa một điềm linh ứng.
Buổi chiều muộn cuối thu của Hà Nội năm đó hình như thấm lạnh
nhiều hơn mọi năm. Một cái lạnh rờn rợn trên da thịt, khiến nhiều lúc, dù trời
không nổi giỏ, người ta cũng thốt rùng minh, như khi sắp lên cơn sốt rét. Mùa
thu 1946, một mùa thu lịch sử: mùa thu báo hiệu chiến tranh!.
Thành phố đã lên đèn, cái ánh điện vàng u uất, dù phối hợp bởi
tất cả những phản quang xa hoa của tất cả trà đình, tửu điếm tráng lệ vùng
trung tâm đô thị, cũng không đủ sưởi ấm lòng người, nhất là lòng người nghệ sĩ
đãng tử đang di dạo quanh bờ liễu tiêu sơ của Hồ Hoàn Kiếm.
Liễu rũ xuống hồ, như những mái tóc bệnh nhân sầu muộn soi
gương. Lòng hồ, vẫn những đám mây xám nặng chĩu, in hình những mái nhà thấp
thoáng ẩn hiện, như những bóng dáng lâu đài lịch sử hoang liêu từ thiên cổ chìm
trong đáy nước.
Thành phố thiếu hẳn sinh khí. Mới tám giờ tối, đã nhiều hàng
đóng cửa. Đêm kinh kỳ xưa tưng bừng đài các, giờ lạnh lùng, ngao ngán buông
trên những hàng cây âm thầm đứng xõa tóc như ma bên lề đường quạnh vắng. Đêm thẫn
thờ len lỏi quanh những “ụ chướng ngại” sừng sững chắn ngang đường. Đêm dài dằng
dặc ngưng đọng trong những hầm lộ thiên, những “hố cá
Nhân” đào vội, rải rác như những nấm mồ vô chủ vừa cải táng
trong một nghĩa địa nửa thực nửa hư.
Giữa những màu sắc, những hình thể nửa vời tàn tạ, còn lại một
chút sinh khí mong manh, nhưng dù mong manh, lúc này cũng đáng kể là một cái gì
ấm cúng, dấu hiệu của sự sống vẫn còn ấp ủ được chút hơi thở nhiệt tình: Xế gốc
hồ phía Bắc, nổi lên vùng ánh sáng của “Quán Nghệ Sĩ”, một trà đình thường được
mệnh danh là “Câu Lạc Bộ Văn Nghệ”, chỗ họp mặt của bọn người viết, vẽ hoặc
đàn, hát… Sự thực quán bán những hàng xa xỉ quá mức thường, nên nghệ sĩ cũng ít
khi lui tới. Khách hàng phần đông là người ngoại quốc.
Thoảng tiếng dương cầm dìu dặt. A! Tối nay “Quán Nghệ Sĩ” có
ban âm nhạc trình diễn. Ở đầy âm nhạc chỉ trình diễn bất thường, và có dàn nhạc
trình diễn lúc này, giữa những ngày Hà Nội đang đầm mình trong cơn sốt định kỳ
trầm trọng - những ngày báo hiệu chiến tranh - quả là một hiện tượng đáng kể, một
hiện tượng cũng “xa xỉ” như những xa xỉ phẩm thuộc loại đắt tiền nhất của thời
đại.
Ban nhạc “Quán Nghệ Sĩ” gồm có Giệp: hồ cầm (hiện đã qua đời),
Hiếu: dương cầm, một tài tử trung hồ cầm (mà tôi không nhớ tên); và Nguyễn
Xuân Khoát với cây đại hồ cầm (contrebasse) mà anh em nghệ sĩ vẫn gọi đùa là
“Ngưu Cầm” hoặc nôm na hơn, là “đàn bò”.
Âm nhạc quyến rũ, nhưng không khí “Quán Nghệ Sĩ” vẫn tẻ lạnh.
Lác đác một vài bóng tri âm… nhi đồng ngấp nghé ngoài cửa, không biết để nghe
đàn hay chỉ để nhìn cái “đàn gi mà to như cả một cái gác măng dê”, và cao lênh
khênh vừa bằng anh Nguyễn Xuân Khoát đứng kiễng chân.
Các nhạc sĩ vừa dạo xong một cầm tấu khúc mở màn. Mọi người uể
oải dừng tay, ngồi quây chung quanh một chiếc bàn góc trong cùng lặng lẽ nhìn
nhau. Hình như họ đều cảm thấy đêm nay chơi nhạc không có hứng chút nào.
Bỗng có tiếng giầy cồm cộp gõ ngoài vỉa hè, tiếng cười vang
vang, tiếng nói ồm ồm. Không cần phải có tài thẩm âm sành sỏi cũng nhận thấy
ngay tiếng giày đó là tiếng giầy “săng đá” của lính Tây, tiếng cười nọ là tiếng
cười sặc sụa hơi men của những người say, vả tiếng nói ồm ồm kia, với âm hưởng
khá lạ tai, nhất định là tiếng nói của người ngoại quốc, nhưng không phải tiếng
Pháp.
Tiểng giầy đinh sền sệt tiến về phía quán. Lũ trẻ con
đang đóng vai Tử Kỳ nghe trộm, bỏ chạy tán loạn, nhừ vừa trông thấy quỷ nhập
tràng.
Đó Ià một toán bốn người lính lê dương, trong đoàn quân
viễn chinh của tướng Morlière, có mặt tại Việt Nam từ sau cái hiệp định sơ bộ
6-3-46. Họ ùa vào Quán như một cơn gió lốc. Họ đã say rượu sãn từ bao giờ. Bốn
bộ mặt đỏ gay như bốn ông mặt trời xích đạo, bốn bộ mặt gà trọi bừng bừng sát
khí đột ngột xuất hiện, khiến cho cái “Quán Nghệ Sĩ” hiền lành này bỗng dưng
“thức dậy”, như người vừa tỉnh giấc ngủ gà ngủ gật, đầu óc vẫn còn ngây ngất,
bàng hoàng. Không khí đang tẻ lạnh cũng được hâm nóng lên bởi những hơi thở say
nồng vị “cô-nhắc”, những hơi thở say tưởng chừng có thể bùng lửa cháy ngùn ngụt,
nếu được châm mồi bằng một que diêm. Trong hơi thở ấy, và trong cơn gió cuốn
theo vào phòng, người ta tưởng ngửi thấy cả mùi thuốc súng, cùng một thử mùi gì
hăng hắc nồng nàn, cái mùi “tứ chiếng” đặc biệt của xa khơi, phảng phất như có
trộn lẫn cả mùi gió biển, mùi cỏ dại thảo nguyên, mùi gió lửa sa mạc.
Bốn ông khách viễn phương nghênh ngang, ngất ngưởng vả ngật
ngưỡng tiến thẳng về phía quầy rượu, súng lục kè kè bên hông. Ba kẻ nhẩy lên ba
chiếc ghế cao cẳng, ngồi tựa vào quầy với dáng điệu rất mã thượng, y như nhẩy
lên mình ngựa. Còn một kẽ nhẩy tót hẳn lên quầy rượu, ngồi sừng sững trên mặt
quầy, thản nhiên cao ngự trên đó, chẳng khác ngồi trên “đi-văng” ở nhà riêng.
Các nghệ sĩ trong quán e ngại nhìn bốn ông khách quý. Tuy
không ai nói một câu, nhưng tất cả đều tỏ ý không mấy hưởng ứng. Nhất là Nguyễn
Xuân Khoát, ngoài tiếng “đàn bò”, vốn không chịu được những cái gì ồn quá, kế cả
tiêng trống ả đào “sực tắc”, mặc dầu Khoát xưa nay vẫn mê nghiên cứu về nghệ
thuật hòa tấu của dàn nhạc Ca Trù. Bọn khách hàng võ biền, chiếu cố tới “Quán
Nghệ Sĩ” với các thế ồn ào cùa một toán quân đi chinh phục vừa đột nhập vào một
đồn lẻ, hẳn không phải là để giải khát hoặc nghe nhạc, mà có lẽ chỉ để gây sự,
để tạo nên đổ vỡ, phá phách, nghĩa là để thỏa mãn cái tính hiếu chiến, hiếu sát
và hiếu thắng của những kẻ đang có ưu thế của sức mạnh võ khí.
Thời đó, ai cũng biết đoàn lính lê dương chuyên đánh nhau
thuê của tướng Morlière, tư lệnh Đệ Nhất Sư Đoàn quân đội viễn chinh Pháp, mệnh
danh là “Tiếp Phòng Quân” của lực lượng Đồng Minh, với nhiệm vụ giải giáp quân
đội Phù Tang “và giữ gìn an ninh, trật tự” trên lãnh thổ Bắc Việt, “đoàn quân
vong mệnh” tập hợp nhiều quốc tịch khác nhau đó gồm đủ mắt mèo cùng rạch mặt,
tóc xoắn trôn ốc cùng tóc đỏ hung hung, da trắng, da nâu cùng da đen bồ hóng…
Chiếm đóng lại năm thị trấn xung yếu: Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương,
Nam Định, ngay từ lúc chiến tranh toàn quốc chưa bùng nổ, đoàn quân ấy đã nổi
tiếng là lũ “Kiêu Binh của thời đại Tân Chiến Quốc”, với những thành tích gây hấn
rất… chuyên nghiệp và rất văn minh! Họ thi hành nhiệm vụ “giữ gìn an ninh và trật
tự” nghiêm chỉnh quá, đến nỗi đa số người dân Hà Nội không còn muốn bước chân
ra đường buổi tối. Trên những phố dài thu hình dưới ánh đèn phòng thủ thê
lương, thỉnh thoảng một vệt đèn “pha” sáng rực quét lướt trong sương đêm như một
tia chớp nhoáng. Đó là lúc đám kiêu binh ngự trên những chiếc xe cơ giới hoặc
chiến xa đi dạo quanh thành phố - có lẽ để tiêu khiển cho giãn gân giãn cốt. Mỗi
khi ngửa tay hoặc cao hứng, họ lại bắn chơi một tràng tiểu liên vào mấy cái ụ
chướng ngại đầu đường. Như vậy, có lần cả một gánh phở, cả thùng nước lèo bị đạn
tiểu liên xạ kích tơi bời. Còn ông hàng phở may mắn lăn được xuống một cái hố
cá nhân trốn thoát…
Những cuộc đùa rỡn của lũ Kiêu Binh Tân Chiến Quốc cứ như thế
tiếp diễn từng đêm. Và từng đêm, qua các khu phố Hà Nội nín thở, những tràng
liên thanh vẫn nổ dòn. Vừa mấy đêm trước đây, chính những người chơi nhạc trong
“Quán Nghệ Sĩ” này từng nghe tiếng vang lên ngay bên tai tiếng rú máy kinh khủng
của một chiếc xe bọc sắt lao vút qua góc đường xế cửa, kèm theo điệu nhạc dữ dội
của một tràng liên thanh hình như nổ tung ngay trong đầu óc họ.
Cái viễn tượng của chiến tranh, bom đạn, giết chóc đã trở nên
một đe dọa thường xuyên, hàng ngày, hàng đêm ám ảnh họ. Đám kiêu binh mỗi lần
xuất hiện lại càng khiến cho sự đe dọa thêm trầm trọng, vì mọi người đều nhìn
thấy ở đoàn lính viễn chinh hỗn hợp kia hình bóng cụ thể nhất và linh động nhất
của chiến tranh, cảm giác nặng nề và ngột ngạt đến khó thở, từng làm căng thẳng
thần kinh hệ mọi người, tối nay càng thêm giao động mãnh liệt trong tâm thần bất
an sẵn của các nhạc sĩ.
Bốn chàng lê dương say bỗng dưng đột kích vào “Quán Nghệ Sĩ”
hiển nhiên là bốn hung thần hiếu chiến, hiện thân của phá phách, của tai họa!
Người ngồi trên quầy cất giọng gọi rượu mạnh, giọng say nhè như đã ngấm tất cả
cốc thử rượu “mạc-sê-noa” của kinh thành Hà Nội. Ba người kia cùng gọi theo:
“Rượu mạnh! Rượu mạnh!” Bằng một thứ tiếng Pháp pha trộn âm hưởng thổ ngữ Nhật
Nhĩ Man, uốn lưỡi mạnh và nhanh, phi hơi dưới vành môi hung tợn như rân phun.
Thì ra đó là những người lính Đức, trong đoàn quân lê dương viễn chinh, vẫn được
tiếng là can trường, bạt mạng và ngổ ngáo hơn cả, và trong đám “kiêu binh bạch
chủng”, có lẽ xứng đáng hơn hết với cái hỗn danh là “kiêu bình”.
Bốn ông lính Đức này xem chừng không có bản chất văn nghệ
chút nào, tuy rằng, nếu sẵn ý tưởng lạc quan, rất có thể họ coi họ là hậu sinh
của những Bach, Beethoven, Schumann, của những Schlier, Goethe…
Nhưng khi trời Hà Nội đang chìm trong cơn bệnh u uất. Chẳng
ai lạc quan được lúc này. Cho nên các nhạc sĩ chỉ còn biết tặc lưỡi, lắc đầu,
khi thấy mấy ông “tẩy say” đã say tới cái độ không biết mình say… mà còn gân
mãi cổ lên gọi rượu mạnh!
Không đợi rượu mạnh mang tới, họ vồ lấy cả chai Whisky bầy
trong tủ hàng, và không đợi cốc đưa lại, họ mở nút, chuyền tay nhau chai rượu
mà tu ừng ực. Cái lối uống rượu không văn nghệ như vậy khiến các nhạc sĩ trong
quán bắt đầu lo ngại, khó chịu. Nguyễn dằn cốc cà phê xuống bàn, những ngón tay
bứt rứt bỗng chạm vào giây đàn Contrebasse, nảy lên một âm thanh u trầm, như một
tiếng rên còn nghẹn trong cổ họng. Mấy ông khách quỳ đang vừa chuốc rượu lẫn
cho nhau vừa hát - họ đồng ca một bài chắc là ngẫu hứng và có lẽ đề tụng Tửu Thần
Bacchus. vì, chen vào những câu hỗn độn đủ các thứ nhịp, đủ các thứ điệu, luôn
luôn thấy họ nhắc lại như một điệp khúc: Whisky! Whisky! Whisky vạn tuế! …
bỗng họ quay cả đầu lại vì tiếng “ngưu cầm” rền rĩ.
Bốn cái miệng say đồng thanh kêu lên:
- Âm nhạc! À âm nhạc! Chơi nhạc đi, các ông nhạc sĩ!
Bốn cái mặt đỏ gay, tám con mắt nảy lửa cùng hướng về phía
các nhạc khí và các nhạc công.
Chơi nhạc đi! Chơi nhạc đi!
Các nhạc sĩ dù có ngủ gật thực sự cũng phải tỉnh ngủ từ lâu rồi.
Nhưng chơi nhạc lúc này làm sao cho có hứng được? Chơi nhạc cho mấy cái tai “tẩy
say” kia nghe, và chơi cho âm điệu vào lọt mấy cái tai ấy, nếu không phải là một
cực hình, thì nhất định cũng không phải là cái thú. Hiếu đưa mắt nhìn Giệp, Giệp
đưa mắt nhìn Khoát, Khoát đưa mắt nhìn chiếc… “đàn bò”, ngần ngại.
Bọn khách quỷ đổ xô tới vây chung quanh bàn nhạc sĩ, y hệt
như bao vây một cái đồn lẻ cửa địch quân ngoài trận tuyến. Một kẻ khiêng bổng
cây đàn “contrebasse” lên, đặt ngang vào hai tay Nguyễn, miệng
thét:
Các ông nhạc sĩ! Chơi đàn đi! Hay muốn để đàn… “chơi” các ông
đấy?
Một kẻ mở ngay nắp chiếc dương cầm ra, sắn tay áo lên, hai
cánh tay lông lá trổ hình hai con rắn quấn vòng quanh, mà đầu rắn lại là đầu một
người đàn bà man rợ. Đồng thời, hai bàn tay hộ pháp đập lia lịa trên hàng phím
ngả trắng xóa… Nhạc sĩ dương cầm thương xót nhìn chiếc đàn xấu số của mình đang
gặp tai nạn…
Bỗng một tướng khác, với hai cánh tay cũng lông lá không kém,
nhắc bổng cả anh ta cùng chiếc ghế anh ngồi lên, bưng đến bên cạnh dương cầm, đặt
anh xuống, và gào to như ra lệnh:
- Im lặng! Im lặng tất cả! Dàn nhạc sắp sửa trình diễn!
Các ngài hãy lắng tai: Đây là bản Hợp Tấu của im lặng! (Symphonie du
Silence).
Đoạn, nhanh như chớp, kẻ vừa nói rút ngay khẩu súng lục bên
hông, bắn luôn một tràng đạn chỉ thiên lên trần. Căn phòng rung chuyển, ngọn
đèn điện lớn
treo giữa quán vỡ tung từng mảnh, tắt phụp.
Căn phòng vụt trở nên mơ hồ, ảm đạm, chỉ còn ánh điện “neon”
bàng bạc tím lẫn ven tường. Và căn phòng yên lặng như nghẹt thở.
Tiếng cười điên rồ từ bốn cái cổ họng say liền vang lên, rờn
rợn, tưởng như không bao giờ ngừng.
Sau vài giây đồng hồ choáng váng, Nguyễn Xuân Khoát điềm
nhiên mở tập nhạc bản chọn một bài, để lên giá đàn dương cầm, trước mặt Hiếu,
và hất hàm làm hiệu với Giệp cùng người bạn sử dụng trung hồ cầm. Nhạc sĩ dương
cầm lặng lẽ liếc nhìn qua bản nhạc, rồi những ngón tay, như cỏ nam châm hút vào
phím ngà, bắt đầu lướt trên cung bậc.
Những âm thanh dương cầm đầu tiên rung lên bị lấp ngay bởi tiếng
cười ồn ào chưa dứt. Cây hồ cầm hòa theo, vút như hơi gió. Tiếng trung hồ cầm
nhập điệu ngân nga. Nhịp giây trầm trầm của chiếc contrebasse cũng bắt đầu ngập
ngừng đồng vọng. Âm hưởng của bốn nhạc khí dần dần trộn lẫn, hợp thành một tiếng
vang duy nhất, một tiếng vang khích động và lôi cuốn, và chiêu dụ với một hấp lực
kỳ lạ - một điện lực thì đúng hơn - một tiếng vang vươn cao, tỏa rộng, bao
trùm, phút chốc xóa nhòa tất cả, trấn ngự tất cả, khiến tất cả đều chìm đi – thực
cảnh không còn nữa, chỉ còn một nguồn suối nhạc mênh mang đang dâng lên, dâng
lên như một trùng dương thần thoại. Tiết điệu bản nhạc cũng như nổi thành vóc
dáng. Âm hưởng run rẩy quyện vào nhau, dìu nhau lênh đênh trôi vào ánh sáng,
hòa vào không gian những tiếng sắc, tiếng đồng mê hoảng.
Căn phòng quán trà vụt im lặng. Đám quân nhân không cười nữa,
ngồi xuống ghế.
Tiếng nhạc lại nổi lên, ma quái. Không gian trở nên bát
ngát, huyền hoặc. Mỗi âm đàn như có một linh hồn đột ngột hiện lên hình thể, sắc
màu, dồn dập, xô đẩy nhau, chuyển biến đến vô cùng. Mỗi âm đàn như một gương mặt
quen thuộc, vừa gặp gỡ mà tưởng chừng đã xa vắng tự muôn đời - tất cả sáng lên
rồi lại mờ đi trong một nguồn dạ quang lung linh hư hảo. Ánh sáng cũng hình như
có thể chất, và, giữa vùng âm thanh bập bềnh sương khói, những “nốt” nhạc hiện
hình múa nhảy, vạch lên những đường nét mê hoặc trong một vài điệu lân tinh.
Ánh sáng len lỏi, thâm nhập cả vào những vật vô tri, khiến mọi vật như bừng tỉnh
thức, và chuyển động bước đi theo những bước chân phù thủy.
Không biết trong bao nhiêu phút đồng hồ, tiếng nhạc lạ lùng
như kéo dài thời gian đến hàng thể kỷ. Và suốt trong thời gian ấy, bọn khách
hàng ngỗ ngược trước - những “kiêu binh của nửa thế kỷ hai mươi” - tự dưng trở
nên hiền, lành như những con chiên, im lặng một cách sùng bái. Họ vẫn ngồi yên
chỗ cũ, mắt mở to như không nhìn vào đâu hết, những cặp mắt giờ đây xanh biếc
như chứa đựng cả một vùng trời nào huyền hoặc - có lẽ là vùng trời vô hình, vô ảnh
của tâm linh, của siêu ý thức. Một vùng trời tín mộ ngủ thiếp trong vòng “từ
trường” của ma lực âm thanh. Họ, những người lính lê dương vong mệnh mang dòng
máu Nhật Nhĩ Man hiếu chiến, giờ đây như đã không còn say rượu, mà chỉ còn say
một cái gì vô cùng huyền bí. Một cơn say gần như ma quái, hay thần linh cũng thế.
Họ có nét mặt củạ những kẻ đang bị thôi miên.
Bản nhạc bỗng hết đột nhiên. Sau đến năm phút, tất cả mọi người
đều im lặng. Rồi bốn người lính Đức từ tốn và trịnh trọng đứng lên, trịnh trọng
giờ tay chào các nhạc sĩ kiểu nhà binh, đoạn rất lịch sự lễ độ là khác - rút
lui ra khỏi quán, sau khi thánh toán tiền hàng đầy đủ, không quên bồi thường
chiếc bóng đèn điện vỡ rất chu đáo, và thưởng tiền cho bồi bàn rất trọng hậu.
Nguyễn thở phào một hơi dài khép bản nhạc vừa dạo lại: Đó là
bản “Danse Macabre” của Saint-Saens [1].
Câu chuyện Nguyễn Xuân Khoát và ban nhạc “Vũ Khúc Ma Quái” đã
khiến tôi nhớ người bạn nghệ sĩ thân hình cao mảnh khảnh ấy thêm một chút. Giờ
đây Khoát đang sống dưới chế độ vô sản miền Bắc, ở bên kia vĩ tuyến. Hiện Khoát
đang làm gì, tôi không được biết, nhưng bao giờ thì Nguyễn Xuân Khoát cũng chỉ
là Nguyễn Xuân Khoát, tác giả nhiều nhạc phẩm quen thuộc từ giai đoạn “mở dường
soạn đạo” của nền tân nhạc Việt Nam - những nhạc phẩm đậm đà dân tộc tính, hồn
nhiên, chất phác và tế nhị, như “Trấn Thủ Lưu Đồn”, “Lơ Thơ”, “Con Cò Mả Đi Ăn
Đêm”, “Con Mèo Trèo Cây Cau”, “Con Vỏi Vòi Voi”, “Thằng Bờm” v. v… [2].
Mà chính Nguyễn Xuân Khoát cũng giống như một “Thằng Bờm”
ngây thơ nhưng hóm hỉnh. Ai đã được xem anh, giữa núi rừng Việt Bắc (hồi tản
cư) tự trình bày bản nhạc “Thằng Bờm” sẽ thấy Thằng Bờm chính là hiện thân của
anh, và có lẽ không ai trình bày bản nhạc đó “tuyệt” hơn anh! Anh không tốt giọng
lắm, nhưng anh hát có hồn và có một cái duyên lạ lùng quyến rũ người nghe. Với
bộ quần áo nâu cũ, với mái tóc kéo lên dựng đứng giữa trán như một cái bờm, anh
nhe răng và cười “khi! khi!” sau câu hát cuối cùng “Phú ông xin đổi nắm xôi,
bờm cười” thì ai cụng phải nhận rằng có lẽ anh giống Thằng Bờm hơn cả Thằng Bờm
thật sự!
Hình ảnh Nguyễn Xuân Khoát, nhạc sĩ của hàng ngũ tiền phong,
hiện đến trong tâm tưởng tôi, từ “Quán Nghệ Sĩ” đến núi rừng Việt Bắc, ở hình
thức một Nguyễn Xuân Khoát ôm cây đàn Contrebasse khổng lồ, hay qua vóc dáng một
thằng bờm ngớ ngẩn, cũng chỉ là một Nguyễn Xuân Khoát mà thôi, một Nguyễn Xuân
Khoát hồn nhiên, thủ thỉ, một Nguyễn Xuân Khoát với thứ nghệ thuật thuần túy cảm
người bằng trực giác, thứ nghệ thuật ấy ấn tượng trong lòng người, thứ nghệ thuật
của những âm đn Contrebasse;, của những nét nhạc Danse Macabre. Nếu không phải
là thế, thì anh còn cò thể là gì khác? Đừng bắt anh đặt một lá cờ máu vào tay
Thằng Bờm.
Nguyễn Xuân Khoát cũng như Thằng Bờm Việt Nam vốn bản chất
thuần lương, nhất định sẽ đau lòng vô cùng nếu phải bắt buộc nói lên thứ ngôn
ngữ đầy tạp thanh của hận thù, phản bội, để kêu gào máu xương, đấu tố những phú
ông vô tội đã từng cho Bờm nắm xôi, và cho Bờm nụ cười…
Vậy mà những kẻ nghệ sĩ như Nguyễn Xuân Khoát, suốt bao năm
tao loạn, đã phải ôm đàn đi khắp núi sông, để rồi lại ôm hận trở về Hà Nội, ép
mình trong khuôn khổ tù túng của một cuộc sống giả tạo - trở về để thấy mình chợt
“tỉnh giấc chiêm bao” sau khi đã “chín năm đốt đuốc soi rừng”… như trường hợp của
Nguyễn Bính thi sĩ, và cũng như trường hợp của Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt,
Phùng Quán, Hoàng Cầm, Phan Khôi… nghĩa là như tất cả những kẻ sĩ sẵn sàng “tử
vi đạo” - cái Đạo Tự Do - trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm - những văn nghệ sĩ chống
đối với chế độ độc tài đảng trị miền Bắc, vì muốn bảo vệ cá tính và nhân phẩm,
vì muốn giữ lại nguyên vẹn linh hồn và trái tim.
Khi vụ Nhân Văn Giai Phẩm bừng lên dạo ấy, không thấy có ai
nhắc đến Nguyễn Xuân Khoát trong danh sách các nạn nhân. Tuy nhiên tôi vẫn tin
rằng trái tim Nguyễn Xuân Khoát là trái tim Nhân Văn Giai Phẩm, linh hồn Nguyền
Xuân Khoát cũng là linh hồn Giai Phẩm Nhân Văn.
Chỉ tiếc rằng ở bên này vỹ tuyến không có Nguyễn Xuân Khoát
hiện diện cùng chúng ta. Nếu có Khoát ở đây, và nếu lại họp mặt được thêm một số
kiện tướng của làng Nhạc đồng cảnh, đồng tình với Khoát, như Văn Cao, Tử Phác,
Tô Vũ, Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác… và cả anh chàng Tạ Phước lý thuyết gia, hẳn là
tiếng sắt, tiếng đồng tiêu tao tha hồ có dịp rung lên âm hưởng thanh thoát,
phóng khoáng và hào hứng.
Tiếng đại hồ cầm của Nguyễn Xuân Khoát sẽ lại có hứng khởi nẩy
lên những cung bậc hòa âm trầm bổng, như ngày nào xưa, những âm điệu mê hoặc của
bản nhạc “Vũ Khúc Ma Quái” đã có hiệu lực chiêu dụ, trấn áp được tà ma, đưa Hồn
Người trở về hào quang của cái Đẹp.
[1] Darise Macabre (Vũ Khúc Ma
Quái): Một Thi Khúc Hợp Tấu (poème symphonique) thuộc loại “nhạc miêu tả”, gợi ấn
tượng rùng rợn và quái đản với những bộ xương ma từ dưới mồ hiện lên nhảy múa,
va chạm lóc cóc. Nhạc phẩm nổi tiếng của Saint Saens, nhạc sĩ Pháp (1835 - 1921).
[2] Tôi chỉ xin kể tới một số nhạc
phẩm của Nguyễn Xuân Khoát lấy chất liệu ở ca dao hoặc ở những câu hát bình
dân, những bản nhạc làm sống lại tiết điệu cổ sơ của dân tộc - và chưa kể tới
những sáng tác có “thời đại tính” của Khoát như Hồ Xuân, Tiếng Chuông Nhà Thờ,
Uất Hận, … Trong số các nhạc phẩm có tính cách dân ca kể trên, một vài nhạc sĩ
khác cũng tìm đến một vài đề tài trùng hợp phát xuất chung từ một nguồn gốc.
Nghe nói sau này Khoát còn thực hiện được nhiều tác phẩm đáng
kể, với công trình nghiên cứu Nghệ thuật ca trù, vì chính Khoát từng là một
“cây” đàn đáy tài tử rất phong độ…
Đinh Hùng
Nguồn: Trích từ “Đốt lò hương cũ”, 1971
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét