Mùa xuân hoa vẫn nở vàng
Tôi trở lại nơi chốn ấy vào mùa xuân như một cách nhớ về
một thời thơ ấu đầy vui buồn, và bên cạnh đó còn có một người. Mọi thứ đều đã
khác, bởi thời gian vẫn theo quy luật tự nhiên, cuốn mọi vật lao theo dòng xoáy
của nó.
Tôi trở lại một ngôi trường nhỏ ở làng quê. Làng quê nơi ngày
xưa tôi ở, được mọi người đặt cái tên rất lạ: Rốn Bão. Bởi bất cứ cơn bão nào
đi qua, nó cũng nhắm vào ngôi làng dựa vào hai vách núi, mặt nhìn ra biển kia
mà đổ. Mỗi năm có khi làng hứng tới gần chục cơn bão. Bão đổ vào suốt nên rồi cả
làng cũng quen. Quen nhìn những bao cát chắn trước nhà để ngăn những cơn sóng
biển giận dữ đổ vào, để tránh những cơn mưa tạt rát cả mặt. Quen những đôi chân
trần đen vì nắng táp cứ chạy trên cát biển, cứ lội xuống biển mà leo lên những
chiếc thuyền thúng bơi ra ngoài khơi, đón những chiếc thuyền đánh cá trở về.
Làng Rốn Bão của tôi cũng khá đặc biệt vì chỉ có một con đường
độc đạo từ quốc lộ đi vào. Đó là con đường rất buồn, được làm bằng đất sét trộn
với sỏi trải ra cho dễ đi lại. Con đường đi qua một cánh rừng thông đã bị chặt
gần hết, những gốc thông còn sót lại cố bung ra những mầm mới. Con đường đi qua
một đồi cát trắng, mỗi khi gió bay, cát tràn xuống lấp con đường, thế là dân
làng lại phải tập trung lại để dọn cát.
Vì đi lại khó khăn, vì thời tiết khắc nghiệt mà làng có một
thời gian dài không có trường. Lũ trẻ chúng tôi đi học bằng xe đạp, có khi đi bộ
trên con đường buồn tênh đó để tới ngôi trường cách làng cả 6 cây số. Nếu thời
tiết không thuận tiện, chúng tôi phải ở nhà mà không đến trường.
Đó là câu chuyện ngày xưa. Ngày xưa luôn gợi nhớ những kỷ niệm.
Ngày xưa của chúng tôi lại bắt đầu từ ngôi trường được dựng lên sát vách núi.
Và ngày xưa lại nhắc cho tôi nhớ về cô giáo Liên, người đã truyền dạy cho những
đứa trẻ ở Rốn Bão những bài học vỡ lòng.
Ngôi trường được huyện đầu tư xây dựng chỉ vỏn vẹn có 3 phòng
học. Nhưng ngày khánh thành ngôi trường là niềm vui ngợp trời của cả làng. Vì dẫu
ngôi trường nhỏ, nhưng mấy chục học sinh ở làng có thể học cho hết cấp I.
Tôi có cả một thời gian dài học ở ngôi trường dựa vào vách
núi đó. Nhưng vì làng của tôi buồn tênh, đêm xuống chỉ nghe tiếng sóng biển vỗ,
chỉ nghe tiếng gió hú lồng lộng cho nên dẫu không phải là hải đảo hay miền núi,
các cô thầy đến trường dạy dẫu chỉ dăm người, nhưng chỉ trọn một niên khóa là họ
tìm cách về huyện hay về tỉnh, chẳng có ai chịu khó ở lại với lũ học trò làng
biển, đi học với mái tóc khét nắng và đôi chân trần đến lớp.
Cô Liên đến làng tôi vào một buổi chiều nhòa nhạt nắng, khi
đó mọi gia đình đã vào trong căn nhà của mình, ngoài khơi xa chỉ có một màu biển
đục. Cô đạp chiếc xe đạp với một túi xách đồ đạc, chiếc xe đạp của cô sau khi
đi hết con đường đất đã bị lún vào trong cát biển. Tôi là người nhìn thấy cô đầu
tiên trong buổi chiều đó. Lúc đầu tôi tưởng cô đi đến nhà một người quen, nào
ngờ lại là một cô giáo tình nguyện. Bởi gần như tất cả thầy cô giáo đến làng họ
đều đi xe máy hoặc có người thuê xe ôm chở vào, chẳng có ai đi xe đạp bao giờ.
Hôm đó tôi đã gọi thêm mấy đứa trẻ trong làng phụ mang vác đồ
đạc của cô Liên, rồi đưa cô đến nhà ông tổ trưởng dân phố. Cũng từ ngày đó, cô
Liên đã trở thành công dân làng Rốn Bão của chúng tôi. Mà làng có cái lạ là nhà
nào có đám cưới, đám giỗ hay tiệc tùng gì đó thì gần như trở thành ngày hội, cứ
ới ới gọi nhau mà đến, mỗi nhà lại góp một ít thức ăn hoặc bia rượu để cùng
vui. Cô Liên khá khéo trong cách chế biến các món ăn lạ, cho nên mỗi lần như thế
cô trở thành đầu bếp.
Cho đến khi tôi rời làng, ngôi trường 3 lớp học kia vẫn chỉ
có mình cô Liên trụ lại, thỉnh thoảng cũng có dăm thầy cô đến, nhưng họ cũng
mau chóng rời làng. Cuộc sống của cô giáo Liên với lũ học trò chân đất ở làng
biển của chúng tôi chính là những ngày vui. Lúc đầu cô ở nhờ căn nhà của tổ dân
phố, sau đó cô dọn về trường ở, cả làng cùng phụ xây cho cô một căn phòng khá
khang trang. Chúng tôi gọi căn phòng nhỏ đó là: “Nhà của cô Liên”. Đặc biệt, cô
đi tìm về rất nhiều hoa hoàng anh, vàng cả một đoạn đường vào ngôi nhà nhỏ của
cô. Tụi học trò chúng tôi gọi đùa đó là: ngõ hoa vàng.
Mỗi ngày, sau những giờ đứng lớp, cô Liên lại đi trồng rau
xanh, đó là loại gia vị hiếm hoi của làng chúng tôi. Vì ít người nghĩ ra là phải
trồng cây ớt, cây húng quế, cây xà-lách…, để khi cần chỉ cần ra vườn nhón hái.
Rồi cũng từ vườn rau nhỏ của cô Liên, cả làng rộ lên phong trào trồng rau xanh
trong những thùng xốp. Vào những đêm thứ Bảy, Chủ nhật, cô Liên tụ tập đám học
trò của mình lại tập hát, bày những trò chơi. Chúng tôi gom những cành khô đốt
lửa giống như mọi người sinh hoạt lửa trại. Nhiều khi người lớn cũng tham gia
góp con cá tươi mới lưới về, nướng trên lửa củi ấy để cô giáo cùng ăn với học
trò.
Trong tuổi thơ của tôi, tôi nhìn thấy cô Liên giống như bà
tiên trong truyện cổ tích. Cô gần như ở lại trong làng, chỉ khi nào đi họp hoặc
đi lãnh lương, mua thêm lương thực cô mới đạp chiếc xe đạp của mình đi trên con
đường đất của làng ra lộ đón xe về huyện. Dáng cô đi trong cái buồn buồn ấy là
một hình ảnh gần như đã đọng mãi trong trí nhớ của tôi. Vui nhất là vào ngày Tết
năm đó, cô Liên cùng ở lại với làng. Cô Liên ăn Tết một mình, hay nói đúng hơn
là ăn Tết với cả làng Rốn Bão. Cô đã làm cho lũ trẻ chúng tôi vui khi cô nghĩ
ra lắm trò chơi trên bãi biển vào ngày xuân khiến cho không gian trở nên rộn rịp.
Rồi đêm mùng một Tết, cô Liên uống rượu thật nhiều, cô về lại căn phòng nhỏ của
mình mà khóc. Tôi theo cô, cứ lấy củi châm cho cháy bùng trong đêm Tết, mà
không hiểu tại sao cô buồn.
Sáng mùng 7, một mình tôi chèo chiếc thuyền thúng ra vũng nước
xoáy câu cá với ý nghĩ là câu con cá ngon tặng cô Liên vào ngày đầu năm. Hôm đó
biển động. Nơi vùng nước xoáy khi biển động có rất nhiều cá to tụ về, việc câu
cá rất dễ dàng. Tôi mải mê chạy theo đàn cá nên bị một con sóng lớn bất ngờ đổ ập
lên, hất tôi ra khỏi chiếc thuyền thúng, nhấn chìm xuống nước. Lúc đó tôi gần
như kiệt sức thì cô Liên xuất hiện. Cô đã bơi thuyền ra cứu tôi thoát chết
trong gang tấc. Tôi không hiểu tại sao một người con gái nhỏ con như cô lại có
thể có sức mạnh phi thường như thế? Cô đưa tôi vào bờ mà nói: “Em khờ lắm. Ai
biểu em câu cá làm gì? Em chỉ cần tới nhà đốt lửa cho cô ấm là được”.
Việc xây dựng một nhà máy ở ngay đụn cát, nơi đoạn đường vào
làng mà các cây thông bị chặt sát gốc đã làm cho làng Rốn Bão của tôi trở nên
phồn thịnh. Một công ty du lịch cũng đã chọn khu vực nhiều mỏm đá, nơi tôi bị
tai nạn thành một khu du lịch. Làng Rốn Bão nay trở thành một điểm du lịch với
cái tên hấp dẫn: Bãi Tiên. Nhưng đó là chuyện xảy ra gần 15 năm sau khi tôi xa
làng, đi học. Cả nhà tôi cũng đã chuyển đi, nên ngần ấy thời gian, tôi đã không
trở lại làng.
Tôi trở lại làng đón Tết, trước sự thay đổi ấy, chỉ một mình
tôi. Tôi muốn tìm gặp cô giáo Liên của tôi. Chiếc xe ô-tô chở tôi đã có thể
thong dong phóng xe trên con đường nhựa tới thẳng sát ngay ngôi trường cũ. Trường
giờ đây đã trở thành trường cấp 1, 2 khang trang và đẹp đẽ. Mùa xuân như đang rộn
rã. Tôi nhủ sẽ đốt lửa như ngày nào đốt lửa cho cô ngồi khóc trong đêm Tết.
Nhưng cô Liên đã rời trường từ 7 năm về trước, không ai biết
cô đi đâu. Ngay cả căn phòng nhỏ mà dân làng xây dựng cho cô nay cũng không
còn. Còn lại duy nhất là con đường nở rực một màu vàng hoa hoàng anh. Trong nắng
mai lộng lẫy kia, tôi tưởng chừng như cô Liên đang đi qua ngõ hoa vàng ấy. Hoa
vẫn rực vàng trong mùa xuân.
Khuê Việt Trường
Theo https://giacngo.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét