Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

Thương nhớ mùa đông: Điệu buồn cung la thứ

Thương nhớ mùa đông: 
Điệu buồn cung la thứ
Một buổi chiều chớm đông, trong khoảnh khắc giao mùa, trên con đường ngập lá vàng rơi, cái lạnh chợt ùa về sau mỗi trận gió mùa đông bắc từ xa thổi tới, tâm hồn người bất chợt hoài niệm về những chuyện ngày xưa cũ. Thương nhớ mùa đông là ca khúc mới của Trần Văn Phúc đã ra đời trong một buổi chiều chớm đông như thế. Với nét nhạc buồn cung la thứ, ca khúc muốn nhắn gửi tới bạn yêu nhạc một thông điệp về tình yêu đẹp mà buồn, lãng mạn mà sâu lắng, thủy chung mà dang dở, còn đó mà đã mãi chia xa…
Trong cuộc đời của mỗi con người, cái đẹp nhất, hạnh phúc nhất, nhưng đôi khi cũng làm người ta đau khổ nhất, đó là tình yêu. Tình yêu giống như bản tình ca dạt dào cảm xúc: ở đó có những nốt nhạc vút cao tươi vui hạnh phúc, có những nốt trầm mang nặng nỗi ưu tư, có giai điệu réo rắt đam mê, có nét du dương buồn thương man mác; tất cả cùng đan xen hòa quyện, bám đuổi lấy nhau, để rồi bao cảm xúc xưa cũ lại bất chợt ùa ập về, bao mệt mỏi buồn chán bỗng tan biến đi, tâm hồn đầy ắp những dịu ngọt và ở đâu cũng chan chứa tình yêu thương.
Được viết ở cung La thứ, ca khúc Thương nhớ mùa đông đã mở đầu với nét nhạc giống như một tiếng thở dài: tình cảm như lắng hẳn xuống cùng nốt La ở âm khu trầm, tiết tấu được đảo phách liên tục ở ô nhịp cuối câu nhạc như tiếng thở than.
Chiều không buông nắng, em thương nhớ ai
Gió chiều xao động, buồn thương, buồn thương
Trời chiều sang đông, lá vàng rơi khắp lối
Như mùa thu xưa lưu luyến chẳng giã từ…
Trong cái khung cảnh của một chiều chớm đông, cái hơi lạnh của những trận gió mùa đông bắc từ xa thổi tới không thể làm nhòa đi cái hình ảnh của những buổi chiều cuối thu với lá vàng rơi khắp lối. Thực ra đó chỉ là khoảnh khắc giao mùa, khoảnh khắc ấy luôn tạo ra cảm giác buồn man mác. Nét giai điệu càng trở nên mênh mang hơn bởi nốt Sol thăng tạo hiệu ứng chơi vơi, đòi hỏi phải dược giải quyết về âm chủ, như tình yêu phải được trọn vẹn đủ đầy. Nhưng không, nốt kết của câu đã dừng lại một cách châng lâng ở âm bậc ba của hợp âm chủ, như chờ mong vẫn chỉ là chờ mong, tiếc nuối vẫn chỉ là tiếc nuối. Mùa đông đã đến, mà sao mùa thu vẫn còn lưu luyến, chẳng muốn giã từ, phải chăng đó cũng là tâm lý tình cảm vốn thường thấy trong tình yêu?
Giai điệu tiếp theo của ca khúc trầm hẳn xuống, cảm xúc như bị nén lại bởi những nét nhạc ngắn, như những ký ức chầm chậm trở về, từng đoạn, từng đoạn, như những tiếng nấc nghẹn được kìm nén trong sâu thẳm cõi lòng:
Anh ra đi, chiều đông buồn hiu hắt
Em trở về, trĩu nặng những chờ mong
Con đường xưa, giờ chia hai lối
Xa mất rồi còn đâu bóng dáng anh…
Rồi như một lẽ tự nhiên, cảm xúc vỡ òa trong những cao trào liên tục của giai điệu, như những đợt sóng dâng lên hết đợt này đến đợt khác. Những chất chứa, kìm nén được trình bày ở âm khu trầm nay được nhắc lại một lần nữa ở quãng tám trên với những giằng xé thể hiện ở những quãng nhảy liên tục. Nốt Sol thăng lại xuất hiện và được giải quyết một cách hoàn toàn về âm chủ theo luật của hòa thanh, đưa người nghe đến một sự kết thúc trọn vẹn nhưng đầy tiếc nuối. Bài hát tưởng như đã được kết thúc ở đây, vậy mà thật bất ngờ, cao trào mới của giai điệu lại xuất hiện như một sự không chấp nhận, như sự khát khao vẫn luôn cháy bỏng, dâng tràn:
Tình em, âm thầm yêu, âm thầm nhớ
Và em, bao ngày qua theo năm tháng
Hương hoa thơm, mãi còn đó, rơi vào đêm
Để tình em, bao ngọt đắng, đâu nào quên…
Anh ra đi, chiều đông buồn hiu hắt
Em trở về, trĩu nặng những chờ mong
Con đường xưa, giờ chia hai lối
Xa mất rồi còn đâu bóng dáng anh…
Em thèm đến cuồng điên, một nụ hôn lên bờ môi ngập nắng
Thèm vòng tay anh khao khát xiết ghì em
Em nằm đó, cuộn mình ôm nỗi nhớ
Ai đưa em qua giá lạnh chiều đông…
Người thể hiện thành công ca khúc này là ca sĩ Hồng Dung - diễn viên Nhà hát Ca múa Nhạc Thăng Long. Hồng Dung tâm sự: “Ca từ dung dị và nét giai điệu đẹp của ca khúc đã chiếm trọn cảm xúc của Dung, dường như tác giả đã không khó khăn gì để sáng tác ca khúc này, mà với những ca từ mang đầy tính nhạc, những nốt nhạc cứ tự nhiên trào ra, như bản thân nó vốn như thế, nên khi trình bày ca khúc, Dung cũng hát với những cảm xúc tự nhiên giản dị như chính tác phẩm, và nhũng xúc cảm ấy đã tự nhiên dâng tràn khi Dung hát, nên Dung mới hát như khóc, hát như trải lòng mình vậy...”. Tuy nhiên, theo Hồng Dung, để thể hiện thành công ca khúc này không dễ chút nào, bởi ca khúc được viết với quãng âm khá rộng, khoảng gần hai quãng tám, nhất là những đoạn cao trào có nhiều những bước nhảy liên tục của giai điệu, nên việc thể hiện ca khúc thật hiệu quả là không hề đơn giản. Dung phải rất khéo léo khi sử dụng kỹ thuật lấy hơi, nén hơi, hay kỹ thuật phát âm để lời hát được thể hiện không những tròn vành rõ chữ, mà còn chứa đầy cảm xúc như đúng như tinh thần của đoạn nhạc, hay của cả bài hát…
Có thể ai đó sẽ thất vọng nếu cố gắng tìm ra những nét nhạc sáng tạo thật mới mẻ và độc đáo trong ca khúc Thương nhớ mùa đông. Ca khúc viết theo mô típ không có gì là mới lạ, nhưng bằng nét nhạc trong sáng, bằng ca từ dung dị mà tình cảm, hy vọng ca khúc có thể đi vào lòng người nghe bởi chính sự giản đơn và chân thành của nó.
Thương nhớ mùa đông
Trần Văn Phúc - Hồng Dung
Trần Văn Phúc 
Theo http://vnmusic.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bích Khê trong trường thơ loạn

Bích Khê trong trường thơ loạn Ra đời tại Bình Định, trường thơ Loạn đã thu hút những tài năng nghệ thuật, đặc biệt tạo ra một dòng thơ lạ...