La Hối - Một đời người một bản nhạc xuân
"Một bài hát mà chủ đề với quãng nhảy vút cao rồi sau đó
bình ổn, lả lơi. Nó như một cánh én vút lên không trung rồi chao liệng giữa bầu
trời xanh thẳm. Giai điệu bài hát tươi sáng, yêu đời và tràn đầy hứng khởi - đó
là bài "Xuân và tuổi trẻ" của nhạc sĩ La Hối. Đã gần 70 năm trôi qua,
kể từ lúc ra đời, "Xuân và tuổi trẻ" là giai điệu không thể thiếu
trong những chương trình văn nghệ mừng xuân và những album nhạc xuân hằng
năm."
Nếu năm 1938 được xem là năm khai sinh của tân nhạc Việt Nam,
khi những bản nhạc Việt đầu tiên được đăng trên báo Ngày Nay, thì đến đầu thập
niên 1940, tân nhạc Việt Nam đã xuất hiện những tên tuổi "chói lòa" đến
tận hôm nay như Lê Thương, Hoàng Quý, Đặng Thế Phong, Nguyễn Xuân Khoát, Văn
Cao... Trong số đó có một nhạc sĩ ở phố cổ Hội An, tuy sự nghiệp không lẫy lừng
như các tên tuổi vừa nêu nhưng ông lại có một bản nhạc xuân với sức sống xuyên
thế kỷ - nhạc sĩ La Hối.
Tác giả yểu mệnh của bài ca bất tử
La Hối có dòng dõi từ Quảng Đông, Trung Quốc, nhưng dòng họ của
ông đã có nhiều đời sinh sống tại thị xã Hội An. Ông xuất thân trong một gia
đình yêu nghệ thuật và kinh tế khá giả. Cũng chính vì vậy mà ông có điều kiện
nghiên cứu về âm nhạc.
La Hối sinh năm 1920, từ 16 đến 18 tuổi, La Hối sống tại Sài
Gòn và học hỏi nhạc pháp với các nhạc sĩ danh tiếng thời bấy giờ. Trở lại Hội
An, ông mở lớp dạy nhạc, thành lập Hội yêu âm nhạc (Société philharmonique), chủ
yếu trình diễn những bản nhạc hòa tấu cổ điển Tây Phương. Theo nhạc sĩ Phan Huỳnh
Điểu thì: "Lúc đó ở Hội An có nhóm tân nhạc gồm các nhạc sĩ: La Hối, Lê Trọng
Nghĩa, Dương Minh Ninh, Dương Minh Hòa, Dương Minh Kiên... La Hối là người tinh
thông nhạc pháp được xem là thủ lĩnh của nhóm tân nhạc Hội An và nhóm này có
trình độ hơn cả nhóm ở Đà Nẵng"
Nhiệt huyết tuổi trẻ của La Hối thể hiện trong sinh hoạt âm
nhạc, trong sáng tác và cả trong đời sống thực tiễn của một xã hội đầy binh biến
thời bấy giờ. Ông tham gia phong trào chống phát xít Nhật và từng giữ cương vị
trọng trách của tổ chức này tại Hội An.
Năm 1944, ông bị hiến binh Nhật theo dõi gắt gao, đây cũng là
năm mà ông hoàn thành bản nhạc "Xuân và tuổi trẻ" (Printemps &
Jeunesse). Tháng 5/1945, tổ chức bại lộ, ông và 10 người đồng chí của mình bị
hiến binh Nhật bắt. Sau một thời gian ngắn bị giam giữ và tra tấn, Nhật đã xử tử
cả 11 người tại chân núi Phước Tường, Tây Nam TP Đà Nẵng.
Nhạc sĩ La Hối qua đời lúc còn quá trẻ (25 tuổi), ông cũng
sáng tác khá nhiều bản nhạc, nhưng hiện nay thất lạc (một số bị hiến binh Nhật
thu giữ, một số khác bặt tăm theo người tình của ông). Ca khúc được phổ biến đến
công chúng và cũng là ca khúc duy nhất làm nên tên tuổi của ông đó là bản nhạc
"Xuân và tuổi trẻ".
Bản nhạc đã trường tồn theo thời gian như đối nghịch với số
phận yểu mệnh của tác giả đã sáng tạo ra nó.
Bản nhạc valse xuyên thế kỷ
"Xuân và tuổi trẻ" là một tác phẩm khá đặc biệt về
thể loại. Thời kỳ đầu của tân nhạc, chủ yếu là các bản nhạc trữ tình hoặc hành
khúc, nhưng "Xuân và tuổi trẻ" của La Hối là một bản nhạc valse tươi
tắn, đắm say, tràn đầy sức sống tuổi xuân và khát vọng nồng nàn của tuổi trẻ.
Cũng có thể nói đây là một trong những bản nhạc valse đầu tiên và hay nhất của
tân nhạc Việt Nam.
Năm 1946, đoàn ca nhạc Anh Vũ của nhà thơ Thế Lữ vào Hội An
biểu diễn. Bị mê hoặc bởi giai điệu của Xuân và tuổi trẻ và càng cảm khái khi
biết tác giả là một thanh niên yêu nước, chống phát xít Nhật và hy sinh. Thế Lữ
cùng Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung... đến thăm nhà La Hối. Đáp lại tình cảm của
những người nghệ sĩ, gia đình đã tặng một bản nhạc của La Hối. Bản nhạc này có
tên "Printemps & Jeunesse", lời bài hát bằng tiếng Hoa của Diệp
Tri Yên Hoa - đó chính là bản Xuân và tuổi trẻ. Và cũng trong dịp này, nhà thơ
Thế Lữ đã xin phép gia đình cho phép ông đặt lại lời Việt cho bản nhạc này.
Ngay trong chuyến lưu diễn Hội An lần đó, Xuân và tuổi trẻ được trình diễn như một bản nhạc hòa tấu + múa với phần soạn hòa âm của Nguyễn Xuân
Khoát. Dàn nhạc lúc đó có accordion (Nguyễn Xuân Khoát), piano (Dương Minh
Ninh), violin (Lê Trọng Nguyễn, Trần Như Ngọc, Đào Trọng Từ, Vương Quốc Mỹ) và
guitar (Trương Đình Quang, Bùi Công Kỳ). Phần múa do Văn Chung soạn.
Tiết mục đã mang đến một hiệu ứng nghệ thuật to lớn, được
nhân dân Hội An đón nhận nồng nhiệt và là tiết mục đặc sắc trong đêm diễn của
đoàn ca nhạc kịch Anh Vũ.
Bản "Xuân và tuổi trẻ" lưu hành thông dụng hiện nay
là bản do Thế Lữ đặt lời Việt với phần nhạc của La Hối. Điều đáng nói là, tuy bản
nhạc được sáng tác trước, sau đó nhà thơ Thế Lữ đặt lời sau, nhưng tinh thần của
giai điệu âm nhạc và lời ca hòa quyện nhau đến mức ngạc nhiên, thơ và nhạc cùng
thăng hoa để trở thành một tác phẩm nghệ thuật lay động hàng triệu con tim mỗi
khi nó vang lên.
Xuân và tuổi trẻ - La Hối
Mandolin: Hoàng Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét