Nơi chắp cánh ước mơ
|
Từ xa xưa nhân dân ta đã sớm có truyền thống hiếu học và khuyến
học. Truyền thống ấy như dòng sông không bao giờ vơi cạn, từ đời này sang đời
khác, bằng cả tinh thần lẫn vật chất, tất cả cũng chỉ vì một mục đích cao cả là
vun xây trí tuệ, tài đức cho con người. Xưa kia, ruộng đất là tài sản lớn nhất
của mọi gia đình, nhưng ở nhiều làng xã, người dân đã tự nguyện đứng ra làm
khuyến học bằng việc lấy đất ruộng, nguồn lợi thu được từ đất ruộng làm phần
thưởng để khuyến khích sự học, gọi là “học điền” với quan điểm “không có ruộng
không có gì để nuôi dưỡng nho sinh”. Sử sách còn chép lại cụ thể những tên
làng, tên xã đi đầu trong “học điền” ngày ấy tựa như ta biểu dương những làng
xã dẫn đầu về phong trào khuyến học bây giờ. Tuy nhiên, ở vào thời kỳ phong kiến
đô hộ, việc khuyến học chủ yếu do tự phát, mạnh làng nào làng ấy làm, nên cũng
chỉ có tác dụng trong chừng mực nhất định.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, dưới chế độ mới, có Đảng, Bác Hồ,
rồi Hội Khuyến học Việt Nam ra đời (năm 1996), hoạt động khuyến học mới thực sự
được quan tâm đúng mức. Bác Hồ là một tấm gương sáng về suốt đời tự học, học
để trưởng thành và học để tiến bộ. Không những thế Bác còn là người rất quan
tâm đến việc học tập, nâng cao dân trí, dân sinh. Bác gửi trọn niềm tin đối với
thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Trong thư gửi học sinh cả nước
nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã ân cần
nhắc nhở: “Non sông Việt Nam ta có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam
có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không,
chính phần lớn là nhờ công học tập của các cháu”. Bác còn nói: “Tôi chỉ có một
ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân
ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học
hành”. Trước lúc đi xa, Bác còn dặn lại trong Di chúc: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng
cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và cần thiết”. Vì quan tâm đến sự học
mà trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác luôn chăm lo cho sự
nghiệp khuyến học, khuyến tài. Nơi nào đến thăm, Bác cũng căn dặn phải kiên trì
học tập để nâng cao trình độ, kiến thức và phục vụ đất nước được tốt hơn.
Làm theo lời Bác dạy, chưa bao giờ công tác khuyến học lại được
cả xã hội quan tâm như bây giờ. Trong một lần gặp bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch
Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị, bà cho biết: “Noi gương Bác và thấm nhuần những
lời Bác dạy, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị từ khi thành lập đến nay đã không ngừng
phấn đấu làm tốt nhiệm vụ của mình. Các cấp hội trong toàn tỉnh đã tham mưu,
tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp với các đoàn thể
chính trị - xã hội, các ban ngành liên quan tích cực tuyên truyền, triển khai
nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác khuyến học,
khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đến tận các gia đình, dòng họ, làng xã...
trên địa bàn toàn tỉnh. Động viên toàn dân phát huy truyền thống hiếu học của
dân tộc, tích cực tham gia học tập, coi học tập là quốc sách hàng đầu, là nhân
tố quyết định sự thành- bại trong sự nghiệp xây dựng và phát triển
quê hương, đất nước”.
Từ một Hội Khuyến học cấp tỉnh những năm đầu thành lập, đến
nay ở cả 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Trị đã có Hội Khuyến học;
141 xã, phường, thị trấn có tổ chức hội. Hội Khuyến học còn phát triển đến tận
các thôn, bản, khu phố; các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, trường học... Một điều
đáng mừng, ấy là cho đến nay đã có rất nhiều dòng họ trong tỉnh đăng ký “Dòng họ
khuyến học” và thành lập Ban Khuyến học của dòng họ mình. Như thế tức là trên địa
bàn tỉnh ta đã hình thành một mạng lưới khuyến học từ cấp tỉnh xuống đến tận
dòng họ, gia đình, gồm “cộng đồng khuyến học”, “dòng họ khuyến học” và “gia
đình hiếu học”. Phong trào khuyến học trên thực tế đã trở thành thế kiềng ba
chân vững chãi, có sức bao phủ, tạo nên một xã hội học tập trên địa bàn toàn tỉnh.
Bà Vân cho biết, cộng đồng khuyến học là nơi quy tụ sự gắn kết
giữa các cấp chính quyền, làng xã... cùng với sự chung tay góp sức của toàn thể
nhân dân chăm lo cho công tác khuyến học khuyến tài, như xây dựng tổ chức hội,
xây dựng nguồn quỹ để chủ động tôn vinh các gương sáng hiếu học, hỗ trợ, khích
lệ những hoàn cảnh khó khăn nhưng biết vươn lên trong học tập, rèn luyện. Cộng
đồng khuyến học được đưa vào tiêu chí xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn
hóa”, tạo nên sự thi đua, phấn đấu ở mỗi làng, xã. Nhiều cộng đồng khuyến học
làng xã ở các huyện Gio Linh, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Triệu Phong... đã tìm được
các hình thức hoạt động sáng tạo, độc đáo, có sức thu hút mọi lực lượng xã hội
tham gia. Nếu như năm 2007 toàn tỉnh chỉ có khoảng 20% cộng đồng khuyến học cấp
xã, thôn, thì đến nay con số ấy là 77% với 866 cộng đồng đăng ký danh hiệu cộng
đồng khuyến học, trong đó có 180 cộng đồng đạt danh hiệu cộng đồng khuyến học
xuất sắc. Thôn Gia Môn, xã Gio Phong; thôn An Nha, xã Gio An (huyện Gio Linh);
thôn Gia Lâm, xã Vĩnh Lâm (huyện Vĩnh Linh); thôn Đạo Đầu, xã Triệu Trung (huyện
Triệu Phong); khu phố 5, phường 2 (thị xã Quảng Trị); thôn Trúc Kinh, xã Cam An
(huyện Cam Lộ)... là những cộng đồng khuyến học tiêu biểu xuất sắc ở Quảng Trị.
Dòng họ khuyến học là xuất phát từ niềm tự hào, trân trọng đối
với tổ tiên, nòi giống của mình với mong ước thế hệ sau nối gót cha ông gìn giữ
và phát huy nề nếp gia phong, vươn lên phấn đấu học hành thành đạt. “Cây có gốc
mới đâm cành nảy lộc. Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Vì vậy, mô hình dòng
họ khuyến học đã khơi dậy được những mạch nguồn tiềm ẩn trong huyết thống của mỗi
gia đình, dòng họ, tạo ra động lực vun đắp cho thế hệ tương lai. Lập ra Dòng họ
khuyến học, các thành viên trong dòng họ không chỉ tri ân tổ tiên mà còn thổi
được luồng sinh khí vào nếp ăn ở, học hành cho con cháu đời sau. Bằng nhiều việc
làm thiết thực như vận động con cháu đến trường, tổ chức các nhóm tự quản trong
học tập, vận động các cháu học giỏi, kèm cặp, giúp đỡ các cháu học kém, lập quỹ
khuyến học để tuyên dương phát thưởng... Tính đến nay đã có trên 1.000 dòng họ
trong toàn tỉnh đăng ký Dòng họ khuyến học, trong đó có 761 dòng họ được công
nhận dòng họ tiêu biểu về hiếu học và khuyến học. Nhiều dòng họ có bề dày về
truyền thống hiếu học và làm tốt công tác khuyến học như họ Lê Văn, Hồ Sỹ,
Hoàng Kim ở Đông Hà; họ Trần Ngọc, Trương Quang ở Gio Linh; họ Lê Bá, Hoàng
Công, Nguyễn Bạch ở Triệu Phong; họ Trần Văn, Hoàng Văn, Nguyễn Đức ở Vĩnh
Linh; họ Trần Văn, Trần Thanh, Văn Nhất ở Hải Lăng... Các dòng họ đã vận động từng
gia đình, con cháu làm ăn xa tự nguyện đóng góp vật chất, tiền bạc để xây dựng
quỹ khuyến học của dòng họ mình. Dòng họ nào cũng lập được quỹ khuyến học. Nhiều
dòng họ có quỹ lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Dòng họ Văn Nhất ở xã Hải
Phú, huyện Hải Lăng có quỹ khuyến học lên đến 500 triệu đồng.
Từ dòng họ khuyến học mà sự say mê, chăm chỉ, sáng tạo trong
học tập ảnh hưởng, lan tỏa đến từng hộ gia đình. Nhà nhà thi đua, người người
thi đua. Mỗi gia đình là một bông hoa trong học tập. Tính đến nay toàn tỉnh đã
có 89.000 gia đình đăng ký danh hiệu “Gia đình hiếu học” và đã có 65.340 gia
đình được công nhận danh hiệu này. Có thể điểm qua một số gia đình hiếu học mà
Hội Khuyến học tỉnh vừa biểu dương trong thời gian gần đây. Gia đình ông Trần
Úy ở xã Trung Hải (Gio Linh) có 9 người con tốt nghiệp đại học, cao đẳng, và tất
cả bây giờ đã có công việc làm ăn ổn định. Gia đình ông Đỗ Văn Thừa ở thôn Tân
Trúc, xã Cam Hiếu (Cam Lộ) nuôi 5 người con ăn học và tất cả đều thi đỗ vào các
trường đại học. Các con ông rất chăm ngoan, học giỏi. Thấy bố mẹ vất vả, các
con đã vừa học đại học vừa tìm việc làm thêm để có tiền trang trải trong cuộc sống
và học tập. Hiện nay cả 5 người con đều tốt nghiệp đại học ra trường với xếp loại
văn bằng khá, giỏi và đã có công việc làm ăn ổn định. Ông Nguyễn Thanh Hiến ở
làng Linh An, xã Triệu Trạch (Triệu Phong) nói: “Đời mình cực quá rồi, chừ để đời
con cực nữa thì cha mẹ có tội với chúng”. Trăn trở với nỗi niềm ấy, gia đình
ông đã quyết nuôi con ăn học đến cùng. Một gia đình nông dân nghèo khó mà nuôi
4 người con học đại học như gia đình ông là điều không dễ. Bây giờ cả 4 người
con của ông đã tốt nghiệp, trong đó có 1 cháu nhờ thành tích học tập xuất sắc
được nhà trường gửi đi đào tạo tại Nga.
Gia đình ông Lê Văn Khung, ở thôn Trung, xã Hải Trường (Hải Lăng) là một gia đình nông dân, thuộc diện hộ nghèo, đông con, quanh năm đầu tắt mặt tối, làm không đủ ăn. Mặc dù vậy ông vẫn lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Trong 7 người con của ông thì có 6 cháu thi đỗ đại học. Được như vậy là do vợ chồng ông xác định được tầm quan trọng của việc học hành, dù khó khăn đến mấy cũng phải xoay xở cho các con đi học. Ông thường căn dặn các con, có học mới có tri thức, có việc làm, mới phục vụ được cho đất nước, quê hương, gia đình và bản thân có cuộc sống tốt hơn... Nhiều gia đình khác như gia đình ông Hồ Sỹ Thỏn, ông Trần Thương Thiên ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh; gia đình ông Hoàng Dũng ở phường 2, thành phố Đông Hà; gia đình ông Lê Thông ở phường 1, thị xã Quảng Trị; gia đình ông Nguyễn Xuân Lộc ở xã Ba Lòng, huyện Đakrông; gia đình bà Trần Thị Phối ở xã Triệu Lăng, ông Lê Văn Giáo ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong... là những gia đình có truyền thống hiếu học, các con học giỏi, đỗ đạt cao, thành đạt trong mọi mặt của cuộc sống.
Gia đình ông Lê Văn Khung, ở thôn Trung, xã Hải Trường (Hải Lăng) là một gia đình nông dân, thuộc diện hộ nghèo, đông con, quanh năm đầu tắt mặt tối, làm không đủ ăn. Mặc dù vậy ông vẫn lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Trong 7 người con của ông thì có 6 cháu thi đỗ đại học. Được như vậy là do vợ chồng ông xác định được tầm quan trọng của việc học hành, dù khó khăn đến mấy cũng phải xoay xở cho các con đi học. Ông thường căn dặn các con, có học mới có tri thức, có việc làm, mới phục vụ được cho đất nước, quê hương, gia đình và bản thân có cuộc sống tốt hơn... Nhiều gia đình khác như gia đình ông Hồ Sỹ Thỏn, ông Trần Thương Thiên ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh; gia đình ông Hoàng Dũng ở phường 2, thành phố Đông Hà; gia đình ông Lê Thông ở phường 1, thị xã Quảng Trị; gia đình ông Nguyễn Xuân Lộc ở xã Ba Lòng, huyện Đakrông; gia đình bà Trần Thị Phối ở xã Triệu Lăng, ông Lê Văn Giáo ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong... là những gia đình có truyền thống hiếu học, các con học giỏi, đỗ đạt cao, thành đạt trong mọi mặt của cuộc sống.
Không chỉ làm tốt về mặt tinh thần, từ ngày thành lập đến
nay, Hội Khuyến học tỉnh hoạt động với phương châm “đa dạng hóa các nguồn vận động
tài trợ, tối ưu hóa nguồn quỹ”. Bằng nhiều cách làm sáng tạo, như gửi thư kêu gọi
các tổ chức, cá nhân, tiếp cận với các doanh nghiệp, các chức sắc tôn giáo, các
đơn vị lực lượng vũ trang... hội đã xây dựng được nguồn quỹ khuyến học. Nếu như
từ năm 2002 đến 2007 cả tỉnh huy động được trên 60,2 tỷ đồng, thì từ năm 2008 đến
nay đã huy động được trên 170,1 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, hội đã phối hợp với
các cơ quan, đoàn thể tổ chức nhiều chương trình, như Tiếp sức đến trường, Ánh
trăng rằm, Đỡ đầu dài hạn, Hoa tình thương, Vì học sinh nghèo hiếu học... trao
học bổng cho khoảng 30.411 em, đỡ đầu dài hạn cho 10.591 lượt học sinh, sinh
viên nghèo, tiếp sức đến trường cho 2.430 sinh viên, khen thưởng 298.918 em, tặng
2.480 chiếc xe đạp và 610 chiếc máy vi tính... Quỹ khuyến học, khuyến tài được
hội thực hiện mọi lúc mọi nơi, với phương châm “chi đúng, chi trúng, chi đủ”
đã kịp thời giúp đỡ, động viên những em có hoàn cảnh khó khăn cũng như biểu
dương những em có tinh thần vượt khó, học giỏi.
Cùng với Giải thưởng Bùi Dục Tài của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng
Trị lập ra để tôn vinh những thành tích và cống hiến xuất sắc trong sự học, những
đồng tiền vàng ngọc từ Quỹ Khuyến học, theo thời gian, năm này qua năm khác, thế
hệ này đến thế hệ khác, được đến với các em, nâng đỡ các em trên chặng đường
dài học tập.
Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam
Nguyễn Thị Doan mới đây đã đến thăm và làm việc với Hội Khuyến học tỉnh Quảng
Trị. Ghi nhận những thành tích đã đạt được trong hơn 15 năm qua của Hội Khuyến
học tỉnh, đồng chí nói: “Cơ ngơi nhà cửa, cán bộ nhân viên chỉ có thế này mà
các đồng chí đã quản lý bao nhiêu là công việc, bao nhiêu là con người. Trong
thời gian tới, mong các đồng chí tiếp tục làm tốt hơn nữa công việc của mình.
Làm khuyến học phải tận tâm, tận lực, phải biết nhận thức đúng đắn rằng khuyến
học là nơi chắp cánh ước mơ, là nơi tiếp thêm lửa nhiệt tình và lòng đam mê học
tập cho tất cả các thế hệ học sinh thân yêu”.
Nguyễn Ngọc Chiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét