Trong vài chuyến đi chơi ở Cựu Kim Sơn vào đầu năm 1988, tôi bỗng nhìn ra là chỉ còn 12 năm nữa là tới Thế Kỷ thứ 21. Ðứng trước cửa vào thế kỷ mới, tôi muốn ôn lại những rung cảm của một kẻ hát rong trong một thế kỷ đang sắp tàn. Để sẽ leo từng thế kỷ với cuộc rong chơi, rong ruổi vào cõi lớn...
Mười bài hát trong một album mang tựa đề đầy đủ là Mười Bài Rong Ca, Người Tình Già Trên Ðầu Non hay là Hát Cho Năm 2000 đã ra đời do Phạm Duy Cường Musical Productions, California phát hành vào mùa Xuân 1988, gồm: Người Tình Già Trên Đầu Non, Hẹn Em Năm 2000, Mẹ Năm 2000, Mộ Phần Thế Kỷ, Ngụ Ngôn Mùa Xuân, Nắng Chiều Rực Rỡ, Bài Hát Nghìn Thu, Trăng Già, Ngựa Hồng, Rong Khúc. Đa số nằm trong thể ballad, được Duy Cường hòa điệu theo style New Age.
Người Tình Già Trên Đầu Non hay là Hóa Sinh đưa ra hình ảnh một người già đứng trên đỉnh núi, những tảng tuyết lớn đã tan trên đôi vai, ngó những đám mây buồn bã, nhìn hoàng hôn thoi thóp, bỗng nghe tiếng gọi của người yêu dấu vọng lên từ dưới thế gian. Người tình già bỏ đỉnh non cao, đi xuống gặp người yêu cũ để sống lại bốn mùa của cuộc đời và hẹn nhau cứ sau một thế kỷ lại cùng tái sinh.
Nhưng thông điệp của bài Hóa Sinh là sự trở về cội nguồn của những chiếc lá chết lại không quan trọng bằng việc làm thế nào những nụ hoa vẫn nở trên những cành khô. Những người của thế kỷ 20 sắp chấm dứt là những lá khô sắp rơi rụng, và người tình của thế kỷ thứ 21 là những nụ hoa đang hé.
Bài ca thứ hai trong loạt 10 bài Rong Ca nói về thân phận nước Việt trong 100 năm qua, với nửa đầu thế kỷ đầy hy sinh, đấu tranh cho độc lập, tự do, nửa sau tưởng được sống yên vui nhưng những chia rẽ, oán thù đã đầy đọa người dân Việt ở cả hai miền, khiến hạnh phúc và tình yêu vẫn còn ở quá xa tay người. Bài hát có tựa là Hẹn Em Năm 2.000 với những câu kết: "Năm 2.000 với trăm năm thật dài. Được gọi tên thế kỷ nào đây? Trăm năm tình ái hay trăm năm ngậm ngùi?"... như một dấu hỏi lớn của thắc mắc: liệu một trăm năm lầm lỗi sắp qua có thể là bài học tốt cho trăm năm sắp tới của chúng ta hay không?
Bài thứ ba cũng được viết bằng thể ballade (kể lể) có nhan đề: Mẹ Năm 2.000. Mẹ Việt Nam của năm 2.000 là những em gái sống trong cảnh khốn cùng, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu học hành, thiếu tình thương, thiếu tương lai, còn là những em gái sống lạc loài trên khắp năm châu, thay tên đổi họ, quên tiếng nói quê hương. Bài hát hỏi chúng ta phải làm gì để cứu những người mẹ Việt Nam của những năm 2.000 sắp tới?
Bài thứ tư có tựa là Mộ Phần Thế Kỷ, người viết muốn lên đường đi nhặt những xác của thời qua để chôn đi cùng với những đớn đau của thế kỷ này, chôn đi các chủ nghĩa, các ác chúa đang được ướp xác trong những nhà mồ, để trên ngôi mộ của thế kỷ, người ta sẽ nghe tiếng đàn trẻ nhỏ hát vui trên lưng trâu, bên những nụ hoa thơm ngát.
Bài số năm Ngụ Ngôn Mùa Xuân là một bài hát vui nhưng hình ảnh lại rất ngậm ngùi như thân phận của những người dân nhược tiểu. Bài ngụ ngôn kể chuyên hai người mù đánh nhau, hai người câm cãi nhau, hai người điếc ngồi nghe những bản nhạc ngoại lai, hai người khỏe mạnh, mập mạp biết rằng đánh nhau thì chết nên cất vũ khí đi, xúi hai người gầy còm ốm yếu đánh nhau hộ mình... Tác giả hy vọng trong trăm năm sắp tới, người mù sẽ thấy được sự thực của nhân loại, của Việt Nam, người điếc được nghe tiếng nói của lương tâm và người câm hát lên được tiếng hát đưa con người vào những thế kỷ tới.
Trong khúc thứ sáu, tôi vẫn thấy được cái khía cạnh tươi đẹp của cuộc đời ngay cả ở buổi hoàng hôn. Tôi cho chính cái nắng hoàng hôn là cái nắng đẹp nhất chứ không phải cái nắng của buổi trưa hay của buổi bình minh. Bài Nắng Chiều Rực Rỡ là tình khúc duy nhất trong loạt Rong Ca. Tôi mong "nuôi thật dài hoàng hôn ái ân", vì ''những vạt nắng chói chan vẫn còn là bao ước nguyện'', và khi "nắng còn nắng bao la, thì đêm xin đợi chờ..."
Ca khúc thứ bảy nhan đề Bài Hát Nghìn Thu là một bài hát với những lời ca tạo một không khí siêu thoát như những trang kinh Dịch:
"Nghìn thu, anh là suối trên ngàn
Thành sông anh đi xuống
Anh tuôn tràn biển mơ
Nghìn thu em là sóng xô bờ
Vào sông em đi mãi Không bao gi biển vơi...
Nghìn thu em lặng lẽ ươm mầm
Cành mai không ai biết
Em âm thầm nở hoa..."
"Nghìn thu, anh là suối trên ngàn
Thành sông anh đi xuống
Anh tuôn tràn biển mơ
Nghìn thu em là sóng xô bờ
Vào sông em đi mãi Không bao gi biển vơi...
Nghìn thu em lặng lẽ ươm mầm
Cành mai không ai biết
Em âm thầm nở hoa..."
Bài rong ca số tám với cái tên Trăng Già mang âm hưởng dân ca lấy ý từ câu ca dao "Trăng bao nhiêu tuổi trăng già - Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non...". Trăng trong bài hát này là người tình, là cuộc tình vĩnh cửu mãi mãi không có tuổi, là tình yêu muôn đời trong cái hữu hạn của cuộc sống nhân sinh.
Bản Ngựa Hồng kể chuyện một con chiến mã từng in vó khắp vùng chiến địa nay phải cong lưng kéo một chiếc xe thổ mộ, một kiếp nô lệ khổ nhọc. Đó là nước Việt mà tôi mong một ngày sẽ chui lọt qua lỗ kim để bay vào cõi không mênh mông vô hạn.
Bài Rong Ca cuối cùng là Rong Khúc nói về chuyến đi cuối về miền an tĩnh sau khi đã đưa người tình tới nguồn yêu dấu, sau khi theo người đi vào chốn khổ đau… để đi vào ngàn mai, ngàn xưa vang vọng tiếng gọi càn khôn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét