Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Những cảnh giới khác trong Mười khúc Thiền ca của Phạm Duy

Những cảnh giới khác trong 
Mười khúc Thiền ca của Phạm Duy  
Người nhạc sĩ có mái tóc bạc trắng, đôi mắt sáng, tiếng cười sảng khoái, phong thái trẻ trung. Những lúc chuyện vãn, ông thường đùa: ''Nhìn xem, tớ bảy mươi nhăm đó rồi đấy''... Câu nói hàm chứa sự lạc quan hiếm thấy, nó chứng tỏ một sức sống vẫn còn sung mãn, rất sung mãn. Ðiều này giải thích tại sao cho đến nay, dẫu đã cống hiến cho đời hàng nghìn lời ca, dẫu tên tuổi đã gắn liền với nền âm nhạc Việt Nam đương đại, nguồn cảm hứng trong ông vẫn cuồn cuộn. Thỉnh thoảng, năm ba tháng, một năm, công chúng lại kinh ngạc thấy ông ném ra một loạt sáng tác mới. Mới, hiểu theo nghĩa tròn đầy nhất. Từ âm hưởng, giai điệu đến ngôn ngữ tuy vẫn mang dấu ấn của ông, nhưng mỗi đợt ca khúc là một chặng đường, một cột mốc, nó làm thành cái chuỗi dài biến sinh vô cùng phong phú trong tư duy một tài năng. 
Chuỗi biến sinh đó, hôm nay, lại được nối thêm mười đoạn ngắn. Ngắn, mà chắt lọc. Ngắn, mà cô đọng. Ngắn, mà khai mở. Ông nói có lẽ đây là loạt ca khúc cuối, từ nay tôi sẽ ''gác kiếm''. Và cười, cũng vừa, phải không? ''Có lẽ'', hai chữ này không hàm ý xác quyết. ''Có lẽ'', đối với một nghệ sĩ như Phạm Duy, nó chỉ mang ý nghĩa giản dị một trạm dừng chân, để hàm dưỡng. Chắc chắn trong tương lai, sẽ lại có những lên đường mới. Tuổi tác và thời gian đôi khi không còn là trở lực ở một số người. Phạm Duy là một trong số những người ít oi đó.
Rất tiếc tôi không phải người am tường âm nhạc. Nói cách khác, khả năng thưởng thức âm nhạc của tôi dưới mức trung bình rất xa. Cho nên nghe nhạc, với tôi, chỉ hoàn toàn bằng cảm tính. Một bài hát hay, theo chủ quan, là một bài hát làm tôi rung động, đồng thời mở ra những cánh cửa khác, dẫn tôi vào những miền xứ nào đó, có thể vui, có thể buồn, có thể rơi xuống tận cùng khổ đau, có thể vượt lên chóp đỉnh hài mãn... Cảm tưởng đầu tiên có được khi nghe hết mười ca khúc qua giọng hát Thái Hiền và kỹ thuật hòa âm tài hoa của Duy Cường là một cảm tưởng đầy lạc quan. Tuy nhiên, nếu dùng hai chữ Thiền Ca để định danh cho loạt ca khúc này, thì theo vài anh chị, có lẽ chưa đúng nghĩa lắm. Nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc và nhà thơ Phạm Việt Cường đề nghị một tên khác: Sinh Ca. Tôi muốn sử dụng hai chữ Lạc Ca. Lạc, được hiểu như là an lạc, tự tại. 
Nhưng xét cho cùng, dù Thiền Ca, Sinh Ca, hay Lạc Ca... cũng chỉ là một cách để gọi. Không quan trọng. Ðiều quan trọng nằm ở chỗ khác. Cái chỗ, qua mười ca khúc này, Phạm Duy đã phơi trải rất rõ cùng chúng ta sự biến chuyển của nội tâm ông ở mỗi giai đoạn sáng tác. Từ Kháng Chiến Ca, Tình Ca, Du Ca, Tục Ca, Ðạo Ca, Hòa Bình Ca... đến Ngục Ca, Hoàng Cầm Ca, Bầy Chim Bỏ Xứ... chúng ta đã ''khóc cười'' với Phạm Duy trong mọi trạng huống của triền phược, của chấp nê thường tình giữa lòng đời. Mãi đến Thiền Ca (tôi tạm gọi như thế, trước khi nhạc sĩ chính thức định danh), Phạm Duy chợt trở lại cái điều ông từng lờ mờ cảm nhận vào những năm mười tám hai mươi, như ông tâm sự: Ngay từ lúc sáng tác Bên Cầu Biên Giới, tôi đã bắt đầu băn khoăn về sự vô nghĩa của những biên giới. Biên giới trong lòng mỗi con người. Biên giới ngoài cuộc đời. Biên giới đến từ mọi chủ nghĩa, mọi giáo điều, mọi chính kiến, mọi tập quán... Biên giới, chính cái này là nguyên nhân phát sinh chiến tranh, hận thù, giết chóc, truy bức, cho dân tộc chúng ta, nói riêng, cho loài người, nói chung.
Ðiều ông băn khoăn, cảm nhận vào lúc xuân xanh, cho đến nay, đã trên nửa thế kỷ, mới đủ chín, để hóa thân thành nghệ thuật. Có muộn quá chăng? Không, chẳng bao giờ muộn. Tiến trình tư duy của một con người còn tùy thuộc ở tâm cơ và điều kiện ngoại tại. Tài năng thiên phú của ông, sức sống sung mãn vỡ bờ của ông, sự thành công liên tục và dài hơi của ông... tất cả như những lực đẩy mãnh liệt, không cho phép ông có thì giờ ngoảnh lại, nhìn con đường mình đã đi qua và băn khoăn về nó. Chỉ đến đoạn chót cuộc đời, ông mới trực nhận một cách minh triết nhất cái lẽ sống vô thường mà tất cả chúng ta - con người - phải gánh trên đôi vai gầy yếu của mình. Từ trực nhận đó, ông trở lại làm đứa trẻ thơ, nhìn cuộc đời bằng đôi mắt trong veo. Ðôi mắt của chân như, tuệ giác. 
Những năm còn trẻ, mười chín hai mươi, tôi cũng có tìm đọc một số sách về Thiền học, nhưng phải thú thật, kiến thức của tôi về lãnh vực này không hơn gì kiến thức âm nhạc. Lõm bõm. Chắp vá. Nông cạn. Tuy nhiên như vừa nói, bằng cảm tính, tôi hình như đã... ''bắt'' được một số tín hiệu, phát đi từ những dòng nhạc phơi phới kia. Những tín hiệu ít nhiều tác động đến nội giới tôi. 
Chúng ta hãy thử nghe vài khúc trong Mười Khúc Thiền Ca mà Phạm Duy sắp gởi đến chúng ta:
Tôi nằm võng 
Võng đưa, võng đưa. 
Tôi nằm võng 
Võng đưa, võng đưa. 
Ha! 
Trần gian lạc thú 
Ha! 
Tiên cảnh phiêu du 
Cõi tử, cõi sinh 
Cõi tình, cõi hận 
Núi đợi, vực chờ 
Niềm vui, nỗi khổ
Tôi nằm võng 
Võng đưa, võng đưa 
Tôi nằm võng 
Võng đưa, võng đưa. 
Tôi nằm đó 
Nằm im mọi chỗ. 
(Khúc số 2)
Khúc hát mở ra một cách nhìn rất đạt đạo. Tôi nằm võng, võng đưa, võng đưa... tôi đang lắc lư trong cuộc đời, cuộc đời thì động, cuộc đời với muôn nghìn trầm luân, cõi tử, cõi sinh, cõi tình, cõi hận. Núi đợi vực chờ, niềm vui, nỗi khổ. Nhưng tôi nằm đó, tôi nằm im ở mọi chỗ. Cuộc đời động, mặc, tôi không động, tôi tĩnh, tôi im. Tôi vẫn sống trong đời, mà tôi đã ra khỏi đời. Vượt thoát, an nhiên. Ðến và đi, mất và còn, khổ đau và hạnh phúc. Hai mặt âm dương làm nên biến sinh, hai phần đối kháng của qui luật biện chứng. Nhưng hai mà vẫn là một. Phật giáo, Duy vật sử quan, Lão giáo, đã được đẩy đến chóp đỉnh. Có lẽ lần đầu tiên, những phạm trù rắc rối của triết học, của tôn giáo được khai giải và thăng hoa một cách vừa giản dị, vừa đẹp đẽ như thế, bằng đôi cánh của âm nhạc. Và khúc thứ 6: 
Trong chiều lên 
Có loài người và cây cỏ 
Hát êm 
Ta tìm em 
Và gặp em
Ta lôi em về 
Ta kéo em đi 
Nâng em lên trời 
Ðem xuống âm ty 
Chôn em trong lòng 
Xong lấy em ra.
Trong chiều lên... 
Có loài người và cây cỏ 
Hát êm 
Ta tìm em 
Và gặp em 
Ta chưa ôm em 
Thì mất em.
Hình như tôi đã gặp ở đâu đó hình ảnh này. Phải chăng khúc hát được gợi hứng từ mười bức tranh chăn trâu (Thập Mục Ngưu Ðồ) nổi tiếng trong Thiền Tông? Ở đây, triết lý Thiền Tông được trần tục hóa bằng TA và EM một cách vừa lãng mạn, vừa sinh động. Có lẽ, một phần nhờ giai điệu của bài hát. Ðoạn đầu êm đềm, phơi trải tạo cảm giác một đất trời tạo vật mênh mông. Ðoạn giữa bỗng bùng vỡ, dồn dập, gấp gáp: trong cõi đất trời tạo vật mênh mông đó, có người tìm nhau, đến với nhau, vồ vập, yêu thương, thù hận, xâu xé nhau... một cách vô lý và vô nghĩa cùng cực. Cuối cùng đi vào đoạn ba, trở lại sự êm đềm, thư giãn, hòa điệu. Ta chưa ôm em, thì mất em. Mất mà không mất. Sắc tức thị không... Con người đã hòa nhập vào cuộc biến sinh, chấp nhận cuộc biến sinh với một tâm thân an lạc, bình yên. Khúc hát chấm dứt, nhưng dư vị vẫn còn lãng đãng, đọng hoài trong cân não người nghe. 
Ngoài hai khúc tôi vừa đơn cử, một khúc nữa, thứ 10, tôi cũng rất thích. Tôi thích, có lẽ một phần nào bởi cách nhìn về nhân qu ả của Phạm Duy, theo tôi, rất gần gũi với những trái tim nghệ sĩ. Nếu soi rọi vấn đề bằng đôi mắt nghiêm nghị của các nhà nghiên cứu, thì những gì tôi nghĩ, về khúc hát này, hình như không được đứng đắn. Tuy nhiên, biết làm thế nào bây giờ, nếu lúc nào, ở đâu, con người vẫn cứ phải đóng mãi vai trò của những bậc trí nhân? Nghệ thuật vốn không phải là những bài giảng về triết lý và đạo đức. Nghệ thuật lại càng không phải là ngọn đèn sáng nhằm đưa chúng ta - tất cả chúng ta - đến một nơi chốn nào đó vẫn thường được mệnh danh ''thiên đường''. Thiên đường và địa ngục, Sa Tăng và Bồ Tát, lại vẫn là hai phạm trù, hai mặt sấp ngửa của ngôn ngữ, của tư duy tiền định dung tục. Phạm Duy hồn nhiên:
Tròn như viên đạn đồng đen 
Ðã khô vết máu 
Quên miền chiến tranh 
Tròn như trái đất yên lành 
Muôn loài như một 
Cõi sinh vẹn toàn 
Tròn anh tim trẻ miên man 
Trái tim trăm tuổi 
Mới hoàn cơ duyên 
Tròn em tung tóe cánh tiên 
Chim không mỏi cánh 
Triền miên phận mình 
Tròn như lời hứa chung tình
Chưa tròn nhân quả 
Tái sinh còn nhiều... 
Bỏ hết những điều tôi vừa trình bày bên trên, về lẽ thiện điều ác, về thiên đường địa ngục, về Sa Tăng Bồ Tát... Qua khúc hát này, chúng ta lại có cơ hội nhìn thấy một Phạm Duy rất... Phạm Duy. Một Phạm Duy mãi mãi, không bao giờ ức chế nổi sức sống dũng mãnh của mình, cũng như không giấu được sự tinh nghịch mà suốt đời ông vẫn thủy chung với nó. Nhờ thủy chung với nó, ông cứ trẻ mãi không già, ở phong cách sống và trong suy nghĩ. Tròn như lời hứa chung tình, chưa tròn nhân quả tái sinh còn nhiều.
Dưới cái nhìn... nghiêm nghị trong đạo Phật, con đường giải thoát là nỗ lực tu tập để mong thoát khỏi vòng triền phược luân hồi. Nhưng với Phạm Duy, ngược lại, không có gì chán bằng được giải thoát! Theo ông, tái sinh mới là... chân lý. Tái sinh chứ. Ðời đẹp thế này, đi luôn sao đành? Ðùa giỡn với âm nhạc, như ông đã đùa gần hai phần ba thế kỷ nay. Ðùa giỡn với triết lý, với tôn giáo, như ông đang đùa, với khúc hát này, phải chăng cũng là cách chọn lựa để đến gần với đạo, theo cách của Phạm Duy? Sắc tức thị không. Hữu tức thị vô... vòng luân hồi quay, quay, quay. Không khởi nguồn, không chấm dứt, không vô thủy, chẳng vô chung. Không quỷ, cũng chẳng thần. Quỷ và thần chỉ cách nhau một sát na. Quỷ và thần chỉ là một.  
Hôm qua, đọc lại Nam Hoa Kinh gặp đoạn dưới đây. Không hiểu sao tôi có cảm tưởng những điều Trang Tử nói lại gần lắm với mười khúc Thiền Ca này: 
Phù Ðạo hữu tình hữu tín, vô vi vô hình, khả truyền nhi bất khả thụ, khả đắc nhi bất khả kiến. Tự bản tự căn vị hữu thiên địa tự cổ dĩ cố tồn, thần quỷ thần đế, sinh thiên sinh địa. Tại thái cực chi tiên nhi bất vi cao, tại lục cực chi hạ nhi bất vi thâm. Tiên thiên địa sinh nhi bất vi cửu, trường ư thượng cổ nhi bất vi lão.
(Ðạo thì có tình, có tính, vô vi, vô hình; có thể trao cho mà không thể thụ lãnh; có thể hiểu được mà không thể thấy được. Ðạo thì tự bản tự căn. Hồi chưa có Trời Ðất, Ðạo đã có rồi. Ðạo sinh ra quỷ, sinh ra đế; sinh ra Trời, sinh ra Ðất. Ở trước Thái cực mà chẳng gọi là cao; ở dưới lục cực mà không gọi là sâu; sinh ra trước Trời Ðất, mà chẳng gọi là lâu; dài hơn thượng cổ mà chẳng gọi là già). (Nam Hoa Kinh, Trang Tử, thiên Ðịa Tông Sư. Bản dịch Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Khai Trí xuất bản). 
Trở lại điều tôi đã nói từ đầu: tôi không sành âm nhạc. Nghe nhạc, chỉ qua cảm tính, cho nên có thể những điều tôi cảm thấy sau khi nghe mười ca khúc trong loạt Thiền Ca Phạm Duy vừa hoàn tất, đã không đúng như ý tác giả hay cách hiểu của những nhà phê bình chuyên môn. Nhưng có hề gì, âm nhạc cũng như mọi loại hình nghệ thuật khác làm ra là để mọi người cùng thưởng ngoạn. Nếu Phạm Duy đã mở cho tôi một cánh cửa, dù cánh cửa đó có thể ông không dụng tâm mở, thì điều ấy càng chứng tỏ nghệ thuật - âm nhạc, thơ ca, văn chương, hội họa... nói chung, có khả năng của đôi đũa thần, tùy tâm cơ, nó khai mở cho chúng ta bao nhiêu cảnh giới. 
1993
Khánh Trường
Nguồn: Pham Duy’ Study 2007
Theo https://phamduy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...