Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Phạm Duy Gã hề trên sân khấu dương gian

Phạm Duy Gã hề trên sân khấu dương gian
Lời tòa soạn:
Bài viết dưới đây của Ký Giả Ðông Duy. Dĩ nhiên, Ông có cái nhìn của Ông về Phạm Duy ở một góc cạnh: ''Gã Hề Trên Sân Khấu Nhân Gian''. Hề kiểu như Charlie Chaplin. Một triết lý sống; thoải mái với chính mình, không những làm cho người khác cười, mà còn làm cho người ta khóc, người ta suy nghĩ... và Phạm Duy không để trống một giây khoảng nào trong cuộc đời của chính Ông và ảnh hưởng vào đối tượng. Nhất là về mặt nghệ thuật, Ông luôn ở trên cuộc đua, vừa là khán giả vừa là người tham dự. Ðó là một sự lạ lùng rất bình thường... Mời bạn đọc theo dõi bài viết của Ðông Duy được đăng hai kỳ trên TÌNH THƯƠNG NEWS. 
Phải chăng, ở lúc tóc đã nõn nà như một màu mây trắng trên đỉnh Tuyết sơn, lúc mà NGƯỜI TÌNH GIÀ TRÊN ÐẦU NON, với tay đã gần đụng tới đỉnh trời, Phạm Duy mới thấy được nẻo vô thiền qua những ca khúc mới nhất của ông: MƯỜI BÀI THIỀN CA(HÁT TRÊN ÐƯỜNG VỀ). Ở cái tuổi ngoài 70, với 10 bài thiền ca, người nghe và người đọc có cảm giác Phạm Duy đã bắt đầu nôn nóng muốn chất thật vội và thật nhiều lên chuyến xe đã chở ông một đời rong chơi trong âm nhạc và tình ái. 
Nói một cách khác, từ Kháng Chiến Ca, Tình Ca, Ðạo Ca, Tục Ca, Vỉa Hè Ca... Phạm Duy, gã lãng tử lang thang trong vườn địa đàng bắt đầu khởi sự việc kết toán, chiêm nghiệm lại đời mình với NGƯỜI TÌNH GIÀ TRÊN ÐẦU NON. 
Chuyến viễn du trong cõi nhân gian, nhìn lại, tưởng phù du như chu kỳ một đời người, nhưng đối với một đời như Phạm Duy, những hành trang, những dấu tích sao mà ngổn ngang quá đỗi. Kể sao hết đôi ba lần gian dối, kể sao hết những thú đau thương, những ngàn trùng xa cách, những xuân thì, những sông lô chôn xác quân thù... 
Dầu vậy cũng đã đến lúc phải gói ghém lại tất cả để trả hết cho người, cho đời, để có thể đường ta đi trời đất yên vui, để thong dong giữa chợ mà lòng không mảy may vướng bận, có đó mà không đó, vì cái có có thể không có, cái không mà lại là có... Phải chăng đó là lý do của thiền ca? 
Và như chính Phạm Duy xác nhận: Thiền Ca là những Ca Khúc Trên Ðường Về? Nếu có ai hỏi về đâu, và nếu đã nghe Thiền Ca thì có thể thấy câu trả lời bày tỏ lời ước nguyện của Phạm Duy, đó là: ''Về nơi không có khởi đầu để bắt lại từ đầu, bắt đầu mãi mãi vì chưa tròn nhân quả tái sinh còn nhiều...'' 
THIỀN CA SỐ 1 (tựa đề KHÔNG) là sự chiếu rọi, sự quán tưởng của Phạm Duy, về quãng không, chân không. Cái không được nói đến trong Thiền Ca không phải là cái không tự bản thể mà chỉ là sự đối chiếu, sự cật vấn của trí vào khoảng không bên ngoài ta. Cái KHÔNG này không được chiêm nghiệm qua nhãn quan Thiền mà lại rất gần với cái không trong nhãn giới khoa học. Ðó là khoảng không làm cái nôi, làm sân khấu cho mọi hiện tượng. Không gian của THIỀN CA SỐ 1 chính là không gian của một khán giả đang theo dõi say mê vở tuồng trên sân khấu: Thinh không trống trải mênh mông  Rộng rãi vô cùng  Cao thấp vô lường... 
Ðoạn 2 của THIỀN CA SỐ 1 như sự thức tỉnh của tiếng nổ lớn (BIG BANG) tưng bừng mở ra cả một vũ trụ mới với sự khai trương của không gian và thời gian trong cái sát na đầu tiên của mọi thứ. Ðó cũng là phút giây chia lìa của TÂM để thành TRÍ:
À a a bỗng rộn rã tưng bừng 
Nhất nhất trùng trùng  
Nhưng vẫn là không... 
THIỀN CA SỐ 2 mang một cái tên rất thiền: VÕNG, và nó càng mang vẻ thiền hơn khi được nhà Phật học Thi Vũ mô tả là chiếc võng mắc giữa hai đầu sinh tử. Nói như vậy kể cũng đúng vì giữa lúc đu đưa mê mộng thì hai đầu võng chẳng biết đầu nào đầu sinh, đầu nào đầu tử nhưng nếu một đầu bỗng nhiên sút dây, vứt ông Phạm Duy 75 tuổi đầu già xuống đất thì tử là cái chắc. Tuy nhiên, THIỀN CA SỐ 2 có thể chỉ là một phút khai ngộ bất chợt thường vẫn đến với chúng ta, thiền sư hay không thiền sư, nhạc sĩ hay bác nông phu.
Có người sung sướng kêu lên nhưng cũng có người chỉ âm thầm trong cơn hạnh phúc mong manh của giác ngộ đột khởi. Giác ngộ về cái lý của đời sống trong đó cái Ta tan trong cái ngoài ta. Tất cả chúng ta đều có một vài lần được chứng nghiệm về sự giác ngộ này. Có thể trong nháy mắt, có thể lâu hơn một chút. Có thể trong một cơn sợ hãi cùng cực, trong nỗi thất vọng sâu hơn vực thẳm, trong niềm hoan lạc đạt tới tột cùng. Giữa lúc đó chợt thấy lòng nhẹ tênh, lòng buông dây cương để đời sống nổi trôi bấp bênh, giây phút đó ngôn ngữ thế gian gọi là: thời gian nh ư ng ừ ng l ại , biết mình vui đó, buồn đó nhưng nỗi vui, nỗi buồn dửng dưng như bóng in trên mặt nước hồ của tâm thân an tọa. Như đàn ngỗng trời, vừa mới bay qua, bóng in trên mặt nước hồ yên tĩnh, ngỗng chẳng làm phiền, chẳng kinh động mặt nước mà hồ cũng chẳng bịn rịn đường bay của ngỗng trời, tất cả chỉ là những hiện tượng trong lòng.
Những hiện tượng khác biệt giữa thế nhân và những người có tu tập để đạt một thiền quán cao là ở mức độ, hoặc sự trường cửu của sự giác ngộ này. Ðối với những thiền sư thực sự đã đạt ngộ thì nó là thế đó, nó hiển nhiên và đơn giản quá mức, đâu còn gì để nói, để nghĩ bàn. Khi ta đã là sóng thì sóng đâu còn là sóng nữa: Ðó phải chăng là cái mà Phật Giáo gọi là sự liễu đoạn sinh tử. Không phải là ra ngoài vòng sinh tử mà trở thành chính sự sinh tử, vì ta nằm im một chỗ, nằm im ngay chính trong bản thể của sinh tử để thấy chỉ là một, chỉ có một. 
THIỀN CA SỐ 3 là một vườn hồng gai đâm tứ tung, có chút ái tình tan vỡ, có khóc lóc... Nghe gần hết bản nhạc vẫn chưa thấy thiền khỉ khô gì cả. Chỉ đến những câu cuối người ta mới thấy được điều Phạm Duy muốn nói: 
Một cuộc đời 
Một cuộc đời  
Một cuộc đời 
Ừ... chỉ cần thế thôi!
Những bài ca mang tựa đề THIỀN CA nhưng Thiền để làm gì? Phải chăng Thiền là đi tu cầu phước, để tham lam hơn mà không bị trừng phạt, để thu tất cả vào mình hoặc để trở thành cái không tuyệt đối. Thế nhân khi nghĩ về Thiền hoặc hành Thiền thường ngơ ngác trong một bể ngôn từ hoặc rơi vào một trong hai thái cực trên.
Thiền có nói đến những cảnh giới giác ngộ viên mãn như một phần thưởng đầy hấp dẫn nhưng chẳng ai tả được cái cảnh giới đó như thế nào. Kinh Viên Giác thì lại nói: lấy cái tâm suy tưởng mà đo lường cảnh giới giác ngộ viên mãn của Như lai cũng như đem lửa đom đóm mà đốt núi Tu Di, rốt cuộc chẳng bao gi ờ được, mà nếu không suy tưởng thì còn gọi là sự sống hay không?
Tóm lại những kẻ tập thiền cứ lồng lộng như vậy giữa cái có và cái không, cái chấp và không chấp, cái ta và cái chẳng là ta, giữa thực tế hiện hữu rất phi lý mà chẳng phi lý chút nào, vì anh nào cũng bám chặt lấy đời sống. Cuộc vùng vẫy mệt nhọc và tuyệt vọng. Lúc thì phải diệt dục, lúc thì bảo rằng vô dục là ma quỷ, lúc tưởng là đã ngộ lại có lúc chẳng ngộ gì cả.
Thế nhưng, cứ vật vã đi, biết đâu, vào một lúc giữa cơn bão tố đảo điên mọi chuyện bỗng lặng thinh, trong sáng lạ thường, như rơi vào giữa trung tâm của CON MẮT BÃO, hiện hữu hiển hiện nguyên hình với bản thể trong sáng nhất không còn hồ nghi gì nữa. Không cần giải thích, tìm hiểu, đọc kinh, đọc sách vì nó là... cuộc đời... một cuộc đời... và chỉ cần thế thôi.
Tại sao, đừng hỏi, vì là thế đó, vì đời sống, chừng nào còn thở thì vẫn trọn vẹn thế đó, cũng sẽ không dừng lại ở một trạng thái nào, nó tiếp tục biến diễn trong Không-Thời-Gian. Chuyến viễn du đã khởi đi và còn tiếp tục mãi. 
Phạm Duy có thể cảm nhận một điều gì đó khi viết THIỀN CA SỐ 4 tựa đề KHÔNG TÊN nhưng sự chuyển nhượng những nhận thức này qua nhạc hoặc lời lại là chuyện khác. Tôi đã nghe ca khúc này nhiều lần, ngay cả nhẩm hát theo nhưng lạ thay nó không hề gợi lên trong tôi một ấn tượng nào, chỉ thấy một tình cảm nhẹ, êm êm rất quen thuộc như đã bắt gặp bài hát này trong hơi hướng dân ca của Phạm Duy.
Không bắt được ý của Phạm Duy nhưng biết đâu đó chẳng là dụng tâm của tác giả như cái tên gọi KHÔNG TÊN của nó. Thực vậy, trong đời sống của chúng ta, thiếu gì những giây phút chẳng biết phải tả làm sao, nói gì đặt cho nó một tên gọi. 
Những nét mở đầu của THIỀN CA SỐ 5 khá khó hiểu cả phần lời cũng như phần nhạc. Có những tiếng vút như cây roi, quất trong gió nổi bật lên trên cái nền kéo dài liên tục của một thứ âm thanh như tiếng gió lùa của đàn phong cầm hoặc đàn Orgue thường vẫn nghe trong Giáo đường. Âm thanh nền này khởi đi rất nhẹ như từ một chấm nhỏ trong thinh không, tỏa rộng ra mãi như ba động của những làn sóng từ trường hoặc sự chuyển hóa từ vật chất hình thành bốn lực chính yếu của vũ trụ là CƯƠNG LỰC (strong force), NHU LỰC (weak force), ÐIỆN TỪ LỰC (magnetic force) và TRỌNG LỰC (gravity). Ðồng thời những tiếng vút mường tượng như những thiên thể vừa thành hình bay vun vút rời xa nhau rồi mất hút trong tăm tối của vũ trụ. Ông Phạm Duy gọi đó là những tiếng roi quất vào thân xác! Ðó là cách giải thích của ông ấy. Người nghe muốn cảm nhận ra sao là chuyện của người ta. Thiền Ca mà. Nghe một câu nhạc, một tiếng lá rơi, mỗi người mỗi lúc, đều có thể khởi lên những niệm khác nhau, ai cấm được.
Những thiên thể mất hút trong không gian và những nốt nhạc đầu tiên của mùa xuân hiện hữu ùa lên như những quang tử thành hình, ánh sáng bắt đầu chiếu rọi trong đêm tối, mang sinh tính đầm ấm chan hòa khi cái TRÍ bắt đầu nhận biết rõ hơn về hiện hữu của không gian và những cá thể. Nhận thức về cái NGÃ là một nỗi vui mừng đầy sinh khí nhưng đồng thời cũng là sự nhận thức về những giả trá, ảo tưởng, xa lìa nguồn gốc. Như Adam ăn trái cấm và bắt đầu có cái TÂM phân biệt Thiện Ác, có không, mất còn, tách rời giữa con người và Thượng Ðế. Kể từ đó, thời gian bắt đầu có một chiều định mạng từ dĩ vãng tới hiện tại và tương lai như chiều của sinh tử. Bội bạc, dối trá cả rồi Người người người hung dữ, trừ tôi Hận thù, giết chóc bời bời Rồi người chết hết, còn tôi... 
Cái NGà từ buổi giã từ cõi TÂM đã nhiễm vòng sinh tử, vùng vẫy trong tuyệt vọng để thu tóm toàn thể vũ trụ vào mình để cuối cùng chỉ còn ta. Trong trận giác đấu này, cái tôi, cái ta không ngừng hy vọng chiếm ngôi vị độc tôn, duy nhất và hằng cửu, bất hoại. Càng vùng vẫy thì cái thòng lọng sinh tử càng siết chặt hơn. Càng nghĩ mình to lớn, cái NGàcàng thấy sự bất lực của mình. Như ngọn nước thủy triều chậm rãi và lỳ lợm tràn lên bờ cát. Ở cuối đời, Phạm Duy xin được quy hàng cõi TÂM an nhiên và độ lượng bao trùm tất cả. Là tôi, là em, là mùa xuân con bướm hút nhụy xuân tình, là niềm vui phơi phới, là những lá vàng phủ ngập lối đi, là hy vọng, là tuyệt vọng, là tiếng kêu rít thảng thốt niềm hoan lạc của hai con chim đuổi nhau trên cành, con cá vờn nhau dưới biển sâu, là phấn bướm đa tình tìm vào noãn sào của nhụy hoa cái và là những ý xuân nồng trang giấy xuân thư, là vậy thì như vậy đó... Ainsi soit-il! Amen! Và là tiếng UM huyền bí của Mật Tông.
Ý nhạc trong THIỀN CA SỐ 6 là quang cảnh của buổi hồng hoang rồi bỗng như đến từ một giấc mơ bỗng có loài người và cây cỏ. Ý nhạc tạo một vẻ hoang sơ rộng rãi nhưng đầm ấm và êm đềm của sự sống tỏa ra từ sự hiện diện của loài người. Cái loài người này được hiểu lầm là giống hệt ông Phạm Duy biết say mê đắm đuối viết nhạc tình trên những trang giấy xuân thu. Thực ra cái gọi là loài người trong Thiền Ca 6 rất khó có thể định nghĩa và cũng không bỗng nhiên bật lên thành hiện hữu như sự khởi đầu của vũ trụ sau tiếng nổ BIG BANG.
Vấn đề đặt ra là làm sao định nghĩa được thế nào là sự sống và từ mức độ nào thì sự sống đó đáng gọi là loài người - Nhạc Phạm Duy: có loài người và cây cỏ. Nếu con người tiến từ con dun rồi thành ông tổ HOMO HABILIS thì cái con người qua hình ảnh hiện nay cũng sẽ không dừng lại một chỗ. Sự biến đổi không xảy ra trong một ngày mà là một sự tiệm tiến với tất cả sự lỳ lợm của thời gian. Thử hỏi thêm hai triệu năm nữa thì hình ảnh con người sẽ như thế nào? Một tỷ năm trước có gì không? Một tỷ năm sau còn có gì không? (thơ Nguyễn Nhiệm). Cứ tưởng tượng sơ thôi cũng đủ kinh hãi rồi. Cặp giò ít hoạt động sẽ nhỏ dần lại, ở trong nhà, quần áo che thân, sẽ khiến lông tóc ít dần đi, sẽ không còn những mái tóc dạ hương, những lông mày lá liễu. Cái đầu ngày một to ra, và những bắp thịt yếu đuối sẽ không đỡ nổi thân mình nữa... đấy là chưa kể 1001 biến thái di truyền. 
Một hình ảnh như vậy có còn là con người hay không nếu so sánh hình ảnh con người là như chúng ta hiện nay. Vậy thì cái gọi là có loài người và cỏ cây nên hiểu là có TA và cây cỏ. TA đây là cái NGÃ của sự sống.
THIỀN CA SỐ 7 là huấn đạo của ông nhạc sĩ Phạm Duy về một cái nhìn nhất nguyên của sự việc. Muốn có được cái nhìn nhất nguyên này thì trước hết phải hiểu được cái ảnh hiện, lưỡng diện của mọi sự việc, mọi hiện tượng. Nếu không có gian dối thì không có thật thà, nếu không có tội lỗi thì không có thánh thiện, không bại thì không có thắng. Quán tưởng được như thế thì sẽ hiểu được cái lẽ không đầu không cuối. Tận cùng của sự quán tưởng này sẽ bước vào cõi vô thỉ, vô chung, ở chỗ mà KHÔNG GIAN ÐỤNG THỜI GIAN, và cũng là lúc mà thời gian mất đi cái chiếu từ quá khứ tới hiện tại tương lai, để thành từ đầu từ cuối .
Bảo rằng THIỀN CA SỐ 8 là bước vào vô niệm như nhà học Thi Vũ thì có lẽ hơi ép nhau. Phải chăng Thiền Ca này chỉ là một kinh nghiệm hành thiền cứng nhắc đầy những quy ước, những nhân danh GIẢ TRÁ, tự bản chất KHÔNG THỂ HIỆN được con người Phạm Duy vốn tội lỗi hồn nhiên tốt lành khơi khơi. Những tiêu chuẩn được nói đến trong THIỀN CA SỐ 8 có thể chấp nhận được nếu nó được phát biểu trong bài giảng của một Thầy Tu nhưng nếu dụng nó trong ý hướng hành thiền thì toàn là những ý nghĩa làm bấn động cõi TÂM hoặc chỉ là một mớ những ngôn từ trống rỗng vô ý nghĩa.
Biết thế nào là ăn cho vừa hoặc chơi cho thật hoặc sống cho thẳng. THIỀN CA SỐ 8 bảo rằng phải nhớ ơn quên thù. Ðiều này thì sách luân lý nào mà chả nói nhưng nhớ tình này quên tình khác thì sách không có dạy.
THIỀN CA SỐ 9 mở đầu lõng bõng như tiếng trống cơm trong những đám rước hoặc đám múa lân ở nhà quê tiếp theo là những âm thanh vần vũ có vẻ đằng vân giá vũ như nhạc đệm trong phim Tề Thiên Ðại Thánh, hoặc như nhạc chầu văn của mấy bà lên đồng. Nhạc đệm không tạo được cho người nghe cái cảm giác thanh tịnh, hoan lạc hoặc thần tiên theo những quy ước thông thường nói về thiên đàng. Có thể đây là một dụng tâm của tác giả vì trong phần lời ca rõ ràng như ông muốn trần tục hóa cái ý niệm thiên đường. Vượt chín từng mây tới thiên đường này Tìm em chín nắng và chín mưa bay. Thấy em khỏa thân đứng bên Ngọc Hoàng... 
Vượt chín từng hoặc chín nắng, chín mưa bay thì có thể hiểu được là ông muốn ám chỉ chữ cửu trùng (9 tầng) và những khó khăn mưa nắng khi con người ước vọng đạt được tới cõi trời của Thượng Ðế nhưng: thấy em khỏa thân đứng bên Ngọc Hoàng thì có vẻ quá đột ngột đối với thính giả bình thường.
Thật ra nhân cách hóa Thượng Ðế trong hình ảnh một người đàn ông không có gì mới lạ. Nó được nói nhiều trong Ấn Ðộ Giáo, trong đó Thượng Ðế không những là một người đàn ông mà còn là một người rất hay đùa nghịch, nhất là với phụ nữ. Câu chuyện kể tuy mang những nét phàm tục nhưng nội dung mang những ý nghĩ triết lý trong sáng và thánh thiện.
Hình ảnh của Thượng Ðế trong Ấn Ðộ Giáo được thể hiện dưới dạng rất con người của Ðấng Krishna. Ðấng Krishna này là sự nhập thể xác thân của Thượng Ðế cho nên cũng tinh nghịch và dí dỏm không khác gì loài người, chỉ khác ông là Ngọc Hoàng nên thành tích hơn người thường rất nhiều. Những cổ họa của Ấn Ðộ còn lưu truyền, có những bức tranh kể sự tích của Ðức Krishna, thí dụ chuyện Ðức Krishna trong một đêm có thể ân ái với 16 ngàn thôn nữ trong vùng thung lũng Vrindavana. Người ta giải thích rằng đây chỉ là một cách bình dân hóa sự diễn tả về sức mạnh và tình yêu vô biên của Thượng Ðế với loài người. Thực vậy, còn gì mãnh liệt và trọn vẹn hơn khi nói về tình yêu nếu không là sự hòa nhịp trọn vẹn của xác thịt bởi ở đáy cùng đó chính là thể hiện cái đạo ÂM DƯƠNG vận hành toàn bộ vũ trụ, đó cũng là biểu tượng sự huy hoàng cái khởi đầu nhất nguyên, là sự thông công với Thượng Ðế.
Quan điểm đạo đức này biểu lộ đầy dẫy trong nghệ thuật và triết lý thần học Ấn Ðộ theo đó, không hề có sự phân biệt giữa thiêng liêng và phàm tục. Ðứng trước một số đền đài Ấn Ðộ như đền Kunarak (thế kỷ 11) hoặc đền Khajuraho (thế kỷ 1) con người thời đại này, với cái TÂM PHÂN BIỆT sẽ không khỏi kinh hoàng trước những bức tường được dựng lên bởi những nhà tu khổ hạnh, với mục đích vinh danh Thượng Ðế nhưng lại tràn ngập hình ảnh những tư thế làm tình, đủ kiểu, kể cả những kiểu cọ mà óc con người khó có thể tưởng tượng ra được.
Tương tự, nghe Thiền Ca của Phạm Duy, những ai còn cái TÂM PHÂN BIỆT hẳn sẽ không khỏi nhíu mày khi ông viết: Thấy em khỏa thân đứng bên Ngọc Hoàng.
Trong Kinh Thánh, cũng có những đoạn như: Hãy để người hôn tôi bằng chính đôi môi của người! Và thần tượng của các nàng trả lời: Lỗ rốn của nàng như những ly rượu tròn, bụng nàng như một đống lúa vàng, đôi nhũ hoa của nàng như hai con nai tơ sinh đôi ... Thiên Chúa Giáo cũng thường đề cập tới những bà sơ như là vợ của đấng Christ.
Những lời giải thích có thể khác nhau tùy theo là giải thích cho quảng đại quần chúng hoặc giải thích cho những người đã có một trình độ tu tập như thấy trong Kinh Vệ Ðà: Tình dục là một kinh nghiệm về bản thể duy nhất của hiện hữu... Khi ôm người yêu dấu trong tay, người ta quên hết toàn bộ cuộc đời này. Tất cả đều gói vào bên trong; đó là lúc ta ôm Thượng Ðế trong lòng. Ta ôm em và mất em vì ta là em, em cũng là ta, là xuân con bướm hút nhụy xuân tình, là cuộc sống tràn đầy tự tại, là sự vượt lên trên mỗi ảo giác của khổ đau và hạnh phúc.
Ðạt tới trạng thái tâm linh này thì một sát-na của đời sống sẽ thành thiên thu, là chấm dứt cái chiều của thời gian khiến quá khứ vị lai thành đồng nhất thể, chỉ còn: một cuộc đời, ừ chỉ cần thế thôi.
Ðó là trạng thái của NIẾT BÀN, Niết Bàn ngay trong ta, trong cuộc sống tại thế. Quan điểm triết lý này cũng thể hiện đầy dẫy qua nghệ thuật Ấn Ðộ trong đó người ta không theo đuổi mù quáng hạnh phúc dục lạc mà cũng không đánh mất mình trong những huyễn mộng tinh thần vì: Tìm em cao thấp chỉ là ảo mộng  Thôi ở lưng chừng nhớ nhau mà sống.
SỐNG, đời sống là thế đó, bất khả phân vật chất hoặc tinh thần, người không thể bị mê hoặc bởi cuộc đời mà cũng không từ bỏ cuộc đời. Chúng ta có mặt trong cuộc đời là thế đó, với một nụ cười nhỏ nhẹ, hồn nhiên của tình yêu, của chính đời sống như nụ cười của Ca Diếp. Cuộc chiến đấu giữa tâm và trí đã chấm dứt, như viên đạn đồng đen... đã khô vết máu qua miền chiến tranh, tròn trịa, như dòng hiện tượng của đời sống vẫn nổi trôi. Bởi vốn chập chùng duyên khởi, làm sao có thể phân tích và tìm hiểu hết những nguyên do của mọi hiện tượng khi hiện hữu nằm trong chính dòng hiện tượng đó. Cách tốt nhất là hãy thả mình trôi theo dòng hiện tượng này thì sẽ tự thấy cái sứ mạng của đời sống mỗi con người. Mỗi hiện tượng đều mang một sứ mạng đó là sự thể hiện, sự biểu lộ của dòng ÐẠO LỚN, vì như Lão Tử nói: Ðạo là không nhưng ta không thể tách rời đạo khỏi bất cứ chuyện gì.
Ðó là bản thể và cũng là cái lý đương nhiên của vạn vật, của đời sống, của bốn mùa luân chuyển, sao rụng trên trời, chim xà xuống bắt cá, thợ săn dương súng bắn chim, hoặc như viên đạn đồng đen xé tan thân xác một con người, vẫn tròn trịa vì đó cũng là đạo: Ðạo vô hình, vô ảnh, vượt lên trên mọi hiện tượng. Ði kiếm lẽ đạo cũng như mắt mình nhìn chính mắt mình vậy...
Gã Hề Trên Sân Khấu Nhân Gian Tôi không dám động tâm gọi Phạm Duy là một Bồ Tát vì thực tình không thể mường tượng một Bồ Tát như thế nào, ngoài cái định nghĩa Bồ Tát là những Phật tự nguyện ở lại cõi trần để độ chúng sanh. Lại nữa theo Hòa Thượng Thích Thanh Từ thì: Nếu hiện đời Bồ Tát hóa thân để giáo hóa chúng sanh thì khi người ta phát giác ngài là Bồ Tát, đó là lúc ngài đã cuốn gói dông mất.
Trong non một thế kỷ qua, tất cả chúng ta, dù yêu hoặc ghét đều đã không ít thì nhiều gian díu với Phạm Duy qua dòng nhạc của ông, do đó cũng chưa muốn ông vội cuốn gói dông mất. Vì cái anh già đầu bạc Lão Ngoan Ðồng này vẫn còn có khả năng làm chua cay mặn ngọt, làm phiền nhiễu cuộc đời này không ít với những đôi ba lần gian dối hoặc bẩy mươi tuổi người yêu cũng vậy thôi.
Người ta thường gọi cuộc đời là TRÒ ÐỜI hẳn ý muốn nói cuộc hiện hữu trên dương gian này như một sân khấu. Nếu như có một thần thông khiến ta tách khỏi cái cảnh giới hiện hữu, để nhìn từ bên ngoài vũ trụ ta đang sống, thì tất nhiên sẽ thấy toàn bộ cái sân khấu nhân sinh này cũng chỉ là một diễn viên thủ một vai nhỏ bé trong một vở tuồng lớn hơn của một vũ trụ khác với đầy đủ hỉ - nộ - ái - ố - dục- lạc - sầu - bi.
Trên sân khấu nhân sinh có đủ các vai thể hiện mọi nẻo đời. Có những vua chúa, mỹ nhân, anh hùng liệt nữ nhưng hẳn không thể thiếu vai Hề vì Hề thể hiện con người (viết hoa) trong cái định nghĩa trọn vẹn nhất của nó. Phải chăng trong mỗi người chúng ta đều tiềm ẩn bóng dáng một anh Hề di chuyển giữa hai đầu, những thái cực hạnh phúc hoặc khổ đau, đức hạnh và tội lỗi. Người ta che đậy, dấu diếm những anh Hề cá thể này nhưng thực sự không ai có thể sống sót được khi tới gần những cực của khổ đau hoặc hạnh phúc. Ðó là những phút mà anh Hề trong mỗi chúng ta xuất hiện cười cợt, ghé vào tai nói nhỏ: cũng là diễu cả thôi, nhớ nhé, không tất cả là có tất cả đấy.
Tôi nghĩ đến Phạm Duy như một anh Hề nhiều hơn là một Bồ Tát. Giữa những đức hạnh hoặc tội lỗi của riêng tư hoặc của chung thế gian, cho đến gần những chặng cuối của đời mình, người ta luôn thấy Phạm Duy nhởn nhơ đùa giỡn như trẻ thơ, hưởng thụ tới những giọt chót của men đời, lúc nào cũng cuống quít miệt mài, bối rối bồi hồi, trọn vẹn, không uổng phí một sát na nào trong cuộc rong chơi qua trần thế. Nếu có thể đã có lúc ông vi phạm vào cái quy ước đạo đức của thế gian thì đẩy tới tận cùng, ông vẫn là một người sống có đạo đức bởi chưng cái định nghĩa tối hậu của đạo đức là sống theo một tiêu chuẩn lựa chọn. 
Cả những nhân quả mà chúng ta tạo ra trong cõi nhân gian ảnh hiện này, tựu chung cũng là đạo cả, cuối cùng cũng tan trong huyền ảo của thời gian, còn lại gì chăng là sự sáng tạo của mỗi cuộc sống. Nhân sinh chỉ có ý nghĩa khi còn sáng tạo và Phạm Duy đã làm trọn vẹn nghĩa vụ này, từ đầu, từ cuối, sáng tạo trong âm nhạc ta nghe và hát. Sáng tạo trong cõi đời riêng của ông, giữa một mùa xuân ngạt ngào trang giấy xuân thư... 
1993 
Ðông Duy 
Nguồn: Pham Duy’ Study 2007
Theo https://phamduy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...