Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Viết về Tâm ca

Viết về Tâm ca
Ai cũng đồng ý Phạm Duy nhạc sĩ còn là một thi sĩ. Nhận định này khá nửa vời. Thơ cần nhạc để ngân. Nhưng vẫn giữ lời. Chữ trong dòng thơ Phạm Duy thì biệt hoá vào thanh âm, để xác tín rằng hư vô có tiếng nói, không gian có hình thể. Và thời gian có trạm nghỉ. Phạm Duy đã phá vỡ ý niệm vô thường - cõi truân chuyên - để dựng nên cảnh độ tương quan âu yếm. Phạm Duy thành công những gì các nhà chính trị thất bại. Cả trên lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng thế. Ðạo Thiên Chúa tiếp cận với nước ta từ thế kỷ 17, nhưng phải đợi tới 1965, những người Công Giáo và đặc biệt những người Việt không Công Giáo, mới ý thức một cách máu thịt cái bị ''đóng đanh vì người'' vừa thê thiết vừa bi hùng của Chúa Ky Tô. Qua bài GIỌT MƯA TRÊN LÁ. Bài hát đã vượt biên cương tình cảm và âm thể của một quốc gia. Mai sau chắc chắn còn nhiều dân tộc sẽ hát qua ngôn ngữ họ. 
Cũng thế, gần hai mươi thế kỷ Phật Giáo, huy hoàng nhất cho đạo Phật cũng như cho đất nước, dưới ba triều Lý, Trần, Lê, để sau đó tê liệt và dung tục hoá. Vì thiếu những thiền sư có tác lớn, đủ tim, mắt và tay chân. Con mắt trí tuệ. Con tim đại bi. Và tay chân bồ tát.
Phải đợi tới 1965, khi mười bài TÂM CA của Phạm Duy ra đời, thượng lưu Phật Giáo Việt mới chảy lại trong đời sống dân tộc. Và tâm thức Việt mới sống dậy, tự vấn mình, đồng lúc lay tỉnh thế giới, làm bước ngoặc cho lịch sử Việt Nam. 
Mười bài Tâm Ca là mười cái nhìn cứu cấp vào một nhân sinh trên bờ vong thân, tan vỡ. Cái nhìn mang uy thế chữa trị bằng phương pháp và sách lược Việt Nam. Nhiều người biết nhưng không tìm ra lời. Lại thiếu lòng can đảm nói ra hoặc bâng quơ chần chừ. Họ không biết rằng lúc nào cũng là lúc của thời cơ. 
Cái ước mơ hoà bình lúc ấy chẳng ai dám nói. Nói là bộ máy chiến tranh chụp mũ và nghiến nát. Thế mà niềm ước mơ ấp úng ấy đã được Phạm Duy hào hùng nói ra ở Tâm Ca số 1. Tâm Ca là một giải pháp không hề dựa trên những thủ thuật chính trị phe phái và vụ lợi. Nó là tiếng nói con người kết tinh vào tiếng hát quyết liệt hơn súng nổ, tố cáo ngọn lửa thù đang thiêu đốt, đang tạo ra hoàn cảnh vỉa hè cho trăm, nghìn thiếu nhi lây lất hay đàn hặc tiếng ỏng ẻo phòng trà của bao thương nữ... Phạm Duy hát to tiếng hát đó, nhưng lại ''hát nhỏ hơn lời mọi người''. Tôn trọng tiếng hát, quyền sống, quyền làm người. Ðiều ước căn bản cho nước mắt mẹ già và em gái thôi chảy, để nước ân tình rơi mưa. ''Hàng nghìn th ế gi ớ i cùng nh ờ nhau thôi để bu ồ n hay vui''. Thế thì sao ta không xích lại gần nhau trong tiếng than trong nụ cười, đây đó chung quanh địa cầu? Cho đôi má đôi môi làm quen, để nghe tiếng bụt kêu. Cho đến khi hai mái đầu thành một người trong nhau. Cái một người trong nhau ấy, Tản Ðà cũng đã từng thoáng thấy khi viết: 
Mình với ta tuy hai một  
Ta với mình tuy một mà hai. 
Chấm dứt cái giả danh ''bạn thù phân minh''. Chấm dứt luôn thứ hư danh độc tôn tự đại một mình. Tính bất nhị đấy. Trọn vẹn không hai. Nhìn việc đời qua nhãn quan này, chẳng còn gì để xâm phạm lẫn nhau. Tuy vẫn dung hợp để hoá giải mọi tranh chấp, tị hiềm và khổ đau. Từ đó, từ tốn lo việc người sống cũng như lo việc người đang hấp hối, bằng trái tim đoan trang vũ trụ. Cái chết thành cuộc hẹn hò tái sinh. 
Người Việt chỉ là vật tế thần của các siêu cường, nên cuộc chiến, hay hòa bình ngày càng bế tắc. Sự nhận thức của mười bài Tâm Ca trở thành giải pháp tối hậu. Lần đầu tiên, xin nhấn mạnh, lần đầu tiên, trong lịch sử nội chiến, người Việt nhận diện ra kẻ thù: ''Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai? Kẻ thù ta là gian ác, là vô lương, hờn căm, là áo mầu chủ nghĩa, là lá bài tự do, là cái rổ danh từ... Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài, nó nằm đây nằm ngay ở mỗi aiKẻ thù ta là mắt thèm lơ láo, trong góc đầu tự kiêu, trong óc hẹp tiêu điều. Kẻ thù ta đâu có phải là người Giết người đi thì ta ở với ai?'' 
Giữa cõi thù hận ngất trời, một nhận thức như thế mới và lạ quá. Càng vọng ngoại chừng nào, càng không thể hiểu thấu và chấp nhận. Tiếng Tâm Ca mà Phạm Duy gióng lên, gọi mọi người cùng hát với tôi không chỉ là vài phút xướng ca. Nó là những lời của người Việt Nam. Lời là ý thức. Hát không là ca. Hát là thức dậy, làm mưng lên triệu triệu tế bào dã dượi, làm tuôn rần từng triệu mạch máu. Ðể cho người đừng ngậm miệng im hơi thành xác không hồn trước thảm cảnh quê hương. 
Những Dòng Sông Chia Rẽ trong Trường Ca MẸ VIỆT NAM là sự diễn tả cao độ của ý thức phân tán đang chà nát Việt Nam. Nhưng rồi dòng sông ấy đã lành lặn thành ý thức trọn vẹn nơi Tâm Ca. Ý thức thành tư tưởng. Tư tưởng ở trạng thái sống, trạng thái hành hoạt có tính cứu cấp, chứ không đóng khung vào hệ triết học. 
Có người sẽ nói: Phạm Duy lập lại kinh điển Phật Giáo, có gì mới lạ đâu? Có thế. Mà cũng là không. Nói thế thì những bộ luận, những sự khai triển và khế hợp của Phật Giáo theo từng thời đại là thừa ư? Cái bất biến đã tùy duyên, tùy thời, tùy tâm lý mà sinh tám vạn bốn nghìn phương pháp áp dụng (pháp môn). Phạm Duy đã là một pháp môn. Một chưởng môn. Một đầu lĩnh. 
Khó gì cái chuyện thuyết pháp. Ðọc kỹ một vài cuốn kinh là nói được, viết được. Khó gì chuyện bắt chước và lập lại như két? Khó là chỉ cho ra Phật ở đâu nơi vỉa hè kia, nơi bà già bán cơm đĩa, nơi viên đạn đồng đen, nơi chiếc chân què thương binh, nơi môi, mà cứ tưởng chỉ là dục vọng! Cạo đầu, đắp y, thật là dễ. Nhưng biến hình hài mình ra lóng Phật hiền từ, thanh khiết, vi diệu mới là khó. 
Phải chờ tới Tâm Ca (1965), rồi Ðạo Ca (1971), thì những ý niệm cơ bản của Phật Giáo mới thực sự thâm nhập vào đời sống quần chúng đông đảo. Ðương nhiên, nguồn phát khởi của nó đã chói lên từ vụ tranh đấu của Phật Giáo 1963, vào chính giây phút Ngọc Lửa Thứ Nhất của Bồ Tát Quảng Ðức bật soi thế giới. Nhưng ở đây, tôi muốn nói sự phổ cập của nó thành ngôn ngữ thường tục, thành phong dao, đồng dao, tâm đạo ca. Ðược tất cả hát lên. Nên được lắng nghe. Và được lưu giữ tận đáy lòng dân. 
Cái tuyệt tác của ca khúc Một Cành Mai là đã cho ta biết những dòng lệ chảy suốt kiếp phù sinh không tụ vào biển khổ dìm người. Như sự hiểu biết cạn cợt của một số rất đông về Tứ Diệu Ðế. Ít ai thấy ra cái thanh thoát hiện thức của chân đế ấy như Phạm Duy, khi anh hát ''đền nhau chỉ còn chút lệ thôi''. Có thế mới đủ lòng ôm cả trần gian đầy vơi (Hóa Thân). Ôm cả trần gian vì thần thánh đi rồi, chỉ có lòng thôi (Chắp Tay Hoa). Chỉ còn lòng thôi! Lòng ta. Lòng bạn. Lòng muôn dân. Thế giới. Ðâu có thể khoán trắng hoài cho thần thánh hay tiền nhân? Ðạo Ca là câu ru tiết ra từ mạch máu Ðông Phương. 
Gần suốt thế kỷ 20, văn học, báo chí, trước tác Phật Giáo chỉ dành cho giới Phật tử và một số nhà nghiên cứu Phật Học. Chữ nghĩa, danh từ lệ thuộc sách Tầu, quá cũ đối với giới Tân học. Phong phú về nghĩa lý nhưng nghèo nàn về văn sách. Ðọc những bài thơ lổn chổn những danh từ Phật Giáo, nhưng chẳng thấy Phật ở đâu. Một thứ ngôn ngữ khá ''tương chao'', không còn thích hợp với kẻ sơ cơ, người ngoại cuộc, và ngay chính người hiểu đạo. Vì sự lập lại nhàm chán và buồn tênh mấy khái niệm đã mất cái rùng mình sáng tạo và cứu thế. 
Phạm Duy thừa hưởng nguồn cảm hứng vô biên, trong lành và thâm diệu của Phật giáo để tuôn chảy bao giai điệu mới tuyệt vời không kém như Trường Ca MẸ VIỆT NAM, TÂM CA, ÐẠO CA... Ðổi lại, những tư tưởng uyên thâm của đạo Phật đã phải nhờ trung gian thiên tài Phạm Duy mà đi khắp mặt quần chúng. 
Những năm 65, 66. Hầu như toàn nước hát Tâm Ca, đặc biệt giới trẻ, từ thành thị tới nông thôn. Khiến Hà Nội run sợ. Vì Tâm Ca đang xoáy đánh vào ý thức hệ Mác Xít mà Hà Nội tưởng như xương đồng da sắt. Ta thấy rõ sức mạnh kinh hồn và vũ bão của vài nốt nhạc, vài câu hát. Khiến chiến xa, súng AK và ý chí sắt thép của người cộng sản cũng gớm. 
Ðâu phải ngẫu nhiên mà những trí thức vọng ngoại như Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung viết bài đả kích Tâm Ca. Mặc dù ông Lý Chánh Trung viết rằng: ''Lần đầu nghe Tâm Ca tôi đã xúc động đến ứa nước mắt''... ''Ðã lâu lắm rồi, trên bãi sa mạc văn nghệ của cái miền Nam gọi là Tự Do này chưa nghe được lời ca nào chân thành như vậy''. Nhưng ông xác định ngay: ''Tình cảm tôi là tình cảm của Tâm Ca, nhưng lý trí tôi không chấp nhận Tâm Ca''...''Không những chỉ vì cái hiểm họa ảo tưởng mà vì cái hiểm họa gian trá'' (mà Tâm Ca tạo nên). 
Nguyễn Văn Trung cũng thế, ông công nhận: ''đi trại công tác với sinh viên, đêm tối ngồi quây quần ngâm nga Tâm Ca, tôi mới thấy súc động và thấm thía''... ''Phút chốc tôi cảm thấy như mình sống lại cái thời niên thiếu cách đây 20 năm (thời kháng chiến 45)''. Nhưng rồi ông cũng đi tới kết luận: ''Tâm Ca có thể có những tác dụng ''huyễn diệu'' lừa bịp như anh Lý Chánh Trung tố cáo''. Những người trí thức ấy còn chút tim Việt Nam, nhưng trái óc đã mọc lên những cành ghép vội lại căng. Sợ Tâm Ca là phải. Chỗ dựa logique vào ý thức hệ ngoại lai sẽ mất chân đứng. Cuộc tranh đấu giựt giây từ Hà Nội cho cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng sẽ mất tính cách ''dân tộc'' khi gặp phải cái thực sự dân tộc trong Tâm Ca. 
Ðồng ý rằng giải pháp Tâm Ca không cứu được Miền Nam. Nhưng có giải pháp Việt nào cứu được nước Việt Nam trong 40 năm qua đâu? Mỗi giải pháp cần một kế hoạch thực hiện và một lực lượng tiến hành. Chủ lực của miền Nam thời đó đã bị chia xẻ và mê hoặc vào hai lối kẹt: một lực tư kỷ vọng ngoại mà mục đích chỉ là vụ lợi và tham vọng cá nhân. Một lực khác, tuy tâm thành, nhưng đã bị ru ngủ, mất suy tư độc lập, để ngả theo cái hiểm hoạ tương lai mà họ lầm tưởng là chiếc phao dân tộc. Sự sáng suốt truyền thống rút từ giải pháp Tâm Ca là thứ mặt trời chẳng ai tin có, lúc 12 giờ khuya. Tên nô lệ truyền kiếp luôn sợ cái ý thức tự do. Thực tại nhân sinh mà! Trong hoàn cảnh ấy, những kẻ thân đơn thế cô, như Phạm Duy là một, làm được gì? Xưa, Biện Hòa thấy ngọc trong đá có ai tin đâu.  
Lại còn bị chặt chân vì cái thấy ấy. Chúng ta thường nghiêm khắc với kẻ khác. Nhưng lại rất ''độ lượng'' với chính mình. Gặp cảnh thất bại nhục nhã, người ta thích đổ lỗi lên đầu kẻ khác, hơn là tự thú sự hèn nhát bản thân. Làm sao giải tỏa một hoàn cảnh khi mọi người thủ ở thế đừa việc, trốn tránh nhiệm vụ, ngậm miệng im hơi thành xác không hồn? Có ai bắt ta bỏ đàn cầm súng đâu? Nhưng đã cầm đàn thì phải hát. Và nên hát hay. Kẻ cầm súng hãy vùng vẫy nơi sa trường. Ðừng đeo súng đi trong thành phố nguyền rủa người không cầm súng. Ðó là sự gia công điều hợp. 
Thi Vũ 
Nguồn: Trích trong bài Phạm Duy: Con đường 
từ tim đi tới cõi tâm (QUÊ MẸ số 88/89 - tháng 1&2, 1988) 
Theo https://phamduy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...