Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Ba bài viết về Minh họa Kiều

Ba bài viết về Minh họa Kiều 
I/ Tác phẩm mới nhất Minh Họa Kiều là một tác phẩm mới nhất mà PD đang thực hiện. Hiện nay, Phần Một đã ra mắt người yêu nhạc. Dường như vẫn là thông lệ từ mấy chục năm qua, PD vẫn dành cho thân hữu văn nghệ những vinh dự là những người thẩm âm đầu tiên, rồi từ đó mà tạo nên những buổi toạ đàm văn nghệ hào hứng.
Mở đầu, PD xác định rằng ông không phổ nhạc truyện Kiều, mà chỉ dùng nhạc ''minh hoạ'' truyện Kiều mà thôi. Theo lời giới thiệu của PD thì công trình Minh Hoạ Kiều sẽ gồm có bốn phần tương ứng với bốn giai đoạn của cuộc đời Thúy Kiều: 
(a) Kiều cảm nhận số phận của mình qua cuộc gặp gỡ Đạm Tiên; (b) Kiều biết hương vị tình yêu qua mối tình đẹp với Kim Trọng; (c) Kiều long đong thân thế qua cuộc đoạn trường 15 năm; (d) Kiều gặp người tương tri Từ Hải.
Nhưng bố cục tác phẩm Minh Hoạ Kiều còn có thêm một phần Giáo Đầu (Prologue) để giới thiệu bối cảnh và nhân vật; và một phần Vĩ Thanh (Epilogue) để kết thúc tác phẩm ở đoạn Kiều trầm mình xuống sông Tiền Đường. 
Buổi ra mắt vừa qua chỉ mới giới thiệu được phần Giáo Đầu và Phần Một: phần Kiều gặp số phận. 
Phần Giáo Đầu mở ra với tiếng chiêng trống, tiếng kèn sáo uy nghi vững chãi, rồi tiếng trúc tơ lao xao và giai điệu tươi vui, và giọng xướng: 
''Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh, 
Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng...''. 
Hình tượng mạnh của minh hoạ đã in đậm ngay từ những biến điệu đầu tiên, khi tiếng nhạc trổi lên; khung cảnh cung đình tráng lệ của một triều vua Gia Tĩnh xa xưa ở bên Tàu được khắc hoạ bằng âm nhạc. 
Vào Phần Một, nhạc dẫn vào khung cảnh một trời Xuân đẹp: thiên nhiên tạo vật tràn trề niềm vui đằm thắm trải ra qua câu nhạc dài, giai điệu lả lướt lãng mạn. Rồi cảnh dập dìu tài tử đi du xuân nhân tiết Thanh Minh, cảnh Thúy Kiều gặp Đạm Tiên, rồi gặp cả Kim Trọng lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng. 
Bố cục âm nhạc của phần này được phát triển làm ba đoạn: đoạn đầu mở ra với một nhạc đề khoan thai trong sáng, rồi cuốn nhanh như một tiếng cười giòn giã. Nhạc tươi sáng, như biểu hiệu một trời xuân đẹp đẽ của đời Kiều. Nhạc đề này rồi sẽ trở lại lần nữa ở đoạn cuối, trước khi kết thúc Phần Một. 
Một nhạc đề thứ nhì thể hiện niềm hoang mang của Kiều, gồm nhiều chuyển điệu ở âm trình thứ, giai điệu ma quái, có khi nghẹn ngào. Sự phức tạp của tâm trạng và âm nhạc ở đây là một minh hoạ cho một Thúy Kiều đa cảm đang trải qua những xúc động đầu đời về thân phận của mình. Hai bài thơ Kiều làm trên đường du Thanh Minh là hai giai điệu tươi sáng nổi bật lên trong toàn khối nhạc đề thứ nhì rất nhiều khắc khoải buồn bực. Phong vị của âm nhạc nổi lên hai nhạc đề tương phản nhau, như chừng có ý khắc hoạ những nét nhạc thanh tân của buổi bình minh một đời người chăng, trong đó đã có đủ: một trời xuân rạng rỡ nhưng thoáng gợn mây xám, một sự đan xen gi ữa giai điệu tươi sáng và những u ẩn của thời mới lớn.
Nhạc trở lại nhạc đề ban đầu, lãng mạn, lưu loát và tươi sáng, khi Kim Trọng xuất hiện ở cuối buổi du Thanh minh của chị em Thúy Kiều. Công trình dài hơi này hẳn là sẽ không đơn giản chút nào. Tác giả khiêm tốn bảo rằng nó chỉ là bốn bức minh hoạ truyện Kiều. Qua Phần Một, người nghe đã phần nào hình dung được tính cách của sự minh hoạ này. 
Trước hết, minh hoạ ở đây không mang ý nghĩa là sự lặp lại, sự sao chép lại một tác phẩm văn học. Tác phẩm gọi là minh hoạ thật ra đã có tham vọng khắc hoạ lại những tâm trạng, những tính cách của Kiều trong một khung cảnh và thời gian nhất định. Đó là một thế mạnh của âm nhạc trong việc tái hiện cuộc sống. Ở Phần Một này nổi lên hai điều: trời xuân rạng rỡ và những gợn mây xám báo hiệu giông bão. Cả cái huy hoàng của triều đình Gia Tĩnh rồi ra sẽ chỉ là thứ huy hoàng không thật. Nhưng đó là chuyện về sau. - trong phần Giáo Đầu và trong Phần Một này, mọi thứ đều hãy còn là tiềm ẩn. Nghe kĩ, có thể nhận ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau. Trong tiếng cười giòn của phần I đã nghe ra tiếng thở dài đâu đó. 
Một điểm nữa cũng dễ nhận thấy trong suốt hành âm của Phần Một Minh Hoạ Kiều: đấy là bản minh hoạ Kiều hay minh hoạ PD ? Ta nghe đâu đây âm vang của giai điệu PD của Nương Chiều, của Ngày Đó Chúng Mình, của Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài, của Kỉ Niệm, của Em Lễ Chùa Này, của Người Tình Tuyệt Vời... Nói thế không có nghĩa là PD đã lặp lại chính mình trong công trình mới. Giai điệu PD xưa nay vẫn là những mẩu kỉ niệm về những tâm cảnh chúng ta, thì nay chúng cô đọng lại, dàn trải lại. Ở đây là phong cách PD trong cách thể hiện giai điệu. Nếu nhạc của Phần Một Minh Hoạ Kiều có gợi lại những kỉ niệm về những bài hát cũ của PD, thì chỉ là vì giai điệu của chúng là những nét đậm của phong cách âm nhạc PD mà đã năm mươi năm rồi nó bảng lảng trong không gian Việt Nam. Ở đây cũng còn là phong cách của Duy Cường khi thể hiện hòa âm nữa: phong cách hoà âm giàu ấn tượng. 
Khí vị âm nhạc trong Minh Hoạ Kiều Phần Một là một dáng vẻ trữ tình nhưng rất nhiều nostalgia. Trong phần I có âm vọng nhạc đồng quê, có phong vị ca dao ngọt ngào mà chất phác. Ngôn ngữ nhạc PD trong Minh Hoạ Kiều Phần Một có một nét đặc sắc mà những ai đã nghe nhạc ông không thể không chú ý: phong cách nhạc dân tộc nổi rõ, mặc dù ông không vận dụng một nét giai điệu dân nhạc nào. Nhưng bao trùm lên đó là phong vị giai điệu của PD, rất riêng: nhạc điệu kiêu kì nhưng vẫn như dễ dàng tự nhiên như hơi thở. Ngôn ngữ nhạc trong tác phẩm này là sự dàn trải, sự tổng hợp của phong cách giai điệu PD: nhạc ngũ cung như đã bàng bạc trong giai điệu mượt mà trữ tình, ''rất PD''. 
Công trình minh hoạ này vẽ lại những tâm cảnh, minh hoạ lại những mảnh gương soi vóc dáng của cuộc đời. Đối với người sáng tác thì đây là sự dàn trải tâm sự của hai người cha già tóc trắng ở hai quãng cách thời gian, khi đã qua hết bao nhiêu nhịp cầu nhân thế có mặn mà đấy nhưng cũng nhiều chua xót. Tác phẩm của họ đã ngồn ngộn những cảnh đời, những tâm sự ngổn ngang của một phận người. Ở đây, không phân biệt đâu là ý nghĩa của cốt chuyện được minh họa, và đâu là tâm sự của chính người sáng tác.
Phạm Duy là một trong số nhạc sĩ Việt Nam hiện đại đã tiếp nối một truyền thống lâu đời là: làm gạch nối giữa văn học và âm nhạc. Lời các ca khúc Phạm Duy là những bài thơ đẹp vì chúng mang một phong cách rất riêng, với những hình ảnh và ý nghĩa sâu sắc, cảm xúc chân thành. Những nhạc sĩ khác cùng thời cũng phải thừa nhận tính cách văn học cao của lời nhạc Phạm Duy. Trong số những nhạc sĩ sáng tác ca khúc, chỉ có một số rất ít oi là thật sự chăm chút lời các ca khúc của mình ở trình độ văn học: sử dụng ngôn ngữ văn học đạt đến phong cách độc đáo vì ngôn ngữ mang tính hình tượng, có ý nghĩa chuyên chở cảm xúc chân thành. Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ khác rất chăm chút lời cho ca khúc của mình. Lời ca khúc TCS thường giàu tính tượng trưng, siêu thực; trong khi lời nhạc PD giàu tính ấn tượng. 
Phạm Duy là gạch nối giữa thơ và nhạc, còn là vì một cái duyên khác: ông phổ nhạc rất nhiều bài thơ, từ ca dao đến những bài ''thơ mới'', và thơ hiện đại. Rất nhiều bài thơ đã bất tử nhờ nhạc PD. Đã từ mấy thập niên qua, những bài hát Vần Thơ Sầu Rụng, Tiếng Sáo Thiên Thai, Chiều Đông, Tiễn Em, Mùa Thu Paris, Ngậm Ngùi, Tiếng Thu, Mùa Thu Chết, Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài, Ngày Xưa Hoàng Thị, Em Lễ Chùa Này... vẫn vang ngân trong trí nhớ không thể nào phai của người thưởng ngoạn. Công trình thơ phổ nhạc PD đồ sộ, và cũng giàu tính nghệ thuật được thực hiện gần đây nhất là Trường Ca Hàn Mặc Tử là một thành tựu đáng kể của một bậc thầy. Liệu rằng Minh Hoạ Kiều có phải là một bài thơ phổ nhạc dài nhất trong sự nghiệp PD?
Minh Hoạ Kiều hẳn là sẽ gợi lại những tranh luận về thể loại của tác phẩm. Đó là tổ khúc những bài thơ phổ nhạc? Đó là một trường ca gồm nhiều phân khúc mà PD đã bền bỉ với nó từ bốn mươi năm nay? Có phải đó là một truyện kể bằng nhạc như loại hình ca kịch vẫn thường thấy? Hay một bài ca dài bốn phần, tổ hợp lại, như một lời đề từ cho câu truyện thương tâm về nàng Kiều? Hãy còn quá sớm khi bàn cãi về thể loại. Vả chăng, thể loại là gì đối với một người nghệ sĩ tự do? Thể loại sẽ đến sau, khi một tác phẩm đã hoàn tất. 
Có một điều dễ thấy là Minh Hoạ Kiều sẽ nhiều tính kịch. PD thì cũng đã hơn một lần thể nghiệm thể loại ca khúc mang kịch tính như vậy. Hãy kể đến một vở ca kịch ông làm khoảng đầu thập niên 60 về câu chuyện Ngưu Lang-Chức Nữ, (khoảng 1963, tuần báo NGÀN KHƠI ở Sài Gòn đã in mấy trích đoạn của vở tiểu nhạc kịch này). 
Và tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, mặc dầu là một tác phẩm âm nhạc nhưng lại rất nhiều tính kịch, khiến nó có thể là một tác phẩm ca kịch trên sân khấu - nếu được dàn dựng công phu. PD đã thể nghiệm thể loại sáng tác dài hơi theo phong cách của ông: một chính thể tác phẩm gồm nhiều tiểu khúc hợp thành. Nhưng bố cục của toàn khối một trường ca hay một tổ khúc PD vẫn không vì thế mà rời rạc, vì chúng vẫn nổi lên những nhạc đề chính cùng những biến điệu của chúng trong quá trình phát triển nhạc đề. 
Đặt trong toàn bộ tác phẩm, phần Minh Hoạ Phần Một dài 39 phút như thế mới chỉ là một phần mở đầu của một câu chuyện rất dài mà thôi. Trong tác phẩm văn học, đây là phần duy nhất có thời gian và phong vị cuộc sống tươi sáng trọn đầy: trời xuân, hoa lá khoe tươi, màu sắc của bức tranh đầu đời Thúy Kiều là những màu trắng hoa lê, màu xanh của cỏ nhuộm non da trời, và màu nhạc vàng. Bức tranh sáng duy nhất trong tác phẩm Nguyễn Du. Thế nhưng bức tranh sáng kia đã vẩn lên những gợn mây sẽ đủ sức tàn phá của cơn giông tố kéo dài của một phận người: bóng ma Đạm Tiên và mấy bài thơ bạc mệnh của Kiều. PD đã minh hoạ những nét tương phản như thế trong tác phẩm của mình một cách trực tiếp, và cô đọng. Tính cách của âm nhạc là như thế. 
II/ Minh Hoạ Kiều 2 tại London Tháng 3 vừa qua, Phạm Duy lại có mặt của ông tại châu Âu, lần này là để ra mắt tác phẩm mới nhất mà ông đang thực hiện: Minh Hoạ Kiều 2. Ông đã ghé London và ra mắt các bạn yêu nhạc vào chiều chủ nhật 24 tháng 3. Trời châu Âu vừa chớm vào xuân, trời đất cũng như chiều người nên được ngày khá nắng ráo. Tại Hội Quán Saigon-Mékong (London), nhạc sĩ lão thành Phạm Duy gặp gỡ và chuyện trò cùng các thân hữu về tác phẩm mới của ông: Minh hoạ Kiều phần 2. Hình thức đối thoại giữa tác giả và công chúng yêu nhạc Phạm Duy đã trở thành một sinh hoạt quen thuộc với thân hữu London trong thời gian mười năm trở lại đây. Lần này cũng là một nhạc thoại đáng nhớ, sau “nhạc thoại Nửa thế kỉ âm nhạc Phạm Duy” (1996) và “nhạc thoại Minh hoạ Kiều 1” (1997). Gián cách sau năm năm kể từ lần đàm đạo trước, bạn bè London bồi hồi nhìn thấy lại một Phạm Duy tuy già yếu đi nhiều nhưng vẫn quắc thước và sôi động như ngày nào. Sau đây là bài viết về Minh hoạ Kiều 2
Phần II của công trình Minh Hoạ Kiều là phần được biên soạn khá lâu. Những nét nhạc đầu tiên đã thành hình từ khá sớm, khoảng 1997. Anh em ở London còn giữ được những sơ bản của Minh hoạ Kiều 2 trong thời gian năm năm qua. Đến nay, phần 2 đã hoàn tất, mang đầy đủ sắc màu lộng lẫy của nó. Điều này đã nói rất đầy đủ về những công phu “lao động sáng tạo” không ngừng của tác giả đối với công trình lớn này. Có lẽ cũng vì thế mà trong lời giới thiệu, người nhạc sĩ già đã không giấu niềm tự hào của mình: 
“Chúng tôi rất sung sướng vì đã làm cho nhạc Việt Nam càng ngày càng thêm phong phú. Chúng tôi còn sung sướng hơn nữa, nếu quý vị biết rõ hơn về phần nhạc thuật, để sự thưởng thức tác phẩm được vẹn toàn.” 
Không phân cách tác giả và thính chúng Thân hữu yêu nhạc có dịp thưởng thức tác phẩm Minh Hoạ Kiều 2 kèm theo lời thuyết minh của chính tác giả. Khi nét nhạc cuối cùng vừa dứt, tác giả và thân hữu lại trở lại câu chuyện dòn dã trước đó. Phạm Duy lại được nghe những câu chuyện thân tình của những bạn yêu nhạc ông từ mười, hai mươi, ba mươi, thậm chí bốn năm mươi năm nay. Các bạn nói cho ông nghe những xúc cảm của họ qua những chặng đường âm nhạc của ông. Nhưng dù già hay trẻ, dù ở bắc hay ở nam, ai cũng thấy nhạc của ông gắn bó với những kỉ niệm sâu sắc trong đời họ. 
Trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ lần này, cũng là dịp Phạm Duy được đối thoại với khá đông anh em có trình độ văn hoá văn nghệ khá cao, xuất thân tại cả hai miền nam bắc. Không có những câu chuyện màu mè xã giao, hoặc là những câu chuyện gượng gạo trong những hội trường lớn trước đây. Hình thức câu lạc bộ bỏ túi này đã tỏ ra rất phù hợp với tình hình hiện nay, khi mà sinh hoạt văn hoá tại hải ngoại đang "chựng" lại. Nhu cầu của cộng đồng đã dần dần phân hoá trầm trọng giữa văn hoá và sản phẩm tiêu dùng, giữa nghệ thuật và phản-nghệ-thuật. Đối với London, đây là một hình thức sinh hoạt mới, trên mối tương quan trân trọng giữa người sáng tác và công chúng thưởng ngoạn, "quý hồ tinh bất quý hồ đa". 
Có một Phạm Duy như thế
Có lẽ cũng là lần thứ nhất, tại London này, anh em yêu văn nghệ đã thực sự có những buổi sinh hoạt đậm đà tình nghệ thuật. Những câu chuyện trao đổi với nhau về sáng tác, về quan điểm nghệ thuật của nhau. Một vài bạn sinh trưởng tại miền bắc sau năm 1954 đã rất đỗi ngạc nhiên về hình ảnh một Phạm Duy cụ thể nồng nhiệt, chan hoà và rất trân trọng tài năng của người văn nghệ cùng thời cũng như lớp trẻ sau này. Các bạn trưởng thành và ra đi từ miền bắc tâm sự rằng họ hầu như chỉ biết lờ mờ về nhạc Phạm Duy. Cái tên Phạm Duy gợi lên hình ảnh một nhạc sĩ tiền chiến, với bài hát như Nương Chiều, Tiếng Đàn Tôi, Chiếc Cầu Biên Giới, Về Miền Trung, Nhạc Tuổi Xanh... Một số bạn trẻ thì bảo rằng có nghe biết một người là Phạm Duy đấy, nhưng hầu như nhạc của ông thì vẫn chừng xa lạ. Cho nên cơ hội gặp gỡ cũng là cơ hội để biết thêm về con người và tác phẩm của ông. Các bạn được biết thêm một Phạm Duy rất sâu sát với tình hình văn nghệ cả trong và ngoài nước. Ông chia sẻ hết những gì nghĩ về âm nhạc hiện thời. Phạm Duy tóc trắng mà rất trẻ, danh tiếng vang lừng mà vẫn gần gũi thân tình. Trước khi chia tay, một bạn đã tâm tình rằng không gì hạnh phúc bằng nghe lần đầu tiên những giai điệu mới lạ, trong sáng và lại rất đông phương của một "người xa lạ thân quen"! 
Có một vài người lớn lên tại miền nam, đã từng nghe nhạc Phạm Duy suốt hai ba thập niên, cho đến ngày 30.4.75, bày tỏ thật tình rằng các bạn hầu như đứt đoạn với nhạc Phạm Duy sau 1975, và nay cảm thấy chưa bắt theo kịp dòng tâm tình trong nhạc của ông làm tại hải ngoại. Để trả lời các bạn đó, Phạm Duy cũng nói rất chân thành: cái nghiệp nghệ sĩ nó khiến ông không ngừng sáng tác được. Tâm tình ông lúc nào cũng rung động được trước cái vui cũng như nỗi buồn của bạn bè, công chúng quanh ông. Ông hát về ông và về bạn bè quanh ông đấy thôi. Cho nên ông hi vọng là rồi ra anh em cũng sẽ đồng cảm với ông về những vui buồn của phận người Việt Nam lưu vong nhưng không mất gốc và mất hướng. Câu trả lời đã thể hiện khá rõ con người Phạm Duy nghệ sĩ, một người du ca của sân khấu đời Việt Nam trong hơn 50 năm nay. 
Nhạc và hiện thực Việt Nam? Cũng rất là thú vị khi có bạn đặt vấn đề nhạc Phạm Duy và hiện thực Việt Nam. Chất nhạc của ông vẫn như thời "Nương Chiều", nhưng nghe ra chất buồn khắc khoải. Có phải là vì tâm sự của Phạm Duy chỉ là nhớ nhung, hoài tưởng, và ông chỉ hát về một hiện thực xa vời? Nhưng rồi cũng một người khác đã đưa ra hình ảnh Chopin cũng phải lưu đày xa quê hương rất lâu. Nhạc của ông nghe buồn man mác, nhưng vẫn là tâm tình người Ba Lan. Chẳng cứ gì phải sống ngay trên quê hương mới nắm bắt hiện thực. Hoặc ngược lại, những nhạc sĩ trẻ và già ở trong nước nào có phải là đã nắm đủ hiện thực Việt Nam đâu? 
Cái quan trọng là sự rung động của tâm hồn người nghệ sĩ trước những vui buồn của cộng đồng dân tộc. Muốn thế, có lẽ cũng cần phải biết bay lên cao khỏi những tâm tình vụn vặt, tủn mủn. Phạm Duy đã vươn đến những tâm tình bền sâu của con người. Ông hát về nhiều chiều kích của hiện thực Việt Nam, chứ không gắn chặt với cái gọi là hiện thực "xã hội chủ nghĩa" mà thực chất chỉ là tô hồng giả tạo cái hiện thực Việt Nam rất đỗi u buồn, hoặc là thứ "hiện thực viễn mơ" (!) mà thực chất chỉ là sự trốn chạy hiện thực. Và các bạn cùng Phạm Duy nhìn lại những chủ đề tác phẩm từ loạt "Tị Nạn Ca" (1982-1989), đến "Bầy Chim Bỏ Xứ" (1990), "Rong Ca" (1988), "Thiền Ca - Hát Trên Đường Về" (1992), "Trường Ca Hàn Mặc Tử" (1994), và "Minh Hoạ Kiều 1" (1997). Tâm tình Việt Nam trong và ngoài nước đã được hát lên. Tiếng hát rất mượt mà, yêu thương thiết tha. 
Hình ảnh người nhạc sĩ già lão vẫn rong ruổi đem tác phẩm mình đi đến thẳng công chúng thưởng ngoạn, vừa ngậm ngùi vừa cũng là một dấu chỉ cá tính của Phạm Duy: thách đố những nghiệt ngã của thân phận lưu vong, để giữ lại tính cách của một người nghệ sĩ tự do hết lòng trân trọng nghệ thuật của mình. 
III Nói Thêm Về Minh Họa Kiều Minh Hoạ Kiều của Phạm Duy không mang ý nghĩa là sự lặp lại, sự sao chép lại một tác phẩm văn học. Tác phẩm gọi là minh hoạ thật ra đã có tham vọng khắc hoạ lại những tâm trạng, những tính cách của Kiều trong một khung cảnh và thời gian nhất định. Đó là một thế mạnh của âm nhạc trong việc tái hiện cuộc sống. 
Ở phần I này nổi lên hai điều: trời xuân rạng rỡ và những gợn mây xám báo hiệu giông bão. Cả cái huy hoàng của triều đình Gia Tĩnh rồi ra sẽ chỉ là thứ huy hoàng không thật. Nhưng đó là chuyện về sau. Ở trong phần Giáo Đầu và trong phần I này, mọi thứ đều hãy còn là tiềm ẩn. Nghe kĩ, có thể nhận ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau. Trong tiếng cười giòn của phần I đã nghe ra tiếng thở dài đâu đó. 
Một điểm nữa cũng dễ nhận thấy trong suốt hành âm của phần I Minh Họa Kiều: đấy là bản minh hoạ Kiều hay minh hoạ Phạm Duy? Ta nghe đâu đây âm vang của giai điệu Phạm Duy của Nương Chiều, của Ngày Đó Chúng Mình, của Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài, của Kỷ Niệm, của Em Lễ Chùa Này, của Người Tình Tuyệt Vời... 
Nói thế không có nghĩa là Phạm Duy đã lặp lại chính mình trong công trình mới. Giai điệu Phạm Duy xưa nay vẫn là những mẫu kỷ niệm về những tâm cảnh chúng ta, thì nay chúng cô đọng lại, dàn trải lại. Ở đây là phong cách Phạm Duy trong cách thể hiện giai điệu. Nếu nhạc của phần I Minh Hoạ Kiều có gợi lại những kỉ niệm về những bài hát cũ của Phạm Duy, thì chỉ là vì giai điệu của chúng là những nét đậm của phong cách âm nhạc Phạm Duy mà đã năm mươi năm rồi nó bảng lảng trong không gian Việt Nam. 
Khí vị âm nhạc trong Minh Hoạ Kiều 1 là một dáng vẻ trữ tình nhưng rất nhiều nostalgia. Trong phần I có âm vọng nhạc đồng quê, có phong vị ca dao ngọt ngào mà chất phác. Ngôn ngữ nhạc Phạm Duy trong Minh Hoạ Kiều 1 có một nét đặc sắc mà những ai đã nghe nhạc ông không thể không chú ý: phong cách nhạc dân tộc nổi rõ, mặc dù ông không vận dụng một nét giai điệu dân nhạc nào. Nhưng bao trùm lên đó là phong vị giai điệu của Phạm Duy, rất riêng: nhạc điệu kiêu kì nhưng vẫn như dễ dàng tự nhiên như hơi thở. Ngôn ngữ nhạc trong tác phẩm này là sự dàn trải, sự tổng hợp của phong cách giai điệu Phạm Duy: nhạc ngũ cung như đã bàng bạc trong giai điệu mượt mà trữ tình, rất Phạm Duy.  
Minh Họa Kiều phần II - Kiều gặp Tình Yêu vừa mới ra mắt gần đây. Trong phần này, Phạm Duy đã minh hoạ bằng nhạc bốn khúc đàn mà Thúy Kiều đã trình tấu cho Kim Trọng nghe trong buổi thệ ước đầu tiên. Một lần nữa câu hỏi lại được đặt ra: tâm sự Thúy Kiều hay tâm sự Phạm Duy? Nếu khúc nhạc đầu Khúc đâu Hán Sở chiến trường là hồi quang của những hành khúc Phạm Duy ngày nào, vừa lãng mạn vừa hùng tráng, thì cũng chính nó gợi lại những bi tráng của hiện thực Việt Nam trong chính những hành khúc Phạm Duy một thời đã xa đó. Đến khúc nhạc tình Tư mã phượng cầu lại là hồi quang của những thiên tình ca đã làm nao lòng nhiều thế hệ tình nhân trước kia. Ta gặp đâu đó những thổn thức của tình yêu trong nhớ nhung đợi chờ, ta nhói lòng khi nghe tiếng gọi về của tình nhân khi chia xa. Giai điệu tình ca vẫn mượt mà óng chuốt, và vẫn nao nao lòng người. Khúc thứ ba là Kê Khang này khúc Quảng Lăng là một mảng khác của tâm sự Phạm Duy, một người nghệ sĩ tự do, không thể trói mình trước những thế lực muốn triệt tiêu tự do của mình. Giai điệu của khúc hát này không phẫn nộ như một tâm ca, không bi tráng như một hành khúc thời thế, không thê lương bi phẫn như một tâm phẫn ca… Nó tràn đầy bao dung nhưng vẫn vạch một lằn ranh dứt khoát trong tâm sự Phạm Duy về nghệ thuật. Khúc thứ tư Chiêu Quân là dư vang của tiếng hát Phạm Duy về thân phận trên hành trình nhân gian - vốn đã từng bàng bạc trong những bài hát rất xa xôi như một Bà mẹ Gio Linh, một Ngày trở về, một Tiếng hát to, một Kể chuyện đi xa… Ta cũng nghe đâu đây thoáng hiện những nét tâm tình này của Phạm Duy trong một số khúc Rong ca.
Công trình Minh Hoạ Kiều này vẽ lại những tâm cảnh, minh hoạ lại những mảnh gương soi vóc dáng của cuộc đời. Đối với người sáng tác thì đây là sự dàn trải tâm sự của hai người cha già tóc trắng ở hai quãng cách thời gian, khi đã qua hết bao nhiêu nhịp cầu nhân thế có mặn mà đấy nhưng cũng nhiều chua xót. Tác phẩm của họ đã ngồn ngộn những cảnh đời, những tâm sự ngổn ngang của một phận người. Ở đây, không phân biệt đâu là ý nghĩa của cốt chuyện được minh hoạ, và đâu là tâm sự của chính người sáng tác.
Đoàn Xuân Kiên
Nguồn: Pham Duy’ Study 2007
Theo https://phamduy.com/
















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...