Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Phạm Duy và Trường ca Hàn Mặc Tử

Phạm Duy và Trường ca Hàn Mặc Tử
Chủ nhật 14 tháng 11 vừa qua, cũng giống như vào lúc Thu tới Thu đi của những năm trước, Phạm Duy mời một số bạn bè tới tư gia ở Thị Trấn Giữa Đàng để nghe thử - preview - một nhạc phẩm mới trước khi tung nó ra quần chúng. Nhạc phẩm của Phạm Duy 1993 là Trường Ca hay là Chương Khúc HÀN MẶC TỬ. Người nhạc sĩ mà nhà thơ Nguyên Sa mệnh danh là ''đại lực sĩ'', thêm một lần nữa, chứng tỏ vào tuổi 73, tình yêu và sức sáng tác trong ông vẫn còn mãnh liệt như hồi tuổi hoa niên. Trong những năm đầu của đi sống lưu vong, dù đã vượt qua tuổi 55, Phạm Duy đã tung ra một loạt những Tị Nạn Ca, Ngục Ca, Hoàng Cầm Ca bao gồm gần 100 ca khúc. Càng ngày, càng tỏ ra là ông càng về già, ông càng sáng tác mạnh. Năm 1988-89 là Mười Bài Rong Ca hay là Hát Cho Năm 2000, 1990 là Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, 1991 là Nhạc Giao Hưởng Con Đường Cái Quan, 1992 là Đạo Khúc Thiền Ca và bây giờ là Trường Ca hay là Chương Khúc HÀN MẶC TỬ. 
Cứ mỗi lần được mời nghe như vậy là một lần người thưởng thức lại ngạc nhiên về sự khám phá ra cái mới cái lạ trong tác phẩm của nhạc sĩ họ Phạm. Lần nào cũng lại là Phạm Duy vượt Phạm Duy về mọi mặt nội dung/chủ đề, hình thức/ nhạc thuật. Dĩ nhiên người con thứ Duy Cường cũng đóng góp rất nhiều vào sự vượt trội của mỗi tác phẩm và là người cộng tác mật thiết với bố để thực hiện những xuất phẩm với nguồn cảm hứng càng ngày càng trở nên phức tạp, tân kỳ và siêu việt của Phạm Duy. Mười Bài Rong Ca ra đời năm 1988 khởi đầu sự hợp tác của hai bố con, cả hai đều biết cách sử dụng tinh khôn máy computer làm mới nhạc Việt, với cách phối hợp âm thanh thiên nhiên (acoustic) và âm thanh điện tử (electronic) đ diễn tả được một tác phẩm có tính chất siêu linh, phù hợp với nhạc thi đại mới (new age) của thế giới hiện nay. Đường lối new age đó còn được phát triển mạnh hơn lên trong những soạn phẩm Bầy Chim Bỏ Xứ, Con Đường Cái Quan và Đạo Khúc Thiền Ca. Và tới Trường Ca hay là Chương Khúc HÀN MẶC TỬ thì hai bố con Phạm Duy và Duy Cường, với sự trợ giúp của computer, đã làm nổi bật được tính chất siêu thực, huyền hoặc của thơ Hàn Mặc Tử.
Phần I gồm ba bài, mở đầu với tiếng hát nhẹ nhàng và rất tình tứ của Duy Quang, với nhạc điệu chan chứa ''tình quê'' của Phạm Duy và với hòa âm theo lối Debussy của Duy Cường cho người nghe ấn tượng cảnh thanh bình của nước ta vào những năm 30, có lẽ cũng là lúc bài thơ TÌNH QUÊ của Hàn Mặc Tử vừa ra đời. Kế tiếp là giọng hát ngọt ngào, mượt mà của Thái Hiền trên một nền hoà âm rất giản dị với dăm ba tiếng đàn tranh và tiếng sáo, mời mọc chúng ta về thăm thôn Vỹ - trong bài ĐÂY THÔN VĨ GIẠ - cũng rất êm đềm, rất thanh bình như cảnh đồi quê miền Bắc. Rồi tới Tuấn Ngọc, với một giọng thì thầm và vương vấn, hát lên tính chất thiêng liêng của mọi cảnh vật nơi DALAT TRĂNG MỜ. Nhạc ở đoạn này khi xa vắng, vi vợi khi dồn dập, mông lung... cuối cùng róng lên ba tiếng chuông như nhắc nhủ người nghe biết rằng trong cuộc đi này, quả rằng có đạo ở muôn nơi.
Phần II mang nhan đề TRĂNG SAO là phần chính và là phần độc đáo và dữ dội nhất của Trường Ca. Đây là lúc Hàn thi sĩ lâm bệnh phong và ch chết. Nhạc trong hai bài Trăng Sao Rớt Rụng và Hồn Là Ai là thứ nhạc điên dại, chát chúa, ma quái. Nhạc điệu lúc hối hả cuống cuồng, lúc vỡ vụn tan tành. Có tiếng người hú liên hồi hay cụt ngủn, có tiếng sáo Mèo lạnh ngắt len lỏi, giống như bước đi của ma quỷ. Có tiếng Thái Hiền kêu thảm khốc:  ''Loạn rồi, loạn rồi'' và tiếng Tuấn Ngọc la lên: ''tôi hoảng hốt, tôi hoảng hốt''... tất cả tạo nên cảnh rởn óc, hãi hùng, nửa địa ngục, nửa trần gian, nửa giả, nửa thật, trong hoàn cảnh đó thân xác của thi sĩ cào cấu, đuổi nhau với chính linh hồn mình:      
Tôi dọa không gian, tôi rủa tới cùng      
Tôi khát vô cùng, khát vô cùng      
Tôi xiết thi gian trong nắm tay...           
Ha ha tôi đuổi theo trăng     
Trăng bay tơi tả trăng tan       
Trăng ngã trên cành, ngã trên cành vàng...           
Giếng nuốt vì sao rụng với trăng ngà       
Loạn rồi loạn rồi, tôi hoảng hốt      
Nhảy ùm xuống giếng vớt trăng lên.
Hồn là ai, là ai, hồn là ai, tôi chẳng biết     
Hồn theo tôi, theo tôi, hồn như muốn cợt tôi chơi       
Tôi chết giả và no nê vô vạn       
Cười như điên sặc sụa sụa cả mùi trăng       
Tôi đã cấu đã cào nhai ngấu nghiến       
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên...
Với hai bản này, Tuấn Ngọc đã là một khám phá mới tinh, độc đáo và duy nhất của nền âm nhạc hải ngoại. Tuấn Ngọc không còn là một ca sĩ trữ tình. Đây là tiếng hát trong một hành tinh mới. Bài Trút Linh Hồn trong Phần II cũng do Tuấn Ngọc hát mở đầu như những nhát chém rồi dần dần trở nên thanh thản mô tả tình trạng hấp hối, chia phôi trong đó thi sĩ chấp nhận số phận mình, an vui đi vào cõi chết:      
Ta trút linh hồn giữa nơi đây      
Gió sầu vô hạn nuối trong cây      
Còn em sao chẳng hay gì cả      
Xin để tang anh đến vạn ngày...
Tiếng sáo Mèo ma quái và tiếng tù và tang tóc tiếp tục làm nền cho bản nhạc.
Phần III nhan đề Ave Maria với ba bản Lạy Bà Là Đấng Tinh Truyền Thánh Vẹn, Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel và Phượng Trì Ôi Phượng Trì do Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo đồng ca êm ái, đều đặn, chậm rãi như tiếng kinh cầu thanh thoát tiễn đưa hồn thi sĩ vào chốn ''tri ề u thiên ng ờ i chói v ạ n hào quang''.
Nói về nội dung thì bản trường ca này, mặc dầu là sự phổ thơ của Hàn Mặc Tử nhưng có thể coi như đóng kín một chu kỳ hoạt hoá tâm não của chính Phạm Duy, con người đã có một đời sống trọn vẹn và phỉ nguyện. Không phải chỉ là kiếp sống của con người mẫu, hằng cửu và phổ quát, mà là của một người Việt Nam đã sống truân chuyên suốt nửa thế kỷ. Nhạc Phạm Duy, suốt một đời, chính là hiện thực của con người Việt Nam truân chuyên đó.
Trường Ca Hàn Mặc Tử cũng giống như các đoản khúc hay trường ca khác nằm trong cuốn Ngàn Lời Ca, là biểu kiến của Phạm Duy về cuộc đời, về đất nước, về tình yêu, về Con Người và về Thượng Đế. Nó là một lựa chọn phù hợp nhất, mãnh liệt nhất, đầy đủ nhất. Phạm Duy mượn Hàn Mặc Tử để nói lên cái đau khổ tột cùng của một kiếp người, nói tới một tình yêu (kể cả tình dục nữa) đang phơi phới hân hoan thì bỗng bị hụt hững rồi chết dần vì một ác bệnh (mà âm nhạc diễn tả như loài ma quỷ). Phạm Duy cũng nói tới sự thống khổ mà chỉ có Đạo, có Thượng Đế mới cứu rỗi được thôi. Phạm Duy đã thấy thơ Hàn Mặc Tử, trước khi bị mọi người cho là thơ điên, thơ quái dị, còn là thơ chuyên chở đầy tình quê hương. Trường ca có ba đoạn đã nói lên một đất nước an bình bỗng gặp thi mạt pháp rồi cuối cùng phải như đạo giáo để tái sinh, như một dòng thơ đã từng điên dại đau thương có thể sẽ bay suốt một thời chưa thấu...
Với Trường Ca Hàn Mặc Tử, có lẽ Phạm Duy không còn gì đ nói thêm nữa, để sống thêm nữa. Ông đã sống một cuộc đi quá đầy đủ, đã yêu tất cả những gì đáng yêu, kể cả những gì đáng ghét (*), đã khóc cười với tất cả những gì đáng cười đáng khóc. Đó là tính chất của những bản tình ca, tâm ca, bé ca, nữ ca, bình ca, tục ca... trước đây. Gần đây là tổ khúc, đạo khúc, thiền ca, bây giờ là trường ca Hàn Mặc Tử. Ông đã đề cập đến tất cả mọi vấn đề: Tình yêu và hận thù, hòa bình và chiến tranh, quê hương và dân tộc, hạnh phúc và khổ đau, hiện tại và tương lai, thiên đường và địa ngục, cuộc sống và cái chết, anh hùng và anh hiền, những tiếng chuông chùa và những cây thánh giá, chủ nghĩa hoang tưởng và thực tại cuộc đời...
Vì Phạm Duy sinh ra và lớn lên trong một gia đình, ngoài việc th phụng ông bà, có cả sự tôn thờ Phật Giáo và vì thường được mẹ cho đi lễ ở những đền chùa xa xôi cho nên âm thanh tiếng chuông nhà Phật thường phảng phất trong nhiều ca khúc của ông. Tuy nhiên hình ảnh Chúa Giê Su hay những cây thánh giá cũng được nói tới khá nhiều trong những bài Sống Sót Trở Về, Xin Tình Yêu Giáng Sinh, Con Qùy Lạy Chúa Trên Trời... Bài Chúa Hoà Bình của ông còn được hát tại các thánh đường ở Việt Nam và ngay cả ở Huê Kỳ hiện nay. Nhường mãi tới bây giờ, vào lúc xế chiều của cuộc đời, Phạm Duy mới dành cả một trường ca để xưng tụng một thi sĩ lỗi lạc, đồng thời cũng là để vinh danh Thiên Chúa. Như vậy là con người nghệ sĩ mà ai cũng tưởng là vô đạo, đã từng vào nhạc với tiếng chuông chùa nay lại muốn đóng lại sự nghiệp của mình bằng tiếng chuông nhà thờ và bằng những lời ca vinh danh Đức Mẹ Maria. Trên đăng trình Sinh-Lão-Bệnh-Tử, Phạm Duy đã đi đủ một chu kỳ yêu và sống. Ông gắn bó với cuộc đời bằng đủ mọi thứ tình yêu rất trần tục rồi thăng hoa lên tới đạo ca để tìm vào đất Phật, đi vào chốn thinh không cùng vô ngôn, vô ngã với thiền ca, Rồi với trường ca này, cùng với Hàn Mặc Tử, Phạm Duy đi về đất Chúa. Nhường sau khi tới được đất thánh, đã chắc gì người nhạc sĩ vốn rất nặng nợ trần gian này sẽ ngưng yêu, ngưng sống, ngưng sáng tác! Chắc gì ông sẽ ''nằm im'' trên chiếc võng của thiền ca, chắc gì ông bỏ rơi sự ''đong đưa'' (hay đu đưa) bởi vì ''tất cả là tôi mà cũng là chung''? Cũng có thể, cuối cùng, con người tự tại Phạm Duy sẽ rời cả Phật lẫn Chúa để trở về cái TÔI nghiệp dĩ. Trong một phút tâm sự, nói tới một cái cớ để mình vẫn tiếp tục sống, sau khi đã hết nợ với nhà thơ vĩ đại Hàn Mặc Tử, Phạm Duy ngỏ ý muốn đi vào TRUYỆN KIỀU của Nguyễn  Du. Ông muốn trở về với số phận Việt Nam, cho tới lúc này cũng vẫn còn gian truân chẳng kém gì thân phận Nàng Kiều chăng? 
(*) Nhại lại câu thơ của Phùng Quán, Phạm Duy nói: Yêu ai cứ bảo là yêu Ghét ai cứ bảo là… yêu như thường.
Thu Đông 1993 
Trần Văn Ân
Nguồn: Pham Duy’ Study 2007
Theo https://phamduy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...