Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Phạm Duy Con én đưa thoi

Phạm Duy Con én đưa thoi 
Bác Phạm Duy đến Paris giữa những ngày xuân rực rỡ. Trời xanh ngắt, nắng tươi và ấm, hoa đào hoa táo chíu chít nở trĩu cành. Sau bốn năm không gặp, bác vẫn thế, có gầy hơn, nhưng khỏe ra. Bốn năm, so với tuổi đời tám mươi mốt của bác, hình như chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng thật ra, đầy biến động: bác Thái Hằng mất, bác phải giải phẫu tim, rồi cùng các con về Việt Nam vài lần, thăm miền Bắc sau năm mươi năm xa cách, gặp lại miền Nam kể từ buổi chia ly tháng 04.1975. Bác Phạm Duy đã hài lòng khi thực hiện được một trong những mơ ước cuối đời, dù trễ hơn dự định đôi chút: Hẹn em nhé, năm 2000 sẽ Hai bên cửa hé cho anh trở về... Việt Nam, cuối cùng, đã lại trở thành một trong những điểm đi về trên con đường viễn du vô định của người nghệ sĩ. Tôi nhìn bác, nghe bác, và chỉ mong sao có được một nửa cái sinh lực cuồn cuộn nơi người đối diện. Niềm yêu sống phát ra từ ánh mắt, miệng cười, những cái khoát tay, từ lối nói ‘’lộng ngôn’’ hào hứng đầy thách thức, buộc người nghe phải luôn cảnh giác theo dõi, không được có cái thái độ ơ hờ thụ động thứ nhất ngồi lì, thứ nhì đồng ý (không hiểu sao, tôi lại liên tưởng đến nhà văn Nguyễn Tuân cùng những giai thoại về ông, và nghĩ, nếu được sống như ý muốn, có lẽ Nguyễn Tuân cũng sẽ có cách nói phớt đời như thế...). Niềm yêu sống còn phát ra từ những dự định đường dài: thực hiện cho xong bốn bức Minh Hoạ Kiều, những CD-ROM về âm nhạc Việt Nam, về gia đình Phạm Duy... Kiều 1 đã hoàn tất từ bốn năm trước, lần này, bác Phạm Duy đem thêm Kiều 2 đến giới thiệu với thính giả Paris đúng vào ngày thứ hai Phục Sinh 01.04.2002 (*). Cũng là ngày giỗ đầu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... 
Hội trường chật người. Hơn hai trăm tâm hồn Việt, Pháp đi tìm lại Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du qua âm nhạc Phạm Duy. Nhưng theo lời dẫn của chị Thụy Khuê, bác Phạm Duy muốn đây không phải chỉ đơn giản là một buổi giới thiệu dĩa nhạc mới, mà thật sự là một buổi gặp gỡ, trao đổi giữa các thế hệ. 
Mà đúng như vậy, bốn thế hệ đã cùng có mặt để nghe và hát nhạc Phạm Duy: từ thế hệ 70-80 tuổi của các bác Phạm Duy, Trần Văn Khê, qua thế hệ 50-60 tuổi của các anh chị Lê Tất Luyện-Thụy Khuê, Phạm Trọng Luật-Miêng, Bạch Yến, Nguyễn Huy Thiệp đến thế hệ 30-40 tuổi của chúng tôi và sau hết là thế hệ của bé Kiều Thụy, 6 tuổi, vững vàng diễn tả trọn bài Hoa Xuân trên sân khấu. Trong cái tất bật lo lắng mong cho chương trình diễn ra đúng theo dự định, bên cạnh con người huyền thoại Ngàn Lời Ca, các bạn tôi bất chợt tìm được những nét rất ‘’đời thường’’ của bác Phạm Duy, cẩn thận chi ly trong vấn đề giờ giấc, ‘’stress’’ đến độ quên cả chào hỏi, ăn uống trước giờ trình diễn, vì chỉ lo chăm chú ôn lại những gì sẽ nói trước đám đông. Con người ấy, chẳng vì tuổi tác, điạ vị, danh tiếng mà mất đi tính năng động, sự linh hoạt vốn có từ trước. Không ngồi yên một chỗ, bác Phạm Duy có mặt khắp nơi, chụp ảnh người bạn già Trần Văn Khê, người bạn trẻ Nguyễn Huy Thiệp, chụp ảnh thính giả và đàn con, đàn cháu đang trình diễn trên sân khấu. Phạm Duy là ngôi sao sáng kiêu hãnh, đồng thời, bác cũng là người bình thường như tất cả mọi người, tan hòa vào giữa đám đông.
Kiều 1, rồi Kiều 2 đến với người nghe qua lời giới thiệu của chị Thụy Khuê và phần dẫn giải của chính tác giả Phạm Duy. Thính giả, có người ngạc nhiên bắt gặp các giọng hát ‘’rất Tây’’ Thái Hiền, Thái Thảo, Tuấn Ngọc trình bày nhiều đoạn Kiều bên cạnh hai giọng ngâm cổ Thanh Ngoan, Thảo Hiền và cách hát luyến láy âm hưởng dân ca của Ái Vân, Duy Quang. Có người thích thú trước lối ‘’cổ kim hòa điệu, đông tây tương phùng’’ trong phần hòa âm của Duy Cường. Lại có người, trước đây đã nghe Kiều 1 qua dĩa nhạc nhưng không thích, nay lại say mê theo dõi những điệu bộ, cử chỉ, lời dẫn nhiệt thành nhưng không kém phần dí dỏm của tác giả. Thính giả đã trở thành khán giả, buột miệng khen: ‘’Bố già duyên dáng quá!’’ (có lẽ người phát biểu, con gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh, đến từ Hà Nội, đã không biết rằng trong thập niên 70 của thế kỷ trước, giới trẻ Sài Gòn cũng đã thân mật gọi bác Phạm Duy như vậy...) Thế là, sau khi Kiều của Nguyễn Du đã được vịnh, ngâm, lẩy qua vài thế kỷ, người Việt thời hiện đại đã bắt đầu có thể cất tiếng hát Kiều bằng âm nhạc Phạm Duy. Nhưng, âm nhạc Phạm Duy không phải chỉ bắt đầu và kết thúc ở Minh Hoạ Kiều. 
Chúng tôi, lớp con cháu, đã cùng nhau hát ‘’Tình Ca’’, ‘’Ru Mẹ’’, ‘’Hoa Xuân’’, ‘’Xuân Ca’’, ‘’Xuân Thì’’, ‘’Xuân Hiền’’. Hát nhạc Xuân Phạm Duy khi đất trời Paris đang vào xuân phơi phới, còn gì hứng thú hơn? Thế hệ nhạc sĩ trẻ: Ngô Càn Chiếu, Lê Hoài Anh, Mộng Trang, Trần Lê Khang, Nguyễn Linh Quang cũng đã góp tiếng hát, tiếng đàn mừng xuân với các sáng tác mới, như sẵn sàng tiếp nối ước mơ của người nghệ sĩ lão thành, ước mơ đưa loài người đến một mùa xuân vĩnh viễn. 
Chương trình kết thúc, nhưng những hẹn hò cho một tương lai gần đã chớm: mọi người chờ đợi Kiều và Thúc Sinh, Kiều với Từ Hải, sau khi đã theo Kiều gặp Đạm Tiên, nghe Kiều thề thốt cùng Kim Trọng. Mọi người chờ đợi con én Phạm Duy sẽ đem nàng Xuân Kiều đến với Paris nhiều lần nữa, sau khi vươn cánh chao liệng khắp vòm trời thế giới để gửi gấm muà Xuân Mới đến cho cuộc đời. 
(*) Chương trình ‘’Minh Hoạ Kiều 1 & 2’’ do Thư Viện Diên Hồng và bằng hữu tổ chức ngày 01.04.2002 tại Paris. 
Tháng 4.2002
Cổ Ngư 
Nguồn: Pham Duy’ Study 2007
Theo https://phamduy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...