Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Phạm Duy và Tâm ca lần đầu tiên tôi thấy ông Lão Tử lầm

Phạm Duy và Tâm ca lần đầu tiên 
tôi thấy ông Lão Tử lầm 
Lần đầu tiên, trong chốc lát, tôi nhận thấy ông Lão Tử bị lầm. Ông Lão Ðam vốn chống sự hiện hữu của lễ nhạc và tác dụng của nó. Hình như ông cho rằng lễ nhạc hiện hữu (trong trường hợp tôi nói đây là nhạc) thì xã hội nhân sinh mất hướng thượng và chỉ xuống dốc. 
Suy đến cực vi cực diệu thì Phật giáo của chúng tôi và Lão giáo của phái vô vi có chỗ tương đồng cho nên trong khi mặc áo tu hành, chúng tôi vẫn dành một chỗ đáng tôn kính trong tâm tư. Nhưng có một hôm gần đây... 
Vâng, đúng rồi, có một hôm gần đây, vào ngày mồng ba tháng ba năm dương lịch này, tôi nói chuyện về Ảnh Hưởng Phật Giáo Nhật Bổn Sau Ðệ Nhị Thế Chiến trước một số đông giáo chức Phật tử Huế tại chùa Từ Ðàm. Và ngay tại chỗ diễn giả vừa dứt lời thì ban dân ca của Phạm Duy trình bày Tâm Ca và Trầm Ca. Trong khi Phạm Duy trình diễn, có cả một người Mỹ lấy tên Việt là Túy Phượng đứng ra ca một bài Tâm Ca. 
Xin thú thật là khi nghe anh Phạm Duy trình bày bài Kẻ thù ta đâu có phải là người tôi đã ứa nước mắt... Và có thể nói là tâm hồn tôi đã trải qua một tráng thái phong phú chưa từng có trong đời tu hành của tôi. Tôi nói phong phú mà không nói xúc động, cảm động... vì đó là một trạng thái mà ngôn ngữ không diễn tả được: tôi đã dùng tất cả cái nhất trí của toàn diện phần hồn của một con người để đón tất cả những âm thanh từ những bài Tâm Ca và Trầm Ca nói chung, từ bài Giọt Mưa Trên Lá tới bài Nỗi Buồn Nhược Tiểu nói riêng, vọng lên và đi thẳng vào tôi như đi vào diện tích của một mảnh đất trống cũng như một khoảng không gian trống trải nào đó; đón hết cả một ngọn gió lớn không loại đi một hơi thở thiên nhiên thoang thoáng nào. Chung quanh tôi lúc ấy có cả một xã hội nhân sinh rất nhỏ gồm có thính giả đã nghe Phạm Duy trình bày Tâm Ca, ấy thế mà chính tôi quên mất sự có mặt của thiên hạ và sự hiện diện của chính mình; cả tấm lòng của con người tôi tan vào thính giác, tràn vào cõi tế vi nhất của tâm hồn và hòa vào tế bào của cơ thể. Tôi lạ quá: có lẽ người ngồi đồng đón linh hồn những người đã khuất vào cơ thể biến thành những cá nhân khác... cũng thế thôi! 
Bỗng sực nhớ: dân tộc tôi đang đau thương vì chiến tranh, đương hận thù vì máu xương, đương khóc, đương than... đương cùng với cơ thể và tâm hồn đương tiếc đương thương của chính tôi... đương hòa đương tan vào nhạc thương nhạc than của Tâm Ca và Trầm Ca khóc chuyện khói lửa chiến tranh của đất nước. Tiếng thở than chung vọng lên: tôi tưởng như nghe tiếng thở than của chính mình từ cõi sâu xa nhất của chính tâm tư mình vọng lên mênh mông và vun vút... 
Tạp chí BÁCH KHOA số 244 ra ngày 1-5-1966 có đăng một bài của giáo sư Lý Chánh Trung ''Phủ Nhận Tâm Ca'' và một bài khác của giáo sư Nguyễn Văn Trung ''Tâm Ca Của Phạm Duy Hay Văn Nghệ Phủ Nhận Chiến Tranh Hiện Nay''. 
Bài trên đề cập đến giá trị của Tâm Ca của Phạm Duy, đến tác dụng của Tâm Ca đối với tác giả bài báo, và băn khoăn lo ngại cho cái hiểm hoạ ảo tưởng và gian trá mà nó có thể tạo nên do người hát. Người hát đây là Phạm Duy mà cũng là học sinh, sinh viên hát Tâm Ca vì đó là kinh nghiệm bản thân của ông Lý Chánh Trung. 
Bài dưới của giáo sư Nguyễn Văn Trung không theo một luận điệu như bài của giáo sư Lý Chánh Trung nhưng cũng mấp mé băn khoăn như vậy: chỉ khác là ông Nguyễn Văn Trung nói rằng: ''... văn nghệ phản chiến phải đưa tới một tư tưởng chính trị và tranh đấu chính trị... Không có tư tưởng chính trị và tranh đấu chính trị, văn nghệ phản chiến chẳng những không giải quyết được gì mà còn có thể đưa tới những tác dụng ngụy tạo, huyễn diệu''. 
Ðược nghe Tâm Ca, được biết rằng học sinh, sinh viên và thanh niên nam nữ say mê Tâm Ca, rồi được đọc hai bài báo phản ảnh hai luồng dư luận về Tâm Ca của hai giáo sư danh tiếng, dù muốn dù không, tôi cũng băn khoăn đặt vấn đề với chính mình. 
Về Tâm Ca, về tác dụng của Tâm Ca và về dư luận của Tâm Ca. Suy nghĩ rồi, tôi hệ thống hoá ý tưởng của mình và viết bài này theo yêu cầu của một nhóm sinh viên để đưa ra một luồng dư luận trong những luồng dư luận đã sẵn có rồi. Âu cũng là góp ý kiến với trí thức giới về một vấn đề văn nghệ và nhân sinh. 
Vô tình hay hữu ý, tôi đặt luôn vấn đề nghệ sĩ và sứ mạng văn nghệ trong lịch sử, Và trong trường hợp này, tôi đề cập luôn đến tác dụng phản chiến của ca nhạc kịch. Nói một cách khác, văn nghệ có thể tránh hiểm hoạ gian trá và ảo tưởng được không, văn nghệ có thể đưa tới một tư tưởng chính trị và và một tranh đấu, có thể giải quyết một vấn đề xã hội không? Có thể... không? Hay nếu có thể thì có thể tới mức nào? Thật ra, lại gặp một vấn đề quá cũ. Trước đệ nhị thế chiến những ông Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Trương Tửu, Hải Triều... đã đôi phen bàn đến. Sau đệ nhị thế chiến các ông Thiên Giang, Tam Ích... cũng đã thảo luận. Và cũng đã có những cuộc bút chiến khá sôi nổi về chính những vấn đề ấy. Các ông Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung và chính tôi, chúng ta nói ra đây những gì đã kết thúc giùm cho chính những nhà văn ngày xưa chưa kết thúc ngã ngũ ra sao được? Ðã biết rằng nay rất có thể chúng ta mổ xẻ một cách khác, dùng những danh từ khác, trích những câu văn khác của những danh nhân tư tưởng khác để củng cố thái độ của mình. 
Nhưng đi hết một con đường lập luận. mỗi người chúng ta ai cũng sẽ trôi dạt qua một bờ, hai bên một biên giới. Bài nhạc hay, bài văn hay, bài thơ hay có cái hay đượm thuần túy của nó, nghĩa là nó chỉ biết cám dỗ, gian trá ảo tưởng... để ''bịp'' lòng người hay nó phải đi sát một căn bản nhân sinh thiết thực trong lịch sử tranh đấu của con người, nghĩa là phải vọng lên một chính nghĩa chính trị? Nói một cách khác, nó phải vạch ra một tư tưởng chính trị và một tranh đấu hay nó có quyền làm cái việc thống thường nhất là gây súc động thôi, còn cái việc đưa tới một tư tưởng chính trị và một tranh đấu chính trị là việc của những chiến sĩ xã hội? Thật là cơ khổ, lạy Phật! Té ra, nếu tôi muốn ngồi vào bàn tròn trí thức để góp ý kiến trên văn đàn, trước tiên tôi phải có một thái độ dứt khoát, nói toạc ra là một kết luận, ngô ra ngô khoai ra khoai. Hay có trốn tránh chăng nữa thì cũng phải dung hòa cái lối ba phải! Phạm Duy hơi (chỉ mới hơi thôi) bị công kích rối đấy! Tôi bênh hay không bênh Phạm Duy đấy nhỉ? Bênh thì chống với hai giáo sư, còn nếu cùng đứng với hai giáo sư một ''chiến tuyến'' thì tôi cũng đem Phạm Duy ra gần vành móng ngựa... 
Thật ra, tôi thấy hai giáo sư Lý Chánh Trung và Nguyễn Văn Trung hơi nghiêm khắc. Ðó chính vì ở Nga Sô và Trung Cộng cùng Bắc Việt họ cứ đòi, đòi hoài... kiểu ấy làm giới văn nghệ mất ăn mất ngủ đấy, làm cho văn nghệ không tiến hoá, đứng ỳ ra một chỗ. Trong trường hợp Phạm Duy của chúng ta, lẽ tự nhiên là hai ông không đòi... theo ý hướng của Bác và Ðảng, như ở xa xôi kia là lẽ cố nhiên, nhưng đòi ca nhạc (ở đây là Tâm Ca) phải gây một tư tưởng chống chiến tranh, một tranh đấu chính trị chống chiến tranh... cho sát thì tôi cho rằng đòi một việc thiên nan vạn nan ở những nhà văn nghệ. 
Văn nghệ phản chiến? Vây ai đang trong vòng chiến? Trực tiếp trong không khí chiến tranh là Chính quyền Bắc Việt và Chính quyền miền Nam Tự do; gián tiếp trong không khí chiến tranh là tất cả các cường quốc có quyền lợi ở đây. Lấp ló chân trong chân ngoài là Quân đội Huê Kỳ (nếu không phải là có chản hẳn hoi). Văn nghệ có chống họ thì họ cũng đã đánh nhau và còn đánh nhau! Phạm Duy là một cá nhân văn nghệ lẻ loi (ở đây nhà văn nghệ lẻ loi lắm, ngay cả trong Ðạo cũng thế) có lẽ đã chẳng muốn làm một việc khi biết trước là không đi đến đâu mà lại mang tiếng là huyễn.
Thôi thì họ Phạm đành nâng cao văn nghệ lên một nấc nữa, kéo dài kích thước (danh từ nàycó một nhà văn hay dùng lắm) ra cho dài thêm: Kẻ thù chúng ta chẳng phải người này hay người kia mà là sự gian ác, sự hận thù, tính vô lương, lòng tham lam, lòng tị hiềm, óc tự kiêu. Và chỉ vì muốn nâng cao, kéo dài mà Phạm Duy mang tiếng là ''phản kháng tiêu cực'' (ông Nguyễn Văn Trung đã nói trong số báo này và Bách Khoa trang 44, số 224). 
Có lẽ họ Phạm cho là những nỗi, những niềm, những mối có tên trong từ điển là gian ác, vô lương, tị hiềm, tự kiêu... thường ăn sâu mọc lông mọc cánh trong tâm hồn con người, cần phải nhổ nó đi, dứt nó đi... thay vào đó những thực thể tâm lý khác có tên là từ bi, bác ái, hỷ xả...Thì rồi tự nhiên căm hờn ghen ghét mất, và chiến tranh cũng mất theo. Con người mới sẽ hiện ra trên trái đất. 
Ðó là tôi tự đặt vào địa vị Phạm Duy mà nghĩ vậy. Chứ cái việc bị công kích thì phải tự bào chữa cho mình là việc của nhạc sĩ Phạm Duy, thật quả tình tôi không dám chiếm sứ mạng của ai cả. Tôi chỉ biết trách hai giáo sư hơi nghiêm khắc thôi. 
Và tôi cũng đồng ý với Tchékov và Fédérico Fellini, một người xưa và một người nay, hai người đều có ý nói rằng nghệ sĩ là người chỉ có một sứ mạng phản ánh nhân sinh mà thôi. Còn việc cải tạo nhân sinh hay việc giải quyết những vấn đề nhân sinh gây đau thương là của các nhà luân lý hay là của những nhà an bang tế thế. Nghệ sĩ giỏi thì tác phẩm (văn, thi, hoạ, nhạc...) có giá trị; nghệ sĩ dở thì tác phẩm thiếu giá trị và bị lịch sử loại đi. 
Dân tộc Việt Nam đương chịu đau thương vì chiến tranh. Phạm Duy là người phản ảnh đúng cái đau thương ấy và làm cho thiên hạ cảm động. Phạm Duy không phải là nhà luân lý mà cũng chẳng phải là chính trị. Ở đời ai lo việc nấy, ai có sứ mạng nấy. Chung nhau mà lo thì lo được việc chung. ''Dẫm lên chân nhau'' thì hình như chỉ có một tác dụng là gây xáo trộn bất lợi cho đại cuộc. 
Ðã đành là ai cũng cầu nguyện cho có nhiều Maxime Gorki, Jack London... nhưng nếu lúc nào chúng ta cũng đòi cho có Maxime Gorki thì lại là ảo tưởng hơn ai hết, hơn lúc nào hết. Ðó là chưa nói tới văn nghệ gây xúc động được là làm được việc lớn rồi. Việc lớn khác sẽ đến sau. Nghe nhạc Phạm Duy sẽ cảm xúc. Sự buồn thương sẽ biến thành thương tiếc. Niềm thương tiếc sẽ biến thành giận hờn. Và có giận hờn thì mới vùng dậy. Khi con người vùng dậy là lịch sử gióng chuông. Chuông lịch sử gióng lên tức thiên hạ đứng lên. 
Nhà nghệ sĩ dù sao cũng là người có công đánh tiếng chuông thứ nhất - lúc đầu. Dù chỉ là tiếng chuông suông cho người ta xúc động suông mà thôi! Phải vậy chăng? Vậy thì nghệ sĩ là kẻ có công rồi đó. Sao chúng ta lại phủ nhận? Tội nghiệp cho họ! 
Bây giờ độc giả đã hiểu tại sao tôi lại nói ở đầu bài này rằng trong một chốc lát, tôi đã thấy ông Lão Tử lầm... vì chính tôi, tôi thâu nhận tác dụng của lễ nhạc. Và ở trường hợp này là Nhạc vậy. Không phải bỏ lễ nhạc đi thì con người mới trở về được cái đắc nhất hay lẽ vô vi của Lão Giáo. Lễ nhạc đã có rồi thì phải dùng nhạc để hướng con người về bản thể trạm tịch thường hằng. Nghĩa là nhạc có tác dụng giáo hóa vậy. 
Khi loài người chưa phát sinh và có mặt trên trái đất thì ông Lão Tử có lý. Ngày nay, lễ nhạc đã cùng với loài người phát sinh rồi thì ông Lão Tử đáng tôn kính lại không hợp lý nữa, ngược lại ông Khổng Tử có lý hơn vì ông Vạn thế sư biểu là người đặt vấn đề tác dụng văn hoá của âm thanh. 
Ngay đến nhạc của cửa Thiền, chúng tôi cũng đã có từ ngàn xưa. Nói gì xa xôi, hãy nói chuyện gần. Ðó chỉ vì nghe mãi nghe quen nên tiếng mõ sớm, tiếng chuông chiều trở nên thông thường đấy thôi. Thực ra những âm thanh thông thường hằng ngày ấy đã từng tác dụng. Con người vốn không kiểm soát nổi cái cõi cực tế cực vi của tiềm thức và vô thức. 
Vả lại tôi chưa từng thấy âm nhạc tôn giáo nào thúc đẩy sự hờn oán bao giờ, Từ trong mọi Phật đường, giáo đường bước ra người ta vốn muốn gần nhau. Nhưng đi sâu vào đời sống ồn ào, tạm thể nó mới biến đi đấy thôi. 
Mãn Giác 
Nguồn: Báo Bách Khoa - Saigon 
Theo https://phamduy.com/







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...