Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Minh họa Kiều

Minh họa Kiều 
Trước ngày trình diễn một tháng, người ta đã xôn xao chờ đợi nhạc sĩ Phạm Duy đến Orlando vào ngày 21 tháng 11 năm 1998. Lần trở lại Florida này, ông đã mang đến cho người nghe những bất ngờ, những mới lạ, những khám phá, sửng sốt, ngạc nhiên về Kiều. Nói đến nàng Kiều, chắc hẳn ai cũng thuộc một vài câu thơ của thi hào Nguyễn Du: 
"Trăm năm trong cõi người ta 
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau..."
Nhưng, có lẽ ngạc nhiên nhất, và khó khăn cho sự tưởng tượng. Đó là làm thế nào ta có thể hình dung những vần thơ cổ cách đây hơn 200 năm, được lồng vào trong những nét nhạc mới, pha lẫn tính cách đông phương, huyền bí, đầy tráng lệ và nồng nàn, lại có thể diễn đạt cho người nghe về một thời đại đã qua, có thể gần gũi như mới hôm qua với người nghe nhạc. 
Kiều, qua minh họa của nhạc sĩ Phạm Duy bằng những nốt nhạc tài tình, biến hóa, bay nhảy, thướt tha, dồn dập. Khiến người ta tưởng chừng như đang xem một cuốn phim mô tả về tài hoa bạc mệnh của từng nhân vật, của từng không gian rõ nét, và nơi chốn tháng ngày hiện hữu. Đây không phải là chuyện dễ. Làm sao chúng ta có thể chụp được những tấm ảnh của quá khứ để chiêm ngưỡng? Làm sao chúng ta có thể lùi ngược dĩ vãng để sống trong từng sát na của câu chuyện, của thời đại đã qua. Đó là mới nghĩ thế thôi. Có lẽ không một nhạc sĩ sáng tác nào có can đảm nghĩ rằng, dùng thơ của Nguyễn Du Kim Vân Kiều để phổ nhạc. Bởi vì có những yếu tố khó khăn. Về mặt tinh thần, đấy là những thể thơ lục bát, câu chuyện cổ xưa, khó gần gũi với người nghe, hơn nữa quan trọng nhất là bằng vào cảm quan nào để nhạc sĩ có thể hòa nhập hồn mình, vào những nét thơ của thời đại lịch sử. Nhất là thời đại đang sống hôm nay, kỷ nguyên năm 2000 gần kề. Về mặt kỹ thuật bằng vào tài năng như thế nào để đưa nét nhạc quyện lẫn vào thơ. KIỀU qua nét nhạc của Phạm Duy không phải là phổ thơ. Bởi vì, đây là lần đầu tiên, nhạc sĩ Phạm Duy gọi là MINH HỌA. Nghĩa là làm cho sáng lên, rõ thêm, phong phú từng góc cạnh, hài hòa từng chi tiết. Như một bức ảnh cũ.
xưa, được "software" điện toán làm cho mới lại. Ý tưởng và thực hiện bằng vào minh họa của Phạm Duy qua Kiều của Nguyễn Du quả là ý tưởng độc đáo. Người nhạc sĩ tóc bạc trắng sống gần hết thế kỷ 20, tuổi gần 80, cống hiến đời mình cho nghệ thuật âm nhạc một cách trọn vẹn qua hơn 1000 ngàn bài ca, đã từng ví von mình như người tình già trên đầu non, lại một lần nữa ném ra những sáng tạo. Minh họa Kiều như ánh sáng của vầng trăng rằm. Tuyệt đẹp, soi dọi vào những tối tăm của đời sống. Làm cho thế giới âm nhạc của Việt Nam chúng ta mới 50 năm, có được những hạt ngọc trân trọng đáng quý, long lanh. 
Bên cạnh đó Duy Cường, tên tuổi lớn của hòa âm Việt Nam. Người theo sát nhạc sĩ Phạm Duy, đã bỏ công sức, thì giờ, tiền bạc để về tận quê nhà xa xôi, thu gọn những mẫu thanh nhạc đặc thù Việt Nam. Rồi bằng vào sự sáng tạo, thông minh, trí tuệ trên hệ thống điện toán hiện nay. Duy Cường đã cho chúng ta những âm thanh mới, ngọt ngào, tuôn tràn, cảm động và tha thiết chừng nào. Hòa âm của Duy Cường, là hòa âm có chiều dài học hỏi và nghiên cứu. Từ phối âm rất trang trọng do bởi tài năng, sự tưởng tượng của Duy Cường đã dẫn đưa chúng ta đi thật xa. Trở về, về thăm lại thời đại 200 năm trước của cụ Nguyễn Du. Hay nhất, mới nhất, sáng tạo nhất là những phối âm tuyệt hảo của 2 nền âm nhạc đông và tây phương quyện lẫn nhau. Khó có thể hòa hợp những thanh âm khác lạ, như tranh, gáo, kìm, bầu với những violin, harp, contre bass. Vậy mà qua minh họa Kiều. Duy Cường đã chứng minh tài nghệ phi thường của mình. 
Trở lại với nhạc sĩ Phạm Duy, người hát rong của thế kỷ. Người hát rong thao thức qua bao biến đổi thăng trầm của dòng lịch sử. Thêm một lần nữa, ông đã tô đậm nét nhạc cổ truyền Việt Nam qua Minh Họa Kiều.
Nếu chúng ta thấy được người hát rong của thế kỷ, đứng trên bục sân khấu. Tóc bạc trắng dưới ánh đèn. Mắt nhắm nghiền, đôi tay khoan thai dịu dàng diễn tả từng nốt bay bổng của thanh âm trong Kiều, thì ta có thể thốt lên: Phạm Duy ơi, chúng tôi yêu ông quá! Người hát rong của thế kỷ Phạm Duy vẫn ung dung đạp lên những đánh phá thấp hèn, vẫn thản nhiên bước những bước rất Việt Nam đi về phía mộ phần thế kỷ. Nhạc của ông, kêu gọi người ta yêu thương nhau. Việt Nam không đòi xương máu, Việt Nam kêu gọi thương nhau. Ông đứng đó. Đứng dưới ánh đèn màu của sân khấu Việt Nam quê người. Orlando. Florida. Ông đi trước, chúng tôi đi sau ông. Ông dẫn người ta về đứng chứng kiến thời đại. Đứng nhìn khói hương bay tỏa. Đứng nhìn thành quách rong rêu tháng ngày. Dập dìu từng thanh âm. Khoan thai từng thanh âm. Cuồng nộ từng thanh âm. Buồn bã tiếc nuối và thương cảm tài hoa trong Minh Họa Kiều. 
Minh Họa Kiều vút cao trong tiếng hát Tuấn Ngọc, Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo và Ái Vân. Những giọng hát trau chuốt, trân trọng diễn tả Kiều từng giai đoạn. Tiếng vỗ tay không ngớt sau mỗi bài. Người hát rong Phạm D minh thuyết từng phần nhạc. Không thừa, không thiếu, đã đủ cho từng bài, đã đủ cho chúng tôi, những người yêu mến ông, khám phá nơi ông một tâm hồn đơn sơ, yêu thương, nhân bản. Khám phá nơi ông, nỗi cô đơn của những bủa vây tị hiềm. Khám phá nơi ông, một nghệ sĩ yêu nước nồng nàn. Khám phá nơi ông, cả cuộc đời cho nghệ thuật. Khám phá nơi ông, cả một đời cho lưu vong. Khám phá nơi ông, cả những thao thức, những băn khoăn trước thời cuộc. 
Xin được nói một lần nữa. Cám ơn nhạc sĩ Phạm Duy, người hát rong của thế kỷ chúng tôi. 
Châu Đình An 
Nguồn: Báo Saigon Mới
Theo https://phamduy.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...