Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Phạm Duy, Kiều và chúng ta

Phạm Duy, Kiều và chúng ta 
Tôi không nhớ rõ năm nào, chỉ mang máng là chúng tôi mới ở ngoài Bắc vào, trước khi cậu tôi mua cái radio đầu tiên mà tôi cứ tưởng là có ai đứng hát đằng sau, thì chị em tôi đã được nghe cậu mợ tôi hát những câu như: 
''Đường Lạng Sơn âm u ù u, 
Gà bình minh reo lơ ờ thơ , 
Rừng êm ái thức giấc trong sương mờ...'' 
hoặc: 
''Một mùa thu năm qua cách mạng tiến ra, 
đất Việt bừng ngàn tiếng, thanh niên tung gông phá xiềng...'' 
tôi chỉ độ ba bốn tuổi cũng i ỉ hát theo. 
Lớn hơn một chút nữa, chúng tôi lại được nghe cậu mợ tôi kể về những kỷ niệm kháng chiến, nào là Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc, thời mà hai ông bà đi dạy bình dân học vụ khi tản cư từ Hà Nội lên Thái Nguyên. Thời ấy đã có ban hợp ca Thăng Long với Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung, Hoài Bắc. Có những cái tên được cậu mợ tôi nhắc đến nhiều lần như Thiên Thai Văn Cao, Giọt Mưa Thu Đặng Thế Phong, Xuất Quân Phạm Duy, v.v... Những cái tên ấy đã hồn nhiên đi vào tuổi thơ của chúng tôi một cách đơn sơ và tự nhiên như thế. 
Rồi chúng tôi lớn lên, thêm những đứa em khác ra đời, trong tiếng mợ tôi hát ru, tiếng bà tôi ngâm Kiều, tiếng đều đều của cô tôi khi đọc Chinh Phụ Ngâm cho bà nghe, vì bà tôi chỉ biết chữ Hán mà không biết chữ Quốc ngữ. Tôi cứ thắc mắc không biết tại sao bà không biết đọc mà vẫn thuộc Kiều từ đầu đến cuối. Cho đến khi tôi vào trung học, mang bài về đọc cho bà nghe, thì thỉnh thoảng có những chữ bà còn nói ''Chỗ này ngày xưa thế này, thế này, không phải thế (như tôi học)''. Các điển cố bên Tàu, bà tôi cũng biết hết, nên tôi thích đọc cho bà nghe để hỏi bà, bà kể chuyện nghe lại thích hơn là thầy giảng ở trường. 
Nhưng lớn lên thêm một chút nữa, thời con gái thích hợp với tân nhạc hơn, thơ Kiều đã dần dần đi vào quên lãng, nhường chỗ cho thơ mới, với Nguyên Sa, Nhất Tuấn, Vũ Hoàng Chương... Chúng tôi được ông cụ thưởng cho cái máy thu băng magnétophone khi đậu trung học. Tôi còn nhớ những cuộn băng nhựa được thu từ những đĩa hát 75 tua hoặc từ radio ra. Những tiếng hát, những bài hát và những người hát đã trưởng thành thần tượng của bọn nữ sinh chúng tôi. Có những bài hát chả nhớ tên, kể cả tên tác giả, nhưng chỉ cần một đứa bạn hát lên một câu đầu là cả bọn hát thuộc lòng từ đầu đến cuối... 
''Tìm nhau trong hoa nở... 
tìm trong câu thơ cổ, tìm qua tranh tố nữ... 
tìm nhau như Thiên Cổ tìm Ngàn Thu'' 
hoặc: 
''Ngày đó có em đi nhẹ vào đời''. 
Có những mối tình học trò hợp tan bằng: 
''Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi''... 
vì: 
''Ngày em hai mươi tuổi, 
mới chớm biết yêu người, 
đã buồn vì duyên mới,
rồi đ ây sẽ nhạt phai''... 
Cho đến khi làm mẹ, hát ru con bằng những bài thơ, bài ca dao ngày xưa đã được mẹ ru thì khi ấy Kiều, Chinh phụ, mới trở lại, một cuộc trở lại tuần hoàn trong nhiều thế hệ mẹ Việt Nam. Cho đến bây giờ, sau gần hai mươi năm xa xứ, với sự chắt lọc của thời gian, những bản nhạc hùng, những bản nhạc tình, những câu thơ diễm tuyệt vẫn còn đấy. 
Khi soạn chương trình cho những buổi văn nghệ của Thông Luận tổ chức tại Paris, chúng tôi cố gắng lắm mới rút lại được số lượng nhạc Phạm Duy xuống còn độ một nửa chương trình. Trường ca Con Đường Cái Quan, Mẹ Việt Nam của Phạm Duy hay Hòn Vọng Phu của Lê Thương đã từng là cái đinh của những chương trình văn nghệ. Phải nhận rằng dù trong cuộc đời nghệ sĩ của ông, đôi lúc Phạm Duy đã đi lang thang ra khỏi những con đường thường lệ, nhưng chẳng qua tác phẩm nghệ thuật nào cũng thế, khi tác giả bỏ cây cọ hoặc cái bút xuống, thì chúng có đời sống riêng, sống mãi với thời gian hay yểu tử đều phụ thuộc vào thông điệp nó gửi đến cho người thưởng ngoạn. 
Tôi được xem Phạm Duy ''múa'' lần đầu tiên cách đây cũng khá lâu, khi ông sang Paris giới thiệu Bày chim bỏ xứ. Lúc ấy Phạm Duy không còn trẻ nữa, thế mà chính ông cũng là người đã phá lệ, tự mình diễn tả tác phẩm của mình bằng những động tác không đơn giản như những ca sĩ khác thường làm. Phạm Duy thực sự múa theo lời hát, múa theo âm nhạc. Cái ''ngôn ngữ thân xác'' đã diễn tả nồng nhiệt thêm những gì ông muốn nói bằng âm điệu. Lúc bấy giờ chúng ta có cảm tưởng Phạm Duy đứng đấy một mình trên sân khấu, nhưng ông không còn biết dưới kia là khán giả, không nhớ rằng bao nhiêu con mắt đang đổ dồn vào mình. Phạm Duy thả mình bay theo âm hưởng, bay theo lời ca, chơi vơi trong âm điệu để đi vào cõi riêng mình. Hình như chưa có ca nhạc sĩ Việt Nam nào làm như thế, hay đã có mà tôi không được biết chăng. 
Lần trình diễn Minh Họa Kiều mới đây ở San José cũng là một chương trình đặc biệt. Ban đầu nó chỉ được trù liệu riêng cho các Thụ nhân, cựu sinh viên Viện Đại học Đà Lạt, nhưng sau khi tin tức được loan ra, số thân hữu tham dự quá đông, lên đến hơn hai trăm người, nên đã phải tổ chức tại một quán cà-phê, và không phải chỉ có Thụ nhân A, Thụ nhân B (vợ hoặc chồng) mà có cả Thụ nhân C (con cái của gia đình thụ nhân) và thân hữu tham dự nữa. Thật là thú vị khi một Thụ nhân C đã lên sân khấu nói rằng: ''Nhờ bác mà cháu biết Kiều nhiều hơn...''. Thật thế, thế hệ ông bà, cha mẹ, chúng ta, thuộc Kiều vì được nghe, được kể, được học, còn thế hệ con cháu chúng ta sinh trưởng tại hải ngoại thì khó lòng mà biết Kiều, huống gì là thuộc Kiều. Phổ Kiều qua âm nhạc thật là một phương pháp hữu hiệu để các thế hệ tiếp nối biết đến một danh phẩm trong nền văn học nước nhà. Phạm Duy đã suy nghĩ trước chúng ta, những người nghệ sĩ tài hoa bao giờ cũng đi trước chúng ta. 
Hội ngộ lần này, Phạm Duy chỉ mới cho chúng ta thươởng thức phần giáo đầu và phần một của Minh Họa Kiều. Tác giả chỉ mới giới thiệu không gian, thời gian và nhân vật và đoạn Thúy Kiều gặp hồn Đạm Tiên, xót thương cho số phận người kỹ nữ dưới mộ. Cuộc gặp gỡ này là điềm gở vì nó báo hiệu đời Kiều sẽ gặp những nỗi đoạn trường. 
Trong phần này, có lẽ chỉ có một chữ làm người nghe hơi lạ lẫm, đó là Phạm Duy đã sửa một chữ trong bản phiên âm quốc ngữ của truyện Kiều, đoạn tả sắc đẹp của Thúy Vân:
Vân xem trang trọng khác vời 
Khuôn trăng đầy đặn, nét ''người'' nở nang
Tôi vẫn chủ trương rằng người nghệ sĩ có quyền sáng tạo. Nhưng ở đây Phạm Duy không vượt qua ước lệ, ông chỉ cho rằng người ở vùng Nghệ Tĩnh nói ''ngài'' để chỉ ''người'', chứ không phải chỉ ''lông mi''. Theo chúng tôi, nếu thế thì ta vẫn cứ để nguyên chữ ''ngài'' vì nó đã có nghĩa là ''người'' rồi. Nếu nói về âm điệu, thì dù ''người'' hay ''ngài'' nó vẫn chỉ là thông vận. Vả lại, theo thiển ý, ''ngài'' ở đây không phải để chỉ lông mi như Phạm Duy đã nêu lý do, mà nói về lông mày. Ngài ở đây chính là con ngài - con sâu tơ. Chữ ngài còn thích hợp với sự diễn tả nét đẹp của các thiếu nữ thời xưa qua câu ''Mắt phượng mày ngài''. Dù sao, đó cũng chỉ là một chi tiết rất nhỏ trong Minh Họa Kiều 1, nhưng mỗi lần nghe đến đấy tôi lại cứ thấy thế nào ấy. Có lẽ mình đã quá quen với âm thanh cũ chăng? 
Minh Họa Kiều đã được nâng niu bằng âm điệu của Duy Cường, người con mà cũng là người bạn đồng điệu của Phạm Duy, bằng những tiếng hát rất được hâm mộ của Ái Vân, Thái Hiền, Duy Quang, Tuấn Ngọc và tiếng ngâm điêu luyện của Thanh Ngoan. Nhưng theo tôi, có lẽ giá trị Minh Họa Kiều không chỉ ở chỗ đó; giá trị Minh Họa Kiều còn ở chỗ Phạm Duy đã dám nghĩ đến và đã dám làm. Tôi cho rằng làm một bản nhạc không phải là dễ, nếu bản nhạc ấy đến từ tâm hồn và để nó được sống mãi trong lòng người. Phổ nhạc một bài thơ đã khó hơn, vì thơ điệu đã sẵn, chỉ nương theo và gieo nhạc điệu vào thơ sao cho hay hơn, phong phú hơn, để cuốn lời thơ theo điệu nhạc. Nhưng nghĩ đến mang âm nhạc vào Kiều thì tôi thấy quả là táo bạo. Táo bạo vì Kiều không phải là một đề tài thời thượng, Kiều lại là một câu chuyện nguồn gốc từ bên Tàu. Bảo sao tránh khỏi mang phần nào âm hưởng Trung Hoa trong đó? 
Bản thân âm nhạc là tự do, là bay bổng, phóng khoáng trong không gian, âm thanh cốt làm thoả mãn thính giác người nghe. Thế mà Kiều lại là một cái gì cố định, âm điệu đã có tự bao giờ, đã ẩn tàng trong lịch sử văn học, chính vì thế mà chỉ một chữ ''ngài'' đổi ra ''người'', người nghe đã lạ tai, huống gì muốn lồng cái chất liệu ấy vào nhạc điệu. Trong Minh Họa Kiều 1, có những đoạn âm nhạc đã phải nhường chỗ hay minh họa cho lời thơ. 
Động cơ thúc đẩy tôi ủng hộ Phạm Duy là vì đáng lẽ ở vào tuổi này, với gia tài âm nhạc đồ sộ đã gây dựng, ông có quyền nghỉ ngơi, có quyền rong chơi, nghe con cháu hát lại những bản nhạc ông đã sáng tác từ hơn nửa thế kỷ trước. Nhưng may mắn cho những người yêu nhạc Phạm Duy và nền âm nhạc Việt Nam, ông vẫn tiếp tục sáng tác, vẫn tiếp tục vận dụng cái khả năng thiên phú của mình để đưa con cháu bước vào một khu vườn nghệ thuật mới, lâu nay vắng bóng nhạc sĩ, đó là phổ nhạc Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du. Chắc khó có một người thứ hai nào làm công việc như Phạm Duy đã và đang làm. 
Có lẽ Phạm Duy không cần chúng ta trao một giải thưởng âm nhạc cho ông, như chính chúng ta phải nghĩ rằng ông xứng đáng để lãnh nhận phần thưởng cao quý đó: vinh danh người nghệ sĩ sáng tác suốt đời sống với âm nhạc. Bài viết này còn rất nhiều thiếu sót vì người viết chưa được thưởng thức tất cả những đĩa nhạc Minh Họa Kiều. Chúng ta có quyền chờ đợi và đòi hỏi. 
Cứ tưởng tượng rằng trong thế kỷ thứ hai mươi thì hết nửa thế kỷ, một thành phần quần chúng không nhỏ đã yêu nhạc Phạm Duy, đã trải dài đời sống mình với nhạc Phạm Duy. Ai cũng biết rằng - và may mắn thay - chúng ra còn nhiều nhạc sĩ tài ba khác, nhưng người đã đi vào tâm hồn người Việt Nam sâu đậm nhất, lâu dài nhất, có thể nói đó là Phạm Duy. Sau 1975, hàng triệu người Việt Nam đã đặt chân lên khắp các bến bờ Thế giới, âm nhạc Việt Nam đã theo bước chân họ vang lên ở khắp nơi, đã góp công phần nào giữ lại được tiếng Việt. Nay với Minh Họa Kiều, lại càng nghiệm đúng hơn câu ai đã ví von: 
Truyện Kiều còn thì tiếng Việt còn 
Tiếng Việt còn thì nước Việt còn. 
Việc giữ gìn tiếng Việt qua âm nhạc có công của các nhạc sĩ mà trong đó Phạm Duy đã đóng một vai trò quan trọng. Mong ông được nhiều sức khỏe để tiếp tục cuộc hành trình. 
Quản Mỹ Lan
Nguồn: Pham Duy’ Study 2007
Theo https://phamduy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...