Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Phạm Duy Mười bài Thiền ca

Phạm Duy - Mười bài Thiền ca
Soạn xong Mười Bài Rong Ca vào năm 1988, tôi tưởng chừng đã có thể kết thúc cuộc đời soạn nhạc của mình. Quá bận bịu với việc đi hát rong trên thế giới, tôi không có nhiều thì giờ để ngồi sáng tác. Vả chăng, vào lúc cuộc đời lưu dân đã trở nên khá buồn tẻ, coi như tôi đã cạn nguồn cảm hứng. Vậy mà không ngờ tôi lại viết thêm được một chương khúc 10 bài ca nữa! Amen và A Di Ðà Phật. 
Mười Bài Thiền Ca gồm: Thinh Không, Võng, Thế  Thôi, Không Tên, Xuân, Chiều, Người Tình, Răn, Thiên Đường Địa Ngục, Nhân Quả.
Cũng như mọi người, trong cuộc đời xê dịch không ngừng, phải sống dưới nhiều chế độ, nhiều khi tôi mắc phải ít nhiều lầm lỗi. Nhưng cứ mỗi lần vấp ngã, mỗi lần ê chề khổ đau thì hình như là lại có một bàn tay thơm mùi gỗ quý gỡ tôi ra... và tôi lại tạ ơn đời:  Trong trăm mùa xuân héo, tay hái biết bao niềm yêu. Dăm eo sèo nhân thế, chưa phải lòng say mê, Với đôi ba lần gian dối, đời vẫn ban cho ngọt bùi...
Cứ mỗi lần khổ đau, lạc lối, tôi lại tìm về quê hương, đắm mình trong dòng suối quê, nghĩa là lắng lòng xuống, lắng nghe lại tiếng gọi nhiệm mầu của thiên thu trong tâm hồn mình, và tiếng gọi nhiệm mầu ấy lại réo rắt ru tôi, vỗ về tôi trong tình yêu bất tuyệt, phả cho tôi niềm tin yêu, sức sống để cho tôi hồi phục, để cho tôi hồi sinh. Có một sự tranh chấp giữa vô cùng và hữu hạn trong lòng tôi, trong cuộc đời. Điều này đã được tôi từng cảm nhận trong bài Bên Cầu Biên Giới (1947). 
Với Thiền Ca, đây là lần thứ bốn tôi đi vào nhạc tưởng tâm linh: 
1/ Tâm ca là dòng nhạc dấn thân hành thế theo phong cách Thiền.  2/ Đạo ca là biểu tượng của cuộc đi tìm chân lý đang bị thành quách sương mù phong tỏa.  
3/ Rong Ca là hát về thế kỷ.  
4/ Thiền Khúc mở ra một chân trời siêu thoát. 
Tháng Sáu 1992, tôi đi hát ở Boston. Vì từ nơi cực Ðông của Hoa Kỳ qua Pháp không xa lắm, tôi đi Paris chơi một tuần. Bỗng nhiên, tôi có một ngày chủ nhật đi lang thang một mình trong thành phố để gậm nhấm rồi hoá giải một nỗi buồn. Trong dĩ vãng, mỗi khi gặp phải chuyện buồn, tôi đều phản ứng như vậy. Ít lâu nay, trong cuộc đời về già không dễ dàng tung hoành như trước nữa, tôi luôn luôn bị vài nỗi buồn ám ảnh: Buồn vì đang sắp sửa phải kết liễu một chuyện tình, buồn vì tình hình dân chúng - tôi cảm thấy - ở hải ngoại cũng như ở trong nước không còn thiết tha với người nghệ sĩ nữa, buồn vì sức khỏe mỗi ngày một giảm sút v.v...
Thế nhưng, trong một buổi sáng lãng đãng đi một mình giữa Paris nắng rực và vắng vẻ này, tôi lại đánh đuổi được sự dằn vặt trong tôi. Một lần nữa, sau đạo ca, rong ca, tôi bỏ rơi con đường nhạc đời để tìm về nhạc đạo. Tôi lại tìm thấy an ủi trong siêu nhiên. Trong chỉ có một đêm (16-6-1992) tôi hoàn thành 10 bài hát - tôi muốn được gọi là thiền ca.
Thiền Ca 1: Thinh Không, hát về cõi thinh không, nhưng không chỉ là một không gian thuần túy mà còn là cõi không sinh động, cõi không đầy ắp sinh trùng, những vi bản của đời sống. Cái thinh không đầy ắp sinh trùng ấy là một vũ trụ hành tinh có hai dòng sữa tình yêu đồng quy ở một điểm tạo ra sự sống. Rồi cái vũ trụ hành tinh ấy cũng chỉ là hư vô, hư ảo...
Thiền Ca 2: Võng, là một cách nhìn rất đạo. Tôi nằm võng, võng đưa, võng đưa... tôi đang lắc lư trong cuộc đời, cuộc đời thì động với muôn nghìn trầm luân: cõi tử, cõi sinh, cõi tình, cõi hận, núi đợi vực chờ, niềm vui, nỗi khổ. Nhưng tôi nằm đó, tôi nằm im ở mọi chỗ. Cuộc đời động, mặc, tôi không động, tôi yên tĩnh, tôi nằm im. Tôi vẫn sống trong đời, mà tôi đã ra khỏi đời. Vượt thoát, an nhiên. Ðến và đi, mất và còn, khổ đau và hạnh phúc. Hai mặt âm dương làm nên biến sinh, hai phần đối kháng của quy luật biện chứng. Nhưng hai mà vẫn là một... 
Thiền Ca 3 mang tên Thế Thôi. Những yếu tố chính của cuộc đời như tình yêu, khổ đau và cái đẹp đều chênh vênh. Cho nên lúc nào thấy hạnh phúc thì hưởng ngay hạnh phúc. Ðừng chờ đợi, đừng đòi hỏi...    
Thiền Ca 4 có cái tên Không Tên: Hạnh phúc là một loài hoa không tên, không sắc không hương, mà như lòng tôi lộng lẫy thơm lừng tỏa ra bốn hướng... Nhạc ở đây mời gọi, dịu dàng đắm say, mê hoặc. Nhạc toả mùi hương và tiếng hát đem vào thính thị cả bốn trùng dương quyến rũ.
Thiền Ca 5 là Xuân: Vì thấy đến tận cùng bản chất tình yêu nên Xuân phải ra đời. Sự trực nhận ấy là thiền, là sức mạnh của sự sống.
Thiền Ca 6 là Chiều: Ta chưa ôm em, thì mất em. Mất mà không mất. Sắc tức thị không... Con người đã hòa nhập vào cuộc biến sinh, chấp nhận cuộc biến sinh với một tâm thân an lạc, bình yên. 
Thiền Ca 7, Người Tình. Tôi tổng kết đời tình, quan niệm và bản chất yêu đương của chính mình: vừa chung tình, vừa đa tình...
Thiền Ca 8, Răn. Thiền Ca này mở rộng tình yêu sang tình đời: ăn, chơi; sống, chết; yêu, ghét; khóc, cười; nhớ, quên... những yếu tố bao trùm tất cả nổi trôi của kiếp người. Tiếng nhạc, lời ca đơn giản tối độ, tối đa. Ăn cho vừa, chơi cho thật, sống cho thẳng, chết cho ngay... không có triết lý. Không cần triết lý. Sống và hát được như vậy đã là đời rồi, là đã đời rồi. Là cõi giác đấy!
Thiền Ca 9, Thiên Đường Địa Ngục: Nếu cõi đời là cõi tạm thì dại gì chúng ta không đi chơi cõi khác: tôi rong chơi nơi thiên đàng và địa ngục trong thiền ca này, thì mới hay thiên đường kia cũng tối om và tưởng địa ngục đen, ngục sáng hơn đèn. Thiền Ca phá vỡ ảo tưởng: tốt-xấu, trắng-đen, thiên đàng-địa ngục. Vì tất cả chỉ là tương đối. Bản chất con người đu đưa giữa hai bờ đen trắng. Vậy phân biệt làm chi?    
Thiền Ca 10, Nhân Quả: Bài hát kết thúc cuộc đăng trình bằng một vòng tròn, tròn như viên đạn, tròn như trái đất, tròn vòng vũ trụ, vòng tử sinh, vòng luân hồi, vòng tay ôm ấp, vòng thai bụng mẹ.... Từ viên đạn đồng, công cụ của chiến tranh, một thứ tay sai chuyên nghề sản xuất những vũng lầy xương máu, cũng trở thành hạt bụi. Hạt bụi tái sinh thành trái tim trên một trần gian yên lành, yêu thương, tha thứ...
Phạm Duy
Nguồn: Pham Duy’ Study 2007
Theo https://phamduy.com/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...