Như một cây cổ thụ nằm giữa cánh đồng không mông quạnh, mà
bóng mát của nó không ngừng tỏa xuống vùng đất đầy biến cố, Phạm Duy, người phù
thủy của âm thanh, thi sĩ của Ngàn Lời Ca, vẫn tiếp tục dâng hiến cho đời những
cung bậc đầy cảm hứng và nặng trĩu tư tưởng. Ở vào cái tuổi mà ai cũng nghĩ là
con người tài hoa kia đã thuộc vào một thế hệ đang qua hay đã qua, Phạm Duy vẫn
sáng tác không chỉ cho cái hiện tại mà còn cho cái sắp tới.
Phạm Duy ''rất trẻ'' trong nhiều nghĩa của từ ngữ quen thuộc ấy.
Chỉ còn 12 năm nữa thôi là chúng ta giã từ thế kỷ 20 để bước vào thế kỷ 21. Ông
làm chúng tôi ngạc nhiên về một sự nhắc nhở như vậy. Mười bài Rong Ca trong một
thứ Ch ươ ng Khúc của ông, chính là tiếng nói cho Thế Kỷ đó.
Nếu nói nghệ sĩ sáng tác không phải chỉ là một người làm sống
lại quá khứ, đưa ra một cái nhìn mới mẻ về hiện tại, mà còn phóng một cái nhìn
về tương lai thì Phạm Duy đã là, đang là một nghệ sĩ như thế. Một buổi chiều,
cuối tháng Hai, 1988, chúng tôi gồm 3 người, ở vào cái ''tuổi bản lề'' đã được
Phạm Duy mở rộng cánh cửa phòng ông mời vào nơi chúng tôi được dịp nhìn thấy
hai bức tranh Ngựa - một của Nhật Bản và một của Trung Hoa - cực kỳ xúc cảm
và nghe ông nói về những sáng tác mới nhất của ông. Minh họa cho những suy nghĩ
của Phạm Duy là âm thanh, âm điệu, âm nhạc.
Mở đầu cho Mười Bài Rong Ca là bản nhạc tình của tuổi 70, như
cách nói của ông cho ca khúc có tựa là Người Tình Già Trên Ðầu Non. Bài nhạc vẽ lên hình ảnh một người tình già đứng
trên đầu non, giữa đám mây buồn bã, trên vai tuyết đang tan dần, nhìn hoàng hôn
thoi thóp rồi lững thững bước xuống núi gặp lại người yêu, sống lại bốn mùa của
cuộc đời. Không, Phạm Duy nói người tình ấy không già. Cứ mỗi một bách niên,
người tình già kia hóa thân thành người tình trẻ sống lại với người yêu một cuộc
tình mới. Tính chất lạc quan tràn đầy trong các ca khúc lần này của Phạm Duy.
''Ðiều quan trọng không phải là sự trở về cội nguồn của những
chiếc lá chết, điều quan trọng là làm sao để hoa vẫn tiếp tục nở
rộ trên những cành khô''. Mười bài Rong Khúc của Phạm Duy dưới những hình thức
ballade đều nhằm minh họa cho tư tưởng mạnh mẽ ấy.
Như một người đứng trên đồi cao ngó xuống dòng sông lịch sử
trôi qua, người nghệ sĩ thấy được một câu hỏi nổi lên trong đầu mình: ''Một
trăm năm lầm lỗi sắp qua có thể là bài học tốt cho một trăm
năm sắp tới của chúng ta hay không?''
Ðó chính là một câu hỏi lớn không phải chỉ áp đặt cho một con
người, nó là câu hỏi được áp đặt lên 60 triệu con người Việt Nam, lên những kẻ
quyền lực cầm nắm vận mệnh của Dân Tộc: Chúng ta ngay bây giờ phải làm gì
cho Việt Nam của những năm 2000? Ðó là chủ đề của ca khúc Hẹn Em Năm
2000 và Mẹ Năm 2000.
Tự ví mình như một người phu làm nghề lượm xác chiến trường,
Phạm Duy cúi xuống nhặt xác thời gian, nhặt những điều buồn bã của thế kỷ, những
cuộc nội chiến, đi mang chôn vào Mộ Phần Thế Kỷ. Chôn đi những tên bạo chúa,
chôn đi Chủ Nghĩa, chôn đi Thần Ðói và chôn đi cả những yếu hèn của riêng từng
người trong chúng ta...
Chôn những yếu hèn và nhỏ nhen đầy thành kiến và cả lòng đố kỵ
của mỗi con người, ông muốn con người như Con Ngựa Hồng phi thân trên cánh đồng
hoang vứt bỏ yên cương tháo bỏ miếng da che mắt phóng vào cõi không.
Ðiệp Khúc của bài Rong Khúc thứ mười kéo dài chủ đề Ngựa Hồng
nói lên sự tái sinh, hóa sinh của người tình già trên đầu non, sau 100 năm
thành người tình trẻ:
Ta vứt sau ta những nẻo đường trần. Ta vứt bay
theo những nẻo đường tiên Nhưng nếu mai sau, ai gọi người Tình Anh
sẽ quay lưng bước về nẻo xanh. Phạm Duy trẻ mãi. Những bài rong ca của ông
nói lên điều đó. Trẻ Trung, Lạc Quan, Tin Ðời, Yêu Ðời... Phạm Duy rất gần
chúng ta, những người đang ở tuổi bản lề, những người đang bước qua ngưỡng cửa
của cuộc sống. Phạm Duy cũng đang rất gần gũi cả với những người sẽ lên 20 tuổi
vào năm 2000.
20-3-1988
Nguyễn Xuân Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét