Giọt mưa trên lá Nước mắt mẹ già...
Có lẽ tờ báo này (NƯỚC MẮT MẸ) đã tìm được tên của nó trong một bản tâm ca của Phạm Duy. Lần đầu tiên tôi nghe tâm ca là cũng tại phòng một anh sinh viên làm tờ báo này, một đêm đông lạnh lẽo ở Ðà Lạt. Cho nên lần đầu tôi cộng tác với tờ báo NƯỚC MẮT MẸ là để suy nghĩ về những bản tâm ca, hiện nay khá thịnh hành trong các giới sinh viên, học sinh. Nghĩ cái gì viết cái nấy, tôi không sắp đặt và cũng không muốn sắp đặt.
Tôi nhớ lại lần đầu được nghe tâm ca, tôi đã xúc động đến ứa nước mắt, và những lần sau này cũng vậy, đặc biệt là trong buổi viếng thăm Dòng Chúa Cứu Thế của phái đoàn Viện Ðại Học Vạn Hạnh, khi một số chủng sinh hát bài KẺ THÙ TA để tặng các vị Thượng Toạ.
Từng giọt, từng giọt, những lời ca (hay những lời thơ), những âm thanh nhỏ xuống hồn tôi như một thứ rượu ấm và ngọt. Tâm ca trầm buồn như những giòng ca vịnh (psaumes) hoặc những bài hát tinh ca (grégorien) cứ lập lại nhưng hát mãi không chán, và càng hát lại càng say, Tôi nghĩ nếu cứ hát hoài một bài bài như Giọt Mưa Trên Lá độ vài giờ thì có thể đi đến một trạng thái ''xuất thần'' như sau vài giờ ngâm nga kinh kệ.
Tâm ca có tác dụng truyền cảm mãnh liệt đối với tôi như vậy đó. Tất cả những ''tế bào tình cảm'' nơi tôi dường như nở ra để đón nhận tâm ca như những tế bào da thịt người nghiện rượu. Ðã lâu lắm rồi trên bãi sa mạc văn nghệ của cái miền Nam gọi là Tự do này, chưa nghe được lời ca nào chân thành như vậy. Nhưng đồng thời ngay từ buổi sơ giao, có một vài cái gì nơi tôi kháng cự lại tâm ca. Chưa bao giờ tôi ''hoà mình'' hoàn toàn với tình cảm tôi mỗi khi nghe tâm ca. Tôi vẫn nhìn tôi đang xúc động với một cái nhìn nửa nghi ngờ, nửa mỉa mai. Có tiếng động nhỏ nơi tôi dường như đang chế riễu phê bình không phải chế riễu phê bình Tâm ca, mà chế riễu phê bình tôi đang say sưa với tâm ca. Tại sao lại có sự mâu thuẫn đó?
Tất cả tình cảm của tôi là Tâm ca, và chắc chắn đó là tình cảm của rất nhiều người, của những đứa con lạc loài trên đất mẹ, ứa lệ nhìn quê hương nghiêng ngửa, tan nát vì bom đạn, phân tán bởi hận thù, sa đoạ trong tiền bạc và ước mơ một mùa xuân thanh bình, đoàn tụ, phục hưng.
Tôi sẽ hát to nhưng hát nhỏ hơn lời mọi người
Một ngày nao, một ngày nao nghe bỗng đầy vơi
Toàn dân tôi ca hát niềm vui
Toàn dân tôi ca khúc yêu đời
Một ngày tan chinh chiến thật rồi...
Một ngày nao, một ngày nao nghe bỗng đầy vơi
Toàn dân tôi ca hát niềm vui
Toàn dân tôi ca khúc yêu đời
Một ngày tan chinh chiến thật rồi...
Tâm ca là tiếng nói của lương tâm, lương tâm những người không chấp nhận: không chấp nhận chiến tranh, không chấp nhận oán thù, không chấp nhận sa đọa và nhất là không chấp nhận mọi thứ nhãn hiệu mà người ta dán lên để biện minh cho những thảm trạng ấy:
Ðể lại cho em một nước phân lìa
Ðể lại cho em một giống nòi chia
Hận thù nhân danh chủ nghĩa
Bạo tàn vênh vang bề thế ...
Ðể lại cho em một nước phân lìa
Ðể lại cho em một giống nòi chia
Hận thù nhân danh chủ nghĩa
Bạo tàn vênh vang bề thế ...
Không chấp nhận, đó cũng là một thái độ trí thức, do đó tâm ca đượm nhiều mầu sắc triết lý và được hưởng ứng nhiều nhất trong giới trí thức trẻ.
Không chấp nhận là để tạo cho mình một thế đứng thoải mái ở ngoài vòng tranh chấp, cũng không để biện minh một cách gian trá cho thái độ hèn nhát không dám dấn thân, mà chỉ vì không thể lựa chọn quá giản dị như người ta đòi hỏi. Không chấp nhận vì không phải có một cái nhìn dứt khoát chia đôi nhân loại làm hai phần ''tốt xấu'' vì không thể không thấy những bóng tối pha lẫn với ánh sáng của bên này lẫn bên kia, vì không thể nghe cái rỗng tuếch của những khẩu hiệu, danh từ. chủ nghĩa:
Kẻ thù ta mang áo mầu chủ nghĩa
Kẻ thù ta mang lá bài tự do
Mang cái vỏ thật to
Mang cái rổ danh từ ...
Kẻ thù ta mang lá bài tự do
Mang cái vỏ thật to
Mang cái rổ danh từ ...
Nhưng không chấp nhận là không có đất đứng, ngay trên mảnh đất quê hương. Bên này sẽ lên án Tâm ca là ''chủ bại'', bên kia sẽ lên án Tâm ca là ''tiểu tư sản, lừng khừng, lãng mạn, không phân biệt bạn với thù''. Và cả hai bên đều có lý, vì cả hai bên đều nói một thứ ngôn ngữ, nhưng không phải thứ ngôn ngữ của Tâm ca. Cách đây ít lâu trong một giờ chán nản, một anh bạn đã nói với tôi: 'Nhiều khi tôi muốn mua một chiếc ghe rồi chèo ra giữa sông Bến Hải nằm ì ra đó''. Ðúng là tâm trạng của một người không có đất đứng, cô đơn, ngượng nghịu, giữa những tiếng reo hò dồn dập xung quanh:
Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe không nghe
Thấy máu quân thù chỉ buồn và thề không uống
Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe không nghe
Thấy xác lăn quay không say không thích phanh thây.
Thấy máu quân thù chỉ buồn và thề không uống
Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe không nghe
Thấy xác lăn quay không say không thích phanh thây.
Và không đất đứng cũng là bất lực hoàn toàn trước thời cuộc. Sáng suốt và bất lực, đó là hai cái tội của người không chấp nhận:
Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già... Phạm Duy hát, tiếng súng cứ nổ và thiên hạ vẫn nghe súng nổ lớn hơn lời hát Phạm Duy. Những ước mơ được kết tinh trong Tâm ca có thể là mơ ước của đại đa số những người đang sống trên đất nước này. Nhưng đó chỉ là những ước mơ, mơ hồ như khói, lang thang như mây, đó chưa phải là những ý chí có thể kết hợp thành một ý chí để bột phát trong hành động:
Tôi sẽ hát to hơn những kẻ khơi ngọn lửa thù
Lời tôi ca, lời tôi ca như suối rừng thu
Lửa âm u ai đốt từ lâu
Miền quê tôi khan tiếng kêu gào
Lời tôi ca như nước nhiệm mầu
Thành mưa rơi cho dứt niềm đau...
Lời tôi ca, lời tôi ca như suối rừng thu
Lửa âm u ai đốt từ lâu
Miền quê tôi khan tiếng kêu gào
Lời tôi ca như nước nhiệm mầu
Thành mưa rơi cho dứt niềm đau...
Những người hát Tâm ca thừa biết tiếng hát của mình không thể to hơn được nên thật ra chỉ hát một mình vì không thể làm gì khác. Nhưng hát cũng đã làm một cái gì, nhất là khi người ta hát một cách say sưa. Cho nên Tâm ca vừa diễn dịch trung thực nỗi niềm của người hát, vừa gây cho người hát một ảo tưởng hành động xoa dịu cái cảm thức ''bất lực''.
Có lẽ vì thế mà Tâm ca đã làm cho tôi say sưa như một thứ rượu. Và đó là tác dụng ''hàm hồ'' (ambigu) của Tâm ca. Nó có thể gây một ý thức sáng suốt hơn trong giai đoạn này, góp phần đánh tan những huyền thoại, ảo tưởng, nhưng chính nó cũng có thể gây những ảo tưởng. Ngoài cái ảo tưởng hành động bằng lời hát (1) nó còn có thể cho người hát cái cảm tưởng có thể giải quyết mọi vấn đề bằng tình cảm, bằng sự cải thiện nội tâm:
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai?
Kẻ thù ta tên nó là gian ác
Kẻ thù ta tên nó là vô lương
Tên nó là hờn căm
Tên nó là hận thù...
Giết người đi thì ta ở với ai?
Kẻ thù ta tên nó là gian ác
Kẻ thù ta tên nó là vô lương
Tên nó là hờn căm
Tên nó là hận thù...
Ðiều này đúng nhưng chỉ đúng trên bình diện lý tưởng, nghĩa là đúng với một nhân loại thoát xác, độc lập với hoàn cảnh lịch sử, cơ cấu xã hội. Các nhà đạo đức đã ''cải thiện nội tâm'' trong mấy ngàn năm, nhưng phải đợi đến những cuộc Cách mạng thế kỷ thứ 19, 20 mới thấy thân phận con người dễ thở hơn một chút. Và không thấy có cuộc Cách mạng nào mà không đổ máu, Cái vấn đề là không thể không loại trừ một số người nếu muốn phục vụ con người. Muốn phục vụ những em bé vô tội, muốn loại trừ những mẹ mìn, muốn phục vụ những người ''em gái nhỏ'' ngây thơ theo mụ chủ nhà ma cạo thì phải diệt mụ chủ nhà. Trong lịch sử, không bao giờ có trạng thái ''hòa cả làng''. Tình tự dân tộc chỉ là một danh từ trống rỗng hoặc là một chiêu bài gian trá khi nào trong lòng Dân tộc không cò những người bị áp bức, chà đạp, bóc lột. Không có một ''tình tự dân tộc'' nào giữa ông nhà giầu xây buyn đinh cho Mỹ mướn và người nền nhân chiến tranh (2).
Bây giờ tôi hiểu tại sao có cái gì nơi tôi kháng cự lại Tâm ca Phạm Duy. Tình cảm tôi là tình cảm Tâm ca, nhưng lý trí tôi không chấp nhận Tâm ca. Không những vì cái hiểm hoạ ảo tưởng mà còn vì cái hiểm hoạ gian trá. Tâm ca hát lên niềm chua sót của những người không đất đứng vì không chấp nhận. Nhưng ngay sự chua sót này có thể biến thành một thứ khoái trá, kiêu hãnh kỳ dị: ''Tôi không đất đứng nhưng các anh là đồ ngu''. Mà có thật tôi không đất đứng chăng? Thực tế là ''tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn và tôi vẫn thở'' nghĩa là tôi không chấp nhận chiến tranh không? Thực tế là tôi vẫn chấp nhận chiến tranh, hơn nữa tôi cũng đã hưởng thụ chiến tranh ít nhiều, như tất cả những người dân sống trong thành thị mà khỏi phải đi lính, kể luôn Phạm Duy ''Tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn và tôi vẫn thở''.
Sở dĩ tôi còn có thể nói ''tôi không chấp nhận'' là vì tôi không phải hay chưa phải đi lính cho bên này hoặc bên kia. Nhưng đó chỉ là một cách nói. Nghĩa là sống ở Saigon tuy không giàu có gì nhưng cũng kể là ''sung sướng''. Muốn thực sự không chấp nhận thì phải có gan một mình vác biểu ngữ ra chợ Bến Thành và gánh chịu mọi hậu quả của hành động đó. Nhưng xuống đường tại Saigon là chỉ nói với những người ''bên này''. Còn những người ''bên kia'' thì sao. Vậy chỉ còn một giải pháp là chèo thuyền ra Bến Hải như anh bạn tôi, hoặc tuyệt thực như Bá Di Thúc Tề xưa. Nhưng có muốn làm những chuyện đó cũng không làm được. Có làm được chăng nữa, cũng không chứng minh được gì ngoài sự bất lực của mình. Cho nên tôi rất ngại ngùng khi nghe những lời kêu gọi Hòa Bình. Theo tôi nghĩ chỉ có hai hạng có quyền kêu gọi Hòa Bình: một là những nạn nhân chiến tranh, hai là những vị chân tu đại diện cho lương tâm nhân loại. Ngoài ra không ai có quyền nói tới Hòa Bình, đặc biệt là những sống trong thành thị, nghĩa là những người hưởng thụ chiến tranh. Hưởng thụ chiến tranh mà kêu gọi hòa bình, đó chỉ có thể là một thủ đoạn chính trị, hoặc nếu lời kêu gọi thành thật thì đó là một cách trấn an hơi dễ dãi đó. Những kẻ hưởng thụ chiến tranh không có quyền nói chuyện Hòa Bình, nhưng hơn ai hết, lại có bổn phận thiết thực là phải nhận định rõ rệt hoàn cảnh thực tế, hầu tìm những phương thức hữu hiệu nhất để thực hiện Hòa Bình, không phải cái Hòa Bình lý tưởng chưa thể có cái Hòa Bình thực tế có thể có, dù là thứ Hòa Bình què quặt, méo mó, không thoả mãn những ước mơ một ngàn năm cũng ăn thua gì. Vấn đề là làm thế nào để ước mơ thành ý chí và ý chí thành hành động. Cái nguy hiểm của tâm ca Phạm Duy là có thể làm cho người hát dừng lại ở ước mơ.
Ca hát thì dễ, hành động rất khó. Ca hát đem lại say sưa, hành động dễ gây chán nản. Ca hát là trong sạch, hành động là bẩn tay. Ca hát gây thông cảm giữa những người hát, do đó cũng thỏa mãn tức khắc cái ước vọng hòa bình bằng cách phủ nhận, nhưng phủ nhận một cách ma thuật (magique) nghĩa là phủ nhận trong nội tâm mình những mâu thuẫn hiện đang xâu dé dân tộc. Hành động trước hết là nhìn nhận những mâu thuẫn này, là biết rằng không thể chấm dứt chúng bằng tình cảm hay thiện chí mà có thể chỉ giảm bớt chúng bằng cải tạo lâu dài hoàn cảnh lịch sử, thiết lập một thế quân bình nào đó giữa các lực lượng mâu thuẫn. Vấn đề này cũng giống vấn đề chủ quyền. Tranh đấu cho chủ quyền bằng cái ''chửi Mỹ'' thì rất dễ và tạo cho chúng ta cái vẻ anh hùng hoặc quân tử. Bây giờ có vô số người chửi Mỹ không chửi thẳng thì cũng chửi bóng chửi gió. Cứ đọc báo hằng ngày là thấy có người chửi thành thực, có người chửi để ra vẻ ta đây. Nhưng chửi một ngàn cũng chẳng ăn thua gì. Và ai có quyền chửi Mỹ? Chắc chắn không phải những người đang sống, ăn và thở nhờ đô la Mỹ, nghĩa là tất cả chúng ta. Cái thực tế nó chua cay phũ phàng như vậy đó. Chúng ta không có quyền chửi Mỹ nhưng hơn ai hết lại có bổn phận giành lại chủ quyền, không bằng những thái độ anh hùng rơm mà bằng hành động.
Ca hát thì dễ, hành động rất khó. Ca hát đem lại say sưa, hành động dễ gây chán nản. Ca hát là trong sạch, hành động là bẩn tay. Ca hát gây thông cảm giữa những người hát, do đó cũng thỏa mãn tức khắc cái ước vọng hòa bình bằng cách phủ nhận, nhưng phủ nhận một cách ma thuật (magique) nghĩa là phủ nhận trong nội tâm mình những mâu thuẫn hiện đang xâu dé dân tộc. Hành động trước hết là nhìn nhận những mâu thuẫn này, là biết rằng không thể chấm dứt chúng bằng tình cảm hay thiện chí mà có thể chỉ giảm bớt chúng bằng cải tạo lâu dài hoàn cảnh lịch sử, thiết lập một thế quân bình nào đó giữa các lực lượng mâu thuẫn. Vấn đề này cũng giống vấn đề chủ quyền. Tranh đấu cho chủ quyền bằng cái ''chửi Mỹ'' thì rất dễ và tạo cho chúng ta cái vẻ anh hùng hoặc quân tử. Bây giờ có vô số người chửi Mỹ không chửi thẳng thì cũng chửi bóng chửi gió. Cứ đọc báo hằng ngày là thấy có người chửi thành thực, có người chửi để ra vẻ ta đây. Nhưng chửi một ngàn cũng chẳng ăn thua gì. Và ai có quyền chửi Mỹ? Chắc chắn không phải những người đang sống, ăn và thở nhờ đô la Mỹ, nghĩa là tất cả chúng ta. Cái thực tế nó chua cay phũ phàng như vậy đó. Chúng ta không có quyền chửi Mỹ nhưng hơn ai hết lại có bổn phận giành lại chủ quyền, không bằng những thái độ anh hùng rơm mà bằng hành động.
Tóm lại vấn đề chính yếu vẫn là làm sao cho những người không Cộng Sản thoát khỏi tình trạng ''giỏ cua'' (hoặc tình trạng ''cái bị'' theo lời anh Nguyễn Văn Trung) để biến thành những lực lượng thống nhất, tiến bộ, hữu hiệu để có thể góp một phần quyết định và việc giải quyết những vấn đề căn bản của đất nước. Ðó là mảnh đất duy nhất chúng ta có thể đứng mà không hổ thẹn, không gian trá với chúng ta cũng như với kẻ khác. Nhưng không trèo qua núi là không bao giờ thấy được chân trời của mùa xuân đoàn tụ, phục hưng. Cái hiểm hoạ của tâm ca là gây cho ta cái ảo tưởng đã trèo qua núi rồi, vì lời ca có thể ''cao ngút Trường Sơn'' trong khi thể xác vẫn nằm dưới chân núi.
Tôi cám ơn Phạm Duy đã sáng tác tâm ca, ít nữa là cám ơn những giây phút say sưa chân thực mà tôi đã được hưởng khi nghe tâm ca. Văn nghệ sĩ là đứa con của thời đại nghĩa là của chính mình trong những sáng tác văn nghệ. Trên khía cạnh này, Phạm Duy đã làm tròn bổn phận bằng cách kết tinh những nỗi niềm chua sót của một số người trí thức sống trong thành thị, trong những lời ca thống thiết.
Ðiều tôi ngại là tác dụng khách quan của Tâm ca, nhất là trong giới sinh viên, học sinh, nghĩa là cái hiểm hoạ ảo tưởng và gian trá mà nó có thể tạo nơi người hát. Hát Tâm ca thì cứ hát, nhưng đồng thời cũng nhưng đồng thời cũng nên kháng cự lại Tâm ca, đó là kinh nghiệm bản thân của tôi vậy.
Ghi chú:
(1) Ảo tưởng nơi người hát chứ không phải nơi Phạm Duy.
(2) Có lẽ ảnh hưởng của Tâm ca mà anh Nguyễn Văn Trung trong bài ''Vấn Ðề Chúng Ta'' (NƯỚC MẮT MẸ số 2) đã hỏi tại sao cứ mãi lên án gian thương VN mà không chĩa mũi dùi vào gian thương ngoại quốc. Gian thương Việt, Tây hay Tàu đề là cá mè một lứa, tại sao lại phải khoan dung với gian thương Việt chỉ vì là người Việt? Nếu vì ''tinh thần đối thoại'' mà phải đối thoại với cả gian thương thì tôi xin đầu hàng. Do đó cần phải xác định lại rõ rệt thế nào là ''chấp nhận nhau'' giữa những người ''không Cộng Sản''.
(2) Có lẽ ảnh hưởng của Tâm ca mà anh Nguyễn Văn Trung trong bài ''Vấn Ðề Chúng Ta'' (NƯỚC MẮT MẸ số 2) đã hỏi tại sao cứ mãi lên án gian thương VN mà không chĩa mũi dùi vào gian thương ngoại quốc. Gian thương Việt, Tây hay Tàu đề là cá mè một lứa, tại sao lại phải khoan dung với gian thương Việt chỉ vì là người Việt? Nếu vì ''tinh thần đối thoại'' mà phải đối thoại với cả gian thương thì tôi xin đầu hàng. Do đó cần phải xác định lại rõ rệt thế nào là ''chấp nhận nhau'' giữa những người ''không Cộng Sản''.
Lý Chánh Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét