Theo những dấu mùa cùng
Trên tay
tôi là tập tản văn “Bếp lửa tuổi thơ” - tập sách đầu tay của thầy giáo trẻ Nguyễn
Thế Lượng (trường trung học phổ thông Hạ Hòa), hội viên Hội Liên hiệp Văn học
nghệ thuật Phú Thọ. Sách do nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành tháng
6-2017, dày 162 trang.
Cuốn sách có bìa khá đẹp,
khổ 13x19 xinh xắn, dung lượng vừa phải rất phù hợp với mọi lứa tuổi độc giả.
Tôi đã đọc Nguyễn Thế Lượng khá nhiều trên các báo chí trung ương và địa phương
nhưng để thành tập, có hệ thống, định hình tên tuổi thì đây là tập sách đầu
tiên của anh. Được nhà xuất bản Quân đội nhân dân in ấn, phát hành không phải
chuyện dễ. Tác phẩm đó phải hay, tạo dấu ấn, nâng cao nhận thức thẩm mỹ cho bộ
đội nói riêng và bạn đọc nói chung. “Bếp lửa tuổi thơ” đã đạt được yêu cầu đó.
Tôi
háo hức lần dở từng trang, đọc mê mải từ đầu đến cuối cuốn sách. 39 tản văn như
39 bài thơ đã cuốn hút tôi bởi cách dẫn dắt, văn phong mượt mà, kỷ niệm tuổi
thơ đầy ắp của tác giả. Cảm nhận đầu tiên của tôi về tập sách này đó là những kỷ
niệm tuổi thơ rất gần gũi, rất đời thường được Nguyễn Thế Lượng gom nhặt, thổi
hồn, chắp cánh cho bay lên. Toàn những thứ quanh mình, gắn bó với mình thời thơ
bé. Từ “hơi ấm ổ rơm”, “thơm thảo món quà quê” đến “giàn bầu của mẹ”, “giàn trầu
của bà”. Từ “bát canh rau sắn”, “vại dưa” đến “chè con ong”, “nồi nước vối”. Rồi
thì rơm vàng, nón lá. Rồi thì rô đồng, cua đồng. Rồi thì nữa trái thị, vườn cà…
Thôi thì đủ cả. Toàn những thứ nhà quê dưới con mắt trẻ thơ, theo con chữ của
tác giả cứ lần lượt rủ nhau mà tìm về.
Chỉ nói về mùa thôi, ngay trong những tiêu đề các tác phẩm,
Nguyễn Thế Lượng đã dắt tôi đi qua 14 mùa của anh rồi. Xin được điểm danh nhanh
về 14 mùa này: mùa sen, mùa gặt, mùa khế, mùa gieo hạt, mùa dâu gia, mùa ấu,
mùa mít, mùa hoa gạo, mùa nhót, mùa hoa bưởi, mùa lúa, mùa hoa xoan, mùa hoa bưởi,
mùa lũ và mùa khai trường… Chiếm đến gần nửa số tản văn trong tập sách anh viết
về mùa. Dấu ấn thời gian, dấu ấn không gian phải in đậm trong anh lắm mới viết
được như thế. Mùa nào của anh đọc lên cũng thấy thân thương, nhung nhớ đến lạ kỳ.
Thử theo anh về mùa mít này nhé. “Không cần trèo lên vỗ hay
dùng cây sào đập, chúng tôi chỉ cần quan sát và theo dõi lũ bướm bay lượn trong
khu vườn. Nếu bướm dừng và đậu lâu ở quả nào thì quả đó sẽ chín. Đúng như vậy,
một quả chín, hai quả chín rồi khắp khu vườn rợp cánh bướm, chim chào mào và
mùi thơm mát dịu lan tỏa khắp nơi, đó là mùa mít chín”.
Còn đây là mùa khế: “Vào dịp tháng ba, tháng tư, khế bắt đầu
trổ hoa. Từ những cành cây khẳng khiu, những chùm nụ khế bắt đầu trào ra lúc
nào mà chúng tôi rình mãi cũng không sao thấy được. Rồi từng chùm, từng chùm
hoa khế thi nhau nở rộ. Những chùm hoa khế tím ngắt xen lẫn màu trắng hồng ở giữa
nhụy hoa và màu đỏ của cuống hoa cứ lấp ló, ẩn hiện trong tán lá xanh. Ánh nắng
mặt trời chiếu xuống xuyên qua những kẽ lá làm cho hoa khế tô điểm thêm sắc màu
bóng sáng, ấm áp…”.
Và đây là mùa dâu da: “Khi mùa hạ về, trong những khu vườn
quê, những cây dâu da đất bắt đầu chín quả”. “Hiếm có loài cây nào lại sai quả
đến vậy. Quả mọc chi chít thành từng chùm từ gốc đến ngọn trông sao mà đẹp, mà
vui mắt đến thế. Quả còn mọc ra cả những cành la, cành ngọn, những kẽ lá”…
Lại nữa, đây là mùa nhót của Nguyễn Thế Lượng. “Sau Tết
Nguyên đán, khi người ta đã ngán những món ăn như thịt mỡ, bánh chưng thì tự
nhiên lại thèm ăn quả nhót chua để lấy lại cái cảm giác của vị giác. Bởi thế,
không chờ đến tháng ba, nhót đã mọc chi chít ngay từ tháng giêng rồi. Khi ấy,
quả nhót bé tí bằng đầu đũa, phấn bọc trắng quả, xoa mãi vào quần cũng không hết
được…”.
Còn nhiều mùa lắm. Những 14 mùa trong tập sách này cơ mà. Tôi
không thể điểm hết ra đây được, chỉ chọn mấy mùa “đặc biệt” với tuổi thơ để mọi
người cùng cảm nhận. Với tài quan sát và tâm hồn nhạy cảm trước thiên nhiên từ
nhỏ, bằng tài sử dụng ngôn ngữ hình ảnh hiện thời của mình, Nguyễn Thế Lượng đã
đưa tôi về thế giới tuổi thơ cùng anh qua những mùa quê thật dân giã và đẹp đẽ
biết nhường nào. Tôi bỗng thấy như mình đang tuổi chín, mười chạy nhảy nô đùa
cùng lũ trẻ trâu, trốn tìm trong những vườn quả, mồm miệng lấm lem, mặt mũi
nhem nhuốc vì leo trèo, hái quả, vì tranh giành nhau xanh sít sống sượng, rồi
ôm nhau nắc nẻ mà cười. Ôi, tuổi thơ! Cứ theo tháng, theo mùa mà chúng ta lớn
lên!
Không chỉ theo dấu mùa, Nguyễn Thế Lượng còn dẫn dắt độc giả
về những dấu mốc thời gian cụ thể. Đó là “Chiều ba mươi Tết” với không khí rộn
ràng đón xuân, đoàn tụ gia đình, dọn dẹp nhà cửa với những nghi lễ thật thiêng
liêng…để rồi “Biết bao cái Tết cổ truyền của dân tộc mình, làng quê mình đã qua
và lại trở về, chúng tôi đã khôn lớn, nhưng có lẽ cứ vào ngày tất niên, những
ký ức êm đềm, thân thương nơi mái nhà xưa của mẹ lại hiện về…”. Đó là “Tháng
Giêng thương nhớ” với mùa lễ hội trống dong cờ mở, lũ trẻ “vừa thích thú,
vừa tò mò lại vừa sợ hãi khi nhìn những ông thần, ông bụt được thờ trong những
ngôi đền, ngôi chùa của làng”, với “mùa mẹ tra hạt giống trên nương, ngoài đồng
bãi”, còn “lũ trẻ chúng tôi lại lên núi hái rau rừng”… Đó là “Tháng Tư nhớ
vườn cà của mẹ” để thấy “thú nhất là lúc cà rụng rốn ra quả. Vào những lúc
ấy, mẹ dặn chúng tôi không được xuống vườn cà nhiều bởi sợ những “chú” cà con
“phải vía” không mọc thành quả được”. Rất hồn nhiên trẻ con mà tin tới tận
bây giờ. Đó là “Tết mùng Năm tháng Năm” để sáng sớm ngày đó, “ngay sau khi
thức dậy, mỗi người phải tự mình làm những thủ tục diệt sâu bọ” “khoảng bốn,
năm giờ sáng, bà tôi lấy vôi ở bình quệt vào lòng bàn chân, lòng bàn tay, lên cổ,
lên trán từng đứa một” “để cho sâu bọ bị tiêu diệt không bò lên mọi người nữa”.
Cái tục lệ ấy, giờ đây mấy nơi còn giữ được. Lũ trẻ ngày nay ở phố liệu có hiểu
không? Đó còn là “Tháng Tám mùa thu ngày khai trường” với bao háo hức tuổi
học trò chuẩn bị bước vào năm học mới sau ba tháng nghỉ hè…
Cứ thế, theo mùa, theo tháng, theo ngày, ký ức tuổi thơ của
tác giả cứ hiện về với những câu chuyện hồn nhiên, thơ ngây, trong trắng lôi cuốn
độc giả. Hành trình trở về tuổi thơ cùng Nguyễn Thế Lượng cũng thú vị đấy chứ.
Đồng thời với những trò vui con trẻ, với những hoa trái vườn
nhà, Nguyễn Thế Lượng còn cho độc giả thưởng thức những món quê thật đậm đà.
Này là cá rô đồng rán giòn, “béo cong lên vàng suộm, thịt trắng và thơm” cùng
với húng láng, rau mùi tàu, kinh giới. Rồi cá rô kho khế. Này là vại dưa cải ngồng,
dưa su hào chỉ có mẹ ở quê mới biết làm và mới ngon đến thế. Này là bát canh
cua đồng “có màu xanh ngắt của lá rau, màu vàng của gạch cua và màu nâu sẫm của
thịt cua” để những trưa hè oi ả ăn vào mới mát lòng mát dạ làm sao. Rồi thì
canh rau sắn, chè con ong, nồi nước vối… Chỉ đọc thôi đã thấy tứa nước miệng
thèm lắm rồi. Tác giả thật tinh tế quan sát từ cách bắt cá, mò cua, hái rau,
tìm nguyên liệu đến cách chế biến, thưởng thức phải nói là rất sành điệu. Chả
thế mà anh lại viết được hay như thế.
Tản văn là một thể loại văn học dễ viết nhưng khó hay. Người
viết phải rung cảm sâu sắc, quan sát tỉ mỉ, câu chữ phải chọn lọc, tượng hình,
tượng thanh phải uyển chuyển để khi đọc lên nó mềm mại, mượt mà, ngân nga như
thơ. Tản văn rất gần với thơ. Nhiều tản văn hay như những bài thơ văn xuôi. Tả
cảnh, tả tình, dẫn chuyện hài hòa, vừa tung tẩy bứt phá, vừa bám chắc chủ đề dẫn
dắt người đọc. Gắn được những vấn đề hiện tại, mang hơi thở cuộc sống đương đại
thì tản văn càng hấp dẫn hơn. 39 tản văn trong tập “Bếp lửa tuổi thơ” của Nguyễn
Lượng rất mượt mà, rất thơ rồi thế nhưng anh mới chỉ dừng lại ở hoài niệm, ký ức.
Thì thế tập sách mới có tên là “Bếp lửa tuổi thơ”. Giá như anh bứt phá hơn nữa,
mạnh dạn hơn nữa chắc chắn sẽ thành công hơn.
Trong nhịp sống xô bồ, hối hả hôm nay, tản văn làm cho con
người bình tĩnh lại, sống chậm lại, yêu thiên nhiên hơn, thương yêu nhau hơn. “Bếp
lửa tuổi thơ” đã làm được điều đó. Phải nói rằng, cuốn sách này rất đáng đọc.
Trẻ đọc để học làm văn, làm người. Trung tuổi trở lên đọc để nhớ về quá khứ, sống
chậm lại, yêu đời, yêu nhau hơn. Là tập sách đầu tay, đó là thành công của tác
giả Nguyễn Thế Lượng. Xin chúc mừng anh và chờ đón những tác phẩm sau hay hơn nữa.
Đỗ Xuân Thu
Theo http://vannghedatto.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét