Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018

Gánh nỗi quê nhà; Khe Mây; Có những con đường

Gánh nỗi quê nhà; Khe Mây; 
Có những con đường
Người ra đi có đôi dòng lệ… Không hiểu sao khi nghe câu hát này của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi thường nghĩ đến những người xa xứ. Người phải rời bỏ quê hương mình mà đi, chắc trong tâm họ buồn ghê lắm.
Tôi có nhiều người bạn, người quen… phải rời bỏ quê hương mà đi như vậy. Mỗi người một nỗi niềm, mỗi người một tâm trạng, một cách đi, lối đi khác nhau. Nhưng chung thảy đều gánh trong lòng một nỗi buồn vô hạn khi nói về quê hương.
Và mỗi khi nghĩ về điều đó, tôi lại để trí nhớ của mình quay về với mảnh đất mà tôi đã một thời sống, một thời yêu và bây giờ quay quắt nhớ. Cái vùng đất nhỏ nhoi bình dị nằm một rẻo ngang ngang hiền hiền tội nghiệp vắt từ biển Đông sang núi tây, nằm gọn gọn trong lòng hai đầu đất nước, cái dáng nằm đằm địa dịu dàng hơi hơi tội nghiệp khiến ai đi ngang qua cũng thốt lên: Quảng Trị máu lửa, Quảng Trị hoa lửa và Quảng Trị đến giờ vẫn còn nhọc nhằn gian khổ, mà đi qua một lần thì khó có thể quên.
Quảng Trị với tôi bắt đầu từ tháng 6 năm 1989. Nếu ngày đó, cái tên Bình Trị Thiên không chia ba thì bây giờ Quảng Trị trong tôi có lẽ không nồng nàn đến thế. Những chuyến xe cấp tập, vội vã, rộn ràng đã đưa những gia đình chúng tôi từ Huế về Quảng Trị, Quảng Bình, chở theo bao nỗi háo hức của những người con về xây dựng lại quê hương, những ánh mắt tò mò của bao đứa trẻ chưa từng bước chân ra khỏi thành phố, chở theo nỗi nhớ ít ỏi của thành phố cố đô mơ mộng trong tâm trí non nớt của chúng về lại nơi cha mẹ chúng đã ra đi. Một trong những chuyến xe đó, đã đưa tôi rớt xuống ở Đông Hà.
Từ đó, Đông Hà thành một xứ sở yêu thương.
Đông Hà thuở những năm cuối của thế kỷ hai mươi hiền lành trong cái vẻ ngổ ngáo của một người con trai mới lớn. Đừng tìm ở đó cái dịu dàng yểu điệu, không có đâu. Đông Hà nhiều bụi đỏ, cơ man nào là gió Lào. Chỗ ngồi nào cũng khô khốc. Cái nhìn nào cũng rát đau bỏng cát. Bàn tay nắm dấp dính nhiều mồ hôi. Những con đường lên dốc xuống đèo đạp xe rạc cả người… Lại còn nghèo nữa. Thời đó và rất lâu cho sau này, tìm một nhà hàng sang trọng để đãi nhau ở xứ này thật khó. Bởi quán nào cũng ngang ngang nhau, bình dân, đơn giản cho một bữa ăn no là đủ. Quán cà phê cũng vậy. Đừng cầu kì kiểu cách một thức gì màu mè ở đó, hầu hết đều vách tre mái tranh, ngồi nghe gió ngoài kia rần rật thổi, thì người nói chuyện với nhau cũng phải “hét” lên mới nghe được. Nên khó mà thấu hiểu được nhau, nếu đến đây chỉ mang theo cái dịu dàng.
Đó. Đông Hà thời tôi lớn lên, chỉ nghèo nghèo tội tội rứa thôi, có chi mô, mà nhớ đến giờ chưa dứt.
Thì nhớ, là nhớ cái tình ở đó. Nhớ những con người ở đó. Nhớ những nơi mình đã từng qua, vô tình hay cố ý, đã bỏ một chút tình ở lại.
Như cái cách khi tôi nhớ về những xóm nhỏ ven sông. Bây giờ gọi là phố ven sông thì đúng hơn bởi con đường Hoàng Diệu đã được mở rộng một cách sang trọng. Những hàng cây mơ mộng được trồng lên, những quán sá được trưng ra, con đường đi mỗi sớm mai thanh bình mỗi hoàng hôn lãng đãng. Có lần về lại, được bạn dẫn ra đây, bảo: Đông Hà có đường này mới, đẹp lắm, đãi em vòng quanh một bữa. Nghe mà phì cười. Con đường xưa em đi… là đây ạ. Nhưng thời đó, không lộng lẫy sang trọng thế này đâu, thuở ấy chỉ lắm bưởi nhiều hoa và đã cố tình chọn đường xa để được qua nhà đấy thôi…
Lối ấy xưa mỗi lần qua thường gọi là đi về làng. Cái tên Đông Giang nghe điệu điệu nhưng kì thực thì làng quê vẫn hiền hòa thanh bình muôn thuở. Những buổi nghỉ học, chúng tôi thường dắt díu nhau đạp xe qua đó. Chỉ cần quen một người đầu làng là có thể tha thẩn đi hết nhà này qua nhà khác đến cuối xóm. Hồi ấy, kì thực chúng tôi chỉ có mỗi một nhà của người bạn học ở bên đó, mà không hiểu sao mỗi lần qua lại ở chơi miên man từ chiều đến tối, ăn uống đủ thứ khoai sắn bánh trái đến no kềnh càng mới về. Chỉ đơn giản như này: đến nhà bạn, có người hàng xóm dói qua, ai rứa? Dạ, bạn con bên Đông Hà qua chơi. Ờ, có mấy cây ổi ngoài vườn đang chín đó, mấy đứa qua coi trèo hái mà ăn… Rứa thôi. Là kéo nhau ầm ầm lũ lũ qua. Rồi nhà bên cạnh lại ới qua: ai đó? Dạ, bạn con… Mà thành dây thành dòng dắt đi từ nhà này sang nhà khác. Ồn ã rộn ràng thành quen thì “bữa sau có ngày kị nhất định tụi bây phải về cho bằng được”. Rồi ngày “tết đi mô thì đi, bây không về đây thì bánh tét trừa phần bây còn để đó cho siu”.
Chỉ chừng ấy thôi, mà đi đi về về, đến độ con nước quen lúc nào lên lúc nào xuống còn đọc được. Đến độ cái bến ven sông đếm được đủ bao nhiêu hoa nắng lao xao của những buổi trưa giận ai không muốn về bèn tìm ra ngồi đùa khóc với nước.
Giờ mỗi dịp về lại, con đường xưa đẹp đẽ lên nhiều, đi thật chậm mà hình dung xưa đó ngang đây, ai đó nói câu gì… Trí nhớ rồi cũng có lúc quên, nhưng kỉ niệm thì vẫn còn in mãi, để làm thành một dấu yêu cho cái tâm hồn yếu đuối luôn phải mạnh để sống với cuộc đời.
Nên dẫu một làng quê nhỏ bé của thiên hạ, nhưng khi mình đã từng một thời cùng sống, thì tự dưng đã thành thân thiết vô cùng trong từng nỗi nhớ của tâm thức. Mới hay, quê nhà đâu chỉ phải là nơi có bàn thờ ông cha để lại, quê nhà đôi khi chỉ là một nếp quen mà mình đã được dự phần vào đó, đã được sống dù chỉ là ngắn ngủi. Mới hay, câu thơ của Chế Lan Viên “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” vì sao mà sống mãi.
Cũng từ đó, mới thấu hiểu cái nỗi lòng của một người xa xứ phải gánh nỗi quê nhà mà đi…
Khe Mây
Nơi tôi cùng gia đình trú thân trong những ngày đầu về Quảng Trị là một khoảnh đất nhỏ trên đồi Khe Mây. Những năm tháng đó, hình ảnh chú bộ đội vẫn đẹp sao trong mắt những bé thơ như tôi nên việc tá túc trong những căn phòng bỏ hoang của đồn 968 nghe như một niềm vinh hạnh.
Ở đó, sáng sớm lũ nhít chúng tôi hân hoan dậy sớm trèo lên đồi ngó xuống kia hàng đoàn quân sắp hàng hát vừng đông hửng sáng để… đi ăn cơm.
Ở đó, chiều chiều lũ nhít chúng tôi hân hoan kéo nhau ra dòm các chú rèn luyện thân thể một cách lành mạnh bằng những xà đơn xà kép những bóng chuyền bóng đá hùng dũng uy nghiêm và mở to mắt dòm thán phục.
Ở đó có tình quân dân sáng ngời qua mỗi tối tối, các chú đeo quân hàm sáng choang ghé qua ủy lạo xóm cư dân mới mẻ đầy tình nghĩa…
Ba tháng ở Khe Mây không dài, nhưng tôi vẫn nhớ như in cái căn phòng hun hút gió mình đã ở. Cái giếng cũ kỹ ken đầy lau sậy mà bữa mới đến, người lớn phải mượn dao rựa phát quang. Sau sợ lũ nít chúng tôi té nên ai đó sáng kiến lấy cái nong úp lại, chiều về mới mở ra dùng.
Ba tháng ở đó trôi qua yên bình đầy tò mò của lũ trẻ và háo hức của người lớn. Thuở ấy, chúng tôi thực chưa hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra. Nhưng có một điều chắc chắn, là sau này tôi mãi mãi không quên được cái nơi chốn bé nhỏ mà đầy thân yêu. Cái thân yêu nhỏ thôi. Nhưng đôi khi lại nuôi đủ tình yêu của một đời người.
Có những con đường
Có rất nhiều con đường mình đã đi qua. Con đường nắng, con đường mưa, con đường lưa thưa những nốt tình thơ dại. Một hôm ra đi mãi mãi, chẳng bao giờ còn cơ hội ghé về thăm.
Sẽ nhớ mãi một con đường xiêu gió bạt ngàn. Con đường mà tuổi thơ cơ cực đã gánh bao nhiêu nỗi mồ côi một mình lặn lội. Con đường ấy những chiều cả gió, bão bùng như lùa trên vai một cô bé con qua. Con đường ấy đã từng thèm biết bao một cái chìa tay của ai đó may ra chia sớt bớt gánh nặng của gánh củi nhỏ chút chiu trên vai. Con đường đó còn nứt nẻ dấu chân chim của những chiều rét cắt lòng hút theo dấu chân của lũ cua đồng loăng quăng nghịch ngợm. Con đường có bước chân lơ đễnh đến trường ê a ba chữ i tờ mà không hề biết đó là cái sự học. Con đường lúc thúc một mình qua những ngơ ngác tuổi thơ.
Sẽ nhớ mãi một con đường có nhiều bông điệp bay. Đông Hà những năm chín mươi của thế kỷ hai mươi không nhiều hoa mộng. Chỉ nắng và gió rát mặt điếc tai. Nhưng có hề chi với những tâm hồn giàu tưởng tượng và hào phóng mộng mơ. Những con đường ở đó mãi mãi đẹp nhất trong tâm tưởng của một thế hệ học trò đã từng lớn lên và ra đi từ đó. Không hiểu sau này, những người trẻ tuổi sống thế nào, chứ thời của chúng tôi, những con đường đất đỏ ấy đáng yêu chi lạ. Những con đường đếm không biết bao nhiêu bước chân đi về của những cái đuôi lơ ngơ lác ngác. Những con đường ngập tràn bông điệp trẻ mới đơm hoa, một sớm tinh sương có lũ choai choai kéo nhau ra đứng ngẩn ngơ nhìn. Con đường dốc đèo không có ý nghĩa với những chiếc xe đạp cà tàng, kéo nhau đi hết nơi nầy đến nơi khác để cuối cùng lại về hội ngộ ở quán Cheo Leo. Ấy là cái tên tự đặt. Quán nằm trên một triền đồi còn sơ khai của một vùng đất thị xã. (Mà bây giờ đã phẳng lỳ vì nằm ở chốn trung tâm). Quán không có gì đặc biệt. Chỉ duy nhất một bức tranh Khánh Ly trên bìa băng (thời đó chưa có đĩa) “Vũ nữ thân gầy” được chủ quán thuê vẽ lại thật lớn treo trên vách tre của quán. Mà cũng buồn cười anh chủ quán. Nghe đâu để vẽ được bức tranh đó, anh đã phải “luồn” của vợ đến trăm rưỡi ngàn.
Thời đó số tiền ấy là cả gia tài, khi mà café chỉ bán ly một ngàn, dám đầu tư ngần ấy tiền cho cái sự thích của mấy cô nhóc học trò sớm biết nghe nhạc Trịnh là điều đáng nể. Mỗi lần thấy mấy cô nhóc (thường một cô thì đúng hơn), anh lại mở Khánh Ly, nghe thương chi lạ. Giờ đi quán nào, có yêu cầu đến rã họng, thì cũng phải nghe nhạc chung với thiên hạ. Sau nầy đi xa, trở về tìm lại quán không còn nữa. Người ta cho người khác thuê đắt tiền hơn, dựng lại quán chắc chắn hơn, không còn Cheo Leo nữa. Mà không còn cheo leo, mình làm sao lên đó ngồi được? Khi mà trái tim đến giờ dường như vẫn chưa chịu hết cheo leo.
Sẽ không hết được cái cảm giác mình đang đi trên một con đường. Đến giờ vẫn còn đi. Không còn những cơ cực tuổi thơ. Không còn những bông điệp vàng xao xác dưới chân đi. Chỉ là những cung đường rộng hẹp, lúc lụa là óng ả, lúc khúc khuỷu gập ghềnh như con đường Kiều đến Lâm Truy, lúc lại quanh co đồi núi… Khúc đường nào rồi mình cũng phải đi qua. Có lúc còn qua sông trên những chuyến đò phó thác nữa kìa. Đi như một hành trình không ngơi nghỉ của phận người. Đi như một thói quen. Mà sao lúc nào cũng âu lo thấp thỏm. Sao lúc nào cũng cảm giác lạnh cóng cả đôi vai. Cuối con đường kia là cái gì đang đợi mình đây? Bông điệp vàng của một thời hoa mộng? Hay những âu lo đang trổ bông chờ mình đến hái? Có người nào đó bảo rằng. Em hãy cứ đi, cuối đường xa chắc chắn có anh đang đứng đợi. Bật cười. Người đợi người. Thế thì cần gì mà phải mê mải đi cho mệt. Cứ kiếm một gốc cây cùng ngồi lại, thế có khoẻ hơn không? Ấy thế mà không, và con đường cuối tầm mắt vẫn chưa bao giờ ngừng xa mãi, cũng như mình trước đây, bây giờ, và mai sau nữa, chưa bao giờ ngừng đi…
Đông Hà 
Nguồn: Tạp chí Cửa Việt số 283, 4 năm 2018
Theo http://www.tapchicuaviet.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...