Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Vị trí nào cho tục ca

Vị trí nào cho tục ca?  
Tục ca và vỉa hè ca được Phạm Duy sáng tác từ 1968-1972. Nhưng cho đến nay thể loại này dường như vẫn còn mới mẻ đối với người thích nghe nhạc Phạm Duy. Hình như nói đến Tục ca là người ta có “phản xạ tự nhiên” là phải phê phán nó. Tục ca là loại ca khúc bị phê bình nhiều nhất, mà đa số những người phê phán nó thì chưa chắc đã nghe kỹ Tục ca, thậm chí có người còn chưa nghe Tục ca lần nào (vì tác giả không phổ biến Tục ca và Vỉa hè ca mà chỉ hát và tặng một số người mà thôi). 
Điều đáng buồn và sai lầm nhất là một số người cho rằng Tục ca biểu hiện sự ngưng trệ, lỗi nhịp, xuống dốc trong sự nghiệp sáng tác của ông (một số người cố tình đánh vào Tục ca và tâm ca đã viết những bài báo, sách, tư liệu… về ông với những lời lẽ hết sức thô kệch, lỗ mãng, phục vụ cho một ai đó nhằm nhục mạ, hạ bệ ông, muốn xoá hẳn hình ảnh của ông trong tâm trí của người dân mà đại diện cho nhóm này có Nguyễn Trọng Văn với bài viết “Phạm Duy dã chết như thế nào?” 
Riêng tôi thì cho rằng Vỉa hè ca/Tục ca không là biểu hiện của sự ngưng trệ hay là một điểm “tai biến” trong nhạc trình của Phạm Duy. Nếu như xét riêng bộ ba: tâm ca, tâm phẫn ca, tục ca thì Tục ca có vị trí cao nhất, thể hiện sự phản ánh xã hội ở mức độ cao nhất (Sức mấy mà buồn, Nghèo mà không ham, tục ca 6, 7, 8, 9, 10). 
Nếu xét ở phạm vi rộng hơn ở gần như toàn bộ các sáng tác của ông thì tục ca đã đưa ông ra khỏi “xác nghệ thuât” của mình, đây là điều cần thiết cho người nghệ sĩ chân chính, người nghệ sĩ tự do, người nghệ sĩ của quần chúng, người nghệ sĩ của xã hội. Tôi thiết nghĩ rằng nếu như không có bộ ba tâm ca, tâm phẫn ca, tục ca thì nhạc trình sáng tác của ông được ví như một giấc ngủ dài (với những giấc mơ tình tứ, lãng mạn, thơ mộng, hùng tráng) không tỉnh giấc được. 
Nghĩ cho cùng một số người phê phán tục ca họ cũng có cái lý của họ. Vì người ta đã quen Phạm Duy với những ca từ hào hoa trau chuốt, tha thiết mặn nồng, hùng hồn đanh thép trong những tuyệt phẩm hoàn mỹ của ông. Người ta không quen với một Phạm Duy với tư cách là người “hướng về đạo đức”, “đi tìm đạo đức” trong sự hoảng loạn băng hoại của xã hội thời bấy giờ. Mà ẩn sau lời nhạc, tiếng hát nghe có vẻ tục tằn sảng sốt ấy là một nỗi phẫn uất lên cao độ. Ông đã bỏ qua cái gọi là “ngã mạng của chính mình” để tạo ra tục ca, rồi phải nhận lấy sự phê phán từ xã hội nào là tầm thường, vui chơi ngôn ngữ, tục tằn, dâm đãng… mà thực tế trong mỗi con người chúng ta đều chứa đựng chúng, thậm chí còn có nhiều người thường xuyên chứa đựng và thực hiện những điều này. Như vậy ông đã bỏ qua được cái ngã mạng của chính mình, để đi lên đỉnh cao của người nghệ sĩ tự do, thì cớ gì chúng ta lại cất giữ cái ngã mạng của ông rồi quay lại phê phán tục ca...? Thiết nghĩ có nên chăng…? Bản thân trong mỗi chúng ta thường hay theo đuổi một “đạo đức hoàn toàn” nào đó, mà không dám, không thể nói lên những điều mà tưởng chừng như “mất đạo đức” và sợ mất đi cái gọi là “đạo đức giả” của chính mình. Có một số người cho rằng ông ngông, thích chơi nổi, và bảo rằng: ’Phạm Duy không làm tục ca thì ai dám thí nghiệm…? ” Vấn đề đặt ra ở đây không phải là như vậy, mà là ai là người có đủ khả năng và bản lãnh để “văng” ra những điều tưởng như tục tằn mà có nhân dáng của đạo đức. 
Tôi nghĩ rằng chúng ta đều là những người hướng về đạo đức (chứ không có đạo đức hoàn toàn), lúc thì làm những cử chỉ đạo (thường xuyên hơn), lúc thì bê bối, làm bậy (thỉnh thoảng thôi). Phạm Duy là người tích cực đấu tranh cho luân lý, lẽ phải. Ông không bao giờ xung tụng mình là đạo đức, mà chỉ hy sinh cuộc sống mình cho quê hương, âm thầm sáng tác để minh chứng cho đạo đức, chân lý. 
Người nghe nhạc Phạm Duy đi tìm những sáng tác của ông, chứ điều ngược lại thì không có. Điều này cho chúng ta thấy sự sáng tác của ông không bao giờ ở trạng thái bảo hòa, ông không bao giờ tự đắc. Với những lời ca tụng tưởng chừng lên đến tận mây - mà ông rất xứng đáng được nhận và còn nhiều hơn thế nữa - không làm ông đắm mình trong đấy. Ông không sáng tác theo đơn đặt hàng, theo thị hiếu của người nghe nhạc mà sáng tác bằng cả tâm hồn của người nghệ sĩ và hoàn cảnh xã hội trước mắt. Vì vậy tục ca ra đời cũng dễ hiểu. Ở đây tôi lại nhớ đến bài tục ca số 6 - Mạo Hóa - nó thể hiện tình trạng âm nhạc trong nước hiện nay (và một số ca khúc ở hải ngoại sau này). Ở lối trình diễn và ca từ của bài hát làm cho người thưởng thức không biết đây là ca khúc Việt Nam hay là của nước nào? Có nên làm thế chăng? Tôi nhớ không lầm có nhiều báo chí trong nước và nước ngoài nói rằng ngôn ngữ Việt Nam phong phú và đa dạng lắm đấy sao…? 
Theo bài báo của tác giả Nam Chi với nhan đề: “Tục ca trong nhạc trình Phạm Duy”, ông cho rằng trong sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Phạm Duy đã xây dựng nên 3 huyền thoại lớn: Quê hương, Mẹ, Tình yêu. Và đặc điểm trong quá trình sáng tạo của người nhạc sĩ này là ông sáng tác qua một chuyển động biện chứng- khẳng định/phủ định, cấu tạo/tự hủy. Những bài: Hát đối, Tình  hôi, Khỉ đột, Mạo hóa hủy hoại huyền thoại Tình yêu - Nhìn L… hủy hoại huyền thoại Mẹ - những bài tục ca sau cùng hủy hoại huyền thoại Quê hương. 
Tôi cho rằng, tục ca không có ý hủy hoại những huyền thoại do chính nhạc sĩ tạo ra mà là chỉ phê bình những huyền thoại đó. Phạm Duy đã dùng tục ca để tự mình giải hoặc (démystifier) - làm rõ những huyền thoai do mình tạo nên. Và mọi sự giải hoặc (làm rõ) đều mang theo mầm mống một huyền thoại mới. Ở đây cho chúng ta thấy được khía cạnh của phê bình huyền thoại và huyền thoại phê bình. Nếu như dùng tục ca để phê bình - tố giác những huyền thoại : Quê hương, Mẹ, Tình yêu thì chính tục ca là một huyền thoại mới được tạo ra - tục ca huyền thoại. 
Và tác giả Nam Chi cho rằng Phạm Duy đã dùng ngôn ngữ tục ca là để giải hoặc (làm rõ) ngay tục ca và giải hoặc (làm rõ) ngay chính bản thân. Điều này cho chúng ta thấy ngay rằng không có một huyền thoại mới nào sau huyền thoại tục ca để đến nỗi tục ca phải tự giải hoặc (làm rõ) mình. Đến đây cho phép chúng ta xác định rằng huyền thoại tục ca là huyền thoại cao nhất trong bối cảnh xã hội thời bấy giờ. Và chính Phạm Duy đã tự đổi mới mình bằng huyền thoại tục ca chứ không phải tự huỷ mình bằng tục ca. Tục ca bản thân nó không huỷ hoại bất kỳ huyền thoại nào, mà tục ca chỉ phê bình, tố giác những huyền thoại trên nhằm mở rộng thêm lãnh vực sự thật và làm thu hẹp phạm vi huyền thoại. 
Diễn tiến sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy đều căn cứ trên sự đổi mới, sự đổi mới này phụ thuộc vào tâm hồn của người nghệ sĩ và tâm trạng của họ đối với hoàn cảnh xã hội trước mặt, mà tâm hồn của con người thì luôn biến đổi gây nên nhiều mặt tưởng chừng như đối lập trong một con người mâu thuẫn. Cho nên trong ca khúc của Phạm Duy mang tính mâu thuẫn là hiển nhiên phải có, và đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự phong phú đa dạng trong sự nghiệp sáng tác của người nhạc sĩ đa tài này. 
Ở mỗi thể loại, nhạc của ông đã mang tặng người nghe những bức tranh đep khác nhau. Ở tục ca, ông cho mọi người xem bức tranh hí hoạ, mang nhiều yếu tố tiếu lâm. Nhưng tục ca khác tranh hí hoạ và những câu chuyện tiếu lâm ở chỗ khi người ta nghe truyện tiếu lâm hay xem tranh hí hoạ người ta có thể cười mà không cần suy nghĩ, ngược lại khi nghe tục ca người ta lại không cười mà phải suy nghĩ những gì chứa đựng sau nó.  Saigon, 21-11-2003 
Trong bài viết Hành Trình PD, anh Đoàn Xuân Kiên có một đoạn ngắn về tị nạn ca:… Năm 1975 là một năm bản lề lớn trong đời Phạm Duy. Sau hơn 30 năm sáng tác trong lòng đất nước, nay ông lưu vong ra hải ngoại. Sau cơn chấn động tâm lí nặng nề, Phạm Duy cầm bút trở lại, và viết một loạt những bài hát thời thế mà sau này ông gộp chung trong loạt bài Tị nạn ca. Loạt bài hát này ít được phổ biến trong công chúng nghe nhạc, nhưng nó có chỗ đứng rất quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp Phạm Duy. Một phần lớn những ca khúc trong nhóm này là những ca khúc đơn giản về khúc điệu, một nét phong cách của những ca khúc thời thế của ông, bắt đầu từ những bài ca thời kháng chiến đến những bài tâm ca.
Nội dung những ca khúc là những khắc khoải của một người nghệ sĩ lưu vong lạc lõng giữa nơi xa lạ, và hoang mang trước viễn cảnh về tương lai. Những bài hát ra đời trong giai đoạn mười năm đầu tại Hoa Kỳ là những bài hát nói về những cảnh khổ của những gia đình bị chia cách, những oan khổ của con người vì chia li, thù hận. Ca khúc của Phạm Duy trong giai đoạn này đôi khi loé lên những lời phê phán gay gắt đối với thời thế, sự phẫn nộ đối với thân phận nghiệt ngã đè nặng lên những nạn nhân của một thời nhiễu nhương cùng cực. 
Thời kỳ này sẽ kết thúc khi ông hoàn tất những nét nhạc cuối của tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ (1985). Đây là một tác phẩm dài hơi, đã thai nghén từ khá lâu - từ những ngày cuối cùng của ông tại Sài Gòn (1975) - và đã kết tinh những khắc khoải cao nhất và sâu lắng nhất, và nó cũng phản ảnh cô đọng nhất những ước mơ của Phạm Duy về hiện thực Việt Nam đương đại. Nếu ngày trước, ông đã hát về đất nước hào hùng qua lịch sử (trong Con Đường Cái Quan), ông đã hát về Mẹ Tổ Quốc nhiều đau thương nhưng vẫn đại độ (trong Mẹ Việt Nam) thì bây giờ đây, trong Bầy Chim Bỏ Xứ, ông hát về những đau thương cùng tột của đất nước mà ông đang cùng sống với mọi người, ông hát về những hoài vọng cho tương lai khi đất nước hồi sinh. 
Khi hoàn tất Bầy Chim Bỏ Xứ, Phạm Duy cũng bắt đầu bước vào một thời kỳ mới trong sự nghiệp sáng tác của ông.
Saigon, 21 November, 2003 
  Khang Di 
Nguồn: Pham Duy’ Study 2007
Theo https://phamduy.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...