Trường ca Hàn Mặc Tử (TcHMT) là tác phẩm mới của Phạm Duy vừa ra mắt quần chúng vào những ngày cuối năm 93. Về hình thức thì đây là một tổ hợp những bài thơ Hàn Mặc Tử do Phạm Duy phổ nhạc. Nhưng người nghe có thể hình dung được chủ đích của tác giả tổ khúc này không phải chỉ là phổ nhạc một số bài thơ lẻ của một nhà thơ; TcHMT có thể xem là một bản diễn giải bằng nhạc những hành trình nghệ thuật của tâm hồn Hàn Mặc Tử (HMT). Kể từ khi nhà thơ qua đời đến nay đã hơn 50 năm, không biết bao nhiêu sách và bài báo nỗ lực phân tích tâm sự nhà thơ bằng nhiều ngả. Nhiều người đã dựa vào căn bệnh hiểm nghèo của thi sĩ mà nói nhiều về tâm trạng điên loạn bất thường của HMT để dẫn đến sự nương náu tâm hồn trong ánh sáng tôn giáo; có người đã dùng con mắt của nhà phân tâm để diễn dịch tâm hồn HMT qua những biểu hiện phức tạp của một người chịu đựng những ẩn ức tâm lý triền miên từ lúc trẻ đến khi phát bệnh nan y... Rất nhiều ngả đường đã dựng lên để mong tiếp cận tâm hồn người thơ quá cố. Có điều là nhiều ngả đường đã đi quanh co qua những điểm tựa bên ngoài tác phẩm của HMT. Rất ít oi những nỗ lực nghiên cứu vẽ lên được con đường sáng tạo nghệ thuật của HMT dựa trên chính những biến thiên tâm hồn nhà thơ thể hiện qua tác phẩm của chính ông. TcHMT là một nỗ lực hiếm hoi của một nghệ sĩ nhằm diễn giải hành trình nghệ thuật của nhà thơ. Lại là một công trình biểu hiện qua thế giới âm thanh. Cho nên ý nghĩa của TcHMT sẽ không chỉ là đóng góp vào kho tàng nhạc phẩm vốn đã đồ sộ của Phạm Duy thêm một tác phẩm thơ phổ nhạc nữa mà còn là ở sự đồng cảm của hai tâm hồn nghệ sĩ trước phận người không thiếu gì điêu linh, khổ nhục.
Hành Trình Nghệ Thuật Của Trường Ca Hàn Mặc Tử
Trường ca Hàn Mặc Tử được bố cục làm ba phần mang tựa đề như sau:
1) Tình quê;
2) Trăng sao;
3) Ave Maria.
Mỗi phần gồm có ba phân khúc nhạc được hình thành là từ phổ một bài thơ HMT, hoặc phổ từ tập hợp một số trích đoạn thơ, có khi lại chỉ là phổ nhạc một trích đoạn trong một bài thơ thôi.
1) Tình quê;
2) Trăng sao;
3) Ave Maria.
Mỗi phần gồm có ba phân khúc nhạc được hình thành là từ phổ một bài thơ HMT, hoặc phổ từ tập hợp một số trích đoạn thơ, có khi lại chỉ là phổ nhạc một trích đoạn trong một bài thơ thôi.
Phần I - Tình Quê - gồm ba phân khúc: Tình quê, Đây Thôn Vĩ Giạ, Đà Lạt Trăng Mờ . Đấy là những phân khúc nhạc phổ từ ba bài thơ HMT làm từ những ngày còn trẻ. (Bài Tình Quê đã in trong tập thơ Gái Quê - 1936). Nhạc mở đầu bằng những âm thanh ngân nga trong nhịp điệu êm ả nhưng rất lãng mạn. Chất nhạc đã được kỹ thuật hòa âm làm bật lên tính cách đặc trưng của nhạc chiều (sérénade) quen thuộc trong nhạc cổ điển Tây phương.
Phân khúc hai là nhạc phổ toàn bài thơ Đây Thôn Vĩ Giạ. Nhạc mở đầu gợi tả một không gian u tịch, vắng lặng như những buổi hoàng hôn nơi đồng quê những thuở thanh bình: tiếng côn trùng kêu vẳng, hoàng hôn uốn lượn xa vắng như tiếng phi lao rì rào trong gió, như tiếng gió thì thầm lúc chiều tà. Không gian âm nhạc thật không còn gì trữ tình hơn. Tiếng hát Thái Hiền duyên dáng một vẻ đẹp mộc mạc, chất phác như hình tượng cô gái quê dịu dàng trong thơ HMT. Nhạc và hòa âm trong phân khúc đã chuyển sang nét u uẩn, gợi tả những cảm giác bâng khuâng man mác mà ta vẫn gặp trong những ngâm khúc của văn học cổ điển. (Không gian nghệ thuật trong phân khúc này cứ gợi tả những ấn tượng về Tì bà hành hay những bài thơ Đường của trường phái biên tái, hoặc giả những phân cảnh người tình nhân tha thẩn đi tìm hương cũ nơi vườn xưa quạnh vắng trong Kiều).
Từ nét buồn u ẩn mênh mang trong phân khúc hai, nhạc chuyển sang phân khúc ba với tựa đề Đà Lạt Trăng Mờ. Phần nhạc dạo tạo ngay cảm tưởng về một sự thiêng liêng huyền nhiệm của không gian qua cảm nhận của nhà thơ. Tâm cảm của HMT trước vẻ Đẹp của ảnh trí Đà Lạt có lẽ cũng không khác gì tâm sự của nhân vật nghệ sĩ mà Vũ Khắc Khoan cũng có lần tìm cách diễn dịch bằng ngôn ngữ (1). Nhạc đề của phân khúc là nỗi đắm say trong tiếng gọi ảo huyền của cái Đẹp mà nhà thơ đã cảm thán rằng phút thiêng liêng đã khởi đầu. Tiếng hát Tuấn Ngọc có tính cách say đắm mê hoặc cũng hoà theo nhạc réo rắt mà không kém phần huyền hoặc. Kĩ thuật thể hiện hoà âm gợi tả rất khéo cảm giác bâng khuâng của Kiều khi thấy Đạm Tiên in dấu giày trên ngấn rêu xanh. Đã thoáng hiện những băn khoăn, khắc khoải khi tiếng nhạc vút lên niềm u uẩn vang ngân rồi hiện rõ giọng rền như tiếng chuông gọi hồn vừa u uất rền rĩ như nỗi đơn côi của người nghệ sĩ. Sự cảm nhận tế vi của nhà thơ dễ chừng chỉ mới đến Phạm Duy mới thấy sự đồng cảm sâu sắc giữa hai tâm hồn nghệ sĩ như vậy.
Phần I đã khởi đầu từ hành âm êm ả thanh thoát đến vẳng xa u uẩn, rồi chuyển sang sâu lắng ngẩn ngơ. Diễn tiến âm nhạc gợi được hình ảnh con người đi trên hành trình hồn nhiên của tuổi nhỏ đến xôn xao tình trẻ, rồi đến tiếng gọi sâu lắng của nội tâm đã biết băn khoăn thao thức trong sự tìm kiếm. Không gian âm nhạc là không gian chiều tà đi vào đêm sâu, tính cách của nhạc cũng vì thế mà êm ả lãng đãng như sérénade và nocturne của nhạc cổ điển. Diễn biến tâm tình như thế cũng khớp với cảm nhận của chính Phạm Duy khi ông cho rằng nhạc ở đây đã diễn được thân phận của đất nước chúng ta đi từ thời thanh bình sang cảnh trạng của sự bất trắc... (1)
Phần II - Trăng Sao - gồm ba phân khúc: Trăng sao rớt rụng, Hồn là ai, và Trút linh hồn. Mở đầu phân khúc một (Trăng sao rớt rụng) là đoạn tán thán về sự mầu nhiệm của ánh trăng. Tính cách của âm nhạc là tính cách thánh ca, nhưng đối tượng của lời tán thán không là hình tượng siêu nhiên mà chỉ là ánh trăng. Nhà thơ bị trăng mê hoặc và tắm đẫm hồn mình trong ánh trăng. Đấy là khởi điểm của những xúc cảm thơ trong Thơ Điên - Đau Thương, tập thơ HMT làm từ khi phát bệnh phong. Hành âm của phân khúc lần lượt đi qua bốn biến điệu: vầng trăng --> chơi với trăng --> trăng tự tử ->rượt trăng. Có lẽ đây là lần đầu tâm trạng khúc mắc của HMT được thể hiện một cách cụ thể qua hình tượng gợi tả của âm nhạc. Nhạc vờn múa như trong cơn say trong một kết cấu đẹp: hình tượng âm nhạc tăng cường độ xúc cảm dần qua từng biến điệu, cho đến cuối biến điệu thứ tư. Tiếng hát Tuấn Ngọc vút lên cao như cơn thảng thốt của nhà thơ vừa tắt khi nhà thơ vừa ngất lịm trong cơn xuất thần. Nhạc đi những bước ma quái làm nổi bật xúc cảm của người nghệ sĩ trước nỗi cô đơn vì cảm nhận vẻ Đẹp mê hồn mà nhân gian không thể hiểu được. Cường độ cảm xúc trong phân khúc này, về mặt bố cục, khá gần với đoạn Kiều tâm sự với em trước lúc từ giã gia đình lên đường về Lâm Truy. Hoà âm của Duy Cường đầy tính tưởng tượng khi tận dụng khả năng gợi tả của tiếng sáo Mèo xa vắng chìm lẩn như chiều sâu của thế giới nội tâm sừng sững thách đố cuộc đời chung quanh.
Phân khúc hai - Hồn là ai - mở đầu bằng tiếng sáo Mèo rền ma quái để rồi sẽ đeo đẳng mãi suốt phân khúc. Người nghệ sĩ vừa thoát hồn để dẫn hồn mình đi suốt một đêm qua những biến điệu đầy kịch tính: Lúc thì cười như điên sặc sụa cả mùi trăng, lúc thì cùng ngả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình, lúc thì dìm nhau xuống một vũng trăng êm, lúc thì lặng yên trăng thổn thức, lúc thì bay lên cho tới một hành tinh... (3) Hình tượng âm nhạc cũng tràn trề sức quyến rũ: hai giọng hát sóng đôi nhau gợi tả rất mạnh sự phân thân của người nghệ sĩ trong cơn say nghệ thuật. Tâm sự HMT trong tập Thơ Điên - Đau Thương dễ thường tới bây giờ mới được dẫn giải một cách cụ thể, sinh động. Thể hiện được kịch tính của các biến điệu âm nhạc trong hai phân khúc này là một thành công xuất sắc của Duy Cường và các giọng hát. Nỗi lòng u uẩn của người nghệ sĩ đã lẩn khuất đâu đó từ phân khúc cuối phân khúc I cứ tăng lên dần theo diễn tiến phát triển hình tượng âm nhạc trong phân khúc này.
Phân khúc ba - Trút linh hồn - có thể xem như một thoái trào của đợt sóng hình tượng âm nhạc trong phần II. Ba biến điệu nối tiếp nhau nặng nề như cảnh tha ma mộ địa lẫn khuất tiếng sáo Mèo nghẹn ngào như tiếng cú đêm khuya. Hình tượng âm nhạc cũng dàn trải như khoảng trống mênh mông của không gian tịch lặng. Nhạc đi êm nhẹ mà sao vương vấn nỗi thê lương. Lời thì thầm của nhà thơ là lời bộc bạch về tâm tình ông dành cho cuộc đời thân mến. Ba trích đoạn thơ ghép lại thể hiện khá rõ tâm sự HMT trong giai đoạn sáng tác tập Thơ Điên - Đau Thương. Nghệ thuật phát triển hình tượng âm nhạc trong phần 2 này là nghệ thuật ba lan; cảm xúc dâng lên từng đợt như sóng tràn. Không gian nghệ thuật là đêm tối mênh mang. Giai điệu và hoà âm đều đẫm vẻ ma quái. Nhạc đề rất nhất quán ở điểm thể hiện tâm trạng người nghệ sĩ. Anh ta cảm nhận tiếng gọi vô hình của cái Đẹp thể hiện ở ánh trăng. Vẻ đẹp mê hoặc của ánh trăng hay của nàng thơ hay của âm nhạc nào có khác chi những cơn say đắm xuất thần của HMT. Diễn đạt được tâm sự nghệ sĩ qua hình tượng âm nhạc là một thành công của Phạm Duy (mà cũng có phần không nhỏ của Duy Cường trong nghệ thuật hoà âm).
Phần ba - Ave Maria - cũng gồm ba phân khúc: L ạ y Bà là đấ ng tinh truyền thánh vẹn, Hỡi sứ thần thiên chúa Gabriel, và Phượng Trì, Phượng Trì. Phân khúc là một lời xưng tụng đấng tinh truyền thánh vẹn. Nhạc bắt đầu bằng đoạn hợp xướng nghiêm trang, thánh thiện. Toát ra toàn thể phân khúc là vẻ đẹp thuần khiết của hình tượng người nữ trong nghệ thuật muôn đời. Nhà thơ cũng như người nhạc sĩ đều rung động nồng nàn trước vẻ Đẹp nguyên mẫu đó. Trong thế giới nguyên vẹn tinh tuyền chỉ còn sự yêu thương, sự yên nghỉ. Không còn những dằn xóc của những hệ lụy của cuộc đời dưới thế. Kĩ thuật đồng ca của nhạc cổ điển tây phương đã góp phần tăng tính cách thánh đường của phân khúc.
Sau phần tán tụng vẻ Đẹp tinh tuyền thánh thiện, phân khúc hai chuyển sang lời cảm thán về hình tượng thiên thần bằng một biến điệu khác: Kỹ thuật nội tỉnh như trong kinh cầu nguyện. Tiếng hát an nhiên của Thái Hiền và Thái Thảo toát ra vẻ thanh thoát cần thiết của hình tượng âm nhạc. Tiếng hát vẳng nhẹ như lời thì thầm của người con khi ngỏ lời yêu thương với Mẹ, như người nghệ sĩ ngây ngất trước vẻ đẹp mong manh như gió, như sương huyền diệu, bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu. Người nghệ sĩ Phạm Duy hát về Mẹ bao lần rồi, vậy mà những âm thanh về người Mẹ trong phân khúc này vẫn quyến rũ, vẫn mới nguyên như vẻ đẹp gặp gỡ lần đầu, giai điệu láy lả lướt vẻ đẹp dân ca đã khép lại cảm xúc kì lạ về sự thanh thoát an nhiên trong vòng tay yêu thương của sứ thần thiên chúa Gabriel. Nghệ thuật diễn tả trong phân khúc hai là nghệ thuật độc thoại khá quen trong đối thoại nội tâm của kịch: nhân vật thì thầm những lời nói với chính mình. Hành âm của nhạc ở phân khúc này cũng chìm khuất kín nhiệm như ý thơ.
Phân khúc ba Phượng Trì, Phượng Trì - láy trở lại hành âm của phân khúc một để viên mãn một chu trình. Bốn câu thơ đã ngân vang âm hưởng của lời tán tụng vẻ Đẹp thánh thiện của nàng thơ. Nghệ thuật diễn xướng ở phân khúc này đã không ngừng lại ở nghệ thuật đồng ca cổ điển mà đã kết hợp với nghệ thuật diễn xướng dân ca: hát đuổi, hát đối. Hình tượng âm nhạc toát ra tính cách trữ tình, rất người mà vẫn trong suốt như vẻ đẹp thiên thần.
Trọn phần ba là bài thơ Ave Maria được phổ thành nhạc. Không gian âm nhạc vẫn là nhạc nocturne nhưng tính cách đã thay đổi hẳn qua mầu sắc ấm áp của ánh sáng. Nhạc đề là sự xưng tụng biểu tượng của vẻ Đẹp thánh thiện thuần khiết được thể hiện qua hình tượng Người Nữ nguyên mẫu: khi thì là Đức Bà tinh truyền thánh vẹn, có lúc hoá thân làm sứ thần Gabriel, rồi Phượng Trì (Âm thanh của tên gọi này sao cứ làm ta liên tưởng đến hình ảnh toàn bích của người đẹp có đầy đủ Long trì và Phượng các trong tử vi). Nghệ thuật thể hiện là nghệ thuật nhạc nhà thờ, vừa đồng ca, vừa độc thoại. Bao trùm toàn thể phần ba này là vẻ đẹp rực rỡ mà tâm hồn nghệ sĩ quay về nương náu trong sự bình yên của hạnh phúc trong thế giới nguyên tuyền thanh khiết.
Trường ca HMT đã thể hiện tài tình những diễn biến tâm tình của nhà thơ quá cố. Từ chất thơ trong sáng buổi đầu, nhà thơ đã trải qua những cơn đau đớn quằn quại trước khi quay về yên nghỉ trong vẻ Đẹp mầu nhiệm thanh khiết của Phượng Trì là hiện thân của vẻ Đẹp nữ tinh truyền thánh vẹn. Đấy là hành trình thơ Hàn Mặc Tử, mà cũng là hành âm của một trường ca Phạm Duy.
Hành Trình Thú Đau Thương Của Người Nghệ Sĩ
Trong lời dẫn giải về tác phẩm TCHMT, Phạm Duy cho biết rằng ông đã từng làm quen với thơ HMT từ thuở còn đi học. Ông cảm được những nếp gấp tâm tình của nhà thơ này khi nêu ra những chủ đề chính trong thơ HMT: tình yêu, tình dục, sự đau khổ, sự đau thương, sự điên dại, cái chết, Đạo, Thượng Đế, Thiên Chúa (3). Bảng liệt kê vừa kể thật ra chưa nói đủ hết mối đồng cảm sâu sắc của ông đối với nhà thơ quá cố. Phải nghe chính tác phẩm mới có thể nhận ra được rằng TcHMT là bản vẽ sâu sắc bản đồ tâm hồn thơ HMT.
Bố cục của TCHMT thể hiện khá rõ về những biến chuyển trong tâm sự thơ HMT từ tập thơ đầu (Gái Quê) đến giai đoạn Thơ Điên - Đau Thương, và cuối cùng là thời kỳ sáng tác Xuân Như Ý trở về sau. Ba giai đoạn chính trong hành trình sáng tạo thơ HMT với những nội dung khác nhau, phản chiếu tâm hồn người thơ một cách sinh động và độc đáo. Có thể phác lại nét chính của con đường thơ HMT được phác họa qua trường ca của Phạm Duy như sau: 1) thời thanh xuân lãng mạn đẹp ngời (Tình Quê) --> 2) thời điên loạn, đau đớn vì thể nghiệm nỗi đau thương của thân phận (Trăng Sao) --> 3) thời tìm lại được yên ổn tâm hồn trong thế giới của cái Đẹp vĩnh hằng (Ave Maria). Cứ thế, nhạc đề phát triển từng đợt ba phân khúc như những lớp sóng xô cao thấp khác nhau. Con đường thơ của HMT thể hiện khá sinh động tâm hồn người nghệ sĩ giữa đời. Con tim yêu thương bao la của người nghệ sĩ rung lên những nhịp điệu tình ca muôn vẻ của thơ tình. Không biết có ai phân tích hết những dáng vẻ của tình yêu trong thơ HMT hay chưa, nhưng Phạm Duy đã thể hiện khá đẹp những nét lớn của tình yêu trong thơ HMT: sự dâng hiến trọn tình, sự e ấp trộn lẫn với nỗi rạo rực, nỗi đắm say trước vẻ Đẹp hiện thân của tình yêu. Có thể nhận ra những dáng vẻ tình yêu đó trong thơ HMT khi thưởng thức phần một TcHMT. Con tim yêu thương của người nghệ sĩ phả vào cuộc đời xã hội bằng những mối tình người tặng cho những người yêu dấu chung quanh. Tình yêu ấy đọng lại trong TCHMT là tình yêu ông dành cho đất nước quê hương là nơi bóng hình những người ông thương mến, là tình yêu ông dâng tặng vẻ Đẹp nguyên trinh qua hình tượng Phượng Trì/sứ thần Gabriel/Đức Bà.
Thế nhưng người nghệ sĩ có trái tim vô số mà anh ta không chỉ dành tặng cho những người yêu dấu trong đời. Trong đáy sâu thẳm của con tim, người nghệ sĩ luôn cảm thấy có một lời thì thầm vượt lên khởi bình diện nhân gian. - đây cần nhắc lại một bài viết của HMT thường vẫn bị các nhà nghiên cứu bỏ quên khi muốn tìm hiểu về tâm sự thơ ông. Trong bài viết về Quan niệm thơ, HMT cho thơ là tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời, là nơi đã sống ngàn kiếp vô thỉ, vô chung, với những hạnh phúc bất tuyệt. Nói cách khác, thi sĩ đã sống cô độc đời mình giữa cuộc thế lao xao, và làm thơ là để tìm người tri kỷ. Làm thơ là một sự ham muốn vô biên của những nguồn khoái lạc trong trắng của một cõi trời cách biệt (4). Người nghệ sĩ thoáng nghe ra những tiếng nói mầu nhiệm vượt lên khởi chiều kích trần thế. Sự nhạy cảm tột cùng dẫn đưa con đường sáng tạo của người nghệ sĩ qua những cơn loạn lạc với thú đau thương. Đó có thể là nỗi ngậm ngùi về những hoang phế quạnh hiu của những thành quách cũ (Vũ Đình Liên, Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương), đó cũng có thể là những lời độc thoại triền miên của người tình trẻ bên đời hiu quạnh (Trịnh Công Sơn), của người tình già nghe tiếng gọi nghìn thu (Phạm Duy)...
Thế thì tại sao không có một HMT điên mê trong nỗi đau đớn của thân phận vui buồn của nhân gian mà ông tự cho mình là một đại biểu? (Ý nghĩa của trường thơ Loạn mà HMT và các bạn ông dựng lên dường như chưa được tìm hiểu, nhưng chúng tôi cho rằng sự nổi loạn của thế hệ nhà thơ trẻ Qui Nhơn lúc bấy giờ là dấu chỉ của một khao khát về một sự quân bình mới). Nỗi đau về phận người khổ nhục có khiến thơ ông đẫm máu lệ, vang vang nỗi đau hận pha lẫn với hoan lạc trong tình yêu thánh hóa. Thơ điên của HMT phản ánh nỗi bi phẫn về phận người khốn khó, mà sự đau khổ của đời này thì muôn hình vạn trạng, người nghệ sĩ đau nỗi đau nhân thế và mang thập giá thay cho chúng ta, có phải đâu chỉ là người ca nhân làm mõ cho những mối tình đôi lứa như người đời vẫn nghĩ. Một nhân vật của Dostoievsky đã bảo rằng: cả trái đất, từ vỏ vào trong ruột, đều ướt đẫm nước mắt con người. Thế nên khi người nghệ sĩ hát về nỗi đau đớn của kiếp nhân sinh hoặc giả cảm nhận được tiếng hát nghìn thu nơi đầu non thì chẳng phải là lúc người nghệ sĩ đã xa cách đại quần chúng, trừ phi đại quần chúng muốn giam hãm nghệ sĩ như giam những tên tù trong vũng lầy nghệ thuật nô dịch. Gần đây khi nhận định về một số tác phẩm mới của Phạm Duy, có người nghĩ là ông đã dần tách khởi vị trí của người nhạc sĩ của đại chúng, hiểu theo nghĩa là ông không còn hát về những vui buồn của nhân thế gần gũi: hát về quê hương dân tộc, về những mối tình rất riêng tư trong không gian sống của những thị dân. Nếu nghĩ rằng Phạm Duy nay đang lui dần về sáng tác những tác phẩm để riêng cho ông bởi vì không có bóng dáng những hình ảnh quen thuộc trong các ca khúc bao lâu nay thì cũng xin lưu ý là đã từ những ngày xa xưa, khi còn trẻ Phạm Duy cũng đã từng có những bài hát mang chủ đề hướng nội. Người thanh niên ấy đã từng nghe ra tiếng gọi huyền nhiệm từ sâu thẳm của nội tâm. Tiếng đời nào phải chỉ có tiếng tình yêu mà còn có tiếng gọi của thinh không (Lữ Hành), cảm nhận về những biên giới cắt chia con người trong những không gian tâm tưởng khác nhau (Bên Cầu Biên Giới)...
Cho nên Phạm Duy vẫn chỉ là một thôi dù là Phạm Duy của Tình ca, của Cỏ Hồng, của Pháp Thân, của Ngục Ca, của Bài hát nghìn thu, của thiền khúc Trên đường về, hay của Trăng sao rớt rụng. Có thế mới có thể có mối đồng cảm giữa hai người nghệ sĩ với những thân phận riêng tư rất khác nhau nhưng cũng rung những cung bậc tâm hồn trước những hoan lạc cùng những khổ nhục của kiếp người. Nghệ thuật, nói cho cùng, chỉ là những tiếng kêu bất bình của người nghệ sĩ trước những hệ lụy của cuộc đời. Đôi mắt người nghệ sĩ là đôi mắt nhìn sâu thẳm vào phận người. Một thời vàng son của đào nguyên đã vĩnh viễn xa rồi ư, đời ta chỉ còn là một chuỗi những ngày nơi trần gian khổ lụy (Văn Cao), hát như chưa biết buồn phiền chi dù đường về quê nhà đã xa, nơi thành cổ rêu mốc của đời ta vẫn đi về một cõi quạnh hiu và hai vầng nhật nguyệt trĩu hai vai (Trịnh Công Sơn).
TcHMT là tiếng hát của người nghệ sĩ về những ràng buộc của cuộc đời, là sự thăng hoa giữa những khổ đau và hạnh phúc của phận người thành âm nhạc và thơ. Ba phần của trường ca là ba dáng vẻ của cuộc đời được phả vào nghệ thuật, trong đó có tình yêu sôi nổi mà e ấp của một thời hoa niên lãng mạn, có những khổ nhục của một đời lận đận vì những dằn xóc khác nhau.
Trước nỗi khổ mang chất bi kịch của đời người, người ta có thể phản ứng một cách khác nhau: có người an nhiên lặng lẽ đi về một cõi quạnh hiu và chấp nhận hạnh phúc trong niềm tuyệt vọng (Trịnh Công Sơn), có người không nguôi hoài tưởng một thiên thai không bao giờ trở lại (Văn Cao), có người lại dấn mình sống rất hiện sinh với chính những vinh nhục của đời và bật lên những tiếng tâm tình trước mọi cảnh huống. HMT và Phạm Duy đồng cảm với nhau ở điểm này. TcHMT là tác phẩm nghệ thuật thăng hoa những đau thương khổ nạn của đời người.
Hành trình nghệ thuật của HMT bắt đầu từ những hoa mộng thời trẻ hồn nhiên đến những đau khổ điên loạn vì những nhục nhằn, và khép lại với tình yêu thanh khiết trong thế giới vĩnh hằng trong suốt một vẻ Đẹp tinh tuyền. Nhạc Đề phát triển nhất quán với chủ ý HMT khi nhà thơ biểu tượng Maria bằng những tiếng gọi khác nhau: Đức Bà tinh truyền thánh vẹn, sứ thần thiên chúa Gabriel, Phượng Trì. Ngôn từ ở đây chỉ là những chiếc bè giả tạm để chuyên chở một cảm nhận về một thế giới vĩnh cửu của Mỹ thể.
HMT về yên nghỉ trong tôn giáo hay nghệ thuật? Vô thức về người nghệ sĩ trong Phạm Duy đã nghiêng về xu hướng thứ hai khi ông đã không phổ nhạc bài Ave Maria theo cách nhìn của ông lúc ông phổ thơ Phạm Thiên Thư trước đây: vẻ đẹp quyến rũ trong thơ Phạm Thiên Thư là sự nguyên trinh thánh thiện, là vẻ đẹp trong thế giới nghệ thuật trong đó không gian và thời gian như không còn tuổi trong cõi tuyệt đối vô cùng. Phạm Duy đã chẳng nói là những bài ông phổ thơ Phạm Thiên Thư là những bài hát thanh cao nhất của thời đại đấy ư (4)? Hát lên tiếng hát xưng tụng một thiên thần là cách thế của người nghệ sĩ xưng tụng cái Đẹp. Mỹ thể là điểm đi tới và cũng là điểm quay về của Nghệ thuật.
Phạm Duy tâm sự rằng nguyên ủy của ý định sáng tác TcHMT là: ông muốn tiếp tục nói tới chuyện hóa giải nỗi oan khiên to lớn của cuộc đời Việt Nam sau nửa thế kỷ chiến tranh và hận thù bằng con đường đi vào Đạo để siêu hóa mọi sự (5). Hiểu như thế thì HMT cũng là một biểu tượng của thân phận VN, và những biến chuyển tâm tình của HMT là điển hình cho bi kịch trong đời người VN chúng ta trong một thời oan khổ dài dằng dặc. Âu cũng là một cao vọng đáng trọng của người nhạc sĩ già. Nỗi trăn trở của Phạm Duy về đất nước gần đây được tô đậm nét qua một trường ca gây nhiều xúc động (Bầy Chim Bỏ Xứ - 1990). Ta cũng bắt gặp trong một trang viết, ông cũng đã có lần trăn trở về thân phận nhục nhằn của người trí thức VN chứ chẳng phải không (6). Nhưng cứ như sự phát triển của chính nhạc đề của TcHMT thì ý nghĩa của tác phẩm đã tự nó có sức nặng của một tác phẩm nghệ thuật phản ánh rất đậm những cảm xúc về phận người biểu hiện qua thân phận một nghệ sĩ. Phạm Duy có nhớ không những lời ông viết về chính mình khi ông sáng tác TcMHT: đối với tôi chỉ có ba điều quan trọng: tình yêu, sự đau khổ và cái chết (7)? (Tôi muốn thêm: hận thù, hạnh phúc và vĩnh cửu).
Một Tác Phẩm Thơ Phổ Nhạc Lớn Trong Sự Nghiệp Phạm Duy
Trong kho tác phẩm đồ sộ của Phạm Duy, thơ phổ nhạc có một vai trò rất đáng kể. Phải nhận rằng nhạc của ông đã làm bất tử một số những bài thơ, và ngược lại thơ đã gợi hứng cho ông viết những giai điệu mượt mà quyến rũ nhiều thế hệ người nghe. TCHMT là công trình thơ phổ nhạc rất khác với những bài trước đây thường chỉ là những đoản khúc hoàn chỉnh riêng rẽ, dù có đặt chúng vào một tập hợp (như Đạo Ca, Ngục Ca, Hoàng Cầm Ca). Một công trình dài hơi và dài ngày, nếu cứ tính từ khi lần đầu tiên bài Tình Quê xuất hiện như một phụ bản trong tập san Thế Kỷ Hai Mươi (1960) tại Sàigòn.
Ngoài Phạm Duy ra có Hải Linh và Viết Chung trước đây cũng phổ nhạc HMT, mỗi người một phong cách khác nhau. Nhưng cũng chỉ với Phạm Duy rất đáng chú ý vì tính cách đa dạng và thể hiện một phong cách đặc biệt. Trong TCHMT, có đủ các kỹ thuật phổ nhạc mà Phạm Duy thường vẫn sử dụng: lắp giai điệu vào lời thơ, biến thể các giai điệu để phát triển nhạc đề, và chuyển ý thơ thành điệu. Kỹ thuật lắp giai điệu và thủ pháp quen thuộc thường thấy ở thơ phổ nhạc: Bài Chiều Đông phổ nguyên lời bài thơ Khoác Kín của Cung Trầm Tưởng là một thí dụ. Phải nói ngay là Phạm Duy rất hiếm khi phổ nguyên lời thơ của toàn bài, vì đòi hỏi của cấu trúc câu nhạc cũng có mà vì sự chọn lọc lời ca của ông cũng có. Vì vậy, bài thơ phổ nhạc của Phạm Duy thường phong phú về giai điệu và nhạc đề nhờ ở nghệ thuật gây ấn tượng qua những kết hợp kỹ thuật khác nhau.
Bài thơ phổ gần như nguyên vẹn trong TCHMT là Đây thôn Vĩ Giạ (gồm có ba khổ thơ thất ngôn) thật ra cũng phải tôn trọng cấu trúc của bài hát mà kết cấu như sau: đoạn một của bài hát gồm khổ một và khổ hai, đoạn hai gồm khổ một và khổ ba. Sự láy lại khổ thơ là một nghệ thuật gây ấn tượng bằng sự láy lại nhạc đề của phân khúc này. Kỹ thuật biến thể các giai điệu để phát triển rộng nhạc đề là thủ pháp đã được dùng trong khi phổ bài Tình Quê. Ông đã bố cục bài hát làm hai đoạn lớn có giai điệu không xa nhau lắm và nối chúng lại với nhau bằng bản lề rất khéo là hai câu thơ ngũ ngôn trong bài thơ nhưng đã phổ thành hai biến điệu khác nhau cho phù hợp với âm hành của câu nhạc. Sự tròng tréo các giai điệu trong hai đoạn có tác dụng nghệ thuật đặc sắc cho bài hát. Kỹ thuật mà Phạm Duy thường sử dụng là kỹ thuật chuyển ý thơ thành giai điệu. Đây là một kỹ thuật đòi hởi khả năng thưởng ngoạn văn học ngõ hầu có thể nắm bắt được ý của câu đoạn hay cả bài thơ để chuyển thành giai điệu. Phạm Duy đã sử dụng kỹ thuật này mà hoàn thành những tác phẩm bất hủ như Tiếng Sáo Thiên Thai, Vần Thơ Sầu Rụng, Hoa Rụng Ven Sông... trong TcHMT, phần phổ nhạc nhóm bài thơ về Trăng là phần rất công phu nhờ sự biến ảo của giai điệu theo nhịp điệu phù hợp với tâm trạng trong thơ. Phạm Duy đã tổ hợp các bài thơ khác nhau theo một thứ tự do ông thiết định để làm bật lên trạng thái tâm hồn của nhà thơ trong phân khúc này. Không có được khiếu thưởng ngoạn thi ca sâu sắc thì không thể có được những bản thơ phổ nhạc như thế. Cứ so sánh lối tiếp cập của Hải Linh và Phạm Duy khi phổ bài Ave Maria sẽ thấy ngay phong cách Phạm Duy: ông tước bỏ đoạn đầu của bài thơ mà Hải Linh đã dùng để phát triển nhạc đề cho bài hợp xướng Ave Maria giầu tính cách tôn giáo: Như song lộc triều nguyên ơn phước cả...
Phong cách phổ nhạc ở đây đã phản ánh phong cách người nhạc sĩ. Bao trùm lên các kỹ thuật vừa kể là nghệ thuật gây ấn tượng qua sự nhấn mạnh nhạc đề. Đây là điểm đặc sắc của nghệ thuật sáng tác Phạm Duy. Bài Đà Lạt Trăng Mờ chẳng hạn, đã láy đi láy lại nhiều lần nhạc đề bài hát. Ta tìm thấy lại nghệ thuật ấy trong tất cả các phân khúc của TcHMT. Ấn tượng về câu nhạc được tô đậm trong trí người nghe là nhờ những sự nhấn mạnh nhạc đề như thế. Điều kỳ diệu là những câu hát được tô đậm bằng sự láy lại đã không hề tạo ấn tượng nhàm chán. Làm sao nắm bắt được nhạc đề của bài thơ phổ nhạc, hoàn toàn thuộc về sự bén nhạy của tư duy nghệ thuật của Phạm Duy. Nếu những bài thơ hay là những bài thơ có thần thì những câu thơ phổ nhạc của Phạm Duy trong TcHMT cũng có thần của chúng, tạo nên khí vị nhất quán khi nghe riêng từng bài hay lúc nghe toàn thể chín phân khúc. Ma lực cuốn hút của những phân khúc thơ phổ nhạc TcHMT là ở những đợt sóng cảm xúc xô đẩy tới lui như những đợt sóng khác nhau dào dạt đuổi bắt không ngừng.
TcHMT là một dấu mốc đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Duy. Nếu thơ phổ nhạc nói chung đã là một gạch nối đặc biệt giữa văn học và nghệ thuật âm nhạc thì TcHMT còn có ý nghĩa một phác họa chân dung của một nhà thơ bằng âm nhạc. Giá trị của tác phẩm như vậy là đa dạng. Hãy chỉ nhìn tác phẩm trong địa hạt âm nhạc thôi, TcHMT cũng là một công trình đồ sộ: giai điệu phong phú, hòa âm tân kỳ, giọng hát nhã luyện. Tác phẩm để lại dư vị ngất ngây và những bâng khuâng không dứt về thân phận người thi sĩ quá cố mà cũng là của mỗi chúng ta. Đạt được như thế không thể không có một khí lực âm nhạc dữ dội.
Ghi chú:
Ghi chú:
(1) Vũ Khắc Khoan, Thằng Cuộc Ngối Gốc Cây Đa (kịch), 1948
(2) Phạm Duy, Về các bài thơ phổ nhạc - Về TCHMT. Hợp Lưu 15 (2&3/94), tr. 161-170
(3) Phạm Duy, bài đã dẫn, Hợp Lưu 15, tr. 164-166
(4) Hàn Mặc Tử, Quan Niệm Thơ, CHƠI GIỮA MÙA TRĂNG. An Tiêm xb, 1972, tr. 31-40
(5) Phạm Duy, bài đã dẫn. Hợp Lưu 15, tr. 164
(6) Phạm Duy, Hồi Ký 3, sđd. tr. 307.
(7) Phạm Duy, Hồi Ký 3, sđd. tr. 123.
(2) Phạm Duy, Về các bài thơ phổ nhạc - Về TCHMT. Hợp Lưu 15 (2&3/94), tr. 161-170
(3) Phạm Duy, bài đã dẫn, Hợp Lưu 15, tr. 164-166
(4) Hàn Mặc Tử, Quan Niệm Thơ, CHƠI GIỮA MÙA TRĂNG. An Tiêm xb, 1972, tr. 31-40
(5) Phạm Duy, bài đã dẫn. Hợp Lưu 15, tr. 164
(6) Phạm Duy, Hồi Ký 3, sđd. tr. 307.
(7) Phạm Duy, Hồi Ký 3, sđd. tr. 123.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét