“Tìm xa vắng bên kia bờ đổ vỡ
Dòng sông đâu, em có biết ngọn nguồn”
(Bùi Giáng)
La Fontaine trong câu chuyện ngụ ngôn “Le chartier
embourbé” dịch là “Người đánh xe bị sa lầy” kể lại rằng:
Trong vùng Hạ - Bretagne, một người đánh xe chở đầy rơm, bị
sa lầy mà không có ai giúp đỡ. Hoảng hốt, ông nguyền rủa cái ổ gà, cái lũ ngựa
kéo, cái xe và nguyền rủa cả chính mình. Đầy tuyệt vọng, ông cầu khẩn xin thần
Hercule giúp đỡ.
– Hỡi thần Hercule! Xin hãy phù hộ cho tôi, giúp cho chiếc xe
nặng nề của tôi ra khỏi vũng bùn lầy này.
Bỗng dưng trên hư không, thần Hercule vô hình cất giọng:
– Người hãy cố gắng hết sức mình trước đã, sau đó ta sẽ giúp.
Hãy quan sát vì duyên cớ nào mà xe bị nghẽn bánh. Chung quanh bánh xe kia kìa
có một lớp bùn đang bám chặt đến trục, hãy gạt sạch nó đi. Hãy lấy cái búa đập
vỡ cục đá đang chận nghẽn bánh xe. Hãy lấy đá san bằng cái ổ gà kia đi.
Sau khi người đánh xe làm theo mọi chỉ dẫn, thần Hercule hỏi
lại:
– Người đã làm những điều ta nói chưa?
– Thưa thần Hercule rồi ạ!
– Người hãy cầm chiếc roi đi!
– Dạ rồi. Ồ, chiếc xe chở rơm của tôi đã chạy được rồi. Hoan
hô Thần.Tạ ơn thần Hercule!
Xe bị sa lầy, nguyên nhân xe bị sa lầy. Xe đã chạy được sau
khi lớp bùn bị gạt ra, ổ gà to tướng được san lấp. Vấn đề xem ra quá đơn giản.
Tại sao ngươi đánh xe không tự thấy mà phải cầu viện Thần Hercule giải cứu.
Nhưng rồi chính ông phải làm điều đó. Những vấn nạn miên trường trong cõi nhân
sinh cũng tựa hồ như thế đâu có khác!.
Con người là một đề tài muôn thuở của triết học. Một nhà tư
tưởng dù có đầu óc uyên bác và giàu trí tưởng tượng đến bao nhiêu cũng không thể
nhìn bao quát hết mọi vấn đề. Tuy nhiên theo đánh giá của một nhà triết học rất
uy tín của Tây Phương Karl Jaspers, ông đã viết trong “The great
Philosophers”, thì triết gia Immanuel Kantvừa là đỉnh cao, vừa là nền tảng
của triết học Tây phương thời cận hiện đại. Đó là “Cuộc tìm kiếm sự thật và giá
trị phổ quát cho toàn thể nhân loại qua việc khai phóng cơ cấu vận hành năng động
tư tưởng con người“.
Chính Immanuel Kant đã có sáng kiến xây dựng nên
ngành khoa học mới: Nhân bản học (anthropology). Cái đáng quý nhất
trong Nhân bản học là Kant đã gởi gắm cho hậu thế một thông điệp hòa
bình: con người hãy thông hiểu nhau, thương yêu nhau, kính trọng nhau, hãy
chung sống trong viễn cảnh hòa bình. Bởi vì hòa bình là biểu tượng thống nhất
giữa chân lý, cái đẹp, với cái cao cả (sublime). Chúng ta nhận ra rằng “chân - thiện - mỹ” là ba giá trị cao quý nhất làm cho nhà triết học Kant trăn
trở suốt cả đời sống của ông. Triết học Kant được xem là một triết học về ý chí
Duy tâm luận. Nó cũng hoàn toàn bất lực trong việc định hướng một con đường đi
vào chân lý và hạnh phúc thật sự cho con người. Bởi vì, với con người thì hạnh
phúc và chân lý của đời sống hiện hữu chính là đối tượng thật sự muôn thuở mà
con người tìm kiếm. Chân lý và hạnh phúc được xây dựng trên mọi cơ cấu của các
luận triết, đều rơi vào thoa hóa.
Một đại biểu của trường phái Duy vật luận khoa học thực nghiệm, Auguste
Comte, nhà triết học và xã hội học người Pháp cho rằng con người và xã hội muốn
phát triển thì phải lấy kết quả từ khoa học thực nghiệm làm cơ sở cho những vấn
đề triết lý. Ông phân định lịch sử tiến hóa xã hội theo ba giai đoạn: Giai đoạn
thần học - tôn giáo, giai đoạn siêu hình - huyền học, giai đoạn thực nghiệm - khoa học.
Sự phân định như vậy không bền vững và bất ổn. Trong tôn giáo
vẫn có khoa học, huyền học… và ngược lại. Cả ba cũng đều xuất phát từ con người
mà ra. Hơn nữa, việc tôn vinh vật chất là giá trị bất biến, phủ nhận qui luật
nhân quả, nghiệp báo vốn là nền tảng của luân lý và đạo đức. Đây có thể là điểm
mở màn cho bóng tối và tội lỗi.
Triết lý tôn giáo, trên đại thể là con đường dẫn đến thế giới nội
chứng tự thể của mỗi con người. Để tiếp cận được trạng thái này, chúng ta
không thể sử dụng đầu óc lý luận hay sự cảm nhận qua giác quan như những công cụ
hữu hiệu mà phải dùng đến trực giác từ trí tuệ vô phân biệt - hay là một sự thể
nghiệm dựa trên sự tri giác về “một hiện hữu thánh thiện nơi con người” mà Phật
giáo gọi là Phật tính. Tuy nhiên, để có một trực giác đúng nghĩa, con người phải
nhất thiết vượt qua mọi chướng ngại của dục vọng, khát vọng, ảo tưởng, mộng tưởng
của mình.
Sau khi Thành Đạo, tại vườn Nai, Đức Phật đã dạy giáo lý Năm
thủ uẩn. Đức Phật dạy rằng con người là một sự liên kết tích tụ của năm uẩn đó
là: “sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Năm uẩn là con người
và cũng là thế giới vì cả hai đều biểu hiện như một toàn thể”.
Đức Phật, ngài chưa bao giờ tự nhận mình hàm chứa một chút gì
bản chất siêu nhiên. Được sinh ra bởi con người, với tư cách là một người bình
dị và đơn sơ nhất. Ngài thuyết giảng Đạo Pháp không hề tự gán một sức mạnh
thiêng liêng nào cả, hay tìm cách chứng minh bằng phép lạ tính chất thiêng
trong sứ mạng của mình. Ngài chỉ tự xưng là Như Lai (Tathagatha) - nghĩa là “đến nơi này như thế” hay “người đã trở thành như thế”.
Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Ngài đã xác nhận với A-nan-đa rằng
tôn giáo của Ngài được căn cứ trên kinh nghiệm và lý trí. Tôn giáo của
Ngài là một tôn giáo của đạo đức.
Theo Kinh luận Phật giáo, sinh mệnh con người được trưởng dưỡng
bằng bốn loại lương thực:
Đoàn thực là loại thực phẩm ăn uống phổ thông như thịt, cá,
rau quả v.v... dùng để duy trì cơ thể sinh học.
Xúc thực là lượng tiếp xúc. Chẳng hạn, ngắm nhìn một bức
tranh, một cảnh tượng tự nhiên, một cơn gió thoáng mát mà lòng mình thấy vui, sảng
khoái. Nhìn và nghe được dùng làm xúc thực để tăng cường tích lũy kinh nghiệm,
qua đó phán đoán và phân biệt được rành mạch hơn.
Tư thực là lương thực tinh thần nhờ niềm hy vọng hay khí lực
mà duy trì sự sống. Suy nghĩ và ước muốn của con người được nuôi dưỡng bằng tự
thực. Tư quan hệ mật thiết với tưởng tạo thành một cặp gắn
bó trong sinh hoạt nội tâm. Tưởng chỉ đóng vai trò tiếp nhận, suy đạc,
xác định đối tượng. Còn tư làm công việc phê phán, chọn lọc khen chê,
thích hay không thích… nghĩa là có khởi tâm vọng động tạo tác nghiệp khắp trong
tam giới. Câu Xá luận ghi một câu chuyện như sau: “Ngày xưa có một người cha, gặp
lúc nạn đói, định đi phương khác kiếm ăn. Muốn đem theo hai con nhỏ, nhưng vì sức
yếu không cõng nổi, bèn lấy bao bố đựng đầy than rồi treo lên vách mà bảo hai
con rằng: Đây là túi bột mì, hai đứa nhỏ cứ nhìn vào đó mà hy vọng sống được
nhiều ngày. Một ngày kia có người quen đến nhà, lấy túi xuống xem thì thấy toàn
là than, hai đứa nhỏ thấy thế liền tuyệt vọng mà chết”.
Nguyễn Công Trứ, lúc thiếu thời, sống trong nghèo khó, khoa cử
lận đận, nhưng vẫn nuôi dưỡng bằng hy vọng. Hy vọng là một chất bổ dưỡng cho cuộc
sống vật chất lẫn tinh thần.
“Còn trời còn đất còn non nước
Có lẽ ta đâu mãi thế này”
Thức thực là loại lương thực để duy trì và phát triển văn
minh, hay nói gọn là nhận thức. Tỉ như sống thật với phương châm: “Thường niệm
tri túc/ An bàn lạc đạo/ Duy tuệ thị nghiệp” là một loại thức thực.
Thi hào Nguyễn Công Trứ (1778-1858), lúc còn là một hàn
nho, trong thời kỳ đất nước loạn lạc hỗn mang, xã tắc điêu linh, ông sống quyết
liệt.
“Sắp hai chữ quân thân mà gánh vác
Có trung hiếu mới đứng trong trời đất
Không công danh thà nát với cỏ cây”
Vì thức uẩn chính là tâm nên bao hàm tất cả các tâm sở, đặc
biệt là biến hành các tâm sở luôn luôn có mặt trong thức uẩn. Thế cho nên sự
ghi nhận, tích lũy kinh nghiệm để đưa vào kho tiềm thức tàng trữ là một công
năng của thức.
Trong một bài thơ, Đinh Hùng đã viết:
“Chưa gặp em anh đã nghĩ rằng
Có người thiếu nữ đẹp như trăng…”
Đó là người thiếu nữ lý tưởng của bất cứ một chàng trai nào,
nhưng người đó chỉ có thể có trong mộng. Trong thực tế, có thể đó là một bà quỉ
đội lốt nàng tiên.
Trong tâm của ta, Tàng thức có những lý luận riêng và cái thấy
riêng. Các ước muốn của nó đôi khi không phù hợp với ước muốn của Ý-Thức.
Trong thực tế, những đối tượng của sự thèm khát, của sự ham muốn về danh lợi, về
tài lộc, về sắc, đôi khi không có đủ sức hấp dẫn bằng thế giới của tiềm thức, của
ước mơ.
Những lúc tỉnh thức, ta vẫn dùng màn nhung của cõi mộng, để
phủ lên cảnh giới của thực tại rồi cho rằng cảnh giới rất đẹp.
Xin người hãy vào thu bằng bước nhẹ
đi bên nhau, lòng chậm với vai gần
Chiếc lá rụng, rừng thu sầu nín lặng
Xin lắng hồn im đợi gió nào ngưng.
Trong hành trình của tiến hóa, mỗi giai đoạn phát triển, các
giác quan của con người càng tỏ ra chín chắn, phản chiếu hình ảnh thế giới rõ
ràng và rành mạch hơn. Vì vậy sự nhận thức đã phát triển thành tự ý thức để nhận
biết sự tồn tại của chính mình và sự tồn tại của thế giới bên ngoài, tùy thuộc
vào sự tích lũy kinh nghiệm. Thức thực là lương thực cần thiết trong giai đoạn
này.
Thông thường cái thấy biết của con người cần sự tích hợp của
chủ thể nhận thức và đối tượng của nó. Vì thế ta cho rằng có thức để mà thấy, để
mà biết và do tích lũy kinh nghiệm của thức, từ đó qui kết có một cái tôi tồn tại.
Cái tôi xuất hiện để tạo nên mối quan hệ nội giới và ngoại giới hay chủ thể và
đối tượng. Nhưng cái tôi đó là gì? Ở trong hay ở ngoài thân? Ở ngoài thì con mắt
phải thấy được, còn ở trong thì định vị nơi đâu trong lục phủ ngũ tạng, cũng
không có. Rốt cuộc lại, cái mà chúng ta nắm bắt được, thấy được chỉ do con mắt,
tức là căn. Duy thức nói không có căn, không có cảnh thì không có thức.
Ba yếu tố căn, cảnh, thức hòa hợp tạo nên xúc. Từ xúc khởi
lên cảm thọ thích ý hay không thích ý. Tiếp theo sau thọ là tưởng, tư.
Từ đây các ấn tượng nhận thức được cấu trúc thành khái niệm, thành ý tưởng và
làm nền tảng cho tư duy và ngôn ngữ, khởi niệm phán đoán và nhận thức. Như vậy
nhận thức là hiệu quả của mối điều hợp của căn, cảnh, thức. Duy thức nói rằng
thế giới biểu hiện sự vận hành hỗ tương giữa lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt,
thân, ý), lục cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) và lục thức (nhãn thức,
nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức) gọi là 18 giới. Giới là
những lãnh vực phân biệt theo tánh, tướng, thể, dụng riêng. Khi chúng tương
quan với nhau trở thành những chuỗi vận hành của sự sống và cũng từ đó sinh ra
vạn pháp trong thế giới tâm lý, sinh lý, vật lý.
Thế giới xuất hiện theo sự kết cấu của căn, cảnh, thức nên thế
giới tồn tại do phân biệt hay nói đầy đủ theo Phật giáo là phân biệt vọng tưởng.
Phân biệt có ý nghĩa là tái cấu trúc lại thực tại. Nói là vọng tưởng vì nó
không phản ảnh trung thực tồn tại như nó là: Tựa hồ như một vòng lửa, không phải
do nhiều đốm lửa liên kết lại thành vòng lửa. Nó là ảo ảnh, thực ra chỉ là sự
liên tục vận chuyển của một đốm lửa mà thành. Đây cũng là vọng tưởng do tri
giác sai lầm.
Cho nên Thiền Tông nói đến pháp Vô Niệm, con đường diệt trừ tất
cả những ý niệm trong tâm. Vô niệm có nghĩa là không vọng niệm, vì cái ý niệm nào
cũng chứa chất một phần tính cách ảo tưởng, ảo vọng trong chính nó. Thành thử,
mọi nhận về thực tại mà căn cứ vào ý niệm thì không thể đạt tới chân như của thực
tại cả. Phải đi theo con đường vô niệm, tức là con đường vượt thoát ý tưởng
phân biệt.
Cái vọng, cái chân, đều không phải là những thực tại khách
quan, mà là những thực tại chủ quan. Chẳng hạn, khi nghĩ về danh, về lợi, về
tài sắc, về một kỷ niệm xa xăm chôn sâu vào ký ức. “Tóc mai sợi vắn, sợi dài/
Lấy nhau không đặng thương hoài ngàn năm”. Không lấy nhau được thì chỉ thương
cái bóng dáng, cái hình ảnh mà thôi. Rõ ràng là vọng niệm, vọng tưởng, không cần
phải bàn cải.
Nhưng nếu ta nghĩ về Đức Phật như một vị toàn năng có thể ban
tài lộc, ban phúc đức…, cách tưởng niệm như thế là một vọng niệm. Nghĩ đến Tăng
cũng vậy. Tăng không phải là đối tượng chánh hay vọng, mà chính là cái tri giác
của mình về Tăng nó tạo ra tính cách chánh hay vọng.
Vấn đề là khi đang có vọng tưởng, vọng niệm mà ta nhận diện
được nó thì vọng niệm tự nó sẽ tan biến mất.
“Trời tuổi trẻ bụi nào về vây hãm
Giữa mịt mờ trăng nước lạnh liên miên
Hoài vọng uổng bên nỗi đời thê thảm
Hờn núi sông anh lạc xứ xa miền”
(Bùi Giáng)
“Vọng” là vì cái nhận thức của ta mang theo tính chất hư vọng.
Kinh luận thường khuyên nhũ “biết vọng không theo”, để không còn ôm lấy xác chết
của mình mà bước đi lang thang nặng nề trong cõi mộng. Một nhà thơ có lần đã tự
khẻ cười cái hư vọng trong ý thơ rất sâu:
“Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ
Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ
(Thơ - Việt Phương)
Trong đời sống hàng ngày ai mà không mộng, mộng lớn, mộng nhỏ.
Phần lớn những nhận thức và những tri giác của ta đều sai lầm. Tất cả những khổ
đau mà ta chịu đựng xuất phát từ những sai lầm, từ những chất liệu mê mờ ẩn sâu
trong vô thức, khi thích ứng với sự bất như ý hoàn cảnh hiện tại, sẽ dẫn ta tìm
kiếm đến sự thỏa mãn ở tương lai đã được tô màu và lang thang theo những bước
thăng trầm với mong cầu qua đó sẽ đạt được những sở đắc lý tưởng. Thế là vô
hình chúng ta đã hóa thân thành kẻ lữ hành bôn ba đi tìm ảo mộng, để rồi nhận
ra
Bèo mây trôi giạt
Nước chảy chân cầu
Hận mình đi lạc
Một đời xa nhau…
(Phan Duy Nhân)
Nhà thơ trữ tình, lãng mạn nổi tiếng một thời, Vũ Hoàng
Chương cũng đã thấy được như vậy với chiều kích sâu xa hơn.
Lang thang từ độ luân hồi
Vô minh nẻo trước, xa xôi dặm về…
Lục Tổ Huệ năng nói “đối cảnh sinh tâm”. Ngày xưa có người chẳng
đã hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn, nếu tất cả tâm không khởi thì sẽ không có tất cả khổ”.
Đức Phật bảo “Chớ có nói vậy, chỉ không nên khởi tâm bất thiện mà thôi“.
Ta hiểu được lời dạy của Phật. nếu không khởi tâm thì làm sao
có hạnh nguyện Bồ Tát, có thuyết độ sanh? Khởi mà thiện, đúng pháp, đúng sự thật
thì cái khởi ấy chính là Bát Chánh Đạo.
Khởi là khởi niệm. Niệm là năng lượng để soi chiếu. Có soi
chiếu thì có tập trung và nhờ tập trung ta thấy được bản chất, thấy được tự
tánh của đối tượng. Chính cái thấy này là thấy trực tiếp, cái thấy do kinh nghiệm
bản thân nên gọi nó là Tuệ giác. Trái hẳn với cái thấy bằng ý niệm, bằng
những lý thuyết chồng chất gọi là kiến thức. Tuệ giác có công năng giải
thoát, có công dụng trị liệu. Còn kiến thức làm cho ta càng ngày càng kiêu mạng
và trở thành nạn nhân chính của kiến thức của ta.
Kiến thức được phát triển nhờ thu thập nhiều thông tin, nhưng
nó mãi mãi là tương đối, hữu hạn và không chính xác. Kiến thức rất cần trong đời
sống xã hội bởi vì chính xã hội qui định ra nó. Nhưng không ít những qui định
xã hội không phản ánh trung thực sự thật khách quan vì nó xuất phát từ những
tình cảm chủ quan hoặc từ lý trí, phiến diện. Chính vì thế sự mâu thuẩn, đối
kháng lẫn nhau diễn ra khắp nơi trong cộng đồng xã hội địa phương hay rộng lớn
hơn và mang nguy cơ bạo động khó lường.
Kiến thức có thể là cái dụng của trí tuệ khi nó phải xuất
phát từ cái thấy biết như thật và trong sáng. Cái thấy biết trong
sáng, như thật nếu nó không bị che lấp bởi những khái niệm, tư tưởng, quan niệm
chủ quan, thành kiến, cố chấp v.v... Nói tóm lại, theo ngôn từ Phật giáo, chính
những sở tri, sở đắc có được từ tư kiến, tư dục của cái tôi ảo tưởng đã làm
phân tán sự trực nhận trọn vẹn của trí tuệ tỉnh giác trong cái “tính biết tự
nhiên”.
Cuộc đời không phải là nguyên nhân của đau khổ, mà chính là
cái tôi ảo tưởng biến cuộc đời thành bất hạnh. Cái tôi ảo tưởng của mỗi người
tuy khác nhau nhưng nội dung hoạt động là “vô minh ® ái dục ® trở thành ® sinh
tử ® khổ đau”
Cái tôi xuất phát từ những ý niệm thật mơ hồ, do tự nó ảo hóa
không cùng. Ta chỉ nhận diện nó dưới nhiều hình thức khác nhau như tính ích kỷ,
phóng túng, tham dục, nôn nóng, sân hận, chấp hữu.v.v.. Khi bị cái tôi ảo tưởng
đánh lừa, đưa đẩy ta đắm chìm trong phiền não, nên gọi là bến mê. Khi
không còn bị cái tôi ảo tưởng mê hoặc thì phiền não khổ đau, tự nó chấm dứt,
nên gọi là bờ giác. Thực ra chỉ có mê hay giác, còn bờ bên này, bờ bên kia
chỉ là ẩn dụ mà thôi.
Đức Phật đã mô tả chân dung một người đã giác ngộ như sau:
“Liễu vô vi, vô tín
Phá vỡ sự tục sinh
Buông vọng cầu, cơ hội
Chính là người tối linh”
(Pháp cú)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ T.S Trần Thái Đỉnh: Triết học Kant, Nxb Văn học 2014
2/ Tuệ Sỹ: Văn tuyển tập 2, Nxb Hồng Đức 2015
3/ Thích Nhất Hạnh: Trái tim của Bụt, Nxb Tổng hợp TP.HCM 2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét