Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Tiếng vạc kêu sương

Tiếng vạc kêu sương  
“Ý nghĩa của thế gian là
biết phân biệt giữa ước vọng và hiện thực”
Kurt Gödel
Trong đầu thập niên thế kỷ 21, nhân loại đón nhận các thành tựu lớn của khoa học cơ bản: Hạt Higgs và Sóng Hấp Dẫn.
Hạt Higgs
Sự khám phá hạt Higgs là một xác nhận đầy đủ trọn vẹn Mô hình chuẩn, là nền tảng giải thích sự vận hành và sự tương tác của các hạt cơ bản tạo nên vũ trụ của chúng ta, trong đó có chúng ta,có hành tinh xanh, có dãy Ngân hà kì vĩ. Vai trò của hạt Higgs là tạo khối lượng cho các fermion, thế cho nên, không có hạt Higgs, không có nguyên tử, không có hành tinh, không có chúng ta.
Mô hình chuẩn và hạt Higgs thuộc ngành khoa học cơ bản, bước đầu phục vụ tìm kiếm những nguyên lý tối hậu của vũ trụ thỏa mãn óc tò mò vô hạn của con người từ bao đời trong khoa học. Và cũng từ đó mà dấy lên những tham vọng sâu xa hơn về phía trước, bởi tất cả các lực của vũ trụ chưa được thống nhất, trong ý tưởng rằng chúng phải xuất phát từ một qui luật tổng thể từ thuở “xa xưa” khi thế giới còn  nóng bỏng, nơi đó “tồn tại một thể siêu đối xứng”.
Mô hình chuẩn, một tòa lâu đài nguy nga xây dựng trên kết quả của cộng đồng vật lý thế giới, được xem là trung gian, là cánh cửa hướng đến các lý thuyết đại thống nhất tiếp theo sau. Cộng đồng vật lý rất hãnh diện về nó. Nó đã chinh phục rất nhiều lãnh vực, hiểu rõ nguyên tử, các nhân  nguyên tử và các hạt cơ bản cấu thành nên chúng, những huyền bí về bản thể của vật chất và năng lượng.
Tuy thế,  Mô hình chuẩn đã bỏ ra ngoài yếu tố quan trọng là lực hấp dẫn và nó đòi hỏi các neutrino phải có khối lượng bằng không, nhưng thực tế khối lượng của nó khá nhỏ bằng một phần triệu của khối lượng electron. Vì vậy khiến các nhà khoa học nghĩ rằng các cấu trúc mô tả trong Mô hình chuẩn không phải là lý thuyết cơ bản trong vật lý. Mô hình chuẩn của các hạt cơ bản gồm những thành phần chủ yếu là các trường lượng tử và các hạt cơ bản khác nhau là lượng tử của các trường đó: photon, các hạt W+, W–, Zo,  tám gluon, sáu loại quark, và 3 loại hạt không có khối lượng gọi là neutrino. Hệ hình của vật lý trải qua một trăm năm vẫn chưa thay đổi, cũng vẫn là lý thuyết tương đối, lý thuyết lượng tử, lý thuyết trường. Kể từ năm 1980, lý thuyết dây cho rằng hạt là những sợi dây nhỏ mà cách rung của nó là sự thể hiện các hạt cơ bản, và một trong những mod rung động đó là hạt graviton chính là lượng tử của trường hấp dẫn, nhưng cho đến nay chưa ai tìm được một nghiệm nào của các phương trình phù hợp với sự quan sát.
Sóng Hấp Dẫn
Vào cuối năm 2015, đài quan sát sóng hấp dẫn giao thoa kế laser (LIGO) bắt được tín hiệu sóng hấp dẫn từ hai “lỗ đen” va chạm nhau, chúng ở xa Trái đất 1,3 tỷ năm ánh sáng.
Máy đo thấy có sóng khi độ cong của không - thời gian (theo lý thuyết tương đối rộng thì vật chất làm cong không thời gian. Mật độ vật chất càng lớn thì càng cong, làm bẻ cong ánh sáng…). Khi hai “lỗ đen” đâm vào nhau thì chúng làm méo không - thời gian nơi khu vực của chúng một cách khủng khiếp, tức khắc sự méo mó đó nó lan tỏa ra chung quanh dưới dạng sóng hấp dẫn (gravitational). Sở dĩ có hiệu ứng dễ “bắt sóng” vì khối lượng rất lớn, năng lượng tỏa ra kinh khủng. Theo các nhà thiên văn, có đến 1/20 khối lượng của lỗ đen bị tỏa ra ngoài và họ ước tính việc trái đất quanh mặt trời cũng tạo sóng hấp dẫn nhưng khá nhỏ, mức năng lượng tỏa ra cỡ 200 watt.
Sự kiện phát hiện ra sóng hấp dẫn đã xác minh bí ẩn sau cùng trong lý thuyết tương đối rộng kéo dài vì 100 năm qua. Các nhà khoa học khẳng định thành tựu của LIGO là vĩ đại, trao cho nhân loại tầm nhìn về vũ trụ theo cách mới mẽ.  Nói rằng nó mới mẽ bởi vì lỗ đen là vật thể bí ẩn trong vũ trụ, có lực hấp dẫn rất mạnh đến nổi ánh sáng không thoát ra ngoài. Giới khoa học chỉ nhận diện sự tồn tại của nó qua các hoạt động của vật chất ở gần chúng hay sự tương tác hấp dẫn của chúng. LIGO tìm thấy hai lỗ đen nầy theo tính toán có khối lượng gấp 29 và 36 lần khối lượng Mặt trời.
Giáo sư BS Sathyaprakask thuộc Đại học Cardiff, một thành viên LIGO rất lạc quan, tin tưởng rằng có thể xác định bản chất của vật chất tối trong vòng 10 -15 năm tới. Sóng hấp dẫn sẽ là công cụ quan trọng để các nhà khoa học tìm hiểu được những gì đã xảy ra ở khoảng thời gian cực ngắn (bức tường Planck) sau  vụ nổ lớn Big Bang.
Gần một thế kỷ đã qua, nhân loại chứng kiến một sự tiến bộ phi thường trong phần lớn những thành tựu thực dụng. Những thiết bị máy móc, dược phẩm, hệ thống máy tính, giao thông… có vẻ như danh sách những thành tựu ngày càng dài thêm. Trong ba mươi năm qua, khoa học thường xuyên giải đáp được những vấn đề thông qua công nghệ mới. Hầu như lúc nào nói đến kiến thức mới thì y như rằng người ta nói đến công cụ được cải tiến và những phương thức nhằm chuyển giao thông tin sao cho tiết kiệm thời gian và năng lượng. Những lý thuyết vật lý hiện tại hiếm hoi chỉ có một ít định luật cơ bản về tự nhiên được hé lộ.
Thế nên, một số nhà khoa học và triết gia có quan điểm cho rằng khoa học nói chung đã trải qua Thời Hoàng Kim và dần dà sẽ đi đến hồi kết thúc. Càng ngày sẽ khó đạt những phát triển thật sự mới, mà chỉ có một số các biến thiên nhỏ, cũng đủ trở thành tiêu điểm hấp dẫn cho người ta nghiên cứu. Để hiểu biết sâu thì phải nỗ lực càng lớn về trí tưởng tượng và muốn tiếp cận được cái cấu trúc của những hệ phức hợp rối rắm thì phải cần đến máy điện toán mạnh mẽ hơn nữa.
Tự bản thân các nhà khoa học không định ra con đường tương lai của nền khoa học hiểu theo nghĩa đích thực của nó là trung tâm tri thức thực chứng mới. Khi hoạt động của họ trở nên tốn kém và không liên quan trực tiếp đến nền công nghệ hoặc lãnh vực quân sự thì chỉ còn lại hoạt động khoa học sẽ được hỗ trợ tùy thuộc vào những vấn nạn trầm trọng mà xã hội đang đối mặt. Chẳng hạn có vấn nạn về khí hậu thì cơ quan phân bố ngân sách ưu tiên cho nhà khoa học khí tượng hơn cả.
Trong xu thế chung hiện nay và cả tương lai, sự phát triển kiểu mẩu “khoa học theo vấn nạn”, có nghĩa là nghiên cứu để giải quyết các vấn đề đang đe dọa sinh tồn và an sinh của con người thì ngày càng được hỗ trợ kinh phí dồi dào hơn. Bên cạnh mối quan tâm đó, phải kể đến mối đe dọa và sự bùng nổ của chiến tranh khiến cho con người cảm thấy bức thiết và khẩn trương muốn đặt trọng tâm vào những lãnh vực chuyên biệt của khoa học và toán học. Vì vậy, có nhiều nghiên cứu khoa học bị lôi cuốn vào mục đích quân sự cùng với sự hỗ trợ những khoảng ngân sách lớn. Tình thế này, một mặt tạo cơ sở vật chất thúc đẩy khoa học phát triển nhanh chóng, nhưng mặt khác lại làm sai lệch tính tự chủ và độc lập của các tổ chức khoa học. Chẳng hạn, năm 1994 tạp chí Nature tiết lộ Bộ quốc phòng Hoa Kỳ đảm bảo 55% ngân sách cho ngành khoa học máy tính (computer science), 70% cho ngành khoa học vật liệu (materials science), 80% cho ngành điện tử (electronic)
Một hy vọng cho tiến bộ khoa học lâu dài có thể là việc phát triển những hệ thống điện toán với qui mô thu nhỏ kích thước, có vận tốc xử lý nhanh, làm được nhiều công việc phức hợp hơn. Những dự án khoa học thuần túy nhằm phát triển công nghệ này sẽ đóng vai trò chủ chốt trong tương lai.
Ngày nay chi phí nghiên cứu khoa học quá tốn kém, một viễn cảnh sự hợp tác quốc tế qui tụ đến hàng trăm nhà khoa học, kinh phí đến cả tỷ đô la, và thời gian nghiên cứu có thể vượt quá cuộc đời phục vụ của người tham gia, đã nâng cao hoạt động khoa học lên tầm cao mới. Ví như CERN có 20  quốc gia thành viên Âu Châu và CERN còn duy trì hợp tác với các trung tâm nghiên cứu khác trên thế giới. CERN có rất nhiều thành tựu, trong số đó phải kể nổi bậc là sự khám phá tại máy gia tốc đối chùm hadron (LHC) về một beson có khối lượng 125 Gev phù hợp với beson Higgs được tiên đoán qua lý thuyết từ lâu.
Sự hấp dẫn tiệm cận của loại dự án tập thể hợp tác sẽ là dấu ấn thành tựu khoa học về vật chất của các nhà vật lý, nơi mà một lý thuyết trung tâm thành công có thể sử dụng dung lượng số liệu khổng lồ và một hệ thống điện toán mạnh mẽ. Có thể nói đến các nhà thiên văn học qua kính thiên văn không gian Hubble, các nhà sinh học qua dự án giải mã bộ gien người…
Rõ ràng các trung tâm nghiên cứu khoa học lớn chỉ có thể xây dựng tại các quốc gia giàu có và đủ sức hội tụ các nhà nghiên cứu tiếng tăm cùng với các đại học hàng đầu thế giới.  Châu Âu và Bắc Mỹ có ưu thế vượt trội. Thế cho nên các thập kỷ gần đây, một số đại học của Pháp, Mỹ đặt vấn đề: Theo họ, một thực tại khoa học khách quan không tồn tại. Khoa học là một vấn đề văn hóa, mà văn hóa lại phụ thuộc xã hội trong đó nhà nghiên cứu đang làm việc. Khoa học còn phụ thuộc giới tính và cả nguồn gốc dân tộc. Theo quan điểm của họ thì các sự kiện tự nhiên chỉ là kết cấu của trí tuệ chứ hoàn toàn không có cơ sở khách quan. Quan điểm này gọi là “chủ nghĩa giải cấu trúc” có nguồn gốc tư tưởng của nhà triết học Pháp Jacques Derriada và của Martin Heidegger, triết gia lớn người Đức.
Cực đoan hơn, họ cho rằng khoa học chỉ là sáng tạo của người da trắng phương Tây, được phát triển từ châu Âu sau đó tràn ngập thế giới. Sử gia khoa họ T.Kuhn có một tác phẩm được xem là công trình hàm lâm  có ảnh hưởng xã hội trong hậu bán thế kỷ 20. Tác phẩm có tên “The structure of scientific revolutions” đã dịch ra 20 ngôn ngữ, và được trích dẫn bởi nhiều học giả, đã gây ra nhiều phản ứng chỉ trích vì ông cho rằng:  “Các lý thuyết khoa học chỉ là một hệ ý niệm được cộng đồng khoa học thừa nhận theo chủ quan của họ và dưới tác động của ảnh hưởng xã hội mà họ phải chịu“.
Có một ví dụ gần như phổ biến phản bác ý kiến này: “Cơ học lượng tử đã khám phá ánh sáng có bản chất lưỡng tính sóng - hạt và bản chất của ánh sáng sẽ tùy thuộc vào hành động quan sát (công cụ đo đạc) của nhà vật lý. Thế mà, tại phương Đông, trước đó hàng vài mươi thế kỷ, các nhà khoa học chiêm nghiệm cúa Đạo Phật đã chứng ngộ chân lý “Pháp vô ngã” có nghĩa là không gì có thể xác định và tồn tại một cách tự thân.
Cũng vậy, khi thâm nhập vào hạt nhân nguyên tử, họ chỉ tìm thấy một khoảng chân không, ở đó các hạt quart  sinh diệt liên tục gọi là “Không lượng tử” . Không lượng tử mang dấu ấn hư vô mênh mông tỉnh lặng, từ đó do những kích thích nhiễu loạn của năng lượng mà vật chất được tạo thành để rồi chúng tương tác, phân rã, trở về với không. Thừa hưởng một gia tài triết học lâu đời và một nền khoa học tiên tiến, thé mà Tây Phương đã không ngừng kinh ngạc trước khái niệm Tánh Không mà Đức Phật đã khám phá 25 thế kỷ trước đây. Khái niệm về Tính Không có 2 khía cạnh khác nhau:
Khía cạnh thứ nhất mang tính chất triết học và khoa học nói lên bản chất tối hậu của hiện thực.
Khía cạnh thứ hai là tính cách thực dụng của Tánh Không, như là một phương tiện hữu hiệu nhất giúp con người hóa giải một sự bám víu, là nhân tố mang đến sự bất an và đau khổ trong đời sống thế tục.
Sự mở rộng Tánh Không liên quan đến tất cả các hiện tượng trong vũ trụ, chỉ được khai triển như một khái niệm siêu hình, dựa vào các biện luận trừu tượng và đã được đặt vị trí trung tâm của Đạo Pháp. Sự chuyển hướng dứt khoát này được luận sư Vô Trước, trong thế kỷ thứ IV hình thành Duy thức học, mở ra sự phát triển Kim Cương Thừa và Thiền học. Sự mở rộng này đã góp phần cho Đạo pháp trở nên phong phú và đa dạng hơn, khiến cho Đạo pháp trở thành uyên áo, khó khăn cho một số người áp dụng Tánh Không vào việc tu tập.
Có thể vì lý do đó mà hàng loạt khái niệm mới mang tính “cụ thể”, “dễ hiểu” hơn được xuất hiện trong Kinh luận như: Bản thể của Phật, Như Lai Tạng, Chư Như, Pháp Thân…, giúp cho việc tu tập dễ hơn.
Có rất nhiều ví dụ tương tự.
Mượn ý kiến của nhà bác học, Bohr hay Erwin Schrodinger để khái quát về sự cần thiết phải thống nhất tư tưởng giữa khoa học Tây phương và Triết học Đông Phương để giải tỏa cái nghịch lý của cơ học lượng tử được nhận thức theo kiểu của Tây phương. Bohr kêu gọi: “Song song với các bài học của lý thuyết nguyên tử… chúng ta cần phải quay về các vấn đề nhận thức luận mà các nhà tư tưởng như Đức Phật và Lão Tử đã từng đối mặt, bằng cách cố gắng làm hài hòa giữa vai trò  người xem và diễn viên trong vở kịch lớn của tồn tại”.
Bát nhã tâm kinh viết:
“Sắc bất dị không, không bất dị sắc
Sắc tức thị không, không tức thị sắc”
Nếu cứ nhất thiết khu biệt sắc và không thì đã rơi vào “nhị kiến” là cái nhìn chấp trước, sẽ trói buộc tâm trí người ta trong vòng lẩn quẩn của sự u tối, không xóa bỏ được ngã kiến để đồng nhất mình với cái tâm tỉnh lặng của đất trời. Tinh thần phá chấp là nền tảng của nhân bản Phật giáo, xem cứu cánh tối hậu của vũ trụ chỉ là năng lượng tự tính của chân tâm.
Cho đến nay, hai lý thuyết trụ cột của vật lý hiện đại là cơ học lượng tử và thuyết tương đối được xây dựng từ khởi thủy cũng do các nhà khoa học người da trắng Châu Âu, nhưng có rất nhiều bằng chứng cho thấy cơ học lượng tử và lý thuyết tương đối rộng có những lãnh vực ứng dụng thông thường của chúng rất khác nhau. Khi chúng ta thử tổ hợp cơ học lượng tử với lý thuyết tương đối rộng thì sự kết hợp đó mang lại những tai biến ghê gớm. Khi những phương trình của 2 lý thuyết đó được kết hợp lại với nhau, thì nhiều bài toán vật lý được đặt rất nghiêm chỉnh lại cho những đáp số vô nghĩa, vô nghĩa có dạng là sự tiên đoán xác suất của một quá trình nào đó xuất hiện là vô hạn. Chúng ta buộc phải kết luận  có một cái gì đó sai một cách nghiêm trọng.
Các nhà vật lý tại các quốc gia khác nhau đã nỗ lực sửa đổi lý thuyết tương đối rộng cũng như cơ lượng tử để tránh xung đột đó, tuy nhiên những nỗ lực này dù thông minh và táo bạo đều gặp hết thất bại này đến thất bại khác. Lý  do này dẫn đến sự ra đời lý thuyết siêu dây. Theo lý thuyết dây, các thành phần sơ cấp của vũ trụ không phải là các hạt điểm, mà chúng là sợi dây nhỏ một chiều. Dây của lý thuyết siêu dây nhỏ một chiều. Dây của lý thuyết siêu dây không phải là sợi dây thông thường cấu tạo bởi các nguyên tử và phân tử, trái lại nó được xem như là nằm sâu trong tâm trái tim của vật chất, là những thành phần siêu vi mô tạo nên các hạt cấu thành nguyên tử. Các mode dao động của dây chính là tác nhân tạo ra khối lượng và điện tích.
Các nhà khoa học cho rằng những phân tích mới nhất, lý thuyết dây vẫn chưa có những tiên đoán quyết định có thể kiểm chứng bằng thực nghiệm để xác định nó đã vén được những bí mật che giấu các chân lý sâu xa nhất của vũ trụ hay chưa. Thực tế là cơ sở toán học của lý thuyết phức tạp đến mức, cho tới nay chưa ai biết được phương trình chia phối lý thuyết này là thế nào.
Hàng ba chục năm sau này, lý thuyết  dây tiến hóa thể dạng trong lý thuyết – M trong việc tìm kiếm lý thuyết tối hậu, người ta vỡ lẽ ra rằng lý thuyết dây chỉ là một trong số nhiều bước ngoặc trên con đường tiến tới một quan niệm rộng lớn về vũ trụ. Nơi bước ngoặc này, việc tìm ra công cụ toán học để xây dựng lý thuyết dây mà không cần viện đến sự  tồn tại của không gian và thời gian là một nhiệm vụ quan trọng nhất của lý thuyết dây, hay nói cách khác dạng hình học nào sẽ thực sự xuất hiện? Trên con đường dằng dặc đó, lý thuyết dây là điểm mốc quan trọng hay là đích cuối cùng? Vũ trụ, tự nhiên vẫn luôn luôn có những bí ẩn được ẩn giấu kín rất sâu xa, mà tri thức con người không thể đến đó được. Nhà vật lý vũ trụ Stephen Hawkings nổi tiếng đương đại có nói lên cái thao thức đó như sau: “Thượng đế không chỉ chơi trò xúc xắc, mà đôi khi còn vứt bỏ những con xúc xắc đó ở đâu mà chúng không nhìn thấy được“.
Các lý thuyết khoa học về vật lý ở tầm vĩ mô và vi mô trong quá khứ gần đây, đạt được nhiều thành tựu kỳ diệu, đã thúc đẩy sự phát triển nhiều ngành công nghệ hiện đại, góp phần tăng trưởng kinh tế và chuyển biến xã hội loài người.
Tinh thần khoa học, khai phá, giải huyền và dự phóng là những mặt tích cực làm nên đạo lý cho nền khoa học mới. Khoa học đã chứng tỏ nó có thể tác động đến thế giới, nhưng tự nó không thể hướng dẫn cho người ta sử dụng nó, và những ứng dụng của các khám phá đó không thuộc về họ nữa. Tuy nhiên lịch sử nhân loại đã đặt vấn đề trách nhiệm của nhà khoa học trong Thế chiến thứ hai. Lúc bấy giờ với dự án “Manhattan” có mục đích chế tạo ra trái bom nguyên tử đầu tiên, kết quả là khi được thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagassaki giết cả trăm ngàn người Nhật, một tai họa khủng khiếp đã được báo động cho nhân loại.
Thực ra, nói chung với những nghiên cứu khoa học cơ bản, các nhà khoa học không thể nào dự đoán được phát minh nào sẽ gây ra những hệ quả gì. Chẳng hạn, James Maxwell sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng tất cả các thiết bị điện tử làm nên các tiện nghi vật chất mà con người đang sử dụng lại nhờ vào định luật điện từ được ông khám phá vào thập niên đầu thế kỷ 20, như đèn điện, máy fax, GPS (hệ thống định vị toàn cầu), đài, ti vi, điện thoại, internet, wifi v.v... Việc giải mã bộ gen người đã được hoàn thành vào năm 2001, thế là nay người ta đã nghĩ đến cách biến đổi gen để lựa chọn giới tính, kích thước, màu tóc của đứa trẻ sắp sinh. Việc sửa chữa di truyền có nguy cơ làm phát sinh chủ nghĩa ưu sinh của phát xít phân cấp “chủng tộc“. Và khả năng nhân bản con người trong những năm gần đây báo động các nguy cơ trầm trọng về an sinh . Còn có quá nhiều những ứng dụng khác của khoa học vào công nghệ chiến tranh hủy diệt, có nguy cơ đe dọa đến sinh tồn nhân loại đang tiếp tục nghiên cứu phát triển trong sự tranh giành ưu thế vũ lực.
Các nỗ lực của hoạt động tinh thần nhất thiết phải đạt đến sự chuyển biến sâu sắc trong cách nhận thức và tác động lên thế giới. Rằng ý thức của mỗi cá thể không thể biệt lập với thực tại của tổng thể và hơn thế nữa, những hàm ý của khám phá bằng kinh nghiệm cá nhân đó phải được đồng hóa. Chính sự tương thuộc này, theo Đạo Phật, phải biểu hiện bằng lòng trắc ẩn, và lòng trắc ẩn sẽ là một công hạnh làm cho con người thay đổi đến tận gốc rể.
Chìa khóa của đạo đức là sự phản ánh của những phẩm chất bên trong và dẫn dắt cho việc hành xử qua tư duy, lời nói và hành động. Trên mô thức này, rõ ràng đạo đức sẽ được xây dựng trên sự tương hợp giữa lý thuyết và kinh nghiệm sống. Với lộ trình đó, đạo đức sẽ khắc chế và giải phóng được lòng tư dục. Khoa học như thế, không những có trách nhiệm đạo đức trong cách nghiên cứu của mình, mà còn có thể khám phá ra cơ sở khoa học của nền đạo đức ấy cho thế giới.
Như vậy có một thách thức rất cơ bản: đó là nhà khoa học nghiên cứu để học, để hiểu không phải chỉ suy nghĩ bằng khối óc mà còn bằng trái tim, kể cả sắc thân nữa. Khi đó, họ vừa tra vấn bản chất đúng của thực tại, bản chất của tri thức (bản chất của cái biết) và đường lối mà làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Điều đó đòi hỏi sự tu dưỡng những hình thức của tri thức nhằm diệt khổ cho mình và cho cả hành tinh.
Nhà bác học vĩ đại Albert Einstein đã thấy trước điều gì khi ông nói: … ”Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên đấng thần linh, và không còn giáo điều và thần học. Bao quát cả tự nhiên và tinh thần, tôn giáo ấy phải đặt nền móng trên một ý thức đạo lý khởi lên từ cái kinh nghiệm thấy toàn thể mọi vật, tự nhiên và tinh thần là một thứ thống nhất đầy ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng điều kiện này“.
Đây là một phát biểu nổi tiếng, nêu lên một nhận định thâm trầm về Phật giáo được trích dẫn rất nhiều qua các sách khảo luận. Câu nói của ông xuất phát từ niềm thao thức đi tìm một nền đạo lý phổ quát bao hàm cả đời sống thiên nhiên lẫn tinh thần, để xây dựng một cuộc sống an lạc trên hành tinh xanh của chúng ta, trong bức tranh toàn cảnh của khoa học đã có những khám phá mới làm thay đổi các quan niệm cũ, một thời được xem như những chân lý tuyệt đối thống trị của nhiều thế kỷ.
Mặt khác, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tiếp cận một cách có chứng lý về sự xóa tan giữa ranh giới chủ thể - khách thể. Điều này làm ánh hiện thấp thoáng giáo lý “Duyên khởi” do Đức Phật tuyên thuyết trước đây 26 thế kỷ.
A.Einstein, đã từ giả thế giới này hơn cả trăm năm, mang theo bộ óc kỳ tài và một tấm lòng rộng mở. Ông đã thấy cái thế giới mà sự thô bạo hung ác được tưới tẩm bởi hương hoa của nền văn minh, đặt nền tảng trên những nhận thức sai lầm về ý nghĩa cuộc sống, từ đó đã kéo theo những đánh giá sai lầm về những giá trị của cuộc sống. Với tâm trí bấn loạn như thế, chúng ta hình như chỉ còn nghe lời nói của Ông như dư vang một âm điệu buồn của tiếng vạc kêu sươngtrong những chiều tà lúc hoàng hôn về.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ John Barrow: Điều Bất Khả. NXB Trí thức, năm 2012. Dịch giả: Dịch Minh Tuấn và Chu Trung Can.
2/ Arthur Zajonc: Phật giáo và Thế giới Lượng tử. NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, năm 2012. Dịch giả: Pháp Hiền
3/ Trịnh Xuân Thuận: Vũ trụ và Hoa sen. NXB Trí Thức, năm 2013. Dịch giả: Phạm Văn Thiiều và Phạm Nguyễn Việt Hưng.
Đặng Công Hanh
Theo https://dangconghanh.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tôi đã viết ‘Bến không chồng’ như thế Tôi viết bằng cả tấm lòng yêu thương của một người lính từ chiến trường về nhìn thấy quê hương, th...