Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Cảm xúc về bài thơ “Trăng và Mai”

Cảm xúc về bài thơ “Trăng và Mai”
Bắt gặp trong Ấn phẩm Xuân Quý Tỵ 2013 của Thiền Viện Bồ Đề Đà Nẵng, bài thơ “Trăng và Mai” của Phương Bối, một người Phật tử thuần thành, làm việc với trách nhiệm chuyên viên kỹ thuật thiết kế đồ hoạ vi tính, phục vụ công tác hoằng pháp cho Chùa. Duyên với nợ, nợ với tình. Thế cho nên anh làm thơ. Thơ của anh có khuynh hướng thơ Thiền. Thơ như thế phải đồng vọng từ cõi đời trầm mặc, ngân vang khúc đoạn trường khổ luỵ. Thơ như thế đã đi vào cuộc đời, bôn ba với sóng dậy, với mọi đắng cay, mặn nồng, chua ngọt để trực nhận cái cảm nghiệm hương vị thù thắng của “cõi đại toàn”.
Anh làm thơ như tự sự của một kẻ dong ruỗi đang tìm cầu.Vì tìm cầu nên đây chính là bức tường vô tình ngăn che sự ngắm nhìn thực tại trôi qua với tâm thức lưu đày của mình.
… Tháng ngày đong đếm bao nhiêu
Dấu chân cùng tử liêu xiêu trưa hè”
Thầy Tuệ Sỹ viết: “Từ cõi mộng đơn sơ đến cõi đời của đoạ đày viễn mộng, có hố thẳm tuyệt mù chơi vơi không đáy. Bên này và bên kia được nối bằng chiếc cầu độc mộc cheo leo. Làm sao có thể đi qua, đi lại được, bằng đôi chân nặng trĩu của phàm phu tục tử”.
Phải chăng, đôi chân nặng trĩu đó ẩn dụ cho mặc cảm duy nhất, dấu ấn của ngã tưởng đã hằn sâu vào tư duy trải qua nhiều kiếp, trầm kha trong luân hồi của phận người, khiến con người mê mờ không thấy được Phật tri kiến, và trí tuệ vô ngã, không nhận ra thực tướng của không tướng tràn đầy, bao bọc chung quanh mình, ở trong tâm ngoài thân và khắp cả pháp giới.
Tuy vậy, ngay cả khi chúng ta đang lặn ngập trong mênh mông của bể đời sinh tử, thì ta vẫn có trong người bảo vật Phật Tri kiến và toàn bộ không tướng giải thoát. Thật là một gia tài vô giá, giải thoát vô lượng mà ta sẽ đón nhận được chỉ khi ngã tưởng rơi rụng trong tâm. Ngã tưởng (vô minh) là động lực thúc đẩy con người sinh khởi tham, sân, si, bi ai, sầu muộn… nên lúc dập tắt ngã tưởng sẽ nhận được thanh tịnh, an lạc.
Truông dài, lũng thấp, non cao…
Thoắt nghe tiếng kệ dạt vào bến mơ.
Bởi vậy, Bồ Đề tâm chính là chí nguyện của chúng sinh đang sống trong bức bách của đoạ đày khổ luỵ, mong tìm con đường giải thoát cho bản thân và cho những ai đồng cảnh ngộ.
Thầy Tuệ Sỹ viết: “Bồ đề tâm, đó là ý chí kiên cường bất khuất của một con người bị cột trói trên ngọn lửa rực cháy, bị chà đạp dưới sức mạnh tàn khốc của tham vọng điên cuồng của chính ta và của tập thể ma quái chung quanh ta. Vui cười gì, thích thú gì, giữa ngọn lửa không ngừng thiêu đốt? Bị bao phủ trong bóng tối, sao không tìm ngọn đuốc”?
Vậy thì Bồ đề tâm chủng tử gieo nơi đâu?: “Hạt giống Bồ đề không được gieo vào một cánh đồng trừu tượng nào xa xôi, cũng không chỉ đợi cho gieo vào một vùng đất hứa nào khác, mà nó được gieo ngay trên sa mạc sinh tử này, khô cằn với những đau khổ triền miên của chúng sinh này…”.
Phương Bối để cảm hứng chớm dậy từ đời sống với những tất bật bận rộn, sống như thế mà cảm xúc như chập chờn trong cơn mộng, tâm hồn bốc cao lên khỏi những tế toái của đời sống. Quả thật, trú xứ đó há không phải là cái mà con người phải tìm kiếm trong thế giới cạnh tranh, hư nguỵ này. Một góc phòng, một túp đều đơn sơ nơi cô tịch hoang dã, mà nơi đó người ta có thể vượt lên những giới hạn của thế giới tương đối, để được một thoáng ngắn ngủi của thời gian nhìn vào vĩnh cửu, vĩnh cửu ở bên kia thời gian.
Đó là nơi nào? là chỗ ta và người, tình và cảnh, đều trở thành tịch mặc Không Không. Trong trạng thái đó ta đã vượt qua cái biên tế thời gian do ý thức nhị nguyên mà con người tạo ra và tiến gần đến thời gian của vĩnh cửu. Dường như trong mỗi người chúng ta ai cũng có gặp được giây phút đó trong thoáng chốc. Thấy được huyền vi cuả sự sống giữa lòng thiên nhiên, im lặng, tịch mặc vô ngôn, mà trái tim rộn ràng cùng với nhịp đập của thiên thu vĩnh cửu.
“Một mai bỏ cuộc phiêu linh
Ngắm mai còn thấy đầu ghềnh trăng buông?”
Đức Khổng Tử nói: “Trời có nói gì đâu? Bốn mùa vẫn vận hành. Vật vẫn vận hành. Vạn vật vẫn sinh trưởng. Nào trời có nói”.
Trời, thiên nhiên vẫn vậy, nhưng tính cách phù phiếm của con người làm cho thiên nhiên bị phơi bày ra giữa kịch đời sáo rỗng. Đại thi hào Nguyễn Du đã than thở rằng:
“Xuân lan Thu cúc thành hư sự
Hạ thuỳ Đông hàn đoạt thiếu niên”
(Lan mùa Xuân, Cúc mùa Thu, đã trở thành chuyện hão
Vì mùa Hạ nóng, mùa Đông lạnh đã cướp tuổi xuân mất rồi)
Cái phù phiếm là chân dung của ảo vọng của vô thường, nói trắng bạch ra chính là nhát chém hư vô. Nhà thơ tình nổi tiếng một thời, bị nhát chém vào huyệt đạo, Xuân Diệu viết:
“Xuân đang đến, nghĩa là Xuân đang qua
Xuân còn non, nghĩa là Xuân sẽ già
Mà Xuân hết thì đời tôi cũng hết…
(XD)
Người tu học Thiền, dù căn mạng thấp hay cao, thì học từ cái khổ đau, cái hư ảo. Học cho thân tâm chịu cảnh đạm bạc, lạc lỏng chơ vơ, học như thể đoạ đày, với sở học là xả ly cái sở dục, là buông thả, chuyển hoá thành cái Không và đạt đến cái Tĩnh. Tâm Tĩnh thì trầm lặng như mặt hồ không gợn sóng, như bầu trời thu không mây vương. Còn Tâm Không thì rộng sáng bao la như lòng trời không biên, dung nạp tất cả thiên hà, tinh đẩu.
Tâm Tĩnh - Không, nhìn ngắm sự đời vốn bôn ba giữa loạn động mà chợt thấy mình trong phương ngoại (phi xứ, non - local), và phương thời (non - temporal) hay nói gọn là siêu việt không gian và thời gian. Thế cho nên trong thơ cũng có xúc cảm của Thiền. Cái ảo diệu trong thơ dứt khoát không phải là cái ảo ảnh, mà đó chính là sự biểu hiện của đọa đày thân tâm, đoạ đày trong cái Không và cái Tĩnh. Vì vậy họ vẫn thong dong, họ tiêu sái, họ lãng đãng như đang hoà điệu rung cảm với ánh trăng giao tình cùng mai nở trong đêm trường cô tịch.
Phương Bối đang thỏng tay, để mộng bốc thành mây trời trong nắng sớm. Tình và mộng đến và đi như chưa từng có. Duyên tình mộng nghìn kiếp, trong một thoáng chốc đã trở thành Không Không trong vĩnh cửu.
“Giọt sương uống ánh trăng vàng
Cành mai hé nụ, khẽ khàng trong đêm
Trùng trùng cơn mộng không tên
Ánh trăng thường chiếu bên thềm Chân Như”
Quả thật, rất khó như người học Phật, tu Thiền, học cho thân tâm trở thành thứ tro tàn nguội lạnh mà chưa có duyên chứng ngộ được cõi Không tịch của Đạo, nhưng cũng dễ như khi bất chợt nghe vọng xa xa của tiếng chuông chùa lúc chiều về, cõi Không tịch lại hoát nhiên đột ngột mở ra. Đó là chỗ ảo diệu của ngộ Thiền. Làm sao nói lên đó là cái gì? Thiền là cái thấy, là phạm trù của tuệ giác, của chứng nghiệm tự thân. Ở đây tựa hồ như giọt nước mát, trong trẻo chảy từ nguồn.
“Đời trôi nổi bể trầm luân
Vút nghe tiếng Kệ thoát vòng huyễn hư”
Thơ không có đường đi lối về. Đó là đường chim bay, hay đường bay ngẫu hứng. Nó gọi là hay hoặc không hay đều do tập khí nhĩ căn người nghe. Vấn đề là ẩn ngữ của thơ, trong đó nó cũng có sứ mệnh như là đối ẩm và tĩnh tại với cõi cô liêu xa hút của đất trời.
Thơ được ví như giấc mơ trần thế, như cánh chim lạ lượn vòng trong giấc mộng hư phù, quạnh quẻ đơn độc nhưng lại xa vợi không cùng. Vậy xin đừng ngộ nhận giữa thơ và Thiền. Nhưng thể loại thơ có tư tưởng Thiền tất phải trải qua một cuộc lịch nghiệm tồn sinh, khốn đốn bị vây quanh giữa muôn trùng hư ảo, mới thai nghén được như thế, mới là tim óc xuất sinh từ không gian của trí, thắm đậm lý tính, biểu đạt qua ngôn ngữ của thâm thuý ẩn mật. Đó là một thế giới của lấp lánh ngôn ngữ triết lý, lung linh những hình tượng mỹ học diễm lệ, và như thế nó đóng kín cánh cửa của thơ Thiền vốn tự bản chất lạnh lùng, vô cảm.
Tìm trăng thấy một cành mai
Nhìn trăng lại ngỡ hoa cài trang kinh.
Một mai bỏ cuộc phiêu linh
Ngắm mai còn thấy đầu ghềnh trăng buông?
Chú thích: 
Nguyên văn bài thơ
Trăng và Mai
Tác giả: PHƯƠNG BỐI
Tìm trăng thấy một cành mai
Nhìn trăng lại ngỡ hoa cài trang kinh.
Một mai bỏ cuộc phiêu linh
Ngắm mai còn thấy đầu ghềnh trăng buông?
Giã từ giấc mộng đêm xuân
Lắng nghe tiếng gọi giữa dòng Vô Ưu.
Tháng ngày đong đếm bao nhiêu
Dấu chân cùng tử liêu xiêu trưa hè?
Giọt sương uống ánh trăng vàng,
Cành mai hé nụ khẽ khàng trong đêm.
Trùng trùng cơn mộng không tên
Ánh trắng thường chiếu bên thềm Chân Như.
Thái Hư lạnh buốt Thái Hư!
Thuyền Tâm vô định bến Từ nơi nao?
Truông dài, lũng thấp, non cao…
Thoắt nghe tiếng kệ dạt vào bến mơ.
Người về khép nửa vần thơ,
Thả trôi đại mộng đón tờ kinh Không.
Trăng vàng vẫn sáng mênh mông,
Mai vàng vẫn nở thắm đồng quê hương…
Trăng tròn khuyết vẫn là trăng
Cành mai Mãn Giác thường hằng bến xuân.
Đời trôi nổi bể trầm luân
Vút nghe tiếng kệ thoát vòng huyễn hư…
Đặng Công Hanh
Theo https://dangconghanh.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...