“Vô minh đi giữa cuộc đời
Khóc cười nhốn nháo thương ôi kiếp người”
Đó là điệu buồn mà Viên Dung, tác giả tập “Bút Ký Hiện Sinh”
đã cảm xúc. Tôi có dịp đọc tập thơ tặng này nhiều lần, trong những cảm nhận thật
phiêu bồng theo các cung bậc biến tấu hiện sinh.
Duy Thức hay Tâm lý học Phật giáo có chỉ ra rằng: Căn - Cảnh - Thức, ba sự hòa hợp duyên sinh Xúc. Xúc duyên sanh Thọ. Vì Xúc khác nhau dẫn
đến cảm thọ khác nhau nên phóng xuất ra cái nhìn có phần dị biệt và vì thế, nó
vạch ra một định hướng lịch sử cho mình phải khác nhau.
“Nhất thiết chúng sinh giai y thực trụ”. Tất cả chúng sinh tồn
tại, nhờ vào “dưỡng chất”; dưỡng chất như thế phải đáp ứng duy trì sinh mệnh và
mang đến sự sinh trưởng, đó là một thứ giá trị rất cao bao gồm đồng thời “lợi”
“mỹ” và “thiện”. Thiện và mỹ phải lấy “chất” làm nội dung theo đuổi và sáng tạo
thông qua hoạt động của cuộc sống thanh thản cao độ. Cái gọi là “thiện” chính
là việc mang lại giá trị “lợi” và “mỹ” cho người khác, hay có thể nói rằng “thiện”
là giá trị sinh sản ra trong mối tương quan với người khác, bảo vệ sinh mệnh và
tăng cường hạnh phúc cho tha nhân.
Thế cho nên Viên Dung làm thơ như một hơi thở, nên thơ không
là ẩn ngữ. Trong cuộc giao tình vừa khỏi sự, cuộc thơ cũng phơi bày lồ lộ những
hạt sương, mà chợt nghe lạnh buốt âm thầm, bởi đâu đó trong những hoài niệm xa
xôi, đôi mắt u huyền của một thời, một đoạn đời đã thành thiên cổ. Trong cảm thức
đã hiện về một nỗi bơ vơ như vì sao Hôm trong buổi hoàng hôn, tư lự như sao Mai
giữa trời khuya ngất lạnh.
Thời gian đã hóa thân thành lịch sử, để cho mặt đất dậy lửa
và khung trời khói ám, người chơi vơi trong cuộc chiến tình - thù nên trong đôi
mắt cứ vương nỗi sầu thiên cổ, nỗi sầu trường mộng nhân sinh.
“… Còn đó gốc đa đơn côi
Hiu hắt bến đò xưa
Mẹ già ngồi chờ ai nữa
Cốc nước chè sánh đặc
Thảo thơm cốm keo bụi đường
Còn đó cái điếu cày vất vưởng
Dăm tuổi teen xúm lại… rít hơi dài
(Ngõ xưa)
Nền văn minh phương Tây cùng với sự phát triển rực rỡ của
khoa học và công nghệ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng thích hợp với khẩu vị
cho một số đông vào thời điểm này. Trên đại thể, nền văn minh này phát triển
theo định hướng con người là thực thể nhị nguyên, từ phát triển khả năng tư duy
đến phát triển khả năng tiêu thụ.
Khả năng tiêu thụ đã hình thành nên chủ nghĩa vật chất cũng
như sự tăng trưởng về dục vọng ẩn giấu sâu trong gốc rễ của con người. Ngày nay
nó đã thông qua chủ nghĩa thị trường mang tính toàn cầu, mang đến sự gia cố chủ
nghĩa vị kỷ đến cực điểm.
Còn ở phương Đông, cái thời hoàng kim của tư tưởng: “Thường
niệm tri túc/ An bần lạc đạo”. Trong bản chất trầm mặc xa xăm, suy ngẫm về dòng
biến dịch của thời gian, thấy những giọt nắng chiều cô đọng thiên thu thành khoảnh
khắc và trải rộng khoảnh khắc thành thiên thu. Đời sống là cái gì đó thật mong
manh và hạnh phúc là một thứ chất lỏng không thể nắm bắt được. Niềm thao thức
đó xem ra không còn được tôn trọng mấy, nếu không muốn nói là đã lãng quên.
Bài ca bốc lửa
Cơn lên đồng gào rú
Tắt lửa rồi, còn lại tàn tro
Hào khí ngất trời
Lỏa xê quán nhậu
Nhậu đã đời, thốc tháo mửa ra.
Thiên tài chính là Ta
Cơn điên bùng phát
Điên một thằng, tru gọi cả bầy điên
Tửu hải vô biên!
Vô đầu, vô ngạn
Ngất núi chai lon, ngây ngày ngất tháng
Trùng trùng mộ bia, trùng trùng bia quán
Từ quán rượu tràn
Người tu sĩ trầm mặc
Bóng trắng cô đơn
Nhập vào câu thần chú
Nhập sâu vào hơi thở
Bức tường vụt mất
Còn lại chiều không
Sợi khói chơi vơi
Vòm thánh đường cao vút
Chạm vô biên đỉnh trời.
(Quán nhậu & Thánh đường)
Viên Dung đã diễn cảm tình thơ hồn nhiên như lời ru của Mẹ
trong thoảng gió trưa hè, theo ngữ điệu của một tâm hồn chất phát với phong
cách người sinh hoạt toán học. Nhưng có chút gì cay đắng, bồng bột như tấn kịch
trên sân khấu đời náo nhiệt ồn ào, để rồi lời thơ bất chợt như phẫn nộ, có những
chỗ như gằn giọng. Giọng khinh bạc thì cao vọi, giọng cay đắng thì cay cùng cực.
Sau cùng là giọng thơ điểm đạm và chấm dứt thì ngậm ngùi, như phảng phất một
cõi trầm lặng tịch liêu. Đó dường như là một dấu chấm lặng trong một bản hòa tấu.
Trong một cảm hứng mà thơ trải qua không biết bao nhiêu thứ
tình và dấu chấm lặng như để hơi thở lăn dần vào lồng ngực, tiếp sức cho mạch sống,
hòa nhịp vào cái trầm lặng của hư không.
“Thành phố trên cao
Mây trắng trời xanh núi biếc
Long lanh hồ ngọc bích
Êm soi bóng thánh đường”
(Quán nhậu và Thành đường)
Đó hẳn là bức tranh thủy mặc, là một bài kinh vô ngôn nhưng
đã làm lắng đọng trăm ngàn xôn xao của cuộc thế và gợi nhắc vô biên cho con người
hướng đến điều chân, lẽ thiện…
Với tri thức thời đại, dưới ánh sáng phản chiếu từ nguyên lý
bất định Heisenberg, hay định lý bất toàn Godël, đã khẳng định chân lý không nằm
phía bên này hay bên kia. Điều cần thiết là phải biết điểm quy ước của thời đại
đang nằm ở đâu, để trí tuệ hướng vào đó mà suy tưởng. Suy tưởng cốt yếu xác định
mình đang đứng ở đâu và đang đi về phương vị nào, để có thể chiêm nghiệm về thế
giới đang sống. Như thế mỗi cá nhân tự tìm cho mình một giải đáp để sống bình
an, không còn bị ray rứt, dằn vặt bởi thực tế đời thường và cũng không bị dày
vò trong những ám ảnh siêu hình.
Giáo sư Hồng Dương có viết lại câu nói của Pharmakirti rằng
“Cái gì thực hữu, cái đó có tác dụng. Cái gì có tác dụng, cái đó thực hữu”.
Pháp tính hay bản chất chân thực của hiện hữu, mà có thể nhận thức được bằng trực
giác (hiện lượng) hay bằng suy luận qua thế trí (tỷ lượng), thì tự căn bản pháp
tính phải hiện thực ở đâu đó. Nơi nào đó có tác dụng, nơi đó pháp tính mới được
nỗ lực quán chiếu để phát triển và do tác dụng của tâm trong một định hướng tồn
tại nhất định mà một quy luật được phát hiện từ pháp tính”.
Một câu chuyện có nhiều người biết vì đó là biến cố của phát
minh tầm cỡ: Vào năm 1919, nhà toán học Felix Hausderffe đã nghiên cứu và đưa
ra tư tưởng về các “chiều phân số”. Thời gian đi qua gần 50 năm, đến năm 1970
nhà toán học Benoit Mandelbnot đã dày công đi tìm khái niệm mới để mô tả hình học
của những dạng không đều đặn: “những đám mây không có khối cầu, tia chớp không
phải là đường thẳng…” Để mô tả các hình không đều đặn, ông đã phải sử dụng đến
“chiều phân số”. Đó là hình học fractal sau này. Đây phải chăng là một quy luật
được phát hiện từ pháp tính của bộ óc kỳ tài nhà toán học Hausderffe.
Kinh Phật viết: Sắc không khác không, không không
khác sắc; Sắc tức là không, không tức sắc… Sắc này
không ở trong, không ở ngoài mà chúng là duyên khởi (căn - cảnh - thức ® thấy sắc)
nên không, nên vô ngã tính, không có thực tính.
Tất cả Sắc - trong tổng hợp sắc - thì mắt, tai mũi, lưỡi,
thân, sắc, thanh hương, vị, địa, hỏa, phong, co tay, duỗi chân, nói, cười, đi đứng…
thảy đều là sắc cả. Viên Dung tâm sự
“60 năm gian truân đời anh lưu lạc
Bao nẻo đoạn trường, bể khổ bến mê”
Khi bước chân lang thang cùng tử quay về...
Thấy khổ vì không thấy đúng theo định luật tự nhiên của pháp.
Nó đến rồi nó đi, nó sinh thì diệt! Do chấp thủ, do mình nghĩ có nhưng bản lai
nó là không. Không này là không tính, là duyên khởi vận
hành trên dòng sinh hóa. Như vậy, nhờ vào Không nên sinh tử, trầm luân, đọa đày
mà không sinh tử, không trầm luân, không đọa đày một mảy tơ hào nào cả.
Nhờ vào Không, nên nó dung nạp được vạn cảnh. Nhìn ngắm sự đời,
bôn ba giữa cuộc đời nhưng thấy mình trên đỉnh bình yên. Và cũng từ nơi đây,
thơ đã nhập vào cuộc đời, nhấm nháp đủ mọi đắng cay, đủ mọi mặn nồng, chua ngọt.
Trên lộ trình đó biết bao nhiêu là thao thức, là trăn trở với tất cả, với cả trần
gian. Thơ luôn luôn là kỷ niệm, là tự sự của một người lên đường như đang tìm
kiếm một cái gì lạ mặt vô danh. Có lẽ vì thế nó trở thành một hố thẳm, một tuyệt
lộ, ngăn cách giữa ngón tay và mặt trăng, giữa ngôn ngữ biểu đạt và thực tại
tuyệt đối. Viên Dung bất chợt thấy được tuyệt lộ như thế.
“Trong đêm trường vô thức
Bộ nhớ tràn mộng mị
Ngàn cấu trúc, phạm trù, ngàn thế giới
Chập chùng, chập chùng ảo tưởng!
(Ánh sáng)
Vậy, trong tận cùng sâu thẳm đó là những gì. Những gì, chắc
không phải là kiến thức bách khoa về sự sống, lại càng không phải là các tín hiệu
của giá trị tồn tại, mà là hương vị đích thực của sự sống.
Một thực tại không thể khước từ của đời sống đối với một cá
thể: dục vọng vật chất hay khát vọng tinh thần. Cả hai đều là vị ngọt của đời sống,
là dưỡng chất tất yếu của tồn tại.
Trong hiện thực, dục vọng khiến con người trở thành nô lệ của
giác cảm, tước đi sự tự do của chúng ta. Khát vọng lại hướng về một cái gì đó
chưa tồn tại trong trật tự của thế giới, nó không thỏa mãn với cái gì đã có sẵn
mà đòi hỏi thúc bách chúng ta phải vượt qua hiện tại. Rốt cuộc lại, con người
như đang đuổi bắt ảo ảnh để tìm ảnh thực của chính mình. Vậy vị ngọt của đời
đang ở đâu trong tâm trí đọa đày, làm khổ nhọc hình hài để đuổi bắt những gì được
xem là tinh hoa, là hương vị.
Đức Phật dạy “tâm vô thường, pháp vô ngã”. Mọi cảnh, mọi thứ
đến một lúc nào đó cũng phải nhạt đi và biến mất trong lòng thế gian, cũng giống
như hình tượng một cánh nhạn bay qua dòng sông, bóng nhạn in vào lòng nước,
trong bước tao ngộ tình cờ cho cả hai: dòng sông và cánh nhạn.
“Nhạn quá trường giang
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm”.
Một Thiền sư Việt Nam đã nói như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét