Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Trên đỉnh bình yên

Trên đỉnh bình yên 
Theo quan niệm của Phật giáo về sự tiến hóa của vũ trụ vật lý hay một nghĩa rộng hơn là môi trường sống của chúng sinh và các chúng sinh hiện hữu trong môi trường này là rất nhiều. Có những dạng chúng sinh có hình thể, có những chúng sinh không nhận biết được như thế giới thần linh chẳng hạn. Phật giáo cho rằng chúng sinh được sinh ra trong cỏi người là quý nhất, là lý tưởng nhất vì con người có được tự do trong việc thực hành chánh pháp. Theo lời dạy của Đức Thế Tôn, tất cả các chúng sinh trong thế giới này đều bị chi phối của sự nhận thức sai lầm (vô minh) và những cảm xúc gây đau khổ, Ngài dạy rằng, cuộc đời và cả cuộc sinh tử chỉ là sự đau khổ. Lúc đó Ngài công bố chân lý Tứ Diệu Đế, một chân lý nền tảng của giáo lý Đạo Phật.
Chân lý Tứ Diệu Đế thường được hiểu ngầm là “Bốn chân lý vi diệu”để dễ nhớ, nhưng chính xác hơn là một chân lý có bốn giai tầng “Khổ - Tập - Diệt - Đạo”. Đây là một phương pháp Đức Phật đã khám phá để thể nghiệm chân lý tối hậu: Niết Bàn, sự tịch diệt hoàn toàn của Khổ.
– Muốn diệt khổ để đạt tới Niết Bàn (tức Diệt) thì cốt yếu phải biết rõ cái khổ (tức Khổ) và biết nguyên nhân gây ra khổ (tức Tập) và biết con đường đưa đến hết khổ (tức Đạo).
Như vậy, trong bốn giai tầng có một sự nhất quán nghiêm ngặt, một nhận thức theo kiểu chia chẻ thành bốn chân lý độc lập sẽ đưa đến những sai lầm nặng nề và dẫn đến việc quy kết Phật giáo là yếm thế, là bi quan vì cho đời là khổ (chân lý thứ nhất). Khi nói đến Tập khổ (nguồn gốc của Khổ) thì người ta lại cho đó là cái nghiệp đã gây ra trong quá khứ, do tập quán từ đời trước nên không muốn làm gì để chuyển hóa, để giảm trừ, đổ lỗi cho nghiệp, mình đã gây ra thì mình gánh chịu. Chứng Diệt đế, Niết Bàn có nghĩa là thấy rõ Khổ. Khổ nó có thật nhưng không thật có, nó hiện hữu một cách huyễn hóa và có tính cách giai đoạn. Từ  nguyên nhân đó, ta được biết cái sai lầm này do lối nhìn của ta về thân tâm, về vũ trụ. Chúng ta bị cuốn tròn trong tấm lưới bản ngả và chìm sâu vào sự đắm chấp, bị những dòng thác của kinh nghiệm dao động và khổ đau cuốn trôi, lăn trầm vô định về phía cùng trời cuối đất.
Trong phạm vi quy ước thông thường của các kinh nghiệm mà chúng ta đều xem là khổ. Đó là các khổ về “Sinh - Lão - Bệnh - Tử”.
Ta có thể mô tả đời sống như là sự hiện hữu trong chu kỳ của sự sinh diệt và trong khoảng giữa hai thời điểm đó, quả thật có nhiều nổi khổ đau chập chờn như sóng vỗ.
– “Thoát sinh ra miệng đà khóc chóe,
Trần có vui sao chẳng cười khì…”.
(Nguyễn Công Trứ)
Hay:
Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi
Tin buồn từ ngày Mẹ cho mang nặng kiếp người. (TCS)
Vừa sinh ra, con người đã lập tức khởi đầu một quá trình lão hóa tuổi xanh đã già, để rồi “chợt một chiều tóc trắng như vôi”. (TCS)
Đời người là một nổi đau triền miên, lao tác cần cù, tứ đại bất hòa, thân tâm xung đột, những cơn đau đã khắc sâu những vết thương trên thân thể mệt nhoài “thân đau muốn nằm, vào từng chiều lên hấp hối”. (TCS).
Dấu chấm cho một kiếp sống rong chơi trên cỏi đời là chết, cái chết nỗi tang thương ám ảnh của kiếp người.
“Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế
Chiều mồ côi đời rét mướt ngoài đường
Phố đìu hiu màu đá cũ lên sương
Sương hay chính bụi phai tàn lả tả”.
(Huy Cận)
Hay:
“Anh nằm xuống…
Không có ai từng ngày
Không có ai từng giờ… Ru anh ngủ
Mùa mưa tới, trong nghĩa trang nầy, có loài chim thôi”.
(TCS)
Ở một dạng khác, đời người cũng gặp phải khổ vì sự thay đổi, sự thay đổi trên kinh nghiệm ta thường xem là khoái lạc. Vì sao những kinh nghiệm có vẻ như vui sướng, thực chất đều là các trạng thái của khổ đau? Vấn đề, ta cảm nhận chúng trong thứ khoái lạc hay vui sướng chỉ khi so sánh với những kinh nghiệm đau đớn, lúc đó chúng xuất hiện như có vẻ là một dạng thức của sự giải thoát nhẹ nhàng. Trong thực tế, khi chúng ta vẫn còn dao động theo cung bậc chốn hồng trần thì tất cả những kinh nghiệm vui sướng của ta đều là cấu nhiễm và tất yếu phải mang đến khổ đau. Bản chất của sự vật là luôn luôn thay đổi. Dù đó là danh vọng, tiền tài hay là tình yêu, kể cả tình cảm trong quan hệ lứa đôi. Mong ước không trở thành hiện thực là khổ. Nổi khổ nầy do ta không làm chủ được chính mình và không thực sự làm chủ hoàn cảnh sống của tha nhân.
… “Ước mơ đã nhiều
Trời không cho được mấy…”
(Vũ Thành An)
Hay:
… “Hình hài xưa đã thay
Mặn nồng xưa cũng phai”
(T.C.Sơn)
Hay:        
… “Mỗi con mắt sầu đưa từ cổ độ
Bụi thu mờ, ai phủi với hai tay…”
(Bùi Giáng)
Danh vọng, sự nghiệp của con người cũng phô bày trạng tướng như thế.
… “Ôi công hầu, ôi khanh tướng
Trần ai, ai dễ biết hơn ai”
(Cao Bá Quát)
… “Trăm năm thân thế bóng tà dương…”
(Nguyễn Bá Trác)
Một dạng vi tế hơn của loại khổ theo Phật giáo là khổ vì duyên sinh và cho rằng đời sống của con người chịu ảnh hưởng của sự nhầm lẫn về cơ bản nhận thức (vô minh) và của các nghiệp bất thiện do sự nhầm lẫn gây ra. Con người đang sống trong trạng thái khổ nầy không phải là nền tảng của các kinh nghiệm đau đớn trong kiếp nầy mà còn di lụy đến nhân duyên đau khổ trong kiếp sau. Đây chính là nổi khổ có căn nguyên của bản chất vô thường: Mọi hiện tượng (vật chất, phi vật chất) đều liên tục thay đổi trong từng “sát na”(một đơn vị thời gian cực nhỏ). Tiến trình thay đổi ngắn ngủi này không dựa vào một trợ duyên nào cả, mà chính là các nguyên nhân dẫn đến sự hình thành hiện tượng cũng là nguyên nhân hoại diệt nó. Nói cách khác, trong nguyên nhân sinh khởi đã hàm chứa nguyên nhân hủy diệt nó.
“Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán
Chết đuối người trên cạn mà chơi
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”.
(Ôn Như Hầu)
Hoặc là:
“Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này
Tuồng huyển hóa khéo bày ra đấy
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau”.
(Ôn Như Hầu)
Người đời thấy đời vô thường, do vô thường mà khổ, nhưng lại chấp chặc vào lòng tham ái và cái tự ngả nên càng thấy đau khổ chồng chất. Sự khác biệt giữa người đời và Phật giáo chính ở điểm: Một bên thấy khổ có nguồn gốc là tham ái, một bên là chấp chặc tham ái. Do chấp chặc tham ái: ái sắc, ái thọ, ái tưởng, ái thức cho nên khi các tố chất đó biến đổi hay hoại diệt mà sinh ra sầu khổ. Thực ra tham ái không phải là nguyên nhân đầu tiên của khổ, và tham ái là một chi phần trong vòng xích mười hai nhân duyên, trong đó tham ái là nguyên nhân chính yếu và gần nhất của Khổ.
Khuynh hướng của con người là luôn luôn ham muốn tìm kiếm các nhân tố thỏa mãn ngũ quan của mình. Lòng ham muốn (tham ái) càng mạnh thì sự chấp thủ càng mảnh liệt và lúc đó Thức uẩn càng được nuôi dưỡng tưới tẩm và đây chính là động cơ, là nghiệp lực dẫn đến sự tái sinh.
Nếu Khổ Tập là do tham ái. Vậy khi Khổ Diệt là tham ái Diệt, là Khổ Diệt hay Niết Bàn. Niết Bàn là cảnh giới không thể mô tả, trong các kinh điển nhà Phật thì Niết Bàn được định nghĩa bằng các ngôn từ phủ định: là ái diệt, là khổ diệt, tham sân si diệt v.v…
Thay lời kết:
– Xin chào:
Khách thập phương trên nẻo đường xuôi ngược
Trên đường đi ta nhớ trở lại đôi lần
Ngưỡng nhìn Bảo Tháp, để thấy lòng thanh thản
Để vơi đi những ẩn sầu nhân thế
– Xin chào:
Những khách bộ hành còn miệt mài dong ruổi
Xuống ga đời ta trả lại vé quê hương
Trở về đây xin dừng bước phiêu bồng
Ngắm trăng khuya treo trên vòm trời Bảo Tháp
Thấy lòng mình tỉnh lặng trên đỉnh bình yên…
Đà Nẵng, ngày cuối Thu 2009
Đặng Công Hanh
Trương Bửu Tú
Theo https://dangconghanh.wordpress.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...