Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Tiếng vạc trong sương

Tiếng vạc trong sương
“Ta đã hái nhành hoa kia của đá
Và trao tặng cho nham thạch phiêu bồng”
(B.G)
Lý thuyết tương đối của Einstein khẳng định rằng, bất chấp hiện tượng vật lý gần như khác biệt đối với một quan sát viên ở gần lỗ đen, hay đang chuyển động với vận tốc rất lớn gần bằng ánh sáng, hay đứng trên một thang máy đang rơi thẳng đứng trên mặt đất. Các nhà khoa học ở những vị trí khác nhau vẫn khám phá những quy luật cơ bản của tự nhiên hoàn toàn như nhau. Trong ý nghĩa này nói lên một điều, khoa học dường như khách quan và độc lập với cách nhìn chủ quan của mỗi con người.
Như vậy, khoa học đã xác định những giải đáp do tự nhiên cung cấp tỏ ra độc lập với văn hóa, với niềm tin và các giá trị cá biệt về con người: một thí nghiệm thực hiện tại Việt Nam, tại Mỹ, tại Nga… dù ở đâu bản chất của thí nghiệm đều là như nhau. Thế nên chủ nghĩa tương đối về văn hóa không thể có chỗ đứng trong khoa học.
Tư duy theo lập luận này tỏ ra không rốt ráo, có thể đúng một phần nào đó, nhưng trên đại thể thì còn phải suy ngẩm sâu xa hơn nữa, bởi vì khoa học khởi nguồn từ những quan hệ thao thức của con người đối với tự nhiên. Sự thật mà con người tra hỏi được từ vũ trụ liên quan đến những thí nghiệm do con người thiết chế và thi thiết.
Ở xã hội phương Tây, các thành tựu khoa học đã sản sinh ra cuộc cách mạng khoa học lần thứ nhất. Kết quả rực rỡ của nó là nền công nghiệp hoá diễn ra nhanh ở Châu Âu và Bắc Mỹ đã góp phần biến đổi hoàn toàn xã hội vào thế kỷ 18.
Phương pháp khoa học được đề cao và niềm tin vào khoa học có động lực giúp nhân loại mau chóng được khai sáng. Phong trào Khai sáng (Englightenment) đã ảnh hưởng toàn bộ Châu Âu và Bắc Mỹ tạo nên thời đại ánh sáng và thế kỷ 18.
Các nhà tư tưởng của phong trào này xác tín rằng vũ trụ không phải được định đoạt qua phép màu của thượng đế, mà bằng các qui luật duy lý có thể nắm bắt được bằng phương pháp khoa học. Phong trào Khai sáng đã đề cao vai trò con người như một chủ thể tự do và tự chủ trong một xã hội văn minh và sự phát triển của những tiến bộ được xem là chiều hướng tất yếu của lịch sử. Có thể đây là một niềm lạc quan thái quá trong hiện thực, nhưng nó đã đóng góp một di sản lớn văn hoá cho nhân loại cho đến nay.
Ở xã hội khác, phương Đông chẳng hạn, cũng có thể phát triển tư duy khoa học theo những định hướng khác, tuỳ thuộc vào cách họ nhìn thế giới như thế nào. Mathieu Ricard - một nhà khoa học phương Tây ngành sinh học phân tử, sau đó trở thành một Thiền sư- có ý kiến phân định rằng: khoa học cơ bản là tri thức lý thuyết, công nghệ là tri thức ứng dụng, còn khoa học chiêm nghiệm là tri thức giải thoát. Cả ba đều bổ sung cho nhau mà không đối lập nhau.
Các lý thuyết khoa học cơ bản ở tầm mức vĩ mô và vi mô đã và vẫn tiếp tục đạt được những thành tựu kỳ diệu, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhiều ngành công nghệ hiện đại, làm nền tảng cho sự tăng trưởng đời sống kinh tế xã hội và nâng cao trí thức nhân loại. Nhiều thế hệ các nhà khoa học vẫn miệt mài trên con đường khám phá vào sâu thẳm của thế giới vĩ mô, vi mô của vũ trụ và của vật chất.
· Khát vọng khám phá ra điểm tận cùng của vật chất, tìm ra một lý thuyết cuối cùng, gọi một cách lạc quan là “Thuyết Đại thống nhất” (Grand Unification Theory) nhằm đưa ra lời giải cuối cùng đối với mọi câu hỏi của khoa học, dường như thể hiện một nét đặc trưng tiêu biểu kéo dài liên tục, dai dẳng trong nền văn minh của phương Tây.
Có thể nói rằng cho đến nay, về mặt thực nghiệm hay lý thuyết đã xác định rằng các hạt vi mô tương tác nhau qua 4 lực: lực tương tác mạnh, tương tác yếu, tương tác điện từ và tương tác hấp dẫn. Nhiệm vụ của 4 loại tương tác như sau:
– Tương tác mạnh gắn kết proton và neutron trong nhân nguyên tử. Tế bào trong cơ thể con người tồn tại cũng nhờ loại tương tác này và do đó thân thể này hiện hữu.
– Tương tác yếu tạo nên hàng loạt các phản ứng trong lòng mặt trời và nhờ vậy cả nguồn khổng lồ năng lượng thoát ra chuyển đến hành tinh con người đang sống, nếu không thế hành tinh này là miền băng giá miên viễn.
– Tương tác điện tử giữ cho điện tử còn vận hành trong nguyên tử và nhờ đó cơ bắp của con người cử động được.
– Tương tác hấp dẫn giữ cho con người, vạn vật bám được trái đất và nó là một bí ẩn nhất trong các bí ẩn đối với tư duy con người mãi tự ngàn xưa.
Hoài bão tìm kiếm và xây dựng một lý thuyết thống nhất có nghĩa là thiết kế một cấu trúc chung, nối kết các loại tương tác cơ bản đó trên cùng một nền tảng vật lý được suy từ sự tổng hợp lý thuyết tương đối và thuyết Lượng tử và sau này lý thuyết dây xuất hiện cách đây vài thập niên.
Dù đang sống trong thế giới vĩ mô, thương xuyên đối với mặt với những vấn đề của đời sống bình thường thuộc kích cỡ con người, còn vướng bận biết bao câu hỏi của cuộc sống, vẫn hằng ngày chờ đợi câu trả lời mà chưa được giải đáp. Tuy vậy, con người vốn là sinh vật bé nhỏ tò mò, có tâm thức vô hạn, lại sống trong thế giới mênh mông phồn tạp, cái thiện cái ác đan xen lẫn nhau trong biển đời lận đận khổ ải.
Một tia nắng ấm, một giai điệu thì thầm âm vọng của mùa xuân, dù âm vọng đến từ trong sâu thẳm của thế giới vi mô cũng là linh dược cho căn bệnh trầm kha thế nhân, dù cho linh dược đó là một loại thuốc đắng như lời phát biểu của nhà vật lý vũ trụ nổi tiếng Stephen Hawking: “Khoa học vật lý có thể hoàn thành sứ mệnh của mình mà không có câu trả lời cho vài câu hỏi cơ bản nhất về tự nhiên”
Câu chuyện khoa học kỳ vĩ.
Tiền đề xuyên suốt của lý thuyết Lượng tử là tính đối ngẫu (duiality) của vật chất: mỗi hạt đồng thời thể hiện 2 tính chất tương phản nhau là sóng và hạt. Ý tưởng cách mạng này do Niels Bohr phát biểu trong “nguyên lý bổ sung” (Bohr complementarity)
Nguyên lý này dẫn đến hệ quả là sự thay đổi hẳn quan niệm về quỹ đạo trong cơ học Newton: hạt đã chuyển động không đi theo một quỹ đạo xác định nào, tức là chuyển động cùng một lúc theo vô số con đường. Nói tương tự, cùng một lúc có thể ở mọi vị trí khác nhau, cùng một lúc có thể làm các công việc khác nhau hay cùng một lúc ở vô số trạng thái khác nhau. Thật khó hình dung, nhưng là hiện thực dưới phát biểu của “nguyên lý chồng trập” (Super position principal).
Đến lượt sóng tạo bởi cái gì? Ervin Schrodinger lúc đầu cho rằng có sự “Nhoè” ra, nhưng electron nhoè thế nào, khó hiểu quá. Năm 1926, Max Born đã đưa khái niệm sóng xác suất thay vì sóng nhoè của electron. Rõ ràng là một ý tưởng kỳ dị. Như vậy bản thân vật chất cũng cần phải mô tả ở mức cơ bản theo xác suất.
Mặt khác, khi Heisenberg khám phá ra cơ học lượng tử, ông nhận thấy sự diễn đạt toán học của ông đã bắt buộc những đặc trưng như vận tốc và vị trí của một hạt không đồng thời xác định. Sự không đồng thời được gọi là: “nguyên lý bất định Heisenberg”.
Thử xem xét trong những điều kiện cực đoan: khi một vật có khối lượng cực lớn nhưng lại có kích thước khá nhỏ, chẳng hạn vũ trụ ở thời điểm Big Bang, hay ở gần tâm của lỗ đen. Để hiểu được, ta phải vận dụng lý thuyết tương đối tổng quát lẫn cơ học lượng tử, điều gì sẽ xảy ra: những phương trình của 2 lý thuyết đó lại cho những đáp số “vô nghĩa”
Hai cột trụ của vật lý học không tương thích với nhau trong tận cốt lõi của chúng. Các nhà vật lý lỗi lạc đã nỗ lực sửa đổi thuyết tương đối và cơ lượng tử để tránh sự xung đột, đều gặp phải nhiều thất bại. Điều này đã diễn ra và thai nghén cho lý thuyết Siêu Dây ra đời sau này.
Năm 1984, hai nhà vật lý Michael Green làm việc tại Queen Mary College ở Luân Đôn và John Schwarg tại Caltech ở California đã đề xuất ra những mẫu bằng chứng đầu tiên của lý thuyết Siêu Dây (hay gọi vắn tắc là Dây). Theo 2 ông, các thành phần cơ cấu của vũ trụ không phải là các hạt mà là những “sợi dây siêu nhỏ 1 chiều” kích cỡ chiều dài Planck (10-33cm) dao động liên hồi. Các dây trong lý thuyết dây tương tự như dây đàn nó có thể chứa vô hạn các mức dao động khác nhau được gọi là các cộng hưởng. Các mức dao động khác nhau được gọi là các khối lượng khác nhau và các tích lực khác nhau. Bằng trực giác ta nhận ra ngay: mức dao động càng mạnh thì biên độ càng lớn thì do đó năng lượng lớn, và theo thuyết tương đối hẹp năng lượng và khối lượng là 2 yếu tố tương thích. Vì khối lượng của hạt lại xác định lực hấp dẫn của nó.
Các nhà vật lý còn phát hiện thêm rằng các đặc tính khác của mức dao động của dây và những tính chất của hạt có liên quan đến các lực khác, tỉ như điện tích, tính yếu và tính mạnh của một dây sẽ được xác định bởi cách dao động cụ thể của nó, và điều này vẫn hoàn toàn đúng đối với những hạt truyền tương tác.
Trong số các mức dao động, có một mức dao động hoàn toàn phù hợp với các tính chất của gravition và chính điều này bảo đảm rằng lực hấp dẫn là một bộ phận cấu thành của lý thuyết Dây.
Mọi hạt sơ cấp, theo quan điểm của cấu trúc Dây, là như nhau về vật liệu vật chất, sự xuất hiện của chúng khác nhau là do thực hiện các mức dao động khác nhau. Điều kỳ diệu này mô tả các hạt cơ bản khác nhau thực sự do “vũ điệu” dao động trên một dây cơ bản. Thế nên, vũ trụ chỉ được cấu tạo nên bởi một lượng lớn các dây dao động đó, và dường như là một dàn giao hưởng vĩ đại.
Với cái nhìn khái quát, lý thuyết Dây giải quyết được mâu thuẫn cốt tuỷ mà nền vật lý hiện đại phải đối mặt: sự không tương thích giữa cơ học lượng tử và thuyết tương đối rộng, đồng thời nó thống nhất được sự hiểu biết về tất cả các lực và các thành phần vật chất. Chính vì các ưu điểm đó nên lý thuyết Dây hứa hẹn là lý thuyết về tất cả “viết tắt là T.O.E” (Theory of Everything). Tuy nhiên, để thực hiện điều đó, lý thuyết Dây đòi hỏi vũ trụ có thêm “chiều phụ” ngoài 3 chiều không gian và 1 chiều thời gian.
Vì sao vậy?
Theo lý thuyết Dây, vũ trụ được cấu tạo bởi các dây và các mức dao động cộng hưởng của nó là nguồn gốc vi mô của khối lượng và các tích lực các hạt. Một sợi dây cực nhỏ chuyển động và dao động thì các mức cộng hưởng chịu ảnh hưởng của môi trường xung quanh nó. Chính không gian bị cuộn lại có tác động đến các mức dao động khả dĩ của dây. Vì thế nên cách thức mà chiều phụ bị xoắn lại hoặc cuộn lại lên trên nhau với một kích thước cực nhỏ mà ta không thể nhìn thấy được gọi là không gian nội tại có ảnh hưởng và hạn chế đến các mức dao động cộng hưởng của dây khi nó thăm dò đến các vùng không gian nhỏ bé. Dù cho vũ trụ ở kích cỡ to lớn, nhưng tính chất cơ bản cũng được xác định bởi kích thước và thể dạng hình học của các chiều phụ. Đây là cách nhìn có tầm mức sâu xa của lý thuyết Dây.
Năm 1984, Philip Candelas thuộc Đại học Texas, Gary Horowits và Edward Witten ở Đại học California đã chứng minh có một lớp dạng hình học 6 chiều phụ đáp ứng nhu cầu đó. Lớp hình học đó gọi chung là dạng Calabi-Yau.
Các nhà lý thuyết Dây thông báo rằng, tại mỗi điểm trong không gian có ba chiều không gian lớn thường biết, còn 6 chiều không gian phụ bị cuộn chặt lại thành một trong những hình dạng hiện diện khắp nơi trong cấu trúc không gian.
Vào năm 1985, các nhà vật lý nhận thấy rằng siêu đối xứng, một yếu tố trung tâm trong cấu trúc của lý thuyết Dây có thể được đưa vào lý thuyết theo 5 cách khác nhau, mỗi một cách tạo ra cặp của các mức dao động với spin nguyên (hạt beson là phần tử truyền lực) hoặc bán nguyên (hạt fermion phần tử tạo nên vật chất). Rồi dây mở hoặc dây khép kín từ đó ta có 5 loại lý thuyết Dây khác nhau gồm: Lý thuyết loại I, lý thuyết loại II A, lý thuyết loại II B, lý thuyết heterotic loại O, lý thuyết heterotic loại E. Như vậy có 5 phiên bản khác nhau của lý thuyết về tất cả (T.O.E). Tuy nhiên, lý thuyết Dây còn lâu mới hoàn chỉnh vì phụ thuộc vào toán học phức tạp, trìu tượng và chưa được kiểm chứng bằng thực nghiệm.
Các nhà lý thuyết Dây hiện nay tin chắc rằng 5 lý thuyết Dây khác nhau đó và lý thuyết T.O.E chỉ là những lý thuyết gần đúng của một lý thuyết cơ bản hơn, mỗi lý thuyết phù hợp với tình huống khác nhau. Lý thuyết cơ bản đó gọi là lý thuyết – M, có khả năng bao quát được tất cả và có thể là “lý thuyết tối hậu” mà loài người đã tìm kiếm từ rất lâu. Đây là sáng kiến Edward Witten, đề xuất năm 1996 tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Hoa Kỳ.
Tuy vẫn còn rất nhiều điều phải làm để hoàn thiện. Chẳng hạn những năm gần đây đã có thêm một chiều phụ do Kaluza tìm ra cho phép thống nhất thoả đáng 5 phiên bản đã nói trên. Thêm nữa, các nhà vật lý đã phát hiện rằng, ngoài các dây dao động, nó còn có màng 2 chiều, màng 3 chiều và có nhiều đối tượng khác nữa có kích thước lớn hơn nhiều cấp độ 10-33cm như trước đây.
Bản chất thực sự của lý thuyết - M vẫn còn là điều bí ẩn, con đường vẫn mù sương, mục tiêu cuối cùng vẫn còn xa tít và dường như tự nhiên luôn luôn có những giấu kín mà tri thức con người không đạt đến nổi. Chẳng hạn, các nhà khoa học chưa có cách quan sát được các chiều khác hơn là 4 chiều đã biết.
Còn các con đường khác
Vả chăng, nhu cầu đi tìm một mô hình đưa đến giải thích thâu tóm mọi sự và đi tới một lý thuyết xác định cuối cùng không phải tư chất của bản thân khoa học mà chính là hướng tư duy mang đậm nét văn hoá đặc thù của xã hội phương Tây.
Điều này không nhất thiết được chia sẻ bởi các nền văn hoá khác, những nền văn hoá vốn bằng lòng chấp nhận một số, có thể là vô hạn, các mức độ định tính khác nhau và mãi mãi bỏ ngỏ sự giải thích. Đó cũng chính là cách nhìn khác về vũ trụ và cũng là cốt cách hình thành nhận thức khác nhau.
Một khi ta quan niệm rằng khoa học là câu chuyện dài chỉ được kể từ phương Tây, câu chuyện kể về sự tiến bộ khổng lồ của một số lãnh vực tri thức, của thắng lợi thành tựu công nghệ hiện đại, giúp ta hiểu rõ về thế giới và bản thân. Nhưng hình như ta ít quan âm đến các hệ luỵ nhân sinh mà con người đang đối mặt.
– Hệ luỵ đó là gì? Hiện nay nhân loại đang đứng trước 2 cuộc khủng hoảng lớn: khủng hoảng về tài chính và khủng hoảng môi sinh, chúng có quan hệ biện chứng với nhau. Để tạo ra đồng tiền, người ta phải đẩy mạnh sản xuất và kích cầu tiêu thụ. Tiêu thụ càng nhiều thì sản xuất càng lớn, nhà máy phải gia tăng và năng lượng đòi hỏi cung ứng càng ngày càng vô hạn. Rác thải, khí thải độc hại tích tụ vào môi trường dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu v.v... Chắc rằng ảnh hưởng này không chỉ của riêng ai trong một tương lai không xa.
Dường như trong thời đại ngày nay, ai ai cũng nỗ lực bám giữ trên đôi tay. Một tay nắm giữ sự thịnh hành về kinh tế, tay còn lại nắm giữ sức mạnh cấu thành kiến thức. Hiện thực của đời sống cho thấy 2 điều này là không đủ và chưa hề mang lại sự bình an hay thanh tịnh trong tâm hồn. Điều chính yếu và nhất thiết có lẽ là một cuộc cách mạng trong sâu thẳm nội tâm của chúng ta.
Tất yếu, bên cạnh đó, tồn tại các nền văn hóa khác cũng kể nên những câu chuyện của mình ở mức độ sâu xa nhất. Tất cả những thao thức, những sự tìm tòi kiến thức dù là khoa học, huyền học, triết học hoặc tôn giáo, tất cả đều hướng đến tiếp cận cùng một chân lý, nhưng thường bằng những con đường rất khác nhau. Tuy vậy, thấy và nói lên những điều gì mình thấy không phải luôn luôn có sự phù hợp giữa ngôn ngữ và thực tại.
Để thâm nhập được cái mầu nhiệm của tồn tại, hẳn con người phải thay đổi tập quán nhận thức vốn chỉ giới hạn qua tầm tai mắt. Khi nhận thức từ thế giới thường nghiệm rơi rụng, thì lúc đó trật tự vũ trụ đảo lộn và tan biến. Sự tan biến này chính là sự tan biến của ảo vọng và hiện thực sẽ biểu lộ nên một dãy vô hạn các sự khước từ và chối bỏ liên tục.
Đó là một sự khởi đầu cho hành trình cam go từ không gian hữu hạn đi vào thế giới vô hạn.
Ngày xưa Lão Tử lưu ý:
“Đạo khả đạo phi thường đạo,
Danh khả danh phi thường danh”
Ông nói rõ hơn: Đạo là Vô - cái vô của vĩnh cửu, là Nhất - cái nhất của vĩnh cửu; là Phản - sự phản phục của vĩnh cửu; là Động - cái động của vĩnh cửu. Cái Vô bao hàm cái Hữu; hữu và vô là 2 mặt chuyển đổi, nói lên cái mầu nhiệm của Đạo trong tiến trình hoá thân từ Đạo sang Vũ trụ. Vậy theo ông Đạo là một thực tồn, tổng hợp mọi huyền diệu ngoài trí năng thế tục, muốn thấu thị Đạo không có cách nào hơn là sự chiêm nghiệm cái huyền nhiệm của tâm linh.
Một lần khác ông viết thêm:
“Vô danh thiên địa chi thủy
Hữu danh vạn vật chi mẫu”
Không tên là khởi đầu của trời đất, có tên là mẹ của vạn vật. Trời chỉ thị cho toàn bộ vũ trụ mênh mông, là nơi cư trú của loài khoáng vật, thực vật, động vật trong đó có con người.
Đạo thì vô danh, vô danh là khởi thủy của trời đất. Nhưng vạn vật lại có mẹ, mẹ lại có tên (hữu danh) - tên đó là Thái cực, là Thực tại tối hậu, là bản thể của vũ trụ vạn vật. Đạo biến hoá có Thái cực, tức sinh 2 nghi, 2 nghi sinh ra 4 tượng, bốn tượng sinh tám quẻ. Tám quẻ là mô hình uyên nguyên của vạn vật như trời, đầm, lửa, gió, nước, núi, đá, sấm.
Như thế, muốn tìm hiểu vũ trụ vạn vật phải theo 2 hướng: hướng nội để cảm nghiệm thực thể siêu hình và hướng ngoại để tìm hiểu các phức hợp chi tiết. Lão Tử gọi tên hướng nội là “Vô dục“, hướng ngoại là “hữu dục“. Vô dục hàm nghĩa là không ham muốn cái gì thuộc ngoại giới, để tâm thức trong sáng, thanh tịnh, không cấu nhiễm, đạt được sự thể nghiệm mầu nhiệm của Đạo. Đây là đường hướng của các vị chân tu và các vị đạo sĩ. Còn hữu dục là hướng đi của các phương pháp khoa học, ham muốn hiểu biết qua phân tích, tư biên, có sự hỗ trợ của công cụ quan sát. Hai con đường này tuy khác biệt nhưng chung cuộc lại gặp gỡ trong cái hiểu biết về vũ trụ vạn vật.
Đối với đạo Phật, vì muốn phổ độ chúng sinh, nên Đức Phật đã dùng mọi phương tiện và giả lập nhiều pháp môn để dạy chúng sinh thoát vòng vô minh khổ luỵ, nhưng sau đó Ngài lại phủ định để chúng sinh không chấp vào đó mà luỵ. Với cái nhìn của Đức Phật, thì mọi cố chấp dù là chấp vào chánh pháp vẫn là chướng ngại trên tiến trình giải thoát. Có giả lập và có phủ định nên Phật pháp mới thật là viên dung, là tuyệt đối. Ngài nói: Các pháp là giả danh không thực có và phủ định là phương pháp tối thượng tiến tới chân lý tuyệt đối. Kinh Kim Cương có ghi rằng “Cái gọi là Phật pháp, tức chẳng phải là Phật pháp, mới gọi là Phật pháp”.
Với pháp môn Bát nhã Ba-la-mật-đa, Phật đã phá trừ mọi kiến chấp nhị biên: Có - Không, Thường - Đoạn. Bồ Tát Long Thọ, một luận sư kiệt xuất của Đại Thừa đã cô đọng lời dạy của Phật trong bài kệ:
“Bất sinh diệc bất diệt
Bất thường diệc bất đoạn
Bất nhất diệc bất dị
Bất lai diệc bất xuất
Đây được xem là cương lĩnh toàn bộ Trung Quán Luận, bao trùm tất cả sự hiện khởi và vận hành của các pháp thế gian trong suốt cả không gian - thời gian vô tận. Ngài Long Thọ đã dùng BÁT BẤT trong bài kệ để hiển bày thực tướng các pháp, giúp chúng ta ngăn chặn những nhận thức sai lầm.
Sai lầm là vì khi nhìn các pháp con người luôn luôn khởi ý niệm phân biệt, suy luận, yêu thích, ghét bỏ, v.v. do sự chấp trước. Nói chung là vọng tưởng.
Một ẩn ý hàm chứa trong bài kệ là nguyên lý “Tính không“, vượt ra ngoài tương đối, vì bản thể của vạn pháp thế gian chẳng thể nói rằng có hay không, hoặc vừa có vừa không, hoặc chẳng có chẳng không..
Đây chính là sự ca ngoại của Long Thọ đối với nguyên lý Duyên Khởi mà Đức Phật đã thuyết giảng sau khi Ngài thành đạo.
Bát Nhã Tâm Kinh lưu ý: Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc. Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc.
Như vậy, Sắc và Không bổ túc cho nhau, hàm chứa bao bọc với nhau, chẳng hề mâu thuẩn, chẳng hề phủ nhận hay loại trừ nhau. Sắc trưng bày hiện tướng trên hiện tượng giới, cái Không là bản thể nằm im lìm dưới lớp áo khoác ngoài của sự vật hiện tượng. Sự hợp nhất vô phân diệt giữa Sắc và Không được Phật giáo Đại thừa gọi là Trung đạo hay là “Chân không diệu hữu”. Thế cho nên, cái Không chẳng phải hư vô mà chỉ thể hiện bản chất vô tự tánh, vô ngã của các pháp trên trần thế mà thôi.
Cái Không được đặt giả tạm chỉ cái Thể, không hình, không tướng, vượt qua ngôn ngữ, không suy luận được. Chính nhờ Không mà vạn hữu được sinh ra và chính nơi đó mà vạn hữu trở về.
Ngài Long Thọ viết trong Trung Quán Luận:
“Nhân duyên sở sinh pháp
Ngã thuyết tức thị không
Diệc danh vi Giả danh
Diệc danh Trung đạo nghĩa”.
Vạn vật do nhiều yếu tố, nhân duyên tạo thành nên vạn vật không có tự thể, và do đó, tất cả đều mang tính điều kiện, mà duyên khởi chính là điều kiện của mọi sự vật hiện tượng. Thế thì duyên khởi là bản chất của vạn hữu, của thực tại thì khái niệm “Không tính” và “hiện tướng” của sự vật hiện tượng chỉ là một hay  nói như thuật ngữ nhà Phật là “bất nhị“. Vậy hiện hữu đều là vô tướng hay là không có tự - tướng. Đó chỉ là giả tướng, giả có mà thôi. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Có tướng, không tướng đâu khác nhau, thậm chí cứu cánh cũng là vô tướng”.
Tóm lại, mọi sự vật, hiện tượng tức là các pháp, đều không có thực tướng, hay đều không có tự tánh, tức là Không. Do đó nói không có khởi đầu, không có kết thúc vĩnh viễn, không tăng, không giảm, không dơ, không sạch, cũng không thanh tịnh.
Kinh Đại Trí Độ Luận cho rằng: “Lúc chưa thành tựu thì gọi là Không, đã thành tựu thì gọi là Bát – nhã”. Cùng với ý này, Đại Trí Độ Luận cũng nói “Bát - nhã đi vào rốt ráo Không, dứt sạch các hý luận, còn phương tiện thì ra khỏi cứu cánh Không, thành thục chúng sanh trang nghiêm cõi Phật”.
Sự thật, đại da số nhân loại đều tồn sinh trong biển dục vọng, trầm luân trong đó, từ khi sinh ra cho đến ngày khuất bóng. Lúc tuổi còn nhỏ, nương cầu tình thương cha mẹ hay người thân. Khi lớn lên và trưởng thành thì mong muốn sự nghiệp, mong mỏi kết thân bạn bè khác giới, mong muốn tiền tài, địa vị và cả quyền lực. Lúc về chiều thì mong muốn an lạc, con cháu thành đạt v.v... Dục vọng này tiếp nối dục vọng kia, chồng chất dục vọng kia, không ngừng nghĩ.
Nhưng vì, con người theo đuổi dục vọng vô hạn theo các cách khác nhau. Điều này dẫn đến sự va chạm trong các quan hệ, hẹp thì xảy ra ở mức độ cá nhân, rộng thì diễn biến qua bè phái quyền lực, hay xung đột chiến tranh giữa các dân tộc, rồi đến cả thế giới.
Chúng ta đến trong cuộc đời này với một hình hài đơn độc, được nuôi nấng và lớn lên bằng nguồn dinh dưỡng vật chất, lẫn tinh thần. Lúc từ biệt trần gian mang theo xuống tuyền đài với biết bao mộng ảo còn dang dở, trong nỗi hiu quạnh chẳng biết về đâu.
Cõi nhân sinh là thế. Từ cổ chí kim, qua các thời gian và xã hội khác nhau, lịch sử như vở tuồng trên sân khấu cuộc đời. Nỗi khổ như con nước xuôi dòng, lắng đọng trong tâm thức con người những đợt phù sa có nhiều kích cỡ.
Nhà thơ Hoài Khanh trong “Lục bát” đã biểu đạt sự trầm tĩnh của một tâm hồn vướng luỵ nỗi sầu vạn cổ và trường mộng nhân sinh, đang lắng nghe một cách thầm lặng bước dịch chuyển nỗi đau của những tàn phai.
“Lặng ngồi nghe nước chảy xuôi
Nghe như phế tích dập vùi ngàn thu
Nghe như tuyệt dấu bụi mù
Trong màu thiên cổ kể từ chiêm bao
Kể từ năm tháng gầy hao
Vì đâu con nước mãi đau cội nguồn?”
Ôn Như Hầu tiên sinh, cả trăm năm trước, lại vật vã, xót xa sâu đậm hơn, buốt giá hơn, trong nỗi bi kịch kiếp tồn sinh.
“Tuồng ảo hoá đã bày ra đấy
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau
Trăm năm còn có gì đâu?
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”
(Cung oán ngâm khúc)
Đức Phật cũng là con người bằng xương bằng thịt, nghĩa là Ngài cũng đã thấy trải qua biết bao thống khổ như chúng ta. Nhưng bằng những nỗ lực phi thường của bản thân để cuối cùng Ngài đến nơi cao chót vót của Tuệ Giác Vô Thượng. Ngài đã đạt được giác ngộ, giải thoát tối thượng, tức là đã thực thụ giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi ở độ tuổi trung niên. Thế nhưng, Ngài vẫn lưu lại thế gian gần 50 năm nữa để truyền bá chánh pháp nhằm đem lại lợi ích cho thế gian và Đức Phật đã khái quát hết những thống khổ trong thân phận làm người:
“Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa với người mình thương là khổ, mong muốn mà không được là khổ. Tóm lại chính cái thân ngũ uẩn này là khổ“.
(Đức Phật và Phật pháp - Narada Thera
Phạm Kim Khánh dịch).
Mục đích của Phật pháp là đoạn trừ khổ đau. Nguyên nhân chính của khổ đau, tuy phức tạp nhưng chủ yếu là do sai lầm của nội tâm, dẫn đến các hành vi sai lầm. Hai yếu tố này tác động hổ tương với nhau, rốt cuộc là hành thành nên các nghiệp xấu, chiêu cảm quả báo chẳng lành, cho con người phải thọ nhận. Sự sai lầm của nội tâm có thể phân 2 loại: Dục và tư tưởng.
– Dục là tham muốn, là truy tìm, mong cầu tài sản vật chất, danh vọng, quyền lợi, các hưởng thụ vật chất và ái tình.
– Tư tưởng là phương diện tri thức; những tri thức thế gian kết hợp với lòng tham, tạo nên những nhận thức sai lầm, thành kiến, cố chấp hẹp hòi. Loại tri thức tiêu cực này càng cao thì sự ham muốn càng tăng, mang đến đau khổ càng nhiều. Xem ra, con người không những nô lệ của dục vọng mà còn là nô lệ về mặt tư tưởng.
Muốn loại trừ khổ đau, phải thay đổi từ sự sai lầm do lòng ham muốn và tư tưởng trong nội tâm. Đức Phật đã chỉ ra nhiều phương pháp, trong đó phương pháp Sáu Ba-la-mật đóng vai trò quan trọng. Sáu Ba-la-mật gồm có:
1/ Bố thí, có nghĩa là hy sinh cả tinh thần lẫn vật chất đem lại lợi ích cho tha nhân.
2/ Trì giới, tức là việc không nên làm thì quyết không, việc nên làm thì nỗ lực thực hiện.
3/ Nhẫn nhục, là phải kiên trì rất lớn nhằm giải quyết nỗi khổ nhân sinh.
4/ Tinh tấn, là nỗ lực làm việc thiện, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, có dũng khí vượt qua muôn trùng trở ngại.
5/ Thiền định, là tập trung tinh thần vào một cảnh giới nào đó, không để tán loạn nội tâm.
6/ Trí tuệ, là có khả năng hiểu biết sửa đổi sai lầm. Trong Phật pháp đặc biệt chú ý đến trí tuệ, bởi vì nó là một nhân tố đoạn trừ tất cả các khổ ách. Trí tuệ này còn gọi là Trí tuệ Bát nhã, không đồng nghĩa với trí thức thế gian. Trí tuệ Bát nhã là do thể nghiệm một cách sâu sắc chân lý mới có được. Đối với người con nhà Phật, chúng ta nương theo lời dạy của Phật, rồi tư duy quan sát, khởi lên niềm tin, hiểu biết sâu sắc và tiếp tục thọ trì một cách miên mật. Luôn luôn tu tập như vậy thì Trí tuệ Bát nhã sẽ có cơ khởi hiện.
Con người luôn luôn bị buộc chặt vào vô minh phiền não, bị chi phối bởi sinh, lão, bệnh, tử, bởi đói khát, nóng lạnh,v.v. Tuy nhiên con người lại là chủ nhân của cái vô hạn, đó chính là Phật tính toàn năng hay còn gọi là Pháp thân thanh tịnh hoặc Tri kiến Phật. Con người chỉ có thể đạt đến sự toàn năng đó, khi đã buông bỏ mọi ý niệm Ái, Thủ, Hữu… tức là đi vào một đời sống thanh tịnh, không bản ngã và thực sự giải thoát.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ Thiền luận (Quyển hạ): D.T.Suzuki - Trúc Thiên dịch, NXB Tổng hợp - Thành phố HCM - 2005.
2/ Nguồn gốc Tánh Không học - Pháp sư Ấn Thuận, NXB Hồng Đức - 2013
3/ Bồ Tát Đạo (Tập I) - Minh Đức - Thanh Lương, NXB Thành phố HCM năm 1997
4/ Giai điệu day và Bản giao hưởng Vũ trụ: Brian Greene, Phạm Văn Thiều (dịch) - NXB Trẻ - 2004
5/ Lược sử thời gian: Stephen Hawking, Phạm Văn Thiều - Cao Thi (dịch) -  NXB Trẻ năm 2006.
Đặng Công Hanh
Theo https://dangconghanh.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...