Nhập vào thế giới thi ca mang tên Thu Nguyệt, ta dễ bị xoáy
vào những vần thơ hướng nội, hoàn toàn hướng nội. Thế giới bên ngoài, nhất là đời
sống thường nhật của con người, như dồn tụ về một hướng: “Vi vu trăm vạn nẻo
đường/ Hụt chân bỗng rớt về phương trời mình”. Cứ tự nhiên lưu giữ trong
chiều sâu trí nhớ của người đọc những câu thơ như:
Ta
mang chút phận đèo bòng
Đau
giùm, khóc hộ mênh mông đất trời
Hay:
Chiều
buồn báo hiệu không đêm
Ta
cùng thức trắng làm tim đất trời
Chừng như, mọi nỗi đời, nỗi người đều được cảm nhận qua trái
tim mẫn cảm ấy, để kết lại thành một cõi thơ vừa gần vừa xa, vừa
thật vừa hư, cứ hút ta vào như không thể nào cưỡng nổi. Đó là khối trữ tình cá
thể nguyên chất tạo ra vẻ đẹp riêng, làm nên đóng góp riêng của Thu Nguyệt. Tất
cả điều đó đều xác đáng, tôi không có ý hoài nghi. Chỉ xin bạn đọc cùng hướng
tới chiều kích khác của thơ chị, còn ít người để ý, nhưng chính nó làm nên chất
công dân quý giá mà bất kỳ nhà thơ có ý thức xã hội nào cũng đều khao khát bồi
đắp.
Còn nhớ, một lần, Thu Nguyệt từ trong thành phố ra rừng
ngồi chơi. Như nhiều người khác, chị đã chụp ảnh để lưu lại tâm hình của
mình trong những giây phút thật hiếm hoi, khi mà: Nắng như tơ vuột khỏi trời/ Quấn trong bóng lá vàng rơi nhẹ nhàng. Thu Nguyệt tỏ ra ngạc nhiên đến sửng
sốt trước vẻ:
Rất mộng mơ, bỗng hiên ngang
Mặt mày có nét đàng hoàng công dân
Nhiều người lấy làm lạ. Chính chị cũng cảm thấy lạ nữa là!
Khi biết Thu Nguyệt vốn sinh ra và lớn lên từ Đồng Tháp Mười trù phú lắm mà
cũng chìm nổi lắm, thì tôi không lấy làm lạ. Mỗi khi đặt chân lên vùng đất
phương Nam thiêng liêng của Tổ quốc, câu thơ lòng nặng phù sa đi qua cồn
bãi của chị như ngân lên trong lòng tôi. Cho nên, tự trong thẳm sâu của
lòng mình, Thu Nguyệt như tự nhiên chọn lựa, và theo tôi, đây là sự chọn lựa
đúng đắn. Ấy là bởi tình cảnh tương phản này:
Xếp vạn câu thơ kê nỗi buồn mình
Nỗi buồn chông chênh, nỗi buồn khô ráo
Anh chị em dầm chân trong lụt bão
Kê cuộc đời bằng nước mắt mồ hôi
Nếu ai có dịp chứng kiến cảnh miền Tây mùa nước nổi thì sẽ dễ
dàng đồng cảm với nỗi niềm ấy của nhà thơ. May mắn thay, đã từ lâu rồi, nó đã
trở thành nỗi niềm chung của các cây bút thơ trưởng thành từ miền đất này. Mọi
nỗi buồn vui của họ đều như bắt nguồn từ những dòng kinh, miệt vườn thân thiết,
từ những cánh sen, bông súng, mảng lục bình lặng lẽ trôi xuôi… Phép so sánh
ngàn đời được Thu Nguyệt nhiều lần sử dựng mà chừng như vẫn tươi tắn, mới lạ:
Lòng như bông súng trắng phau
Nổi theo con nước lao xao gió đồng
Rồi:
Ta như sen súng giữa đồng
Ngắn dài theo nước mà bông vẫn đầy
Thật phù hợp, những phép đối sánh ấy! Hợp ý. Nhất là hợp tình – cái tình dâng
tràn, cái tình sâu lắng. Cảnh vật nơi này không chấp nhận sự vô tâm, hờ hững:
Về thăm nhà như một người dưng
Buồn tay ngắt một chùm bông súng
Vô tâm để dật dờ thân cọng
Gốc rễ buồn âm cả đất đồng xa.
Thu
Nguyệt không ưa lớn tiếng, mà thích thầm thì, rỉ rả. Mưa phùn thấm đất, kiểu
thơ này đem lại hiệu quả riêng, lắm khi thảng thốt đến khó ngờ. Cần tĩnh tâm để
lắng nghe chị thổ lộ. Nghe không phải bằng tai, mà bằng tâm, hơn thế bằng thần.
Khi đó bao điều vi tế, lạ lẫm sẽ dần dần hiện ra…
Thế là đã rõ rồi, càng đọc thơ Thu Nguyệt, càng thấy tâm
tình của chị tựa như tiếng nói không lời của trái tim lục bình quen
thuộc lừng lững trôi ngàn đời trên dòng Cửu Long kia:
Chẳng vội vàng, em cứ nhẹ nhàng trôi
Thời gian đứng trên đầu con sóng
Nhìn đời bằng tim, em ngàn năm mơ mộng…
Nếu như bạn hãy còn chưa tin thì xin cùng tôi dừng lại lâu
lâu một chút ở bài Dòng trôi tài tử. Có lẽ không một ai từng ngược
xuôi trên những kinh rạch Đồng bằng mà lòng lại không vấn vương bởi những giọng
ca, những cung đàn tài tử. Hai câu mở đầu bài thơ gợi bao điều:
Sợi khói bắc chiếc cầu qua sông
Lời hát vịn vào đưa ta về miền nhân nghĩa
Cầu
ở đây là hoàn toàn ảo. Câu hát thì hư hư thật thật, như bao đời nay vốn vậy. Những
chuyện Bá Nha – Tử Kỳ, Huyền Trân công chúa, những khúc Phượng cầu Hoàng, những
lớp Nam ai… Riêng “miền nhân nghĩa” thì khác, là cuộc sống thật, là
tâm tình thật. Vậy nên:
Nước
xuôi dòng mà con sóng loay hoay
Tiếng đàn quấn vầng trăng đứng lại
Lục bình níu dừng con nước chảy
Ta mơ màng nghe rõ nhịp song loan
Tả cảnh ư? Thật ra là diễn tình! Có phải bởi thế
chăng mà những câu hát như con sóng cuộn trào, như ánh trăng lung linh, như lục
bình líu ríu, khiến lòng người trôi nổi theo nhịp song loan. Đó là ngọn nguồn
sâu xa của câu kết: “Con nước dâng lên, hạt phù sa lắng xuống”. Câu
hát ở đây bay đi, nhưng lòng người thì như giọt phù sa kia lắng lại. Thêm nhiều,
rất nhiều ràng buộc giữa ta với đất, với người.
Người viết nên những vần thơ chứa chan tình sông nước ấy, giờ
phải rời xa sông nước, với bao cảnh trí thân thuộc gắn liền với sông nước. Chẳng
phải nói, ta cũng có thể hinh dung được tâm trạng của chị ra sao rồi! Có
điều, rung động là một chuyện, chuyển sự rung động thành thơ, thành thơ hay,
làm người khác cùng rung động như mình lại không dễ. Thu Nguyệt hơn một lần đã
làm được. Không, phải nói là đã làm một cách thành công. Hãy cùng nghe chị
giãi bày nỗi nhớ Nước:
Ơi mặt nước ơi! Ta gọi như say
Yêu dấu quá mà không ôm hết được
Ta tròn chớp hai giọt trong vào nước
Tôi nghĩ, những câu thơ ấy sẽ còn lại giữa đời, một khi con
người còn biết cách chấp nhận vẻ đẹp của sự sống. Bởi có sự sống nào không gắn
bó, hơn thế không được khởi nguồn từ nước đâu! Tuy nhiên, những câu thơ dạng ấy,
người khác cũng có thể làm được. Không hoàn toàn như thế thì cũng từa tựa như
thế. Riêng bài thơ có tên là Nhớ nước thì chỉ có thể là sản phẩm của
Thu Nguyệt. Khi “ra thành phố, xa đồng”, thì tâm tưởng nhân vật trữ
tình thật lạ: “Buồn! đem thau nước ra soi bóng mình”. Rồi, liên tiếp,
liên tiếp những đối sánh. Để giúp nhận ra sự khác biệt. Càng thấy khác biệt
càng thắt ruột thắt lòng:
Cũng bập bềnh cũng lung linh
Nhạt nhèo một mảnh vô tình như không
Chẳng bến bờ, chẳng đục trong
Mắt nhìn thấy bóng mà không có người
Hai
câu kết nâng bài thơ lên bằng một sự bao quát lớn, có khả năng chạm khắc vào
tâm tưởng người đọc:
Quê xa có kẻ đứng ngồi
Nhìn mưa nghe nước mắt rơi về nguồn
Người Đồng bằng! Vâng, đó chính là người Đồng bằng thứ thiệt,
từ trong thẳm sâu hồn cốt. Thơ Thu Nguyệt như được chưng cất lên từ vùng đất ấy,
từ truyền thống ấy. Vậy có gì là lạ khi phẩm chất công dân trong thơ chị lại đậm
đà đến thế. Vậy nên, tôi xin được lấy câu thơ rút trong bài Tấm ảnh của
chị để kết thúc bài viết của mình:
Đưa ra xa, để lại gần
Xoay ngang trở ngược trăm lần cũng… y!
Thu Nguyệt là vậy, rất nhiều lớp sóng khác nhau dập dồn trong
thơ chị. Rồi cùng với năm tháng dần dà bồi đắp nên một hồn thơ lóng lánh
như giọt nước trong lành giữa sông nước quê hương chị. Ai cũng biết rằng, chỉ
dưới ánh sáng rạng ngời của mặt trời giọt nước kia mới thật sự tỏa sáng…
Đà
lạt, 2005 - 2007
PHẠM QUANG TRUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét