Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Thu Nguyệt trong ngôi nhà của mình

Thu Nguyệt trong ngôi nhà của mình
Đây là khung cửa mở vào thế giới nghệ thuật của nhà thơ Nam Bộ Thu Nguyệt. Chị gọi thế giới ấy là “cõi lạ”. Tìm được sự khác lạ ngay trong ngôi nhà quen thuộc của mình, điều này khiến thơ chị đậm đà nữ tính, tạo ra sự độc đáo rất cần thiết để làm thành phong cách một tác giả. Độc đáo nằm ở sự khác biệt với phần đông các nhà thơ khác, coi đề tài gia đình là cũ kỹ ngại khai thác, Thu Nguyệt yên tâm sống từ khuya tới sớm trong ngôi nhà của mình. Sống theo cách bình thường nhất của một phụ nữ truyền thống, lấy việc xây tổ ấm làm trọng. Một ngày của Thu Nguyệt thường là vậy, đưa con tới trường, đi chợ Phước Bình Thủ Đức, cắm hoa làm đẹp ngôi chúng cư bình dân - vốn căn nào cũng giống căn nào, làm cơm. Và Thu Nguyệt làm thơ giữa những công việc ấy:
Nhà quê tôi đứng ngẩn ngơ
Lắng tai nghe tiếng nhà thơ trở mình
Nhà thơ tôi đứng làm thinh
Xem nhà thơ lấy tim mình bón thơ
Nhà nào rồi cũng vu vơ
Xin dại xin khờ chọn lấy nhà tôi
Cứ bình thản đi hết chiều sâu căn nhà mình, Thu Nguyệt tìm được cho bạn đọc nhiều thơ hay. Đó là thơ:
Hồn nhiên mình hát với con
Nghe thời niên thiếu như còn đâu đây
Là thơ
Chồng ơi vợ nói nghe nè
Đan tay nhau để cùng nghe khứ hồi
Thẹn thùng một chút xíu thôi
Đủ làm say suốt cuộc đời chúng ta
Là thơ nói về chính mình nhưng cũng là nói về đức hi sinh của người phụ nữ Việt Nam:
Có làm gì tám tháng ba
Để em ngồi lẻ ngắm hoa mà buồn
Nghĩ mình như cái chân hương
Anh, phần đã đốt, gió vương mất rồi…
Lúc này, với một cây bút nữ đang lên tay viết, dám từ chối mời gọi của những công việc văn chương bề nổi, cần cù lao động nghệ thuật, ngồi làm thơ ngay trong căn nhà bình dị của mình lại là sự dấn thân tích cực, là cố thủ để giữ lấy sự bền vững gia đình làm đối trọng cho sự nóng vội của nhịp sống thời kinh tế thị trường đang ngày một khốc liệt. Là hướng nội để tìm cho thơ những chiều sâu tình và lý cần thiết nhưng không cực đoan đi vào ngõ cụt của những riêng tư vụn vặt.
Ngay trong ngôi nhà của mình, từ vị thế nghệ sĩ rất bình thường như thế, tác phẩm của Thu Nguyệt lại có vẻ riêng ít người có được. Trong số tác phẩm của tác giả nữ này, có tập vợ viết ruột, chồng vẽ bìa, con minh họa. Một sứ khắng khít gia đình như thế thật đáng quý. Và vẻ đẹp này trong sáng tạo nghệ thuật của Thu Nguyệt đã được công luận ghi nhận. Nhiều bài thơ Thu Nguyệt viết về nhưng người thân trong ngôi nhà của mình, viết về chồng, con, đã được giới thiệu trên nhiều mặt báo, được những nhà phê bình có uy tín đánh giá cao. Được đưa vào nhiều tuyển tập quan trọng.
Trong thế giới nghệ thuật của mình, Thu Nguyệt còn có mảng đề tài lớn hơn đề tài gia đình, có ngôi nhà lớn hơn căn chúng cư vùng ven thành phố Hồ Chí Minh mà chúng ta đã thấy. Đó là ngôi nhà Đồng Tháp đất quê, nguồn cội riêng của chị, nơi Thu Nguyệt đã được sinh ra và lớn lên, nơi mà lúc nào chị cũng canh cánh nhớ thương. Nhớ người cha:
Con xa lần lữa không về
Ba ngồi nhìn khói thuốc rê bay rời
Mặt bàn đầy cánh mai rơi
Lẻ loi vàng một góc trời mong manh
Cội già ngồi nhớ lá xanh
Lá rụng về nẻo thị thành xa xôi
Lạnh vừa thôi gió bấc ơi
Cánh mai mỏng xíu lại rơi giọt vàng.
Nhớ dòng sông
Nơi con nước lớn, nước ròng
Xxuồng ba lá lướt tràn bông lục bình
Trái cà na lúng liếng xanh
Chùm me nước đỏ treo cành đố leo
Đế,  nga – mía trẻ nhà nghèo
Bông ô môi rớt trôi theo câu hò.
Nhớ :
Cầu tre như sợi dây phơi
Ai vắt lên đấy mảnh trời nhẹ bâng…
Nhớ:
Lý qua cầu hát trên sông
Mái chèo đẫm ướt mùi bông lục bình
Và nhớ nhất lời hát ru năm nào của người mẹ đã khuất núi…
Cánh lá nhỏ vườn nhà, miệt đồng mênh mông Tháp Mười và dòng Cửu Long tít tắp đều có chỗ trên trang thơ Thu Nguyệt. Đó là những trang chân quê của mảnh đất này. Bạn yêu thơ trên cả nước nghe thơ Thu Nguyêt như được nhìn vào những khung cửa nhỏ mở ra đất lớn phương Nam của tổ quốc ta.
Tập thơ đầu tiên của Thu Nguyệt có tên Điều Thật được in ở Đồng Tháp. Xa hơn nữa, những bài thơ đầu tiên Thu Nguyệt đã viết trên giấy tập học trò khi chị còn là học sinh trường làng rồi trường huyện Cao Lãnh, trường nào cũng ven bờ sông Tiền. Con sông quê hai bờ, bồi đắp một thời áo trắng nữ sinh, bồi đắp:
Một thời niên thiếu đi qua
Một thời áo trắng hai tà mộng mơ
Áo ngày xưa, áo bây giờ
Cổng trường nay, cổng trường xưa nhập nhòa…
Thiệt là vui, một chiều ở trường cao đẳng sư phạm Đồng Tháp - nơi mười mấy năm trước Thu Nguyệt đã thưa thầy, chào bạn, một mình ra thủ đô Hà Nội thụ giáo trường đại học viết văn Nguyễn Du, chính nơi ấy, chiều nay, áo trắng xưa, áo trắng nay tìm đến với nhau, khăng khít như một cặp vần.
Trong cả ba tập thơ của mình Điều thật, Ngộ, Cõi lạ,  tập nào Thu Nguyệt cùng dành trang để viết về bè bạn, những người Đồng Tháp một thời của mình. Đó là những trang viết cảm động nhất:
Mình đi qua những yên tĩnh đời người
Đau nhớ bạn bên kia bờ bão dậy
Thơ mình viết cho đời những câu nhún nhảy
Phần bạn lặng thầm sau trang giấy lãng quên….
Rất nhiều người bạn nơi này, đã từng quên đi những khó khăn đời sống, những đố kị, so bì để cần cù gieo chữ trên vườn văn địa phương, để chăm bẵm những mầm non văn nghệ, để từ bậc thềm của Hội văn nghệ Đồng Tháp, Thu Nguyệt ra với đời, góp vào văn đàn quốc gia giọng văn Nam Bộ của mình.
Thu Nguyệt, giọt nước Sông Tiền đã từ trang sách trôi ra dòng đời, thiếu nữ miệt vườn ngày nào nay đã thành một cư dân thực thụ của thành phố Hồ Chí Minh ồn ào nhịp sống công nghiệp. Giọt nước sông, giọt trăng thu kia cũng tìm được những bến bờ nghệ thuật mới. Thu Nguyệt lên núi, ra biển để chất thơ chân chất đồng bằng của mình có thêm độ cao nghệ thuật và chiều sâu tư tưởng. Tới tập Cõi lạ, thơ Thu Nguyệt xuất hiện những câu chắc như tuyên ngôn, lại vẫn mềm mại, tự nhiên, đủ sức ngân nga mãi trong lòng bạn đọc:
Chùa xa cuối nẻo đường mòn
Mặt trời đỏ chạm tiếng chuông bỗng vàng.
 Đã tới lúc giọt nước ngọt sông Tiền thăng hoa thành tiếng chuông thơ ca lên đường tìm bạn văn chương để cùng đổi mới, không bao giờ mòn sáo. Thu Nguyệt đã là một trong những hội viên trẻ của Hội nhà văn Việt Nam. Từ ngôi nhà của mình Thu Nguyệt đã bước vào thánh đường nghệ thuật.
Thu Nguyệt hay viết và viết hay về lục bình, điên điển, so đũa…những bông đồng nội quê mình. Thu Nguyệt là người biết cách giữ tươi mãi những đóa quê hương trong bình hoa nghệ thuật.
Trần Quốc Toàn
Theo http://thunguyetvn.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chuyển động Phạm Duy Nghĩa Tôi đọc Phạm Duy Nghĩa từ ngày anh đoạt Giải Nhất Cuộc thi Truyện ngắn do báo Văn Nghệ tổ chức năm 2003-2004 ...