Mảnh hồn làng bao giờ cũng lay gọi từ trong sâu thẳm tâm linh
các nhà thơ và đã để lại nhiều kiệt tác về miền quê thơ dại của mình. Nhiều câu
thơ cứ nhức nhối trong tâm khảm người đọc xa xứ và như một hoài niệm nhớ thương
không dứt.
Thu Nguyệt đã trót mang kiếp người xa quê. Đọc thơ chị ta bắt
gặp một phần đời, phần hồn ta trong đó, rưng rưng:
Lời ru từ đó chao nghiêng
Quê nhà từ đó ngỡ miền xa xăm
Sông dài cá lội biệt tăm
Rừng cao lá rụng biết nằm cội ai?
Trên bước đường mưu sinh “phập phù bước chân” đi vất vả của
người con gái nặng lòng với cố hương, bỗng chị thảng thốt một câu hỏi đến nao
lòng: “Rừng cao lá rụng biết nằm cội ai?” Nào có xa xôi gì, chỉ một thôi đường,
chỉ một chuyến đò dọc, chị có thể trở về…. Ấy thế mà sao nó vẫn xa diệu vợi:
Phồn hoa ừ cũng đôi lần
Rụt rè chân xúi bàn chân thử liều
Đêm nằm nghe thạch sùng kêu
Thì ra nỗi nhớ quê nhà không nguôi ấy đâu phải từ phương trời
góc bể nào đâu, mà chính ngay từ khi mình dầm chân trong bùn đất, đang đi trên
cầu tre lắc lẻo, đang soi khuôn mặt mình xuống dòng kinh đào xanh trong. Nỗi nhớ
lạ chưa, vẫn dâng đầy choáng ngợp trong lòng:
Mẹ ai tưới hàng bông bụp
Đất nồng bốc khói trong trưa
Khom lưng nhặt vài lá rụng
Áo màu giống mẹ tôi xưa
Bóng xoài ba tôi mắc võng
Sáng chiều hai hướng chờ trông
Con ở thị thành nắng bỏng
Bóng xoài mát đến con không?
Một câu hỏi sao mà nhức nhối đến tâm can! Ở đâu, đi đâu cũng
có mẹ cha đi cùng, tỏa bóng xuống đời những đứa con xa xứ tội nghiệp. Đọc mà
thương cảm, mà chia sẻ cùng Thu Nguyệt. Mỗi lần nhớ đến mẹ cha, tôi cứ hay lầm
rầm khấn vái với hai câu thơ của Nguyễn Bính: “Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương/ Cầm
như đồng kẽm ngang đường đánh rơi”. Và trong một tâm trạng vô định như thế, tôi
cũng hay lẩm nhẩm những câu thơ Thu Nguyệt trong tập NGỘ:
Nơi ấy ba ta già yếu lắm
Ngay tên tập thơ, ta cũng cảm thấy có một Thu Nguyệt rất lạ
trong suy tưởng, trong cảm xúc. Thực tại và quá khứ chan hòa trong mối tương
giao đồng cảm. Chị “ngộ” ra chăng? So với tập thơ ĐIỀU THẬT trước đây, Thu Nguyệt
đã có bước đi khá dài, khá vững chắc trên con đường thơ. Điều đáng qúy ở chị là
vẫn không mất đi lòng nhân ái và trái tim đôn hậu, và nó càng day dứt, sâu thẳm
hơn, câu chữ mới hơn, “ngộ” hơn:
Vỡ òa bước chân trẻ dại
Con quì khóc với rơm khô
Cổ tích từ rơm kể lại:
Còn đây một dấu chân cò…
Chị luôn “tự biết” mình giữa đất khách, quê người, giữa sóng
đời ba động:
Em chăm chút lược và gương
Cầu cho mình chút phấn hương trang đài
Giật mình nghe tiếng bàn tay
Nhắc thầm thuở tóc dính đầy rơm khô.
Người như thế là đa đoan lắm, nhưng ta tin ở lòng chân thành
của chị:
Không chút làm duyên làm dáng, không ồn ào, thơ Thu Nguyệt
như một sợi tơ chùng tri âm với quê hương, chồng con, bạn bè và kỷ niệm một thời
xa lắc…
Đọc thơ chị ta day dứt một lẽ gì không biết nữa, chỉ biết rằng
mãnh hồn làng tự dưng tràn ngập trong lòng ta, thắc thỏm gọi ta về và kêu lên:
Nhân gian ơi có biết rằng
Thế gian đâu cũng chẳng bằng nơi đây.
Vâng, chẳng nơi đâu bằng quê nhà cả, điều này ta cũng tin ở
chị, vì trong thơ Thu Nguyệt còn đây một dấu chân cò sớm tối lặn lội
đi về…
Tháng 3 năm 1998
Trần Nhật Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét