Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

Câu chuyện “Quan niệm nghệ thuật về con người”

Câu chuyện “Quan niệm 
nghệ thuật về con người”
Đọc mấy cái công trình về Thi pháp học của ông Trần Đình Sử (1), nhà “Thi pháp học số một” Việt Nam như nhiều vị đã có tầm học giả tôn xưng, ta gặp cái khái niệm “Quan niệm nghệ thuật về con người”. Đó là nguyên tắc lý giải cảm thụ của chủ thể sáng tác và là cái thứ nhất trong chuỗi những cái nằm trong “mô hình thi pháp học” riêng của nhà thi pháp học này. Đó lại là thứ có tầm quan trọng với người sáng tác vì đó là “cách cắt nghĩa, lý giải về con người có ý vị triết học, nó thể hiện cái giới hạn tối đa trong việc miêu tả con người”… Đọc những lời của ông nêu tầm quan trọng của cái “quan niệm” ấy như thế, người muốn nâng cao trình độ lý luận văn học không thể không tìm hiểu.
Kinh nghiệm từ các chuyên gia về “đọc” cho thấy đọc những sách lý luận khoa học xã hội như thế này cần phải tìm hiểu xem những gì trong vấn đề được tác giả đề cập và đề cập như thế nào, cũng như sau đó tìm ra những điều cần đề cập mà tác giả bỏ qua.
Trong “Giáo trình Dẫn luận Thi pháp học”, tác giả đã trình bày vấn đề một cách khá bài bản theo ý mình. Ông đi từ những ý kiến các đại gia lý luận thế giới về khái niệm này như một thứ “lịch sử vấn đề” ta thường gặp. Tiếp đó tác giả trình bày về “cơ sở lịch sử xã hội” và “ý nghĩa của cái quan niệm này” rồi “những biểu hiện của quan niệm này”. Tác giả triển khai, nói về những biểu hiện của nó trong văn học như trong cách xưng hô với nhân vật, việc miêu tả ngoại hình , rồi các hành động, các chi tiết, (2) ngôn ngữ. Tác giả dành nhiều trang nghiên cứu về các nhân vật cũng như “quan niệm nghệ thuật” về nó trong các hình thức sáng tác từ thần thoại, sử thi, cổ tích đến văn học trung đại, cận và hiện đại. Trong các nội dung triển khai ấy, tác giả nêu ra những phát hiện của mình như cái đặc điểm “con người vũ trụ”, sự chuyển biến từ con người “tỏ lòng” sang “thế giới tâm hồn”, rồi “điểm nhìn”, rồi biện pháp “đương thời hóa” một truyện xưa như ở Truyện Kiều…
Đọc “những điều tác giả đề cập” và cách đề cập của tác giả, ta thấy dường như tác giả chưa cho ta hiểu được thực chất vấn đề. Có thể thấy tác giả đã nói đến nguồn cội của sự đa dạng về quan niệm về con người là tất cả các mặt “hàm chứa” trong con người từ tự nhiên đến xã hội, từ vô thức tới hữu thức… Nhưng khi trình bày cái nội dung của “Quan niệm nghệ thuật về con người” ở “những biểu hiện” của nó thì thành thật mà nói còn quá hời hợt, thậm chí là rỗng. Cách xưng hô với nhân vật chỉ là thái độ đối với nhân vật. Việc miêu tả ngoại hình, rồi các hành động, các chi tiết, ngôn ngữ chỉ là chuyện kỹ thuật thể hiện nhân vật trong tác phẩm có gắn gì nhiều với quan niệm riêng của tác giả! Có thể còn thấy những luận điểm không lấy gì làm thuyết phục lắm nữa. (3)
Theo chúng tôi, đề cập vấn đề “Quan niệm nghệ thuật về con người” thực chất là đề cập đến những khác biệt trong quan niệm và cuộc đấu tranh xung quanh các “quan niệm” khác nhau về vấn đề con người trong sáng tác văn chương. Cuộc đấu tranh trong vấn đề “Quan niệm về con người” diễn ra ở các nhà triết học, đạo đức, hoạt động xã hội, hoạt động tôn giáo tất nhiên khác nhau và khác ở các nhà hoạt động nghệ thuật, văn chương. Nhưng nhà nào đã là trí thức đích thực đều có những “quan niệm” hướng về nhận thức lý luận lý thuyết về con người và những vấn đề của nó để sau đó hướng về biện pháp giải quyết trong thực hành với tấm lòng muốn phục vụ xã hội trong việc giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống của cộng đồng. Nhà triết học, đạo đức nhận thức “tính bản thiện” của con người sẽ có giải pháp thực hành khác nhà quan niệm “tính bản ác”, và cũng khác nhà hoạt động tôn giáo; nhà hoạt động xã hội. Với nhà văn, hoạt động nghệ thuật thì “quan niệm” lý luận của họ hướng về nhận thức về cái nhìn thẩm mỹ với con người trong tầm ngắm và là đối tượng miêu tả, phản ánh của mình. Và trong thực hành là cách “khai thác” con người trong đời sống vào việc gửi thông điệp tới người đọc. Bởi vì, nói như Nguyễn Tuân, “nhà văn bình luận với cuộc đời bằng nhân vật”. Có thể có những quan niệm khác nhau, đối kháng nhau trong từng giai đoạn. Cái đẹp của nhân vật ở người này là những giá trị quan phương nhìn thấy được qua vẻ ngoài, địa vị, danh hiệu tôn xưng, ở người khác có thể là những con người trái ngược về hình thức nhưng đẹp thực chất trong tâm hồn, nhân cách, hành động… Có người thích tìm đến những nhân vật có số phận bi ai, có người thích “lộn trái” những nhân vật hài kịch, hãnh tiến…Với những nhà văn, những người làm nghệ thuật, có những quan niệm mang tính chuyên môn như cách xây dựng nhân vật, cách chọn chi tiết, cách dùng ngôn ngữ. Rất nhiều nhà văn quan tâm ghi chép cho mình những trăn trở mang tính lý luận nghề nghiệp đó như ở Nam Cao, đã cho ta thấy hiển ngôn những “quan niệm” của họ. Nhưng cũng có nhiều người chỉ qua việc làm, qua sản phẩm cũng có thể bộc lộ “quan niệm” của mình.
Đương nhiên các “quan niệm” của một nhà văn là sản phẩm cuộc đời của chính họ với sự “tổng hòa của các mối quan hệ xã hội” và sự tu dưỡng tìm tòi cá nhân. M. Bakhtin có nói rằng “Người nghệ sĩ cũng lấy cái thực tại đời sống làm đối tượng như người tham gia hoạt động nhận thức, nhưng cái thực tại đã được nhận thức và đánh giá ấy sẽ được thẩm mỹ hóa, sẽ được hợp nhất một cách cụ thể bằng trực giác theo một lập trường thẩm mỹ của nhà văn”. Tôi nghĩ không hẳn là như vậy. Người nghệ sĩ, nhà văn cũng phải trăn trở tìm tòi trước những sự kiện, những con người chưa được nhận thức đánh giá để tự mình nhận thức, đánh giá rồi phản ánh theo lập trường xã hội – thẩm mỹ của mình. Nếu không như thế, dễ gì Nam Cao có được một nhân vật Chí Phèo, và một người bị cả làng khinh ghét như anh ta làm sao lại có được tiếng nói trong văn học!
Các quan niệm của nhà văn cũng gắn với hoàn cảnh xã hội, với thời đại của họ. Với nền văn minh vật chất, tinh thần của từng thời đại, trong những con người của nó – nhất là những người trí thức thực sự ưu tú – sẽ xuất hiện những nhận thức, những nhu cầu tinh thần mang tính lý tưởng và hình thành những quan niệm về con người thời đại mình cũng như những giải pháp thực hiện những điều đó, giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến họ. Sự biến động trong mẫu người trong văn học đi cùng các giai đoạn lịch sử thể hiện điều đó. Các quan niệm truyền thống trong văn học và các cuộc đấu tranh xã hội, học thuật đương thời cũng tác động vào từng nhà văn và tạo nên “quan niệm nghệ thuật về con người” của riêng họ. Nói điều đó để thấy vấn đề này phải đặt trong một môi trường cụ thể khi xem xét. Và xin lỗi các nhà văn, người ta không thể tách mình ra khỏi cuộc đấu tranh xã hội, học thuật để tự do chạy theo những thứ quan niệm dị hợm nào đó có thể rất phản nhân văn.

Còn một điều cần nói. “Quan niệm nghệ thuật về con người” có phải là một thành tố cần xem xét khi tìm hiểu Thi pháp học?
Theo nhiều tài liệu, dường như đa số các nhà nghiên cứu thi pháp học đều chú ý đến “các hình thức, các dạng thức, các phương tiện, phương thức tổ chức tác phẩm sáng tác ngôn từ, các cấu trúc và các thể loại tác phẩm văn học” (V. Vinogradov). Ông B. Tomashevski thì nói gọn hơn: “Nhiệm vụ của thi pháp học là nghiên cứu phương thức cấu tạo tác phẩm”. Như vậy thì một thứ như “quan niệm về con người” của tác giả cũng là một “phạm trù” của thi pháp học được sao? Đó là một yếu tố hình thức của tác phẩm chăng?! Hay trong “thi – pháp – học – tác – giả” (giả dụ có thứ đó) thì ở “tác giả” cũng cần nghiên cứu thứ “hình thức” đi với “nội dung”? (tất nhiên “hình thức” không phải theo nghĩa thông thường như là mặt mũi sáng sủa, quần áo đẹp đẽ… là những thứ có thể “nghiên cứu” được!). Mà đã nghiên cứu thứ “quan niệm về con người”, thì chắc cũng sẽ phải nghiên cứu các “quan niệm” về những hiện tượng tự nhiên, xã hội khác… nghĩa là thi pháp học phải nghiên cứu cả nhân sinh quan, thế giới quan của tác giả chứ?! Các quan niệm ấy tất nhiên có tầm quan trọng trong nhận thức, tư tưởng… trong cách cắt nghĩa, lý giải các sự kiện, con người tác giả đưa vào tác phẩm. Nhưng nó tác động trực tiếp tới “phương thức cấu tạo tác phẩm” của tác giả như thế nào?
Câu chuyện “Quan niệm nghệ thuật về con người” trình bày ở đây chỉ là một quan điểm của một người đọc sách. Cái đúng cái sai như thế nào tất nhiên tùy vào sự đánh giá của người đọc khác. Trình bày ra cũng chỉ là muốn được nghe những phản hồi.
GHI CHÚ:
(1) Giáo trình Đãn luận Thi pháp học - Thi pháp Truyện Kiều - Thi pháp thơ Tố Hữu), in lại trong Tuyển tập 1 và 2 của ông Trần.
(2) Sự liệt kê của ông Trần có vẻ không lô gích. Ngoại hình nhân vật, hành động nhân vật không phải là chi tiết?!
(3) Ví dụ tác giả nói “Trong chân dung Kiều, “thu thủy, xuân sơn” không chỉ là những nét thanh tú và trong sáng mà còn thể hiện một cốt cách đa tình hàm chứa trong hai yếu tố non - nước”. Dường như tác giả quên kiến thức so sánh trong ngôn ngữ! “Thu thủy, xuân sơn” ở đây chỉ được khai thác với tư cách là những đặc điểm của “nước hồ thu” là nét thanh mảnh của trái núi in lên bầu trời mùa xuân! Người miêu tả không hề nói đến cái hùng vĩ của “non”, của “nước”.
 Lê Xuân Mậu 
Theo http://tuanbaovannghetphcm.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...