Sống vùng nhiệt đới, Việt Nam có rất nhiều rừng. Ngoài những
rừng cây, còn có rừng cười. Tiếu lâm là rừng cười của dân gian. Không phải chỉ
mỗi dân tộc Việt Nam mới biết cười, mà cười là phản ứng tất nhiên của sinh vật
người sau khi đã khóc khá lâu để mà chào đời.
Dĩ nhiên, mỗi dân tộc có nụ cười riêng biệt của mình, nhưng
Việt Nam từ lâu được xem là một dân tộc cười nhiều - không biết vào loại thứ mấy
trên quả đất này - nhưng hãy cứ tạm gọi là thứ nhất. Nhiều người còn nhớ câu
nói của ông Nguyễn Văn Vĩnh - một nhà dịch thuật và là nhà báo nổi tiếng dưới
thời thuộc Pháp - nhận xét về dân tộc mình như sau: “An Nam ta hay cũng cười mà
dở cũng cười. Nhăn răng hì một tiếng mọi vật hết nghiêm trang”. Tuy nổi tiếng
là hiểu biết nhiều, nhưng rõ ràng là ông Vĩnh không hiểu tiếng cười của dân tộc
mình. Ai cũng biết rằng tiếng cười là đối lập với tiếng khóc, nhưng đôi khi nó
là mặt khác của tiếng khóc, nó không còn là sự sảng khoái, tươi vui nhưng ngầm
chứa đựng bất bình, đắng cay, khinh thị, tủi hờn. Chúng ta nhớ lại câu thơ của
Nguyễn Công Trứ: “Khi vui muốn khóc, buồn tanh lại cười”, và một câu khác rất
xưa, được dịch từ thơ chữ Hán để nói về nụ cười buồn và tiếng khóc vui:
Cười như chàng trẻ hỏng thi
Khóc như cô gái ngày đi lấy chồng.
Khóc như cô gái ngày đi lấy chồng.
Đôi khi không chỉ là mặt khác của tiếng khóc, nhưng để trấn
áp tiếng khóc, tiếng cười lại được vực dậy như một biện pháp trấn an, một sự chống
trả, để tìm lẽ sống. Chúng ta có thể nhắc lại điều này qua một câu thơ, viết về
Bệnh nặng ở trong Nhật ký trong tù:
Ở tù bệnh nặng, thêm cay đắng
Đáng khóc mà ta cứ hát tràn.
Đáng khóc mà ta cứ hát tràn.
Ở dân tộc mà bất khuất là đặc điểm tinh thần nổi bật, không
phải lúc nào cũng có thể cầm vũ khí đứng lên chống lại áp bức, tham tàn. Trong
những hoàn cảnh không thể lao thẳng lưỡi giáo vào ngực kẻ thù, người Việt sử dụng
nụ cười. Để chống cái ác, cái xấu, cái rởm, một ngàn lẻ một những gì không làm
cho mình cảm thấy vừa lòng. Vốn đã trải qua quá nhiều biến động ở trong cuộc sống
thường nhật xuyên suốt đã mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc mình, nụ cười là một
điều kiện cho một quân bình cần thiết để được tồn tại lâu bền giữa những thống
khổ triền miên. Và cũng vì vậy, tinh thần lạc quan là một đặc điểm nổi bật của
người dân Việt.
Tiếu lâm như loài cỏ hoang trên cánh đồng Việt, len lỏi khắp
nơi, tồn tại khắp chốn, tưới tắm bằng chính mồ hôi, nước mắt cuộc đời và sinh
thành từ một sự đòi hỏi có tính cầu toàn đối với mọi vật, mọi người. Tiếu lâm
là một trong những phương cách biểu thị cho niềm khao khát những giá trị thực.
Vì vậy, người Việt tôn thờ Đức Phật nhưng diễu cợt sư - khi đấy là sư hổ mang - tôn trọng thầy dạy, coi là những bậc ở trên cả cha mẹ mình nhưng lại diễu thầy,
khi đấy là những ông đồ kém đức, vô tài. Người Việt chỉ muốn phân biệt cái tốt
với xấu, cái chân với giả, như điều ao ước của mọi con người chân chính trên địa
cầu này.
Trong tập Truyện cười dân gian do Nhà xuất bản Văn học ấn
hành từ lâu, chúng ta tìm thấy đủ loại chuyện cười như thế, chẳng hạn: Với sư cụ
xơi thịt chó lén lút ở trong phòng kín, chú tiểu đã tò mò hỏi:
- Bạch cụ, cụ xơi gì trong ấy ạ?
Sư cụ đáp:
- Tao ăn đậu phụ.
Lúc ấy có tiếng chó sủa ầm ĩ ở ngoài cổng chùa. Sư cụ hỏi:
- Cái gì ở ngoài cổng thế?
Và chú tiểu đáp:
- Bạch cụ, đậu phụ làng ta đang cắn đậu phụ chùa đấy ạ.
Đối với thầy đồ, câu chuyện sau đây càng độc địa hơn: Một thầy
đồ nọ, thấy đứa học trò nhỏ cầm cái bánh bàng liền bảo: “Mày đem lại đây tao
làm thành cái trăng khuyết cho coi”.
Thằng bé đưa bánh cho thầy, thầy cắn một phát mất phân nửa
cái rồi nói: “Để tao làm cái trăng lặn cho coi”. Rồi thầy há miệng cắn bánh, thằng
nhỏ nóng ruột lấy tay đậy lại, bị thầy cắn nhầm phải tay, đau quá nó khóc thét
lên. Thầy vừa xoa tay nó, vừa dỗ: “Thôi, thôi, bữa nay cho mày nghỉ học, về nhà
có hỏi thì mày nói chó cắn nhầm tay nhé!”.
Khi sư cụ, thầy đồ, đã không được sự… miễn dịch thì các loại
thầy khác trong cuộc sống như thầy bói, thầy tướng, thầy địa càng bị tấn công
nhiều hơn. Tiếu lâm chứa đầy những mũi tên độc dành cho các loại thầy này. Và cả
thầy thuốc, những người đáng được kể như ân nhân, lại có thể là đối tượng đả
kích vì trong hàng ngũ lương y còn có những hạng lang băm – buôn bán sinh mạng
con người.
Diêm Vương ốm, cho quỷ sứ lên trần đón một thầy lang xuống chữa.
Diêm Vương đã dặn:
- Tìm nhà thầy lang nào có ít ma ngoài cửa thì vào.
Quỷ sứ lên trần đi tìm khắp nơi chẳng thấy được thầy lang nào
như lời đã dặn. Nhà nào cũng có đầy những ma đứng kín ngoài cửa. Đang định quay
về bỗng thấy nhà một thầy lang chỉ có mỗi một con ma, bèn mừng quá bắt thầy đưa
xuống âm phủ. Diêm Vương phán hỏi:
- Nhà ngươi làm thuốc đã được bao năm mà khá như vậy?
Thầy lang bèn thưa:
- Con mới vào nghề được mấy hôm nay và cũng mới chữa cho một
người thôi ạ.
Với hạng quan trên vô tướng, bất tài, tiếu lâm đâu có buông
tha. Câu chuyện Ông Thần trả nghĩa là một ví dụ:
Một ông lãnh binh lúc nào cũng đeo khẩu súng kè kè nhưng bắn
rất tồi. Cái bia sau nhà, cách mấy sãi tay, quan cứ bắn mãi vẫn không trúng
đích. Chẳng may có giặc, quan được lệnh ra chiến trường.
Ra chỉ trận đầu quan đã đại bại, bỏ mặc quân lính để chạy
thoát thân. Nhưng địch đuổi ráo riết cố bắt cho được. Gần đến đường cùng, quan
bỗng thấy một vị thần hiện ra, cõng quan chạy thoát vào rừng. Đến lúc hoàn hồn,
quan hỏi vị thần:
- Chẳng hay ngài ở chốn nào mà có lòng tốt cứu tôi như vậy?
Vị thần trả lời:
- Ta là thần bia, trong vườn nhà ông. Đã nhiều năm nay, nhờ
ông nhân đức buông tha không chịu nhắm vào nên ta mới còn sống được cho đến bây
giờ. Cảm ơn cái ơn ấy, nay đến cứu nạn để trả nghĩa vậy.
Trong cái xã hội sính chuộng văn chương như xã hội Việt Nam
ngày xưa, câu chuyện Ngửi văn sau đây có một ý vị thật là thấm thía:
Một người mù chỉ ngửi hơi văn mà biết được văn hay, văn dở. Một
ông Tú sính văn chương, bèn đem bộ Tây Sương Ký ra mà hỏi. Người mù ngửi qua rồi
bảo:
- Tây Sương Ký đây mà!
Ông Tú bảo:
- Sao biết?
Người mù đáp:
- Ngửi thấy có mùi phấn sáp.
Ông Tú lại đưa pho Tam Quốc Chí ra hỏi. Người mù ngửi xong,
trả lời:
- Tam Quốc Chí đây mà.
- Sao biết?
- Ngửi thấy có mùi binh đao.
Ông Tú bèn đem mấy tập văn thơ của mình ra hỏi. Người mù ngửi
xong, liền bảo:
- Văn này đích thị là của ông đây, chứ gì?
Ông Tú hỏi:
- Sao biết tài quá vậy?
Người mù trả lời:
Có những câu chuyện gần gũi thế tình, nhưng được quần chúng
quan tâm biến thành một câu chuyện cười ý vị:
Một bà mẹ chồng cùng với cô dâu chẳng may đều bị góa bụa. Mẹ
chồng dặn bảo con dâu:
- Số mẹ con mình rủi ro, thôi thì nhớ lời mẹ dạy: cắn răng mà
chịu.
Không được bao lâu, mẹ chồng tư tình, con dâu nhắc lại lời dặn
thì bà mẹ chồng trả lời:
- Mẹ dặn là dặn dò con, chứ mẹ làm gì còn răng để cắn!
Cái mâu thuẫn lớn giữa giàu và nghèo kéo dài đã mấy nghìn năm
được cô đọng lại trong một trận cười rất ngắn:
Mùa hè nóng nực, một lão nhà giàu đi chơi về, mồ hôi đầm đìa,
sai người nhà đầy tớ lấy quạt ra quạt. Lát sau, mồ hôi ráo hết, lão ta khoái
quá, bèn nói:
- Ô! Mồ hôi của tao nó đi đâu mất rồi nhỉ?
Người đầy tớ bỏ quạt xuống, vòng tay thưa:
- Dạ, nó đã qua hết trên mình con rồi đấy ạ.
Và rất thấm thía là chuyện sau đây:
Một người ăn mày hom hem, rách rưới, đến cửa nhà giàu xin ăn.
Người này không cho, còn mắng:
- Bước ngay! Trông như là ngươi ở dưới địa ngục mới lên!
Người ăn mày nghe nói thế, vội đáp:
- Phải, tôi ở dưới địa ngục mới lên!
Người giàu nói:
- Đã xuống địa ngục sao không ở luôn dưới ấy, lên đây làm gì
cho thêm bẩn mắt?
Người ăn mày đáp:
- Thì không ở được nên mới phải lên. Dưới ấy, các bọn nhà
giàu chiếm hết chỗ rồi.
Chúng ta có cả ngàn trang cũng không kể hết chuyện cười của
người dân Việt. Nhưng để kết thúc bài ngắn ngủi này, có lẽ nên kể thêm câu chuyện
nhỏ sau đây để thấy được sự quần chúng bất bình trước các tệ nạn tham nhũng, cường
quyền của một loại người vốn không phải là đầy tớ của dân:
Ngày nọ, quỷ sứ bắt ba hồn trên dương gian về nộp Diêm Vương.
Vua địa ngục hỏi:
- Chúng bay khi sống làm nghề nghiệp gì?
Hồn của tên trộm bèn thưa:
- Con nghèo lắm, không có của để bố thí nên phải thí công:
đêm nào cũng phải đi tới xem nhà ai bỏ quên cái gì thì lấy cất giấu cho họ.
Diêm Vương khen:
- Khá lắm! Ngươi biết chịu khó vì đời, cho ngươi đầu thai được
làm quan lớn.
Hỏi tới hồn của gái đĩ, thì tâu:
- Từ nhỏ đến lớn tôi không lấy chồng, chỉ thương những người
đàn ông đơn chiếc, ai đến cũng coi như là chồng mình.
Diêm Vương tấm tắc:
- Thật là nhân từ. Cho ngươi đầu thai lên làm bà lớn.
Đến hồn thầy thuốc, tâu rằng:
- Tôi không có lòng “nhân đức” được như hai hồn vừa rồi. Ở
trên dương thế chỉ ai đau ốm thì tôi cố gắng chữa lành.
Diêm Vương nổi giận:
- Thế ta sai quỷ lên trên dương thế bắt các hồn về là do
chính ngươi đã cản mệnh ta! Hãy đem tên này mà bỏ vạc dầu.
Hồn thầy thuốc bèn quì lạy, nài tâu:
- Xin đại vương khoan hồng cho tôi hoãn lại một đêm để về dặn
bảo lũ con: hễ con trai thì nên đi ăn trộm, con gái thì nên làm đĩ, đặng mau
mau được làm ông lớn, bà lớn, chớ đừng dại dột làm điều phúc đức mà bị nấu dầu.
Vũ Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét