Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

Về một số bất cập trong phê bình, nghiên cứu văn học

Về một số bất cập trong 
phê bình, nghiên cứu văn học
Với mỗi tác phẩm văn học, giá trị, sức trường tồn, tác động của nó tới đời sống như thế nào phụ thuộc một phần quan trọng vào người phê bình, nghiên cứu. Vì thế, bên cạnh sự nhiệt tình, công tâm, khả năng cảm thụ,… còn đòi hỏi người làm phê bình, nghiên cứu văn học có kiến thức chuyên môn, phương pháp phù hợp. Từ góc độ này có thể nói, do nhiều nguyên nhân khác nhau, phê bình và nghiên cứu văn học ở Việt Nam hiện còn tồn tại một số bất cập…
Lý luận là yếu tố tối cần thiết đối với hoạt động phê bình và nghiên cứu văn học. Thậm chí có thể nói, không có lý luận, phê bình và nghiên cứu văn học sẽ như “nhà không có móng”. Ở Việt Nam nhiều năm nay, tuy hoạt động phê bình, nghiên cứu luôn có vai trò của lý luận, song so với các nước trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan,… phải nói rằng, chúng ta đã và đang tụt hậu về lý luận. Các lý thuyết, trào lưu văn học được giới thiệu ở Việt Nam thường là đến sau các nước nói trên từ 10 đến 20 năm, và sau phương Tây từ 20 đến 40 năm. Thí dụ: Thi pháp học hiện đại thịnh hành ở phương Tây khoảng nửa đầu thế kỷ 20, nhưng đến thập niên 80 của thế kỷ trước mới được ứng dụng ở Việt Nam; Tự sự học được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm vào thập niên 70, du nhập vào Trung Quốc thập niên 90 của thế kỷ 20, đến Việt Nam khoảng những năm 2000; Văn học so sánh ra đời ở phương Tây từ đầu thế kỷ 20, đến năm 1954, Hiệp hội Văn học so sánh Quốc tế được chính thức thành lập; Ở Trung Quốc, bộ môn Văn học so sánh được đưa vào chương trình đào tạo đại học cách đây hơn 20 năm, còn ở Việt Nam, đến nay mới có một số trường đại học đưa bộ môn này vào chương trình đào tạo…
Lược qua như vậy để thấy rằng, phần lớn lý thuyết văn học hiện đại có mặt ở Việt Nam đều có nguồn gốc từ phương Tây, và dường như được du nhập một cách tự phát, thiếu hệ thống. Vì thông thường, các nhà khoa học đầu ngành tự tìm tòi, vận dụng lý thuyết để nghiên cứu, sau đó dịch thuật, giới thiệu rộng rãi tới mọi người. Phần lớn, mỗi lý thuyết đến tay người nghiên cứu đều đã được các nhà khoa học đầu ngành tổng hợp từ một số tài liệu nước ngoài. Những người đi sau xem đó như là cẩm nang, cứ thế vận dụng, kế thừa. Cho đến nay, dường như Hội Nhà văn Việt Nam và các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học chưa có động thái giới thiệu một cách có tổ chức, có hệ thống về các lý thuyết văn học.
Tại hội thảo Tự sự học, Văn học so sánh, Văn học hậu hiện đại,… tổ chức gần đây, phần lớn tham luận tập trung vào mảng ứng dụng, chỉ có một vài tham luận thuần túy lý luận. Các hội thảo cũng chưa thống nhất không chỉ về thuật ngữ mà cả nội hàm của thuật ngữ. Từ việc thảo luận về các thuật ngữ đặt ra thường chỉ tranh luận nửa vời, dẫn đến việc tiếp nhận lý luận của một số nhà nghiên cứu Việt Nam như rơi vào cảnh “thầy bói xem voi”. Ðể rồi các cặp thuật ngữ trần thuật học/tự sự học, điểm nhìn/ góc nhìn, siêu hư cấu/ siêu tiểu thuyết,… vẫn cứ tồn tại song song, càng làm phức tạp hóa lý luận.
Thực tế cho thấy, muốn hiểu tường tận về một lý thuyết, cần tiếp xúc trực tiếp với nguyên tác. Ðiều này đòi hỏi nhà phê bình, nghiên cứu phải thông thạo một vài ngoại ngữ. Ở Việt Nam hiện nay, số người này không nhiều. Ngoại ngữ đã và đang là “gót chân A-sin” của nhiều người trong giới phê bình, nghiên cứu. Họ đành phải sử dụng lý luận do người khác dịch thuật mà không có khả năng kiểm định. Vì vậy, một số thuật ngữ dịch chưa chuẩn, chưa đúng với tinh thần nguyên tác, chưa thống nhất, còn đậm tính chủ quan của một (vài) cá nhân nào đó vẫn được sử dụng từ người này sang người khác dẫn đến hiện tượng nhiều thuật ngữ lý luận rơi vào tình trạng “tam sao thất bản”. Ngoài ra, khi định nghĩa một thuật ngữ, những người nghiên cứu đi sau thường dẫn theo công trình nào đó của người đi trước. Và đây là kiểu tiếp nhận “hớt ngọn” xuất phát từ tâm lý ỷ lại, không muốn hoặc không dám tự chịu trách nhiệm về cách hiểu một thuật ngữ, nguồn tư liệu gốc. Dĩ nhiên các tác giả này sẽ khó có sự phản biện khi tiếp nhận tri thức. Như vậy, họ đã đánh mất tố chất cần thiết của một người làm công tác khoa học.
Mỗi lý thuyết mới thường mở ra trước người làm phê bình, nghiên cứu một chân trời mới đầy hấp dẫn. Khác với các nền văn học lớn trên thế giới như Pháp, Anh, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Ðộ,… văn học Việt Nam từ xưa đến nay vốn không mạnh về lý luận, chưa có hệ thống lý luận của riêng mình. Hơn nữa, nhiều sáng tác của văn học Việt Nam hiện đại, nhất là đương đại đều có liên quan ít nhiều với lý luận phương Tây. Ðó là một lý do khiến giới phê bình, nghiên cứu trong nước rất háo hức, nồng nhiệt đón nhận các hệ hình lý thuyết mới của phương Tây. Sự nồng nhiệt đó nhiều  khi thái quá, khiến các đề tài nghiên cứu thường phải gắn với một lý thuyết nào đó, tạo nên sự rập khuôn, mô phỏng một cách máy móc từ tên đề tài đến cấu trúc công trình.
Thí dụ: Với khuôn mẫu đề tài như “Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm A” thì sẽ có các chương “người kể chuyện, điểm nhìn, giọng điệu…”; khuôn mẫu đề tài “Dấu ấn hậu hiện đại trong tác phẩm B” thì sẽ có “giễu nhại, liên văn bản, mảnh vỡ”… Vẫn biết các thuật ngữ trên là những vấn đề cốt lõi, nhưng xác lập cấu trúc đề tài như thế là xuất phát từ lý luận (công cụ) chứ không phải từ đối tượng nghiên cứu (tác phẩm). Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu thường chọn một lý thuyết lý luận mới (càng mới, càng thời thượng càng tốt!) mà mình thích hoặc am hiểu, sau đó áp đặt chứ không phải là ứng dụng vào nghiên cứu tác phẩm văn học, không hề quan tâm tới sự tương thích của lý thuyết với thực tiễn văn học. Chẳng hạn lý thuyết “hậu hiện đại”, “hậu thực dân” đang được sử dụng để soi chiếu vào một số tác phẩm văn học Việt Nam một cách đồng đẳng như với các tác phẩm văn học nước ngoài mà tác giả các tiểu luận, công trình không hề cân nhắc có hay không (có ở mức độ nào) tâm thức hậu hiện đại, tâm lý hậu thực dân ở một dân tộc vừa “từ trong máu lửa, rũ bùn đứng dậy sáng lòa” từ cuộc cách mạng dân tộc - dân chủ - nhân dân, cách mạng giải phóng một cách triệt để như Việt Nam. Ðây là kiểu nghiên cứu “đẽo chân cho vừa giày”, đi ngược lại logic khoa học, bởi không xuất phát từ yêu cầu tự thân của đối tượng nghiên cứu là tác phẩm văn chương.
Trong ngôn ngữ phê bình, nghiên cứu cũng vậy. Một số công trình đã được triển khai như hành động phô diễn chữ nghĩa lý luận mà tác giả tiếp cận được như một “chiêu thức lòe” kiến thức lý luận mà quên rằng, giá trị của một công trình phê bình, nghiên cứu trước hết là ở năng lực vận dụng phương pháp, cảm thụ, giải thích văn chương… Với các công trình này, người đọc chỉ thấy tác phẩm bị mổ xẻ, “phanh thây bằng cây đao lý luận” mà không thấy cái hay, cái đẹp, thông điệp cuộc sống và nhiều giá trị khác nữa từ tác phẩm. Ðây là một kiểu “cưỡng bức” tác phẩm văn học bằng lý luận, biến sự đơn giản thành phức tạp, rõ ràng thành mơ hồ, rạch ròi thành rối rắm; lẽ ra phải “giải mã” tác phẩm thì có tác giả lại đi “mã hóa” tác phẩm một cách phi khoa học.
Văn học phương Tây nói chung, lý luận phương Tây nói riêng, có tác động rất lớn trong quá trình hiện đại hóa văn học các nước phương Ðông trên nhiều phương diện từ sáng tác đến phê bình, nghiên cứu. Trong tâm thức một số người ở phương Ðông, những gì gắn với phương Tây đều mang ý nghĩa văn minh, tiến bộ, hiện đại. Vì vậy, hầu như tất cả những gì mới mẻ của phương pháp, của thủ pháp, của lý luận,… đều được các nhà nghiên cứu dễ dàng quy về cho phương Tây, lấy phương Tây làm chuẩn, làm tâm điểm, làm giá trị. Ví như đảo thuật, dự thuật được các nhà văn cổ – trung đại phương Ðông như Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản sử dụng rất nhiều, rất thành thục với các thủ pháp hồi cố, phục bút,… trong các tác phẩm sử thi, tiểu thuyết; vậy mà hiện nay, có nhà nghiên cứu mặc nhiên cho rằng đảo thuật, dự thuật là thi pháp tự sự của văn học hiện đại, hậu hiện đại phương Tây. Những nhầm lẫn này một phần xuất phát từ vốn kiến văn  chưa dày dặn của người làm phê bình, nghiên cứu và quan trọng hơn, là từ sự sùng bái và chuộng phương Tây.
Nhìn chung trong một số trường hợp, tâm lý chuộng ngoại và “trọng huy chương” đã ảnh hưởng rất rõ đến lập trường khoa học của một bộ phận trong giới phê bình, nghiên cứu văn học. Các tác giả, các tác phẩm đoạt giải thưởng cao của văn học nước ngoài đều trở thành chọn lựa ưu tiên của nhiều đề tài chuyên ngành. Dù được nghiên cứu theo lý thuyết nào thì khuynh hướng chung vẫn là khen ngợi, đánh giá cao các tác giả, tác phẩm đó. Hầu như không có công trình nào tiến hành phản biện, chỉ ra những điểm chưa thành công của tác giả, tác phẩm. Ðiều đó phần nào thể hiện sự non yếu về bản lĩnh khoa học của giới phê bình, nghiên cứu. “Một viên ngọc bích cũng còn có vết”, không phải cứ  tác phẩm đoạt giải là khen, nếu cả thế giới  khen mà mình không khen thì chứng tỏ mình không giỏi, không mới. Tâm lý này khiến nhiều tác giả, tác phẩm “nhập khẩu” vào Việt Nam đều trở thành những “bộ quần áo của hoàng đế”. Sự vồ vập, khen ngợi thái quá theo kiểu “té nước theo mưa” này chẳng qua là hành động chạy theo thời thượng, triệt tiêu tính độc lập, sáng tạo cần có của người làm công việc phê bình, nghiên cứu.
Một số bất cập trên đây là hai mặt của một vấn đề đã và đang tồn tại trong phê bình, nghiên cứu văn học hiện nay. Ðể khắc phục vấn đề này, cần có một chiến lược thật sự nhằm cải tạo tri thức, tâm lý và bản lĩnh của người phê bình và nghiên cứu. Trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi mạo muội “lập bệnh án” về phê bình, nghiên cứu văn học ở Việt Nam hiện nay, và xem mình cũng là một “con bệnh”. Vì thế, việc “phòng bệnh, kê đơn, bốc thuốc” như thế nào là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta.
Theo http://tuanbaovannghetphcm.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...