Hơn ba mươi năm tôi gặp lại bạn. Bạn bảo, nhớ hồi ấy một
mình xuống cuối làng Hòa Hương, mình rất hạnh phúc là đã tận ngắm ráng chiều
trùm lên bầu trời ánh chiếu màu đậm nhạt pha nền bến sông vàng tuyệt đẹp!
Chẳng biết giờ còn không? Ừ, vẫn thế. Duy có điều đổi thay là
chuyện muôn đời của bể dâu, làm sao ta cưỡng nổi. Hay tại ông hoài câu văn trác
việt: Ráng chiều sa xuống cùng cánh cò đơn chiếc đều bay; làn nước sông thu, với
bầu trời kéo dài một sắc của Vương Bột mà đau đáu dằn lòng mình thấm đẫm nỗi u
hoài lâu đến vậy chăng? Hoặc ông nhớ Cảm thu của Đinh Hùng mà tưởng tiếc:
“Từ hôm rời chân ở bến sông vàng, từ biệt con thuyền phiêu bạt, tôi đã hết nhớ
dãy núi xanh phơn phớt đằng xa và bâng khuâng trở lại con đường quê thân mật”...
Dường như bạn còn vương vít: Thật lạ, cái vàng chiều thuở ấy
trôi theo với mình như từ vô thỉ; mỗi khi chợt bắt gặp cái màu như màu vàng
trong tuyệt phẩm Mùa thu vàng Levitan nó không thôi làm mình xao xuyến
bồi hồi. Nhưng đâu phải hết, mình còn thấy màu sắc vàng trong tổ khúc Bốn
mùa của Vivaldi. Nghe không biết bao nhiêu lần rồi mà hễ khi tấu lên vẫn
phát hiện đôi điều mới mẻ và thú vị. Dòng âm thanh róc rách như tiếng suối
ngàn, rúc rích như đôi chim đùa vui trên cành đang kẻ dòng lộc biếc, ngân rung
chồi tơ... Làn gió mơn man mang ấm tình nồng ong bướm vờn quanh những khóm hoa
tươi cười chúm chím đong đưa dưới ngàn tia nắng sớm...
Mai bạn về rồi. Mình gửi chiếc CD để lúc buồn bạn mở ra hít
thở một tí màu sắc thanh âm trong trẻo quên đi bao phiền muộn cuộc đời. Nhưng
ông rất nhớ bến sông vàng Tam Kỳ kia mà? Không, Vivaldi nói hộ cho mình. Ông biết
không, Vivaldi là người “họa sĩ” dùng âm thanh vẽ nên thiên nhiên đẹp chẳng kém
gì Levitan đặc tả khung cảnh vàng thu nước Nga trong trứ tác của mình. Âm nhạc
Vivaldi bất tử vì lẽ đã làm chức năng trao truyền “Trữ nguồn năng lượng sống”...
Đêm Huế chìm sâu. Tôi và bạn râm ran thâu đêm; mãi khi kịp
nghe tiếng rao hàng vọng đầu ngõ phố mới biết ngày dần sáng. Như câu chuyện âm
nhạc của Vivaldi chưa chịu lắng, nên bạn khẽ đẩy chiếc đĩa vào case và điều chỉnh
âm lượng đầy lên một tí; tức thì nguồn âm thanh The four seasons reo
lên. Chuỗi thanh âm tràn ngập căn nhà, luồn qua khe cửa lá sách, trèo qua ô
thông gió, mơn tròn tay bạn, tay tôi, nhung mềm non tơ, trong trẻo tinh mơ, điệu
hòa cuộc sống...
Tiễn tôi về, bạn dặn lòng câu hát: Mình về có nhớ ta chăng?
Và rồi vào một chiều nào ấy tôi men về ngả đò Ba Bến để nghiệm ra lời bạn. Đúng
là nơi đây có Bầu trời vàng, Chuỗi ngày vàng, Bến sông vàng hay muôn vàn Vàng
nhớ thương... Tôi hỏi rồi tự trả lời với chính mình: “- Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
- Hạc vàng đi mất từ xưa...”
Mới vừa hôm qua, tôi gặp người bạn nữa. Anh cũng trút tâm
tình: Mình sống nơi đây gần cả cuộc đời. Thế mà đâu phải lúc nào lòng ta cũng
thanh thản. Chỉ vô tình chạm nhẹ miền ký ức lung linh một chút thôi cũng sẽ gây
cho ta xúc động. Như bạn biết: chiến tranh đã làm hàng cừa ngày ấy bị cháy trụi
bây giờ dấu tích còn mảng sém đen trơ gốc to bằng mấy vòng tay ôm phơi sương mấy
chục năm qua, tưởng chẳng còn gì, vậy mà cây làm cuộc hồi sinh kỳ diệu. Mầm sống
vươn lên, đời cừa sinh sôi vượt qua năm tháng. Thời gian con nước sụt xuống trồi
lên vỗ vàm vạp ngày đêm, nghiến nát hàng cây, sạt trôi bờ bãi làm ta đớn đau
ghê lắm; mỗi lần như thế nghe như trăm nghìn dao cứa sống lưng...
Bạn biết không, xưa kia con đường dẫn xuống làng của mình đẹp
lắm. Ngày mưa nước sông đầy bọn mình đi con đường trên, có hàng sưa ken dày
bóng mát. Ngày nắng hàng cừa phía dưới lộ gốc rễ hiện lên trông giống bức tranh
thủy mạc kỳ thú. Thuở nhỏ, mỗi khi đi học về mình thường trèo qua cành nhánh một
lát hoặc chơi đùa tắm mát ở đây.
Đẹp nhất là vào mùa hè dòng sông trong xanh. Chúng ta có thể
băng qua ngóc ngách cây tạo nhiều lối đi bên dưới. Không biết cừa từ đâu mà về
bén rễ nhiều quá. Cừa ôm triền sông. Rễ dài từ những cành cao thòng xuống đất.
Rễ cắm tầng một, rồi tầng hai, ba... Mỗi tầng đều rẽ lối đi. Và hình cây thẳng quỵ khum cong
đẹp đến lạ kỳ. Bạn có thể ngắm cừa thu nhỏ qua chậu bonsai để thấy họ rễ khí dễ
thích nghi và sống đời rất mạnh mẽ. Cừa sum suê đan kết không biết đâu là cành
nhánh, đâu là thân rễ. Rễ đan cành, thành thân; thân ôm rễ, thành cành...
Cây nghiêng nghiêng soi bóng thầm thĩ con nước xa nguồn: Sông
ơi, em chảy bao giờ... Cuộc sống chợt vui buồn mừng giận. Cũng có khi đang ngày
vui êm ả bỗng đâu gió nổi đùng đùng. Nước ngoạm táp vào thành bờ dài cơn đau rạn
vỡ đời người đời cây. Nhưng cừa sinh ra là để chở che làng, kiên gan cùng nắng
mưa, ngăn trở mỗi khi giông gió thổi về. Con người làm ra lắm kỳ công mà cũng
tàn phá lắm kỳ quặc. Cừa mất dần. Nhà lấn sông. Cảnh đẹp một thời trôi đi, còn
chỉ đọng trong ký ức...
Hai góc quay tái hiện đoạn hồi tưởng của hai người bạn. Bất
chợt hôm nào lòng bỗng dưng tự vấn: Đâu là điểm khởi đầu; đâu là vạch cuối
cùng? Không có câu trả lời. Phật nghe rằng: Hạt giống sẵn có (Bản hữu chủng tử)
thì gốc có sẵn tự thời vô thỉ kia. Vậy nên không có cái bắt đầu. Chúng ta đang
sống trong một khung thời gian và không gian và cảnh ấy đều do mình tạo nên. Để
sau này nhà bác học Einstein cũng nói: thời gian và không gian không là hai thực
thể riêng biệt.
Ráng chiều nhuộm vàng đẫm bàng bạc đò Ba Bến. Ngậm ngùi sẻ
chia lan man chút tình hoài của hai bạn từ cảnh là những gì đang xảy ra ở trước
mắt ta và từ tưởng là những gì hơn ba mươi năm trước. Tôi tự hỏi: có thể nào giữ
thái độ vô tâm khi có cái gì đang xảy ra trong lòng ta hay đang xảy ra chung
quanh ta hay ta đang ý thức về con đường cừa ba tầng nghiêng soi bóng nước của
ngày xưa giờ không còn nữa. Những biến cải bể dâu khôn lường nhưng rất hiển
nhiên dịu dàng âm thầm gieo hạt mầm hạnh phúc trao truyền cho ta tự ngày ấu
thơ.
Trên cao dưới thấp nước vỗ chảy mãi ngày đêm.
Đình Quân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét