Thời gian
Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi
như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em
như hai giếng nước
(Văn
Cao)
Bài thơ Thời gian ra đời
vào mùa xuân năm 1987. Lúc này nhạc sĩ/ thi sĩ Văn Cao đã để lại phía sau cuộc
đời mình với biết bao trải nghiệm vui buồn... Dù chỉ có 7 câu, 12 dòng, 42 chữ,
nhưng chất triết luận cùng những thông điệp mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc của
bài thơ đã lắng lại trong tâm hồn người đọc, gợi nhiều suy ngẫm về con người
và cuộc sống, mặc cho dòng thời gian trôi chảy không ngừng.
Mở đầu bài thơ ta bắt gặp một hình
ảnh được “lạ hóa”: Thời gian qua kẽ tay - hình ảnh thơ gợi liên tưởng
đến sự tương phản giữa cái hữu hình và vô hình, cái hữu hạn và vô hạn. Như một
tất yếu, sự hiện hữu của thời gian trong cuộc đời mỗi người là hữu hạn, bởi
thời gian ấy so với cái “vô thủy vô chung” của vũ trụ thì hư ảo, mong manh,
ngắn ngủi vô cùng! Chính vì vậy, thi nhân tự bao đời đã ngậm ngùi xa
xót trước bước đi của thời gian và sự vô nghĩa của phận người... nên Nguyễn
Gia Thiều đã cảm nhận đầy chua chát trong Cung oán ngâm khúc nổi tiếng
của ông:
“Trăm năm nào có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”
Như một quy luật hiện sinh,
thời gian qua đi là miên viễn không bao giờ trở lại. Sự nghiệt ngã ấy chính
là bi kịch của phận người, con người không thể nào nắm giữ, níu kéo được được
thời gian. Triết gia Heraclite đã xác quyết: “không ai có thể tắm hai lần
trên cùng dòng sông”, cuộc đời mỗi người không thể sống hai lần…Mỗi bước đi,
thời gian luôn làm biến đổi từng sát na hiện hữu, sức tàn phá của thời gian
là khôn lường:
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi
như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn
Những chiếc lá xanh rồi cũng tàn tạ theo
thời gian. Những được mất trong cuộc đời rồi cũng nhạt nhòa theo năm tháng.
Có chăng, cái còn lại trong cuộc đời này là giọt giọt những kết tinh kỷ niệm…những
kỷ niệm - như hạt ngọc quý giá ngày càng lắng sâu trong tâm thức khi con người
ngày càng chạm đến cõi vĩnh hằng. Và những kỷ niệm ấy rồi sẽ theo con người
lìa xa cõi sống để sang phía bên kia miền miên viễn…mọi ái, ố, hỉ, nộ rồi
cũng sẽ tan biến theo dòng chảy của thời gian… Bài thơ, vì thế, đã thức nhận
cho chúng ta cái ý nghĩa nhân sinh tưởng như bình thường mà không phải ai
cũng nhận biết được khi con người luôn đắm chìm trong quá nhiều tham vọng của
cuộc sống… Ý niệm về thời gian trong bài thơ của Văn Cao, vì thế mang tư tưởng
hiện sinh tích cực.
Thông điệp toát lên từ hình tượng nghệ thuật của bài thơ
mang giá trị nhân văn sâu sắc: khi nhận thức được qui luật nghiệt ngã của thời
gian con người phải biết trân quý sự hiện hữu của mình. Chúng ta phải làm thế
nào để mỗi phút giây hiện hữu của đời người là mỗi phút giây sống chứ không
phải là tồn tại!? Câu hỏi đầy tính chất tự vấn này sẽ không bao giờ là điều
xưa cũ trong tâm thức hiện sinh của nhân loại trên con đường khám phá những
giá trị vĩnh hằng để vượt qua sự khắc nghiệt của thời gian. Vậy những giá trị
vĩnh hằng chỉ có thể là gì? Văn Cao - người nghệ sĩ đích thực, với cảm thức
tinh tế trên từng bước đi của thời gian đã khẳng định một hệ giá trị mà ở đó
sự tàn phá của thời gian cũng không thể làm mất đi phẩm tính của nó. Đó là:
Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em
như hai giếng nước
Trong dòng chảy nghiệt ngã của thời
gian, mọi sự vật, hiện tượng có thể lụi tàn và tan biến vào hư không. Nhưng
có những giá trị không thể mất mà mãi mãi “còn xanh”, đó là những giá trị thuộc
về nghệ thuật và cái đẹp được kết tinh từ những câu thơ, những bài hát và
đặc biệt là từ đôi mắt em. Âm hưởng bài thơ chuyển đổi bất ngờ: từ trầm
buồn, u uẩn sang thanh thoát, thổn thức, mơ màng; hình ảnh thơ mang ý nghĩa
biểu tượng cao. Từ “riêng” được lặp đi lặp lại vừa như muốn minh định,
vừa như muốn xác quyết một chân lý muôn đời không thể phủ định: Nghệ thuật và
Tình yêu luôn khác biệt và luôn vượt lên mọi thứ tầm thường, tự thân nó luôn
mang một sức mạnh trường tồn, vĩnh cửu bởi nó là hiện thân của cái Đẹp. Điều
này quả đúng như Cyprian Norwid đã nói: “Thế giới này rốt cuộc chỉ còn lại
hai thứ, chỉ hai thứ thôi: Thi ca và lòng nhân ái... không còn gì khác”...Câu
kết của bài thơ để lại một dư âm da diết nhưng không bi lụy: Và đôi mắt
em/ như hai giếng nước… Đôi mắt em phải chăng là nơi Tình yêu bắt
đầu và cũng là nơi Tình yêu mãi mãi lên ngôi…!
Thời gian dẫu vẫn trôi
“qua kẽ tay” nhưng bài thơ Thời gian của cố nhạc sĩ/ thi sĩ Văn
Cao vẫn nguyên xanh trong lòng bạn đọc. Độ nén, sự giản dị, hàm súc của câu
chữ trong bài thơ cho thấy sự tài hoa và tinh tế của một thi sĩ tài năng. Vì
vậy, tôi tin, những thông điệp nhân văn vang lên từ bài thơ vẫn luôn vẫy gọi
các thế hệ bạn đọc tri âm, đồng sáng tạo cùng tác giả. Và đây cũng là một hệ
giá trị để bài thơ vượt lên quy luật khắc nghiệt của thời gian, mãi mãi tồn
sinh như sự vĩnh hằng của Nghệ Thuật - Tình Yêu và Cái Đẹp....
Xóm Bến, mùa đông 2014
Cao Thị Hồng
Nguồn: Quán Văn, số 029, tháng 4 năm 2015
Theo http://www.bichkhe.org/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét