Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

Sự lựa chọn chủ đề và phát triển tính cách trong truyện ngắn 1945 -1975

Sự lựa chọn chủ đề và phát triển 
tính cách trong truyện ngắn 1945 -1975
So với văn chương tiền chiến, văn xuôi cách mạng Việt Nam có khá nhiều thay đổi, trước tiên là ở những nguyên tắc lựa chọn chủ đề, phát triển tính cách nhân vật - những khâu quan trọng bậc nhất trong việc hình thành tác phẩm. Sự lặp đi lặp lại của một số yếu tố trong bộ mặt tinh thần của con người đã được miêu tả trong truyện ngắn viết từ khoảng 1945 đến 1975 ở chiến khu Việt Bắc cũng như sau này trở về Hà Nội.
Dứt bỏ, một chủ đề của những năm đầu cách mạng
Nhìn lại  những truyện ngắn viết khoảng 1945-1948  mà đến nay còn lại, người ta dễ thấy có một chủ đề chung được lặp lại, đó là dứt bỏ.  Bản chất của sự dứt bỏ đó là vượt lên trên chết chóc, nhưng có  khi đơn giản chỉ là vượt lên trên cuộc sống phù hoa và cả những thói quen cũ cách đánh giá cũ (Tiếng nói của Nguyên Hồng, Một  lần tới thủ đô của  Trần Đăng,  Đôi mắt của  Nam Cao)
Đối với một nền văn học cách mạng, nhất là vào những năm đầu tiên bước sang một cuộc sống mới, thì việc hình thành một thứ chủ đề có ý nghĩa đại loại như từ giã, dứt bỏ, là điều hợp quy luật. Trong sự liên tục của thời gian, lịch sử bỗng chuyển sang một bước ngoặt, bên cạnh nỗi bàng hoàng choáng ngợp, làm sao tránh khỏi ít nhiều lưu luyến? Mà đã lưu luyến, thì phải dứt bỏ - dù ban đầu, việc đó hình như có hơi quá một chút, cũng không sao. Ngập ngừng, run sợ, lảng tránh không dám nhìn thẳng vào mọi biến chuyển của thực tế – chúng ta đều biết đó là những đặc tính bệnh lý trong tâm lý người trước sự vận động của lịch sử. Một đời người, Nhà mẹ Lê, Cô hàng xén… hôm qua, những truyện ngắn ấy của Thạch Lam có nói tới những bất mãn, trì trệ, nhưng cuối cùng, kết luận vẫn là những đau xót đầu hàng. Một trong những kiệt tác của văn chương trước Cách mạng là Chí Phèo, nhưng kết cục số phận nhân vật chính ra sao, tất cả chúng ta đã biết. Chỉ trong hoàn cảnh có những thay đổi đột biến như cách mạng, chủ đề dứt bỏ mới được  thực hiện. Nếu về sau, chủ đề này có ít được trở lại, thì lý do chỉ đơn giản là còn nhiều chủ đề khác, với những nhân vật khác - như chỉ để thức tỉnh, giác ngộ quyền sống với những nhân vật quần chúng cách mạng có tầm khái quát rộng lớn hơn - có tầm quan trọng hơn.
Những trường hợp thức tỉnh, những con người giác ngộ và hai cách dựng truyện thường thấy
Một người phụ nữ bị gán nợ, sống kiếp tôi đòi như một súc vật, mặc tháng ngày qua chỉ biết làm việc trong mòn mỏi, thụ động. Giá như trước 1945 mà viết về những truyện đó, thì Tô Hoài đã bỏ lửng câu chuyện như anh đành quay mặt trước số phận các nhân vật trong Quê người, O chuột. Nhưng đến Vợ chồng A Phủ, nhà văn đã nhìn ra và ghi nhận từng bước chuyển trong nhận thức nhân vật. Với truyện ngắn này, chúng ta có một ví dụ tiêu biểu về chủ đề thức tỉnh của con người  trong văn xuôi.
Khi giới thiệu tập thơ Từ ấy, nhà văn Đặng Thai Mai từng nhận xét phần thứ nhất Máu lửa có thể đổi cái tiêu đề Giác ngộ. Thức tỉnh, tự ý thức về con người mình, về quyền sống, đồng thời về trách nhiệm của mình trước đời sống, quả thật, đấy là cả một chủ đề  xuyên suốt trong Con đò danh dự, Thư nhà, Người tù binh da đen, Vợ nhặt, Chiếc cán búa…
Nhân vật trong các truyện ngày phần lớn là quần chúng cách mạng, những người chân đất, những người mà trong xã hội cũ, bị phong tỏa ngay về mặt tinh thần. Không phải trước Cách mạng, những nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Đình Lạp, Trần Tiêu… không nói tới những người này. Chỉ có chỗ khác là bấy giờ họ được miêu tả như những nạn nhân. Nay, theo quan niệm của các nhà văn, quần chúng cách mạng đã bắt đầu làm chủ cuộc đời mình. Họ hiểu ra giá trị của họ. Và họ lấy mình làm những chuẩn mực để tự đánh giá, cũng như đánh giá những người khác. Một phụ nữ miền núi như Mị (Vợ chồng A Phủ), một người công nhân như Hào (Chiếc cán búa), những nhân vật ấy không thể có trong nền văn học trước Cách mạng.
Về mặt dựng truyện, có hai cách để các nhà văn nói tới quá trình của những con người mới nói trên:  cách đi vào một vài phút giây đột biến, và cách nói tới những thay đổi dần dà chậm rãi, cho đến khi con người hoàn toàn “khác trước”. Cả  hai cách đều phổ biến. Ta biết rằng chỉ trong những truyện ngắn viết từ hồi trước Cách mạng, mới có những truyện ngắn khép lại cả “một đời người” như những ở hiềncủa Nam Cao, Cô hàng xén của Thạch Lam. Tại sao? Vì cuộc đời của nhiều con người trong xã hội lúc đó thường cứ đắm chìm trong u buồn đau khổ trong sự không thể đổi thay của số phận, cách hiểu của người ta về cuộc đời cũng rất “tĩnh” như thế. Nay, phần lớn các truyện đều nói tới những thay đổi trong số phận của nhân vật, trong các truyện Vợ chồng A Phủ, Chiếc cán búa trên đây vừa nhắc quãng thời gian xảy chuyện chỉ là vài ba năm mà nghe đã thấy nhiều biến chuyển lớn. Còn ví dụ về những tác phẩm nói tới những đột biến trong tư tưởng nhân vật thì cũng rất nhiều, trước mắt, có thể nêu Thư nhà, Mầm sống, những truyện viết về người chiến sĩ, ở đó trong những quãng thời gian ngắn, con người phải đối mặt với hoàn cảnh và với chính mình, để rồi, vụt trưởng thành hẳn lên, đổi mới trong tư tưởng.
Thức tỉnh đồng nghĩa với ý chí quyết tâm chiến đấu
Nếu ở một người bình thường, quá trình hoạt động trước tiên đã đòi hỏi một sự nhận thức đúng đắn, thì với những người chiến sĩ, yêu cầu đó đặt ra gay gắt. Một trong những lý do khiến cho Thư nhà của Hồ Phương thường được nhắc nhở là ở chỗ tác phẩm đề cập tới một trường hợp “giác ngộ” khá quen thuộc, và cách trình bày giản dị tự nhiên: thù nhà, nợ nước, khiến người chiến sĩ ra đi thêm quả quyết.
Trong Mầm sống của Triệu Bôn, nhân vật ở vào một tình thế gay go, một hoàn cảnh ít gặp hơn, nhưng do đó, hoạt động nhận thức của nhân vật càng bộc lộ mạnh mẽ.
Về một phía nào đó, đời sống tinh thần của con người được miêu tả trong Mầm sống đã khá đa dạng. Nếu coi cả hai nhân vật chính như sự phân thân của một con người, thì thấy cuộc đấu tranh trong bản thân con người ấy có lúc rất căng thẳng. Rơi vào một hoàn cảnh khó khăn đến mức cùng quẫn, con người ấy trước tiên phải vượt lên chính mình. Nhưng có sự thức tỉnh nào không, bao hàm một sự tự vượt lên như vậy? Trong đơn độc - và đó là cái “hoàn cảnh điển hình” của Mầm sống - cuộc đấu tranh càng trở nên khắc nghiệt, người ta không thể nương tựa vào ai khác, người ta phải trả lời cho những câu hỏi do bản thân mình đặt ra. Có điều, ở một truyện ngắn như Mầm sống và những truyện tương tự, thành công của tác giả là: một mặt không đẩy câu chuyện tới mức quá phức tạp, vượt ra ngoài ranh giới đã xác định, mặt khác, vẫn làm nổi bật tính chất nghiêm túc, quyết liệt trong hành động nhận thức của con người. Qua đây, chúng ta bắt gặp cả hai phía làm nên bản chất người chiến sĩ là rất kiên cường, mà lại cũng rất  đơn giản, một cách miêu tả  quán xuyến trong hầu hết văn chương viết về người lính
… Và nhận thức cũng chính là một hành động khẳng định cuộc sống
Xin nói rõ hơn một chút, chung quanh truyện ngắn Mầm sống.
Đây đó, thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe những ý kiến than tiếc một cách đúng đắn là: ở một đất nước hơn mấy chục năm chiến đấu, mà còn quá ít những truyện nói về giây phút ra trận, giáp chiến với kẻ thù.
Nên chi, chúng ta vui mừng khi bắt gặp nhân vật của Triệu Bôn đã đi  khá xa, tới bên phía tiền phương đối mặt với cái chết.
Vậy mà tác phẩm lại mang cái tên Mầm sống. Tại sao? Ý của tác giả, mà cũng là cái điều tâm niệm của mỗi người bình thường mấy chục năm nay: chiến đấu là lẽ sống của cả một dân tộc. Chiến đấu đồng nghĩa với giành lấy quyền sống. Nói cách khác, mỗi nhận thức về cuộc chiến đấu cũng là nhận thức về cuộc sống nói chung, không thể nào khác.
Trong kho tàng truyện ngắn, không ít truyện có ý nghĩa tương tự như truyện ngắn trên đây của Triệu Bôn: hoặc khơi gợi căm thù và khẳng định cuộc sống, như Con chị Lộc; hoặc nói trực tiếp về một trường hợp thức tỉnh như trong Về làng; hoặc lý giải nguồn gốc sức mạnh của những người đang chiến đấu, như Mùa nấm tràm; Rừng Xà Nu của Nguyễn Trung Thành. Nhìn chung, những tác phẩm đó đều tiêu biểu ở chỗ tác giả đi vào những chủ đề lớn lao, đòi hỏi một cách xem xét vấn đề nghiêm túc. Trước tiên các nhân vật đã nghiêm túc, như khi đứng trước các vấn đề thiêng liêng, người ta phải như vậy.
Nói rộng ra, một vấn đề chung của truyện ngắn, chủ đề bao trùm ở đây vẫn là vấn đề nhận thức. Những ngày đầu Cách mạng, để dứt bỏ với quá khứ, người ta phải nhận thức; trong những năm tháng chiến đấu, để giữ vững ý chí, người ta phải nhận thức; mà những khi đất nước có hoà bình, để bắt tay xây dựng và bảo vệ một cuộc sống mới, người ta càng phải nhận thức. Trên ý nghĩa ấy, chúng ta thấy có thể ghép vào đây hàng loạt truyện ngắn khác, đề cập tới rất nhiều vấn đề khác nhau, trong những năm hoà bình ở miền Bắc (1954-1964). Không nói thẳng, thế nào là hạnh phúc, trong Mùa lạc, Nguyễn Khải chỉ đề nghị mỗi người phải hiểu rằng chính mình sẽ tự sáng tạo hạnh phúc cho mình. Anh Keng của Nguyễn Kiên đề cập tới sự vươn lên của con người, trong hoàn cảnh bình thường, nhưng trước hết, đó là một sự vượt lên, trên bình diện tự khẳng định mình. Cho tới các nhân vật trong Cái lạt của Vũ Thị Thường, đời sống đã phức tạp hơn, bản thân con người đã “rắc rối” hơn, không phải cứ nghĩ sao làm vậy nữa, mà có lúc đã phải định thần nhìn kỹ lại mình và đã phải thay đổi. Song, như là một điều mặc nhiên, đối với tác giả mà cũng là đối với nhân vật, muốn giải quyết việc gì, trước tiên phải dò lại con người của mình, phải sòng phẳng với mình đã. Trước khi bắt tay vào hành động, cả tác giả và nhân vật đều thấy cần thiết phải bước vào một cuộc “chỉnh huấn”, tự xác định, để rồi cứ thế mà làm. Còn mối quan hệ giữa tư tưởng và hành động không bao giờ được đặt ra, bởi bao giờ cũng được quan niệm là nhất trí.
Xem thế thì thấy chủ đề nhận thức thật có ý nghĩa bao trùm. Nó cùng với chủ đề mà dưới đây chúng ta nói tiếp, chủ đề ân nghĩa ân tình làm nên hai mạch truyện chính của nền văn học sau Cách mạng. Hai mạch truyện này lại phát triển chồng chéo lên nhau ở nhiều mô-típ cốt truyện chung, mà chúng ta thấy lặp đi lặp lại nhiều lần đến mức không thể coi là ngẫu nhiên. Chúng ta phải lần ra ý nghĩa của sự lặp lại đó.
Chủ đề ân nghĩa ân tình và cốt truyện gặp gỡ
Gặp gỡ là một thiên truyện  trong đó nhà văn Bùi Hiển kể lại truờng hợp hai vợ chồng cán bộ (một huyện ủy viên, một chấp hành phụ nữ huyện), “hội ngộ” trong một trận càn. Toát ra qua toàn truyện là ấn tượng về tình cảm đồng chí đồng đội, vừa rộng mở, vừa bao dung, bao dung được những tình cảm riêng tư đúng đắn, khiến cho mỗi người trong cuộc cảm thấy rất đầm ấm. Nhưng đó cũng là một chủ đề xa gần thấy ở nhiều truyện ngắn viết về con người trong cách mạng. Dù về mặt nhận thức, mỗi người chiến sĩ đã hiểu rất rõ rằng đi chiến đấu là cả một lẽ sống cần thiết, thì về mặt tình cảm, họ vẫn cần có những vỗ về, an ủi, muốn tìm thấy ở cái tập thể lớn một nơi nương tựa chắc chắn. Hiện chưa có ai thống kê, nhưng nếu như số truyện ngắn loại “gặp gỡ” này có nhiều và điều giả định này cũng  là một sự thực không nghi ngờ - thì cái lý do chung cũng là lý do về mặt tình cảm như thế.
Bản thân những Thư nhà, Mầm sống và ngược lên nữa, cả Đôi mắt, Một lần tới thủ đô… suy cho cùng cũng là truyện “gặp gỡ”. Suýt nữa thì người chiến sĩ mang tên trong Mầm sống rơi vào tình thế của Robinson trên hoang đảo, chỉ nhờ có sự có mặt của một đồng đội, nhân vật này mới có dịp bộc lộ nhiều mặt tình cảm sẵn có ở anh. Mô-típ thấy ở các truyện ngắn tương tự như Thư nhà, Gặp gỡ lại càng nhiều hơn, tất cả thống nhất với nhau trên một ý hướng cơ bản: người ta đi đâu cũng gặp đồng chí, đồng đội. Và còn một điều khác, tuy các tác giả không nói ra, nhưng cả nhà văn và độc giả đều đã  nhất trí, đó là trong mối quan hệ giữa người với người, vấn đề lý tưởng là cơ bản; khi đã cùng chung một lý tưởng, người ta nhanh chóng gần gũi, thông cảm, không có vấn đề riêng tư gì hết. Nếu so sánh với một chủ đề truyện thường thấy  ở văn hjọc phương Tây  hiện đại, “sự bất tương thông”, sự xa lạ giữa người với người, thậm chí sự chia lìa ngay trong con người một nhân vật nào đó - thì truyện Việt Nam 45-75 là cả một đối cực.
Nhân vật chính trong các truyện Ráng đỏ của Đỗ Chu, Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu là những đôi trai gái gặp nhau, yêu nhau trong hoàn cảnh chiến tranh. Có điều kỳ lạ là, họ yêu nhau ngay từ khi chưa biết gì về nhau, và yêu nhau vì sao, thì chính họ càng không thể hiểu nổi. Sở dĩ các truyện đó vẫn đứng được, bởi lẽ, qua những trường hợp có vẻ kỳ lạ này, thấy toát ra một điều hiển nhiên là, trong chiến tranh, cái riêng đã hoà nhập vào cái chung. Và lúc đó, thì không khí đời sống vừa như thực vừa như mơ, con người hoàn toàn được giải phóng khỏi mọi dục vọng, trở nên hồn nhiên trong sáng, những tình cảm bình thường như tình yêu, tình bạn càng nảy nở hơn bao giờ hết.
Có thể nhận xét rằng, hướng khai thác các cốt truyện gặp gỡ như thế này không chỉ quán xuyến trong những truyện viết về chiến tranh, mà cả những chuyện viết về đời sống hoà bình. Điều đó dựa trên cơ sở sau đây: trong vận động chung của hiện thực cách mạng, biết bao biến đổi đã đến với những người bình thường, những biến đổi mà con người trước Cách mạng không thể ngờ tới. Song, như mỗi người đều có lúc nghĩ, trong đau khổ lại có niềm vui, mỗi bước gian truân thêm một lần thông cảm, thêm nặng ân tình, ân nghĩa, và cái điều đau đáu trong lòng mỗi người vẫn là mong mỗi một sự bù đắp, một sự đoàn tụ, như các nhân vật trong Quê hương của Nguyễn Địch Dũng, Mùa lạc của Nguyễn Khải từng ôm ấp. Từ chiến tranh (46-54)  chuyển sang hoà bình ( sau 1954), cách mạng chuyển giai đoạn, hoàn cảnh có khác đi, mà niềm tin của con người thì vẫn là thế. Sự phục hưng của đất nước, sự hồi sinh của con người, lòng tin yêu, ân tình ân nghĩa trong văn học, bao giờ đó cũng là những chủ đề lớn lao, và các nhân vật trong những trường hợp đó phải là những con người cao cả - những chiến sĩ quên mình vì nghĩa lớn.
Đi vào cuộc sống thường ngày, một hướng khai thác khác đối với chủ đề ân nghĩa ân tình
Người thợ chữa đồng hồ tại đường hầm số 1 của Hữu Mai kể chuyện ngay giữa nơi bom đạn (đây là Điện Biên) một cuộc sống bình thường vẫn được duy trì, và con người ta vẫn tỏ ra khá đàng hoàng, tỉ mỉ, tinh tế. Thoạt nhìn thì điều đó có vẻ trớ trêu, song, đó lại là một sự thực, đúng hơn là một ao ước mà nhiều người muốn noi theo và tìm cách thể hiện trong văn chương.
Vào khoảng những năm 1958-1959, có một cuộc thi viết chẳng những được dư luận trong bộ đội, mà còn khiến dư luận văn học nói chung chú ý, đó là cuộc thì Viết về đời sống bộ đội trong hoà bình. Tôi nhớ truyện ngắn Một ngày của Xuân Cang. Trong số các truyện dự thi hồi ấy, đây không phải một truyện ngắn xuất sắc (sau này không được giải), nhưng cũng sớm được ban giám khảo nhắc nhở. Lý do: tác giả đi vào một cách viết khác, cốt truyện không ly kỳ, gay cấn, mà chỉ đơn giản phác ra vài nét trong cuộc sống “một ngày” bình thường ở một đơn vị. Cố nhiên mặc dù viết về những cái bé nhỏ như vậy, nhưng các tác giả vẫn tìm được cách để nối liền nó với những vấn đề lớn lao, mà cả nền văn học quen biểu hiện.
Sở trường của truyện ngắn là khả năng nói tới những biến đổi, những bước ngoặt trong nhận thức cũng như tình cảm. Một chủ đề thường thấy ở truyện ngắn trước Cách mạng, là bóc trần thực chất một sự kiện, chỉ ra một điều nghịch lý. Ví như chỉ ra đằng sau những chuyện cảm động, là một cái gì rất nực cười, đằng sau cái cao cả là những tầm thường vô vị - tóm lại là một cách “lật tẩy”. Ngày nay, ở nhiều truyện ngắn viết sau Cách mạng, chúng ta chứng kiến một chiều nghĩ ngược lại: vạch ra cái vĩ đại sau cái bình thường, cái mới mẻ sau cái quen thuộc, hoặc chỉ rõ ở chỗ tưởng như chẳng có ý nghĩa gì, thì cũng là bao nhiêu ý nghĩa. Bình thường mà vĩ đại, đó là một nhận thức chi phối cảm hứng của bao nhiêu ngòi bút, và gợi ý cho bao nhiêu tác phẩm ra đời! Và trong tuyển tập từ Rẻo cao (Nguyên Ngọc -1959), qua Ông Bồng (Vũ Tú Nam - 1962) tới Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long - 1970), cái ý đó gần như là xuyên suốt. Như ở Ông Bồng chẳng hạn, viết về một ngày của một nhân vật bình thường, lúc đầu tác giả cố tỏ ra khách quan. Nhưng đến phần kết luận, anh không giấu nổi nữa, phải kêu lên: “Một ngày mới đang đợi chờ ông, với bao nhiêu hoạt động bình thường mà sôi nổi”. Lối đặt đầu đề của Nguyễn Thanh Long trong Lặng lẽ Sa Pa là một “động tác nghề nghiệp” nhiều nhà văn vẫn dùng. Bởi thực tế đời sống trong tác phẩm không lặng lẽ một chút nào cả. Và “hạt nhân cốt truyện” ở đây cũng là một cuộc gặp gỡ giữa những người không quen biết, để rồi ở mỗi người, cái nhận thức về ân nghĩa ân tình nói riêng, về cuộc đời tốt đẹp nói chung, thêm được khẳng định.
“Bao giờ cũng vậy, hễ một chuyện nguy hiểm qua rồi, thì chuyện đó trở thành chuyện vui”. Nguyễn Quang Sáng mở đầu mà cũng tóm tắt một  truyện ngắn của mình như vậy. Đây là một thứ “văn nghệ tự diễn” “trong nội bộ” những người anh hùng, câu chuyện có nghiêm túc, nguy hiểm, lại có tình cảm, vui, rộn rã, một ít tiếng cười. Phải đủ cả hai yếu tố phối hợp, như vừa phải “lặng lẽ”, vừa “sôi nổi”, vừa “vĩ đại”, vừa “bình thường”, vừa “ân nghĩa ân tình”, vừa “quyết tâm chiến đấu”. Những tác phẩm thành công là những trường hợp hai yêu cầu đó cùng được thực hiện.
Trong sáng giản dị như một đặc tính chủ yếu của  con người thời đại
Một trong những đặc điểm của truyện ngắn chúng ta là sự gắn liền giữa tác phẩm với các sự kiện lịch sử cụ thể. Mỗi truyện ngắn đọc xong ta đều thấy in lại một chút ảnh hưởng của hoàn cảnh mà nó ra đời. Hầu như mỗi giai đoạn lịch sử (như hoà bình lập lại, xây dựng đất nước sau hoà bình, đổi công hợp tác, vừa sản xuất vừa chiến đấu…) đều để lại dấu vết trong văn học. Một câu hỏi được đặt ra: đâu là sự gần gũi về mặt chủ đề cùng là sự gần gũi giữa các nhân vật ở một truyện giàu chất thơ như Rẻo cao, với một truyện ngắn bày ra một thực tế ngổn ngang, bề bộn và cách viết cũng tự do như Mùa lạc? Giữa truyện Ông Bồng, nơi tác giả cố tìm ra một cách viết mộc mạc, với những truyện rộn rã tiếng xe, tiếng súng, mà con người lại rất tài hoa, thơ mộng, như ở Mảnh trăng cuối rừng?
Chúng ta thường đi tìm các cảm hứng chủ đạo ở các truyện gần gũi nhau. Nhưng nếu đi xa hơn, chúng ta sẽ thấy cái chỗ chung nhau, gần gũi về mặt chủ đề của các truyện: khẳng định mối quan hệ giữa người với người là rất tốt đẹp. Mọi người đều hiểu đúng về nhau, thế giới hiện ra đầy chất thơ, tất cả đều thuận lý mà không có gì ngang trái. Mỗi thành quả của ngày hôm nay là do đóng góp của ngày hôm qua, người đang sống phải biết ơn người đã hy sinh, người đi sau phải nhớ tới những người đi trước - ta đọc được nội dung của ân nghĩa ân tình như vậy, qua Mùa cá bột. Sau này, ở một tác phẩm như Cái lạt của Vũ Thị Thường, người đọc có thoáng cảm thấy như tác giả muốn đặt vấn đề theo kiểu khác, là sao để ân nghĩa ân tình khỏi biến thành một sự ràng buộc, nó tước bỏ đi ở người ta khả năng phản ứng đúng đắn trước mọi hiện tượng đời sống? Nhưng, một là, điều đó chỉ chứng tỏ ân nghĩa ân tình là một vấn đề đã ăn rất sâu vào cách sống, cách làm việc của chúng ta; hai là, ở đoạn cuối câu chuyện, xu hướng của nhân vật là muốn tiếp tục giữ lấy ân nghĩa ân tình như cũ. Trong thâm tâm, cả tác giả lẫn nhân vật vẫn nghĩ, đó là những gì tốt đẹp nhất trong con người, nên cần phải biết hết sức trân trọng.
Sống trong một xã hội mà quan hệ giữa người với người được hiểu tốt đẹp như vậy, thì khía cạnh tính cách được các tác giả truyện ngắn của chúng ta nâng niu hơn cả, là sự trong sáng, hồn nhiên tự nhiên. Cái bình thường trên kia vừa nói, cái bình thường được đề cao hơn hết, là cái bình thường giản dị. Dù hiện ra qua những cách viết khác nhau, rút cục, các nhân vật của Vũ Tú Nam, Nguyên Ngọc, Kim Lân, Nguyễn Kiên… đều nhất trí với nhau ở điều ấy. Cả nhân vật Đào trong Mùa lạc của Nguyễn Khải từng lăn lộn buôn bán, tới đâu là nhà, ngả đâu là giường, ba chìm bảy nổi, tưởng chả còn biết hy vọng là gì, khi đến mảnh đất Điện Biên, lại như trẻ lại, dễ dàng, mau mắn với niềm tin trong sáng như mọi người lao động thuần khiết khác. Càng ngày (nhất là trong những năm chiến tranh), dòng nhân vật này càng được bổ sung. Nếu cần lấy một người nữa để làm mẫu, thì có thể đơn cử đại đội trưởng Huỳnh ý Tiên trong Người cầm súng của Lê Lựu. Đây cũng lại là một sự trớ trêu nữa: Nhân vật có cái tên khá hoa mỹ này (cũng như Lưu Hoài Chung trong Chuyện kể từ đêm trước của cùng một tác giả), rất trong sáng, rất đơn giản. Anh chiến đấu như con người ta sống phải ăn, phải uống. Anh luôn giữ được cái vẻ mộc mạc, thuần phác, luôn bằng lòng với cuộc sống còn vất vả. Chiến đấu rất anh dũng, nhưng anh lại không bao giờ thích ai hỏi han những mong cắt nghĩa tại sao anh lại có những phẩm chất tốt đẹp đó. “Chán bỏ mẹ, nó đến thì đánh, phải đánh thắng. Tất nhiên thế, còn hỏi nữa”. Đến lượt mình, tác giả Lê Lựu cũng hoàn toàn tự bằng lòng; trong cách diễn tả câu chuyện, anh không bao giờ tỏ ý phân vân trước mặt tính cách mộc mạc trên đây của Huỳnh ý Tiên. Ngược lại, anh còn cảm thấy hỉ hả, khi rút lại, mọi chuyện chỉ có thế. Sự gần gũi giữa nhân vật với tác giả cũng là một đặc điểm trong nhiều sáng tác của chúng ta, chứ không phải riêng ở truyện ngắn.
Nhận xét cuối cùng
“Sự nghiệp giải phóng dân tộc  của cuộc Cách  mạng tháng Tám  có một phía  thứ hai là giải phóng cho con người“. ”Cuộc chiến đấu của nhân dân lao động  đã đúc nặn  được một con người  mới.” Nguyễn Đình Thi đã viết như vậy trong tiểu luậnXây dựng con người (in trong Mấy vấn đề văn học. 1958, tr 31 ).
Có thể nói nhiều sáng tác của chúng ta suốt mấy chục năm  chiến tranh được viết dưới ánh sáng của tư tưởng chủ đạo đó. Có người sẽ bảo những con người được miêu tả trong các trang sách mới hiện ra dưới dạng những mầm mống mới và sự thay đổi của họ chưa vững chắc. Thậm chí còn có thể nói đó là những con người chúng ta muốn hơn là có thực. Song phải ghi nhận là cái định hướng nghệ thuật này dẫu sao cũng đã được cả mấy thế hệ nhà văn Việt Nam thực hiện, để làm nên nét mới của văn học Việt Nam sau 1945, và những cố gắng liên tục như trên còn cần được tìm hiểu và lý giải.
1978
Vương Trí Nhàn
Theo https://vuongtrihai.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...