Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Bước lùi thế kỷ về Nam phong - Phạm Quỳnh

Bước lùi thế kỷ về 
Nam phong - Phạm Quỳnh
Nếu tính từ Phê bình và cảo luận của Thiếu Sơn (1933) đến Giải thưởng Phan Châu Trinh (2018) thì việc nghiên cứu về Nam Phong và Phạm Quỳnh đã thụt lùi đúng 85 năm, lấy tròn, là Một Thế Kỷ. Đó là kết luận rút ra khi đọc lại công trình của GS. Nguyễn Văn Trung gồm hai tập: Chủ đích Nam Phong và Trường hợp Phạm Quỳnh, xuất bản ở Sài Gòn đầu năm 1975. Ngay ở Lời tựa của GS. Nguyễn Văn Trung đã thể hiện điều đó.
Chúng tôi tán thành quan điểm của các bạn đồng nghiệp ở Tủ sách “Tìm về dân tộc” và của GS. Nguyễn Văn Trung. Vì vậy trước khi lược thuật công trình trên, chúng tôi xin giới thiệu tuyên ngôn của Tủ sách “Tìm về dân tộc” và Lời tựa của tác giả được viết vào mùa hè 1972 tại Sài Gòn.
Theo tinh thần Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở VN, hòa hợp hòa giải dân tộc là cơ sở giải quyết mọi tranh chấp đố kỵ. Muốn thực hiện tốt đường lối trên, cần phải tìm hiểu những nguyên nhân chia rẽ, phân hóa, mâu thuẫn, không phải chỉ từ chuyện quyền lợi mà cả từ chuyện tư tưởng. Sự can thiệp và thống trị của ngoại bang đã góp phần rất lớn vào việc tạo ra, duy trì và phát triển những mâu thuẫn thông qua những luận điệu, chiến lược đầu độc tinh thần, hoặc trắng trợn thô bạo hoặc tinh vi tế nhị.
Dĩ nhiên chỉ những thay đổi điều kiện vật chất mới thực sự tạo điều kiện giải độc, giác ngộ và do đó thực hiện được hòa hợp hòa giải, nhưng khêu gợi ý thức, phân tách mổ xẻ về tư tưởng lại chính là công tác chuẩn bị cho việc giải độc, giác ngộ trên.
Trong viễn tượng đó, tủ sách “Tìm về dân tộc” nhằm tìm hiểu, phê phán những luận điệu gây chia rẽ, mâu thuẫn, nhất là những luận điệu, tư tưởng xuất phát từ những chiến lược đầu độc của ngoại bang thống trị hàng thế kỷ trên đất nước này, đã từ lâu xâm nhập vào đời sống hàng ngày, liên quan đến mọi giới, đặc biệt giới được ăn học, thông qua sách báo, sinh hoạt văn chương, văn hóa, khoa học, chương trình giáo dục…
Tìm hiểu, phê phán theo quan điểm dân tộc và đó là quan điểm của mọi người VN…
Lời tựa
Trước khi đi vào bộ sách này, chúng tôi xin xác nhận với các bạn đọc rằng nếu vấn đề chỉ là Nam Phong hay Phạm Quỳnh, chúng tôi đã không tổn công và thời giờ để viết hẳn một bộ sách, vì tự bản thân, Nam Phong không đáng cho chúng tôi bận tâm đến thế.
Nhưng từ câu chuyện Nam Phong, trường hợp Phạm Quỳnh, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề quan trọng đặt ra như vấn đề quan điểm nghiên cứu, giảng dạy và biên soạn văn học sử Việt Nam, nhất là thời kỳ cận đại, hiện đại, vấn đề thái độ của trí thức trước thời cuộc.
Do đó, tuy mục tiêu cuốn sách này là tìm hiểu chủ đích Nam Phong nhưng thực ra việc tìm hiểu đó chỉ là phương tiện để phê bình một quan điểm phê bình, là mục đích của cuốn sách.
Ý định của chúng tôi là muốn nhấn mạnh vào đòi hỏi phải có một quan điểm chính trị khi viết văn học sử, phê bình văn học thời kỳ cận đại, hiện đại (thời Pháp thuộc). Thật ra hầu hết những nhà văn học sử hiện nay ở miền Nam đều ít nhiều chấp nhận lối nhìn chính trị về văn học sử thời kỳ này, nhưng vì chưa có một ý thức chính trị rõ rệt, dứt khoát về sự lựa chọn quan điểm trên nên đã không đi đến cùng, không lô-gíc với chính mình, do đó đã rơi vào thái độ mà chúng tôi gọi là “nhập nhằng” đưa tới một hiểu biết lệch lạc về văn học thời kỳ này.
Chúng tôi đã chọn Nam Phong vì coi nó như một trường hợp điển hình hơn cả về sự gắn bó mật thiết giữa văn học và chính trị trong lịch sử văn học thời kỳ cận đại, hiện đại và vì những hiểu biết lệch lạc sai lầm do thiếu một quan điểm chính trị dứt khoát cũng thật rõ rệt.
… Ông Nguyễn Trần Huân, trong bộ văn học sử bằng tiếng Pháp của ông cho rằng, bàn về con người chính trị của Phạm Quỳnh, về Nam Phong, công cụ chính trị của Pháp là lỗi thời vì chỉ có điều chắc chắn là sự nghiệp lớn lao về văn học của Nam Phong, Phạm Quỳnh. Nhưng chính ông Huân và những người còn nghĩ như ông, đối với các thế hệ trẻ, mới là hạng người lỗi thời!
Tuy nhiên, những nhà biên khảo, giáo sư Việt văn lớn tuổi, bị coi là lỗi thời vẫn còn đó và tiếp tục viết, giảng dạy trong một thời gian lâu dài nữa; những cố gắng tìm kiếm, suy luận dưới đây của một đồng nghiệp có thể được các vị trên “chiếu cố” và nhờ đó, duyệt xét lại những ý nghĩ, quan điểm của mình.
Trong ý định đó, chúng tôi gửi đến các vị trên tập biên khảo này, nhất là những vị mà chúng tôi đã đề cập tới.
Bộ sách này được chia thành hai tập. Tập đầu gồm hai chương. Trong chương đầu, chúng tôi phê bình những luận điệu quen thuộc về Nam Phong và Phạm Quỳnh. Trước năm 1946, Thiếu Sơn, Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan là những người đầu tiên đề cao vai trò của Nam Phong trong một lối nhìn phi chính trị, thuần túy văn chương. Một người (ông Hàm) vì phải soạn sách giáo khoa theo chương trình Pháp ấn định, còn hai người vì quan niệm thuần túy văn chương nên đã né tránh, bỏ qua không nói gì đến xuất xứ, chủ đích của tác phẩm, tác giả.
Ngày nay, những soạn giả không còn bị kẹt vì ách thực dân nên đã có thể tìm bối cảnh lịch sử, xác định xuất xứ để giải thích, phê bình tác phẩm, tác giả. Nhưng điều lạ là những soạn giả này vẫn giữ lại luận điệu cũ của ba vị kể trên mặc dầu đã nhấn mạnh vào liên hệ giữa chính trị và văn học trong thời kỳ Pháp thuộc. Sở dĩ những soạn giả này không đi tới một giải thích nhất trí với lối nhìn của mình là vì chưa có một ý thức chính trị rõ rệt và dứt khoát về sự lựa chọn quan điểm nhìn của mình. Trong chương một, chúng tôi sẽ vạch ra những mâu thuẫn, bất nhất với chính mình của những soạn giả đó.
Chủ trương gắn liền chính trị với văn học để hiểu một cách nghiêm chỉnh văn học thời cận đại, hiện đại không phải vì thích đưa chính trị vào văn học nhưng chỉ vì thực tế văn học là chính trị, vì văn học đã bị chính trị hóa, nên không thể hiểu đứng đắn thứ văn học bị chính trị hóa đó bằng một cái nhìn phi chính trị.
Nói rằng văn học gắn liền với chính trị, bị chính trị hóa cũng không phải là đưa ra những quả quyết do suy luận nhưng là căn cứ vào bằng chứng lịch sử.
Trong chương hai, căn cứ vào hồ sơ hành chánh của nhà cầm quyền thực dân mà chúng tôi được biết, bạn đọc sẽ thấy rõ chủ đích chính trị của Nam Phong là gì và tạp chí do ai thực sự chủ trương, điều khiển.
Từ sự kiện Nam Phong là một cơ quan tuyên truyền chính trị trên lãnh vực văn học và là một cơ quan của Pháp, chúng ta phải rút ra những kết luận nào về văn học sử và chương trình giáo dục?
Trong tập hai, chúng tôi sẽ nói đến ba vấn đề:
1) Sự thống nhất về quan điểm, chủ đích chính trị trong toàn bộ những bài biên khảo đăng trong Nam Phong.
2) Xác định một cách khoa học cái vẫn được gọi là “Thành quả bồi bổ chữ Quốc ngữ và Quốc văn của Nam Phong”.
3) Tìm hiểu thái độ chính trị của Phạm Quỳnh và con người trí thức Phạm Quỳnh. Khách quan, Phạm Quỳnh là một tay sai chính trị, tay sai văn hóa của thực dân. Đó là một sự thực lịch sử. Nhưng chủ quan, Phạm Quỳnh nhận định thế nào về hành động của mình và có thể đưa ra những lý do gì biện hộ cho mình?
Sau cùng, chúng tôi muốn có đôi lời với Linh mục Thanh Lãng và gia đình Phạm Quỳnh. Với LM Thanh Lãng, chúng tôi xin bày tỏ sự cảm phục thái độ trí thức của ông tạo dịp cho chúng tôi được nói và giảng dạy về vấn đề này trong một lớp học thuộc một ban do ông phụ trách (ban Việt Văn tại trường Đại học Văn khoa Saigon) với một lập trường khác với lập trường của mình để chứng minh một cách cụ thể trước mắt sinh viên sự tự do tìm kiếm giảng dạy như một điều kiện của tiến bộ, đồng thời như một biểu lộ của tinh thần đại học đích thực.
Với gia đình Phạm Quỳnh, chúng tôi xin hiểu ý định của chúng tôi không phải là nhằm Phạm Quỳnh cá nhân của một gia đình, nhưng Phạm Quỳnh, một nhân vật xã hội thuộc công luận, lịch sử dân tộc, lịch sử văn học.
Chúng tôi có trách nhiệm và bổn phận, ở cương vị một nhà biên khảo, một nhà giáo phải nói lên những sự thực lịch sử về phương diện khách quan (hành động và tác dụng khách quan của một hành động). Chúng tôi không thể làm khác được. Vả lại, nếu chúng tôi không nói thì người khác cũng nói và nói một cách không dè dặt khôn ngoan. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ cố gắng tìm hiểu về phương diện chủ quan để tránh sự trách móc như của một độc giả (ông Đỗ Lăng. Xem vụ án truyện Kiều. Của tác giả in roneo, phổ biến giới hạn), cho rằng không thể hiểu được Phạm Quỳnh vì đã không đứng ở quan điểm Phạm Quỳnh. Chúng tôi làm việc nghiên cứu, giảng dạy và chỉ muốn tìm hiểu sự thực ở mọi phương diện. Tìm được gì thì nói lên trong tinh thần khiêm tốn sẵn sàng đón nhận những ánh sáng mới và duyệt lại những ý nghĩ, quan điểm mình miễn là ánh sáng đó cũng phát xuất từ một tinh thần nghiên cứu và yêu chuộng sự thật trên bình diện nhận thức.
Sau cùng chúng tôi xin cảm tạ ông Tạ Trọng Hiệp, ông Huỳnh Văn Tòng đã tìm kiếm giùm tài liệu, ông Nguyễn Châu đã lược dịch những tài liệu, và nhất là cụ Bùi Hữu Sủng đã đọc trước bản thảo và góp ý với chúng tôi.
Dư luận về Phạm Quỳnh - Nam Phong từ 2001 đến nay ở các diễn đàn Văn học và Sử học lặp lại in hệt tình hình ở miền Nam trước đây gần nửa thế kỷ mà GS. Nguyễn Văn Trung đã đặt ra và giải quyết thấu đáo trong công trình gồm 2 tập Chủ đích Nam Phong và Trường hợp Phạm Quỳnh như đã giới thiệu ở kỳ trước. 
Chủ đích Nam Phong gồm có hai chương, xin lược trích một số đoạn của Chương I để bạn đọc hình dung được vấn đề:
Phê bình một quan điểm phê bình
Trong chương mở đầu này, chúng tôi trình bày quan điểm quen thuộc của nhiều nhà biên khảo Văn học sử từ trước tới nay vẫn coi Nam Phong chỉ là một tạp chí văn học, do Phạm Quỳnh chủ trương nhằm phục vụ những mục đích văn học như phổ biến tư tưởng, khoa học Tây phương, bồi bổ quốc văn và vì thế đề cao công lao của Nam Phong, Phạm Quỳnh.
Chúng tôi chia những nhà biên khảo trên thành hai loại:
1/ Những người như Thiếu Sơn, Vũ Ngọc Phan, Dương Quảng Hàm trước 1945 đã không xét đến bối cảnh lịch sử của văn học nên không thấy được những liên hệ chính trị của tạp chí. Tuy nhiên, dù sao họ không mâu thuẫn với lối nhìn phi lịch sử, phi chính trị của họ.
2/ Trái lại, nhiều nhà biên soạn sau 1954 đã biết đặt Nam Phong vào bối cảnh lịch sử của nó. Nhưng lại bỏ quên, không liên hệ bối cảnh đó với việc phân tách nội dung Nam Phong, cho nên cũng chỉ thấy Nam Phong như một hiện tượng văn học, nghĩa là hiểu lệch lạc về tính chất thực sự của tạp chí đó.
Chúng tôi sẽ nêu lên tính cách bất nhất mâu thuẫn của những nhà biên khảo sau, giữa sự lựa chọn một quan điểm lịch sử chính trị để tìm hiểu văn học ở khởi điểm, trên nguyên tắc, và sự bỏ quên áp dụng lối nhìn đó trong khi phân tích trình bày văn học và thử tìm hiểu những nguyên nhân giải thích thái độ bất nhất trên.
Từ thái độ bất nhất của các vị đó, chúng tôi đưa ra một đòi hỏi có tính cách lý thuyết khi biên soạn Văn học sử, hoặc là đứng ở quan điểm phi lịch sử hay lịch sử; nếu đã chọn đứng ở quan điểm lịch sử để tìm hiểu Văn học sử Việt Nam, nhất là thời cận đại, hiện đại phải chú ý đến hoàn cảnh nền tảng của văn học Việt Nam! Sự kiện mất nước, lệ thuộc ngoại bang hoặc sự kiện chuyên chính bản xứ, trong cả hai trường hợp văn học đều bị chính trị hóa và do đó văn học phải chịu sinh hoạt trong một tình cảnh bất bình thường. Trên cơ sở đó, phải nhìn văn học như một trận tuyến tranh đấu chính trị giữa ngoại bang thống trị hoặc chuyên chính bản xứ và những phong trào, cá nhân chống đối và do đó phân biệt hai dòng văn học: công khai, hợp pháp và bí mật, bất hợp pháp…
Trong trận tuyến tranh đấu chính trị trên bình diện văn học đôi khi địch (thực dân đế quốc) đoạt lấy chính nghĩa quốc gia của ta và biến thành chiêu bài có thể lừa bịp được một số người, nhất là các người làm văn học. Một trong những chiêu bài trên gọi là “Chủ nghĩa quốc gia bằng ngôn ngữ”. Một lý thuyết bảo vệ quốc gia bằng ngôn ngữ, coi việc duy trì được ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc qua một số tác phẩm văn chương tiêu biểu như một đường lối yêu nước và cứu nước thích hợp hơn cả trong hoàn cảnh mất nước. Luận điệu trên lừa bịp ở chỗ đáng lẽ ngôn ngữ, văn chương chỉ được coi như phương tiện khêu gợi lòng yêu nước, thức tỉnh tình tự dân tộc đưa tới hành động tranh đấu cứu nước thực sự, thì lại được coi như thay thế cho hành động tranh đấu.
Thực ra ngôn ngữ, văn chương cũng không được coi như phương tiện khêu gợi lòng yêu nước vì làm như thế đã là một hành động yêu nước rồi. Trái lại, bồi bổ chữ quốc ngữ được Phạm Quỳnh trình bày như một đường lối yêu nước, cứu nước, chỉ là làm sao cho tiếng Việt giàu thêm từ ngữ, chải chuốt hơn về lời văn, mà không cần chú ý đến nội dung từ ngữ, lời văn, vì điều cốt yếu chỉ là làm sao cho văn chữ quốc ngữ được lưu loát, phong phú, kể cả bằng cách ca tụng thực dân, mạt sát cách mạng.
Những luận điệu quen thuộc
Đọc những sách biên khảo Văn học sử tiêu biểu và thông dụng từ 30 năm nay chương liên quan đến Nam Phong và Phạm Quỳnh, chúng tôi thấy hầu như tất cả tác giả những bộ sách trên đều nhất trí với nhau về vấn đề Nam Phong và trường hợp Phạm Quỳnh. Kẻ nói ít người nói nhiều, nhưng không nói khác nhau như thể mọi sự đã rõ, một cách hiển nhiên, không còn thắc mắc, bàn cãi. Nam Phong là một tạp chí văn học, do Phạm Quỳnh chủ trương, và đã có công lớn bồi đắp chữ quốc ngữ trong thời kỳ phôi thai… Từ 30 năm nay, những người viết Văn học sử vẫn kế tiếp nhau viết như thế và cũng thay nhau giảng dạy như thế trong các lớp Việt văn ở trung học và đại học.
Quan điểm chung, hầu như chính thức cho đến nay về Phạm Quỳnh và Nam Phong là quan điểm tách chính trị ra khỏi văn học, như thể khi Phạm Quỳnh làm văn học, ông thực sự đã chỉ biết làm văn học mà thôi. Nói cho đúng, trong số những nhà viết Văn học sử nhất trí về điểm tách chính trị khỏi văn học, thật ra có thể chia thành hai hạng. Một hạng biên khảo bỏ quên hẳn không thèm để ý đến chính trị, chẳng hạn không tìm hiểu trình bày hoàn cảnh lịch sử lúc đó.
… Gác bỏ chính trị hoặc không để ý đến chính trị, nên các vị biên khảo này chỉ còn thấy Phạm Quỳnh chủ bút tạp chí, và do đó cho rằng Phạm Quỳnh chủ trương chủ động mọi sự, chọn viết về đề tài này, dịch giới thiệu tác giả kia, và làm những việc biên khảo đó chỉ nhằm mục đích thuần túy văn học. Dĩ nhiên các vị biên khảo này cũng chỉ để ý đến những bài văn học trong tạp chí, và bỏ qua những bài giới thiệu, bình luận về những bài diễn văn của Toàn quyền, Thống sứ, và nhất là bỏ qua mục Thời đàm. Đó là chính trị, không đáng kể, không cần xét tới…
Hạng biên khảo thứ hai trái lại không quên hẳn chính trị. Chẳng hạn có để ý tìm hiểu và giới thiệu khung cảnh chính trị của tạp chí: nào là đường lối của các nhà nho yêu nước, nào là chính sách về văn hóa, báo chí của thực dân Pháp; ngoài ra cũng còn nhìn nhận tạp chí Nam Phong do Pháp sáng lập, chủ trương, nhưng khi đi vào phần phân tách nội dung Nam Phong, đặc biệt các bài của Phạm Quỳnh, người đọc không nhận thấy những chính sách chủ trương của Pháp đâu cả, và chỉ còn thấy những ý nghĩa văn học hay một Phạm Quỳnh làm văn học mà thôi.
Những nhà biên khảo này như những nhà biên khảo trên cũng chỉ để ý đến những bài về văn học, và bỏ qua những bài về chính trị trình bày, tuyên truyền những quan điểm, đường lối của quan Toàn quyền, nhà nước bảo hộ, hay mục Thời đàm.
… Trước khi nhận định về lối nhìn, quan điểm của những nhà biên khảo này, chúng tôi muốn giới thiệu mấy tác giả tiêu biểu:
Thiếu Sơn – Dương Quảng Hàm – Vũ Ngọc Phan.
Trong “Phê bình và Cảo luận” xuất bản năm 1933 ở Hà Nội, Thiếu Sơn đã đề cao vai trò của Nam Phong và Phạm Quỳnh trong việc truyền bá văn hóa Đông Tây bằng công trình biên khảo, dịch thuật:
“… Nên chi những công trình về văn học, triết học của Âu châu và nhất là của nước Pháp, ông diễn dịch ra quốc văn rất nhiều, mà dịch thật đúng, thật hay, vừa biết tôn trọng cái nguyên ý của tác giả lại vừa dựa theo cái giọng điệu của quốc văn.
Bởi muốn mưu cái công cuộc mới mẻ đó, mà cái tiếng nói bản quốc còn nghèo nàn túng thiếu quá, nên ông lại phải lo tài bồi cho quốc văn, mượn những danh từ triết học khoa học của tiếng Tây tiếng Nhật cho nhập tịch vào quốc ngữ để có thể diễn thuật được những cái mà tiếng Nôm ta không đủ để gọi ra… cái công phu trước tác của ông, ích cho quốc dân không phải là nhỏ mà ảnh hưởng đối với dân chúng cũng thiệt là sâu. Có nhiều người không biết đọc văn Tây văn Tàu, chỉ nhờ Nam Phong hun đúc mà cũng có được cái trí thức phổ thông, tạm đủ sinh hoạt ở đời. Có nhiều ông đồ nho chỉ coi Nam Phong mà cũng biết được đại khái những văn chương học thuật của Tây phương. Có lắm ông đồ chỉ coi Nam Phong mà cũng hiểu qua được cái tinh thần văn hóa của Đông Á. Ở Hà Tiên lâu nay có một cái đoàn thể học vấn kêu là “Trí Đức Học Xá” chỉ chuyên học quốc văn, người chủ trương đó là ông Đông Hồ Lâm Tấn Phát, thường chỉ lấy Nam Phong làm cơ quan để đăng những bài luận văn của mình” (trang 19-20).
Trong câu chuyện tâm sự với chúng tôi, ông Thiếu Sơn thường thú nhận hồi đó có cảm phục Phạm Quỳnh, nhưng từ sau 1945, ông đã giác ngộ và thay đổi ý kiến, tuy nhiên một số soạn giả hiện nay vẫn dựa vào ý kiến trước đây của ông để tiếp tục đề cao Nam Phong, Phạm Quỳnh.
Trong “Việt Nam Văn học sử yếu”, ông… Dương Quảng Hàm không đả động gì đến nguồn gốc, bối cảnh lịch sử Nam Phong. Điều đó cũng dễ hiểu, ông soạn bộ Văn học sử này trong thời Pháp thuộc (xuất bản năm 1941), theo chương trình do người Pháp ấn định (1), nên dù ông có biết những chủ đích chính trị của Pháp, ông cũng không thể nói ra được. Do đó chỉ thấy ông trình bày Nam Phong như một tạp chí xuất bản được 17 năm và ra được 210 số nhằm hai mục đích: “đem tư tưởng học thuật Âu Á diễn ra tiếng ta cho những người không biết tiếng Pháp hoặc chữ Hán có thể xem mà lĩnh hội được, luyện tập quốc văn cho nền văn ấy có thành lập được. Muốn thực hiện bản chương trình ấy, các nhà biên tập tạp chí Nam Phong làm các việc sau này:
1- Viết các bài khảo cứu về triết học, khoa học văn chương, lịch sử của Á Đông và của Âu Tây.
2- Dịch các tác phẩm về triết học, văn học nguyên viết bằng chữ Nho hoặc chữ Pháp.
3- Sưu tầm các thơ văn cổ của nước ta.
4- In các sách cũ của nước ta.
Tạp chí Nam Phong đã có ảnh hưởng về hai phương diện:
1- Về phương diện văn tự, tạp chí ấy đã:
a) Sát nhập vào tiếng ta nhiều danh từ triết học khoa học mới mượn ở chữ Nho.
b) Luyện cho tiếng ta có thể diễn dịch được các lý thuyết, các ý tưởng về triết học, khoa học mới.
2- Về đường học vấn, tạp chí ấy đã:
a) Phổ thông những điều yếu lược của học thuật…Âu Tây.
b) Diễn đạt những điều đại cương trong các học thuyết cũ của Á Đông (Nho học, Phật học) và bảo tồn những điều cốt yếu trong văn học cũ của nước ta (văn chương, phong tục, lễ nghi) (2).
Về Phạm Quỳnh, ông Dương Quảng Hàm cho rằng “đã có công dịch thuật các học thuyết của Thái Tây và luyện cho tiếng Nam có thể đạt được cái ý tưởng mới”.
Vào thời kỳ 1941, Vũ Ngọc Phan viết bộ…“Nhà văn hiện đại”. Cũng chủ trương một thái độ thuần túy văn chương như Thiếu Sơn, Vũ Ngọc Phan cho rằng phê bình không cần xét đến thân thế, cuộc đời tác giả, bối cảnh lịch sử mà chỉ chú ý đến tác phẩm và trọng tác phẩm, đặc biệt chú ý đến câu văn (văn hay hoặc dở, cốt truyện khéo hay vụng, có đúng văn phạm hay không…). Với một thái độ phi chính trị như thế nên dĩ nhiên trong tập 1, phần bàn về Phạm Quỳnh, Vũ Ngọc Phan không nói gì đến bối cảnh lịch sử của Nam Phong và con người…Phạm Quỳnh…
Sau khi đã nhận xét về lối văn dịch thuật, biên khảo, phê bình của Phạm Quỳnh, Vũ Ngọc Phan kết luận về công lao Phạm Quỳnh: “Cái công Phạm Quỳnh khai thác lúc đầu cho nền quốc văn có ngày nay, thật là một công không nhỏ. Văn ông, ai cũng phải nhận là hùng, là dồi dào, thường thường lại có cái giọng thiết tha kêu gọi, nhưng vẫn có nhiều người kêu ông dùng nhiều chữ Nho quá làm cho câu văn hóa nặng nề cả những khi diễn những tư tưởng nhẹ nhàng. Trong mười sáu năm chủ trương tạp chí Nam Phong, ông đã xây đắp cho nền móng quốc văn được vững vàng bằng những bài bình luận và khảo cứu rất công phu, mà từ Bắc chí Nam, người thức giả đều phải lưu tâm đến. Nhiều người thanh niên trí thức đã có thể căn cứ vào những bài trong Nam Phong tạp chí để bồi bổ cho cái học còn khuyết điểm của mình. Thậm chí có người đã lấy Nam Phong làm sách học mà cũng thâu thái được tạm đủ tư tưởng học thuật Đông Tây. Muốn hiểu những vấn đề về đạo giáo, muốn biết văn học sử cùng học thuật tư tưởng nước Tàu, nước Nhật, nước Pháp, muốn đọc thi ca Việt Nam từ đời Lý Trần cho đến nay, muốn biết thêm lịch sử nước Nam, tiểu sử các đấng danh nhân nước nhà, muốn am hiểu các vấn đề chính trị – xã hội Âu Tây và cả những học thuyết của mấy nhà hiền triết cổ La Hy chỉ đọc kỹ Nam Phong là có thể hiểu biết được.
Một người chỉ biết đọc quốc ngữ mà có khiếu thông minh có thể dùng tạp chí Nam Phong để mở mang học thức của mình. Nam Phong tạp chí sau Đông Dương tạp chí bốn năm, nhưng sống lâu hơn và ở vào một thời thích hợp hơn nên ảnh hưởng về đường văn chương đối với quốc dân Việt Nam đã to tát hơn nhiều. Nam Phong tạp chí được rực rỡ như thế vì cũng được người chủ trương là một nhà văn học vấn đã uyên bác, lại có biệt tài, có lịch duyệt. Thật thế, Phạm Quỳnh là một nhà văn có thể bàn luận một cách vững vàng và sáng suốt bất cứ về vấn đề gì từ thơ văn cho đến triết lý, đạo giáo cho đến chính trị – xã hội, không một vấn đề nào là ông không tham khảo tường tận trước khi đem bàn trên mặt giấy.
Trong lịch sử văn học hiện đại, người ta sẽ không thể nào quên được tạp chí Nam Phong, vì nếu ai đọc toàn bộ tạp chí này cũng phải nhận là rất đầy đủ, có thể giúp cho người học giả một phần to tát trong việc soạn một bộ bách khoa toàn thư bằng quốc văn.
Nói như vậy không có gì là quá đáng vì nếu đem so tạp chí Nam Phong với những tạp chí xuất bản ở Pháp trong mấy năm gần đây như Revue de Paris, Grande Revue, Mercure de France, Nouvelle Revue Francaise, người ta sẽ thấy những tạp chí này đều thiên về một mặt văn học, thêm ít nhiều triết học và khoa học, còn không một tạp chí nào lại tham khảo được cả học thuật tư tưởng Đông Tây và chuyên cả về việc khảo cứu cùng biên tập thơ văn cổ kim như Nam Phong tạp chí. Mà những công việc này rất là đều đặn ở mỗi nhà văn, như Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật, người ta cũng có thể rút được vài ba bộ sách có giá trị trong số những bài các ông đã biên tập trong Nam Phong.
Từ 1933 trở đi, tức là từ ngày Phạm Quỳnh thôi không chủ trương tạp chí Nam Phong nữa, tạp chí này mỗi ngày một sút kém, một non nớt, các bài văn học giá trị, các bài biên tập công phu không còn có nữa. Con mắt của chủ nhân đã vắng, nên tạp chí cứ lùi dần vào bóng tối cho đến ngày đình bản. Như vậy lại càng tỏ ra rằng một người có văn tài đứng chủ trương một cơ quan văn học tức là hồn của cơ quan văn học ấy, cũng như Phạm Quỳnh là hồn của tạp chí Nam Phong thuở xưa” (3).
Sở dĩ chúng tôi trích dẫn dài dòng Vũ Ngọc Phan là vì nghĩ rằng lối nhìn và đánh giá Nam Phong, Phạm Quỳnh của Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan đã trở thành khuôn mẫu cho những người đi sau. Những người này không nói gì khác hơn là nhắc lại những điều mà chính Dương Quảng Hàm và nhất là Vũ Ngọc Phan đã nói.
1) Chương trình trung học 1939 do Phạm Quỳnh ấn định với tư cách chủ tịch Hội đồng ban Việt văn và Thượng thư Bộ Giáo dục. Nha học chính Đông Pháp ủy cho Dương Quảng Hàm, giáo sư trường bảo hộ soạn và in.
2) Chương thứ 4, trang 414, bản in của Bộ Giáo dục.
3) Nhà văn hiện đại, Q.1, trang 127. NXB Vĩnh Thịnh, Hà Nội – 1951
Lê Vĩnh Trường
NguồnTuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 515 - 516

Theo http://tuanbaovannghetphcm.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...